Hôm nay 315
Hôm qua 580
Tuần này 3706
Tháng này 18593
Tất cả 5040187
Browser   (Today) Chi tiết >>
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Tìm hiểu vấn đề ‘Danh xưng Thanh Hóa’ (Kỳ cuối): Đáp số đúng cho bài toán khó

Một lần về thăm tỉnh Thanh, nói chuyện với chiến sỹ, đồng bào, cán bộ Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng các dân tộc áp bức, nhà văn hóa lớn thế giới, ngẫu hứng đọc hai câu thơ: Tỉnh Thanh biển bạc rừng vàng/ Ruộng đồng bát ngát, xóm làng miên man.

Để có một quê hương giàu đẹp, người Thanh Hóa từ rừng núi xuống biển khơi, trải qua 4.000 năm lịch sử đã dày công xây đắp. Nhưng đất quê hương ta vinh quang bốn ngàn năm tuổi vang lên hai tiếng tự hào “Thanh Hóa” từ bao giờ? Đó là điều trước đây sách vở chưa thống nhất, chưa rõ ràng, đến nay đã được khẳng định.

Bộ chính sử đời Lê Đại Việt sử ký toàn thư chép có chỗ không đầy đủ, đến bộ chính sử đời Nguyễn Việt sử thông giám cương mục các sử quán tra xét sử liệu, bổ sung sự kiện lịch sử “danh xưng Thanh Hóa” cụ thể chính xác. Đầu nhà Lý, Lý Thái tổ năm Thuận Thiên thứ I (1010) đổi làm “Trại Ái Châu”. Từ “trại” ở đây không có nghĩa chốn núi rừng hoang vu, đồng điền hiu quạnh, mà là nơi xa xôi hiểm trở xung yếu so với kinh đô Thăng Long đô hội nhà Lý mới chuyển về “vua lên ngôi ở Hoa Lư, Ninh Bình, giáp giới Ái Châu, Thanh Hóa). Cho nên trong khoa cử chia ra Kinh Trạng Nguyên, Trại Trạng nguyên để khuyến khích người học giỏi. Đời Lý Thái tông năm Thiên Thành thứ II (1029) đổi "Trại Ái Châu” làm “Phủ Thanh Hóa”. Thời ấy “phủ” là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, cao hơn châu, quận, bao gồm cả châu, quận. Như vậy, sau khi phủ Thanh Hóa ra đời trông coi cả châu Ái và quận Cửu Chân, dưới châu quận là các huyện Kết Thuế, Kết Duyệt, Duyên Giác… Chữ Thanh Hóa. Thanh là thanh bình, thanh cao; Hóa là biến hóa, thay đổi, muôn vật luôn phát triển trong một vùng đất yên vui, không loạn lạc chiến tranh dân chúng an cư lạc nghiệp. Bởi Thanh Hóa là phên dậu, phên dậu có bình yên vững bền thì nhà nước, triều đình mới được an toàn, nhà vua có thể cao gối ngủ ngon.

Có thể nói, không có Thanh Hóa, Lý Công Uẩn võ tướng chỉ huy đội quân bảo vệ vua Lê Ngọa Triều, có thể lên ngôi báu mở ra triều đại nhà Lý được chăng? Tiếp theo, không nhờ người Thanh Hóa, thái tử Lý Phật Mã làm sao thoát khỏi loạn “ba vương” để làm vua thứ hai nhà Lý - Lý Thái tông? Đó là chuyện dương lập, còn chuyện âm phù của thần núi Đồng Cổ nghìn năm sau vẫn ghi sử sách…

Lời tục ngữ nghìn xưa lưu truyền: “Thanh có thế, Nghệ có thần, Thái có nước, Hưng có ma”. Sách An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng (Trung Quốc) cũng chép câu tục ngữ cổ Việt Nam ấy. “Thanh có thế” là có thế đất “Nghệ có thần” là có thần khí, thông minh, tài giỏi. “Thái có nước” là Thái Nguyên xưa lắm khe suối nước độc, nhiều lam sơn chướng khí. “Hưng có ma” là xứ Hưng Hóa rừng thiêng núi thẳm, ma trêu qủy ám. Vốn là “Thanh có thế” về sau bị người đời chữa lại “Thanh cậy thế” cậy thế ta đây là đất “Tam vương nhị chúa” để châm biếm xứ Thanh. Nhiều sử sách, địa chí xưa giải thích “thế đất” Thanh Hóa như cuốn lịch sử cổ đời Trần Việt sử lược. Nhà sử học uyên bác Phan Huy Chú viết trong Dư địa chí (Lịch triều hiến chương loại chí - Viện Sử học Việt Nam) “Thanh Hóa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía đông, Ai Lao sát phía tây, bắc giáp trấn Sơn Nam, nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều đại trước vẫn gọi là một trấn rất quan trọng. Đến Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quí cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”.

Trước nhà Lý, trong khoảng 50 năm, các anh hùng hào kiệt Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Lê Hoàn đều phát tích ở Ái Châu - Thanh Hóa, đánh tan giặc Bắc, xem thường thiên triều, khôi phục đất nước, xây dựng vững chắc nền độc lập tự chủ sau ngàn năm Bắc thuộc. Đó là địa linh nhân kiệt, đất thiêng sinh người hùng, xưa đúng, nay vẫn đúng.

Vua Lê Đại Hành truyền ngôi cho con thứ ba Long Việt. Lên ngôi được ba ngày, Lê Trung tông bị em là Long Đĩnh giết chết, cướp ngôi, tự lập làm vua. Bày tôi đều chạy trốn, duy có Lý Công Uẩn ôm xác trung tông mà khóc. Long Đĩnh lên ngôi, xưng là Quang Hiếu hoàng đế, truy đặt thụy hiệu anh là Trung tông hoàng đế, cho Công Uẩn làm Phó chỉ huy sứ tứ sương quân (bảo vệ hoàng thành).

Long Đĩnh bản chất tàn bạo tính thích giết người, rượu ngon gái đẹp dâm dục vô độ, mắc bệnh trĩ nặng, phải nằm để coi chầu. Vì thế gọi là vua Lê Ngọa Triều.

Tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009) Ngọa Triều chết, con nối ngôi còn nhỏ, triều đình nghiêng ngả, lòng người xôn xao. Lão tướng Đào Cam Mộc làm Chi hậu nội nhân, bàn riêng với Tả Thân vệ tướng quân Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn: “Tôi nghe nói ở Cổ Pháp làng quê Thân Vệ Lý công (Bắc Ninh) có con chó mẹ đẻ 5 con, trong đó một con sắc trắng đốm đen hiện hình hai chữ Thiên tử, người ta đoán rằng làng Cổ Pháp tất có người làm vua. Tôi thấy quan Thân Vệ Điện tiền tướng quân tuổi Giáp Tuất (974), điềm lành kỳ lạ này ứng vào Lý công chăng? Lý Công Uẩn sợ Đào Cam Mộc người Ái Châu (Thanh Hóa) cùng quê với tiên đế Lê Đại hành, phò tá 3 đời vua nhà Tiền Lê, âm mưu dò la mình để cáo giác mình làm phản, nên giả trách mắng Đào Cam Mộc, dọa bắt nộp quan. Đào Cam Mộc mỉm cười, ung dung bảo Lý Công Uẩn: “Tôi đâu phải là người sợ chết! Tôi thấy thuận ý trời, hợp lòng người thì nói. Ông chớ nên vì tiểu tiết với nhà Lê mà quên mất đại nghĩa muôn dân”. Lý Công Uẩn từ lâu trong lòng rất muốn làm vua thay nhà Lê nhưng sợ không dám nói ra. Nay được lời Đào Cam Mộc, Lý Công Uẩn mới hỏi: “Nên tính kế thế nào?”.

Đào Cam Mộc e để lâu dễ bị tiết lộ, nhân các khanh sĩ và bá quan đang họp trong triều, liền đứng lên bàn rằng: “Hiện nay dân chúng khác lòng, trên dưới lìa ý, ai cũng chán ghét chính sách hà khắc bạo ngược, không muốn theo vua nối nhỏ tuổi, tất cả đều một dạ suy tôn quan Thân Vệ, bọn ta nhân lúc này tôn phù Thân Vệ lên ngôi thiên tử. Nếu chần chừ, phút chốc xảy ra tai biến, hỏi chúng ta có giữ được đầu mình không?” Các quan nghĩ mệnh trời đã đến tất phải vâng. Đào Cam Mộc liền dẫn đầu trăm quan tôn phù Lý Công Uẩn lên ngôi thiên tử. Đào Cam Mộc tuốt gươm hô lớn “Vạn tuế!” trong nội điện, ngoài Hoàng thành đều đều hô vang “Vạn vạn tuế!”.

Sau khi lên ngôi thiên tử, Lý Công Uẩn phong Đào Cam Mộc làm Nghĩa Tín hầu, lấy trưởng công chúa An Quốc, một trong 13 con gái của tân hoàng đế. (Viết theo quốc sử).

Con trai trưởng Lý Công Uẩn là Lý Phật Mã được lập làm hoàng thái tử Khai Thiên vương.

Năm Ất Mão (1015) Nghĩa Tín hầu Đào Cam Mộc mất, được tặng làm Thái sư á vương.

 Đền Đồng Cổ. (Ảnh: P.V)

Năm Canh Thân (1020) Hoàng Thái tử Khai Thiên vương Lý Phật Mã và Đào Thạc Phụ đem quân đánh Chiêm Thành. Đêm, Phật Mã nghỉ lại Trường Châu (Ninh Bình giáp giới Thanh Hóa) được thần nhân báo mộng. Đó là một người cao lớn lạ thường tướng mạo hùng vĩ hiện lên nói: “Ta là thần núi Đồng Cổ nhân thái Thái tử đi đánh Chiêm Thành qua đây xin đem quân âm phù để lập công”. Nói rồi biến mất. Sáng hôm sau ngủ dậy, Thái tử truyền tiến binh gấp. Đến châu Bố Chính (tỉnh Quảng Bình, bấy giờ là đất Chiêm Thành, sau vua Chiêm đem tặng cho nhà Lý) địch lui về núi Long Tỵ, quân Lý đuổi theo. Trong khi đôi bên giáp chiến, chợt trên không trung nổi lên tiếng trống vang rền như sấm sét, hàng vạn âm binh âm tướng vung gươm múa giáo sáng lòe tựa ánh chớp, lại ầm ĩ cả tiếng quân reo ngựa hí, trời đất tối tăm mù mịt. Chốc lát trời quang gió lặng, quân địch biến đâu mất cả. Thái tử biết mộng thần báo quả ứng linh nghiệm. Trên đường hành quân trở về, thái tử dừng thuyền lên núi Đồng Cổ tạ lễ linh thần và bỏ tiền cho dân địa phương tu sửa đền thờ trên núi (Nguyên là núi Khả Lao, huyện Yên Định).

Năm Mậu Thìn (1028) vua Lý Thái tổ mất, di chiếu cho Khai Thiên vương Lý Phật Mã nối ngôi, tức Lý Thái tông niên hiệu Thiên Thành năm thứ nhất. Nhưng Thái tổ vừa mới nằm xuống ba vương hoàng tử Dực Thánh vương, Đông Chinh vương, Vũ Đức Vương họp nhau nổi loạn cướp ngôi. Trước đó một ngày Thái tử Lý Phật Mã đã được thần núi Đồng Cổ báo mộng, nên sai đóng chặt cửa thành để phòng sẵn, lệnh cho các vệ sĩ trong cung canh giữ. Ba vương chia nhau đem binh đánh thẳng vào các cửa thành rất gấp. Thái Tử Phật Mã vốn có lòng nhân không nỡ anh em hóa cừu thù đánh giết lẫn nhau, mới hỏi Nội thị Lý Nhân Nghĩa nên như thế nào? Lý Nhân Nghĩa nói: “Anh em ruột thịt, bên trong với nhau có thể cùng nhau bàn bạc, bên ngoài có thể cùng nhau chống giặc. Nay ba vương làm phản thì là anh em hay cừu địch? Xin cho bọn thần đánh một trận để quyết được thua!” Thái tử chần chừ không dám ra lệnh. Các nội quan, thị vệ mở cửa cung điện kéo ra quyết đánh. Nhưng phủ binh rất đông đánh phá dữ dội, ba vương hung hăng cưỡi ngựa múa gươm tiến trước. Đôi bên giáp chiến khó phân thắng bại. Lê Phụng Hiểu tức giận rút kiếm chạy thẳng đến cửa thành Quảng Phúc, xông ngay tới ngựa của Vũ Đức vương. Vũ Đức thúc ngựa đánh. Phụng Hiểu vươn tay tóm lấy tóc Vũ Đức lôi cổ xuống chém lấy đầu. Phủ binh sợ hãi bỏ chạy, hai vương Dực Thánh, Đông Chinh cũng quay đầu ngựa xéo bừa lên xác quân sĩ, cốt trốn thoát lấy thân. Phụng Hiểu xách đầu Vũ Đức vương chạy thẳng một mạch đến trước linh cữu Thái tổ tạ tội.

Thái tử Lý Phật Mã cảm động nói: “Ta sở dĩ gánh vác được sự nghiệp to lớn của tiên đế, giữ toàn vẹn được thân thể, là nhờ sức của các khanh cả. Ta thường xem sử nhà Đường thấy Uất Trì Kính Đức giúp nạn vua, tự nghĩ bề tôi đời sau không ai sánh kịp. Nay gặp biến mới biết Phụng Hiểu trung dũng hơn  Kính Đức nhiều”.

Sau khi lên ngôi hoàng đế, Lý Thái tông phong Lê Phụng Hiểu từ Vũ vệ tướng quân lên Đô thống Thượng tướng quân, tước hầu, rước thần Đồng Cổ Ái Châu về thờ ở Thăng Long, phong cho tước vương làm Minh chủ bách thần dựng miếu mạo uy nghi, hàng năm mở hội thề bá quan: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết!” Những sự kiện lịch sử quan trọng này tác động mạnh đến Lý Thái tông. Đầu năm Thiên Thành thứ II (1029) vua quyết định đổi Châu Ái làm Phủ Thanh Hóa.

Thời điểm ra đời “Danh xưng Thanh Hóa” năm 1029 được chính sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán nhà Nguyễn khảo xét công phu, vua Tự Đức phê duyệt, các nhà sử học, nghiên cứu khoa học xưa nay sử dụng làm cứ liệu khoa học lịch sử trong công trình giá trị của mình, như: Đại Việt địa dư toàn biên của Nguyễn Văn Siêu, Việt sử địa dư của Phan Đình Phùng Đất nước Việt Nam qua các đời của GS Đào Duy Anh, Chú giải Nguyễn Trãi Dư địa chícủa giáo sư Hà Văn Tấn…

Bài toán khó đã được các nhà nghiên cứu khoa học tìm ra đáp số cuối cùng.

Hoàng Tuấn Phổ

 

Nguồn tin: http://vanhoadoisong.vn
In tin    Gửi email    Phản hồi
Hôm nay 315
Hôm qua 580
Tuần này 3121
Tháng này 18593
Tất cả 5040187
Browser   (Today) Chi tiết >>

TRUNG TÂM THÔNG TIN - THƯ VIỆN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

 

 

@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

 

Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421

Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường