Hôm nay 350
Hôm qua 580
Tuần này 3741
Tháng này 18628
Tất cả 5040222
Browser   (Today) Chi tiết >>
TIN TỨC, SỰ KIỆN
10 sự kiện công nghệ nổi bật tại Việt Nam trong năm 2019

Nhìn lại một năm 2019, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng khi những dự án ICT tưởng như xa vời như ứng dụng 5G, thủ tục hành chính online, mạng xã hội do người Việt thành lập... đã thành hiện thực và từng bước làm thay đổi cuộc sống của người dân. Còn nhớ vào năm ngoái, nhiều người còn chẳng biết "Cách mạng Công nghiệp thứ Tư" là gì, thì nay, công nghệ 4.0 đã tới từng ngõ hẻm và gõ cửa mọi gia đình người Việt. Bên cạnh những điểm sáng về phát triển Công nghệ thông tin, thì bức tranh ICT Việt Nam trong năm 2019 cũng không thiếu đi một số gam màu tối, khiến chúng ta phải trăn trở, lo lắng mỗi khi nhắc tới. Nhân dịp năm cũ sắp khép lại, mời bạn đọc cùng Dân trí điểm lại 10 sự kiện nổi bật nhất trong làng ICT tại Việt Nam trong năm vừa qua.

            1. Bộ Chính trị ra Nghị quyết 52 - định hướng cho chuyển đổi số Việt Nam

Bức tranh ICT Việt Nam năm 2019 nổi bật với điểm nhấn là tiến trình Việt Nam hội nhập Cách mạng Công nghiệp 4.0 được Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành liên quan đẩy mạnh.

Ngày 27/9/2019, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết 52/NQ-TW về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", nhằm nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả hơn nữa các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội.

Nghị quyết chú trọng thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên Khoa học - Công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN; Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã; Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm.

2. Luật an ninh mạng chính thức có hiệu lực

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế cơ bản trong công tác triển khai an ninh mạng để góp phần bảo vệ an ninh quốc gia trên môi trường mạng, vào ngày 1/1/2019, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật An ninh mạng , gồm 7 Chương, 43 Điều, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Phần quan trọng nhất trong luật an ninh mạng đó là nghiêm cấm thông tin sai sự thật gây hoang mang trên mạng, bao gồm các hành vi như tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục mua chuộc lừa gạt, lôi kéo người chống phá nhà nước; xuyên tạc lịch sử; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội; sản xuất, đưa vào sử dụng phần mềm gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet…

Ngoài ra, còn có một số điểm đáng chú ý như yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam, liệt hành vi “nghe lén” các cuộc đàm thoại vào hạng mục là hành vi gián điệp mạng, cũng như yêu cầu thông tin vi phạm trên mạng bị xoá bỏ trong vòng 24 giờ.

3. Ra mắt cổng dịch vụ công trực tuyến Quốc gia

Ngày 9/12, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đã khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia với mong muốn tạo một cầu nối điện tử “thực chất, liên tục, hiệu quả” kết nối Chính phủ với người dân, doanh nghiệp.

Xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến Quốc gia là nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, hướng tới số hóa hồ sơ, giấy tờ, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.

Cổng Dịch vụ công quốc gia tập trung tích hợp 8 dịch vụ công, trong đó người dân có thể thực hiện 5 dịch vụ là: Đổi giấy phép lái xe; cấp giấy phép lái xe quốc tế; cấp điện mới từ lưới điện hạ áp; cấp điện mới từ lưới điện trung áp; cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do hỏng, mất.

Sau 4 ngày khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, đã có 2,3 triệu người truy cập, gần 1.400 hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trên Cổng. Đây được kỳ vọng là công cụ quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Theo lộ trình đến năm 2020, Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ tích hợp tối thiểu 30% các Dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. Các năm tiếp theo, mỗi năm sẽ tích hợp thêm 20% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương.

4. Việt Nam tuyên bố chiến lược "Make in Vietnam"

Một trong những điểm nhấn khá đậm nét trong ngành ICT năm 2019 đó là chiến lược quốc gia mang tên "Make in Vietnam" được Chính phủ và Bộ TT&TT đẩy mạnh.

"Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất. Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là để Make in Vietnam. Nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và bẫy thu nhập trung bình", Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Như vậy, cụm từ "Make in Vietnam" vừa tạo hiệu ứng truyền thông, vừa thể hiện khát khao, mong muốn, sự chủ động của người Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và phát triển công nghệ.

"Make in Vietnam" cũng là trách nhiệm của Việt Nam như một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu. Ngoài việc sử dụng công nghệ của nhân loại thì Việt Nam cũng phải đóng góp cho nhân loại, đóng góp cho sự phát triển công nghệ của nhân loại.

5. 15 năm giải thưởng Nhân tài Đất Việt

Ngày 18/4/2019, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019 (NTĐV 2019) đã chính thức được khởi động. Với chủ đề "Sức mạnh chuyển đổi Số" - Giải thưởng trong lĩnh vực CNTT một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của các sản phẩm công nghệ thông tin ứng dụng công nghệ mới, bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra rất mạnh mẽ hiện nay, góp phần tạo ra những sản phẩm, ứng dụng thông minh phục vụ phát triển nền kinh tế số.

Lần đầu tiên sau 14 năm, NTĐV tiếp nhận các bài dự thi chưa hoàn thiện trong lĩnh vực CNTT, có thể ở dạng ý tưởng demo và có mong muốn được phát triển, thị trường hóa. Đây được xem là cơ hội rất lớn cho các startup chưa có đủ điều kiện và nguồn lực để hoàn thiện sản phẩm của mình.

Đây cũng là lần đầu tiên Giải thưởng được giới thiệu ra thế giới. Vào ngày 31/3/2019, tại Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng (Paris, Pháp), sau Lễ thành lập Mạng lưới người Việt ảnh hưởng toàn cầu (Vietnam Global Leaders Network), Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí Phạm Huy Hoàn đã chính thức đọc diễn văn phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019.

Nhà báo Phạm Huy Hoàn phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019 tại Paris.

2019 cũng đồng thời đánh dấu chặng đường 15 năm tìm kiếm và tôn vinh nhân tài đầy tự hào của NTĐV, với hàng trăm công trình khoa học, sản phẩm công nghệ được vinh danh , trở thành bệ phóng vững chắc cho hàng trăm sản phẩm được ứng dụng vào thực tế, phát triển và mở rộng thị trường, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển nền công nghệ nước nhà.

6. Các nhà mạng thử nghiệm thành công 5G

Do tốc độ tải nhanh và độ phủ rất rộng, nên xu hướng phát triển mạng 5G đang thực sự bùng nổ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, việc tham gia hội nhập công nghệ 5G cũng được các nhà mạng đẩy mạnh, thậm chí trở thành tiêu chí số 1, do việc khai thác hiệu quả mạng 5G sẽ thực sự thay đổi tốc độ phát triển công nghệ, nhất là trong bối cảnh ngày càng có thêm sự xuất hiện của nhiều thiết bị kết nối chưa được khai thác trước đây.

Tiêu biểu là nhà mạng Viettel đã đạt được bước tiến lớn, khi cùng với Tập đoàn Ericsson thực hiện thành công cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 10/5/2019. Trước đó, Viettel cũng đã chính thức được Bộ TT&TT cấp phép thử nghiệm 5G vào tháng 2/2019.

Tiếp theo vào tháng 6/2019, đến lượt nhà mạng MobiFone được cấp phép và dự kiến sẽ thử nghiệm tại Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Tới tháng 7/2019, VNPT chính thức “nhảy” vào cuộc đua 5G, và được cấp phép thử nghiệm tại Hà Nội, TP. HCM.

Công nghệ 5G có tốc độ nhanh gấp 50 lần, độ trễ cực thấp và mức tiêu thụ năng lượng cho kết nối mạng không cao so với kết nối 4G. Theo báo cáo "5G tại Đông Nam Á" được công bố ngày 17/10, triển khai dịch vụ 5G có thể giúp các công ty khai thác viễn thông Việt Nam tăng doanh thu thêm 300 triệu USD mỗi năm tính từ 2025.

7. Nhiều hãng công nghệ lớn chuyển nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam

Trong năm vừa qua đã ghi nhận khá nhiều doanh nghiệp công nghệ nước ngoài di dời nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, điển hình như Hanwah - chuyên sản xuất phụ tùng máy bay; Youkowo - chuyên sản xuất thiết bị trên ô tô; Goertek - chuyên sản xuất tai nghe và linh kiện điện thoại; TCL chuyên sản xuất điện tử TV. Ngoài ra, còn một số “ông lớn khác như Google, Foxconn cũng đang làm việc để chuyển một số chuỗi sản xuất về Việt nam.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tìm cách né tránh chi phí sản xuất tăng cao tại Trung Quốc, cũng như mối lo ngại về thuế quan do Trump ban hành đối với hàng hóa Trung Quốc khiến mặt hàng của họ phải tăng giá.

Một lý do khác là bởi Việt Nam thu hút đội ngũ lao động trẻ, lương lao động ngành sản xuất cạnh tranh, chi phí thấp, môi trường chính trị ổn định và là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

8. Nhà mạng trong nước đồng loạt chặn "web đen"

Từ khoảng giữa tháng 11, nhiều người sử dụng mạng của VNPT, Viettel, FPT, SPT,... không thể truy cập vào các trang phim "người lớn".

Không lâu sau đó, các nhà mạng này đồng loạt đưa ra thông báo sẽ chặn truy cập web đen, phim người lớn do nội dung không lành mạnh, theo thông tin của Bộ TT&TT.

Tuy nhiên, số liệu thống kê từ Google Trends cho thấy sau khi các nhà cung cấp Internet chặn truy cập, thì tần suất người Việt tìm kiếm các nội dung 18+ lại càng nhiều hơn. Để đối phó với sự kiểm soát của nhà mạng, nhiều người cũng đã tìm cách "vượt tường lửa", dùng VPN, thay đổi cấu hình và thiết lập mạng tại nhà.

9. Nở rộ các nền tảng mạng xã hội "Made in Việt Nam"

Cùng với sự phát triển của công nghệ, là sự "nở rộ" của các nền tảng mạng xã hội “Made in Việt Nam”. Cụ thể, chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã có 48 mạng xã hội mới được cấp phép, nâng tổng số mạng xã hội được cấp phép ở Việt Nam lên con số 455.

Trong đó, Zalo và Mocha hiện là  hai mạng xã hội "Made in Việt Nam" có đông người sử dụng nhất, với 47 triệu người đối với Zalo, và 4.5 triệu đối với Mocha. Một số mạng mới ra mắt cũng thu hút người dùng có thể kể đến như Hahalolo (ra mắt 10/6), Gapo (ra mắt 23/7), Lotus (ra mắt 16/9). Theo số liệu thống kê, mạng xã hội Việt Nam đã tăng trưởng 30%, lên 65 triệu người dùng. Số lượng này sẽ tăng lên 90 triệu vào năm 2020 với sự ủng hộ “ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của người dân.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng cho biết, việc xây dựng mạng xã hội Việt Nam và đặt mục tiêu phải tương đương mạng xã hội nước ngoài nằm trong những tiêu chí số một, bởi "nếu không làm chủ không gian này, sẽ khó nói tới tự chủ kinh tế".

10. Tràn ngập các video "bẩn" nhằm câu view trên YouTube Việt

Tính năng trả tiền cho video có lượng view cao, tương tác tốt trên YouTube là yếu tố quan trọng để có được những nội dung mới lạ, hấp dẫn. Tuy nhiên, khao khát kiếm tiền đã khiến nền tảng này sản sinh hàng loạt clip có nội dung phản cảm, kích thích trí tò mò của người xem bằng nhiều các thức khác nhau.

Chỉ một thời gian ngắn gần đây, người dùng chắc có lẽ sẽ từng nghe qua những video có tiêu đề như "Giả vờ tắm cùng trai lạ thử lòng người yêu", "Giả vờ ngoại tình với trai lạ thử lòng người yêu" hay thậm chí là "Đòi bạn trai làm một nháy xem phản ứng". Các chủ đề dung tục khác cũng xuất hiện tràn lan như "chạy xe đi thu mua quần áo lót cũ", "trêu đùa gái mại dâm", "dùng băng vệ sinh làm ví tiền",...

Có thể thấy những tiêu đề này hướng tới mục đích gây ra sự tò mò, và thực tế lượt xem của những video này từ vài trăm đến vài triệu lượt xem chỉ sau vài ngày đăng tải. Trong khi đó những video mang tính giáo dục, du lịch, văn hóa để đạt được lượt xem như trên là rất khó trong thời ngắn và thậm chí nhiều YouTuber đã từ bỏ đam mê của mình vì khó hút người xem. 

Nguồn tin: https://dantri.com.vn

Tác giả: Trung tâm thông tin - thư viện
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 Du lịch Viêt Nam 2019 (02/01/20)
 9 sự kiện thời sự năm 2019 (02/01/20)
 10 sự kiện nổi bật của thể thao Việt Nam năm 2019 (02/01/20)
 10 sự kiện khoa học thế giới nổi bật 2019 (02/01/20)
 9 sự kiện nổi bật thế giới 2019 (02/01/20)
 Thêm một tạp chí của Việt Nam được nằm trong danh mục của CSDL "Web of Science" (13/11/19)
 Tuyên bố DORA có làm thay đổi cách đánh giá khoa học? (13/11/19)
 Níu giữ tuổi thơ qua cuốn tự truyện của “cô bé Totto-chan Việt Nam” (13/11/19)
 Hành trình của bản chất con người (13/11/19)
 Kỹ năng mềm giúp phát triển bản thân trong mọi môi trường (13/11/19)
Hôm nay 350
Hôm qua 580
Tuần này 3156
Tháng này 18628
Tất cả 5040222
Browser   (Today) Chi tiết >>

TRUNG TÂM THÔNG TIN - THƯ VIỆN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

 

 

@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

 

Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421

Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường