Hôm nay 2463
Hôm qua 2285
Tuần này 7239
Tháng này 25724
Tất cả 5018665
Browser   (Today) Chi tiết >>
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Tìm hiểu vấn đề ‘Danh xưng Thanh Hóa’ (Kỳ I): Tên gọi tỉnh Thanh Hóa qua các đời

Trong lịch sử đất nước ta, Thanh Hóa là tỉnh dân số đông nhất, cũng là tỉnh nhiều tên gọi nhất. Tên gọi đầu tiên tỉnh ta là bộ Cửu Chân. Các sử sách xưa đều chép: “Hùng Vương lập quốc chia nước làm 15 bộ”. Bộ thời ấy là một đơn vị hành chính thuộc Trung ương. Trong 15 bộ này có tên bộ Cửu Chân. Đầu thế kỷ XV, Nguyễn Trãi soạn sách Dư địa chí cũng ghi 15 bộ như vậy nhưng Nguyễn Thiên Túng chú giải không khỏi bị lúng túng và hai bộ Bình Văn, Cửu Đức không rõ ở đâu? Thời cận đại, một số học giả tỏ ý nghi ngờ tên 15 bộ không có cơ sở chắc chắn. Riêng tên bộ Cửu Chân, chúng ta tin hoàn toàn chính xác là vùng đất Thanh Hóa.

Năm 257 trước Công nguyên, An Dương vương đánh thắng vua Hùng thứ 18, sáp nhập hai nước Âu Việt và Lạc Việt thành quốc gia Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa. Không có tài liệu nào nói An Dương vương sắp đặt lại các bộ. Chỉ biết nước Âu Lạc tồn tại được 79 năm, năm 179 TCN bị Triệu Đà xâm lược, bỏ đơn vị “bộ” lập đơn vị quận và 15 bộ chỉ còn hai quận: Giao Chỉ gồm 14 bộ (vùng đất Bắc bộ), Cửu Chân vẫn là Cửu Chân tức Thanh Hóa. 68 năm sau, Triệu Đà lại đem hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân dâng vua nhà Hán. Sự kiện này được Sử ký của Tư Mã Thiên, một bộ cổ sử lớn rất nổi tiếng của Trung Quốc đã chép. Tổng số dân 2 quận thời Hán theo tài liệu điều tra hộ khẩu bấy giờ.

Quận Giao Chỉ: 746.237 người. Quận Cửu Chân: 166. 013 người. Tổng cộng: 912. 250 người.

Số liệu trên chỉ có giá trị tương đối, được các sách Tiền Hán thư, Giao Châu ngoại vực ký, Giao Châu ký... ghi chép, chắc còn xa với sự thật. Nhà Hán không điều chỉnh gì về cương vực các quận sao? Thực tế không khác biệt nhiều so với trước: Quận Giao Chỉ bao gồm 14 bộ (tương đương Bắc bộ) và một phần nam Quảng Đông và Quảng Tây. Khoảng đất này bị Trung Quốc lấn chiếm trong quá trình chiến tranh xâm lược của phương Bắc. Quận Cửu Chân chủ yếu là lãnh thổ Thanh Hóa cộng thêm Bắc Nghệ An, sau này nhà Ngô cắt ra lập thêm quận Cửu Đức. So sánh lãnh địa hai quận Cửu Chân, Giao Chỉ chúng ta thấy nói lên điều gì, nếu không phải vị trí Cửu Chân có vai trò đặc biệt trong đất nước Âu Lạc? (chính quyền đô hộ đã đổi đặt thành Châu Giao - Giao Châu).

Năm 40 sau CN, Hai Bà Trưng khởi nghĩa tại Hát Môn (ngoại thành Hà Nội). Hai Bà bước lên đàn thề tuyên bố mục đích khởi nghĩa được sử ca Thiên Nam ngữ lục (thế kỷ XVII) diễn lại bằng văn vần: Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin đem lại nghiệp xưa vua Hùng...

Cuộc khởi nghĩa thắng lợi. Hai Bà lên ngôi vua để tiếp tục xây dựng đất nước của Hùng Vương trở nên hùng mạnh, nhưng tiếc rằng thời gian tồn tại quá ngắn, chỉ có ba năm! Ba năm “thoáng chốc” đã trôi qua, chắc Hai Bà chưa khôi phục lại được hệ thống chính quyền cũ, càng không thể kiến lập nên thể chế mới. Nếu đơn vị hành chính cấp “bộ” mỗi “bộ” chỉ là một bộ lạc, quận Cửu Chân bấy giờ trên cơ sở lãnh địa và  số dân lớn, quá lớn so với 14 bộ lạc khác cũng chỉ được họp thành một quận Giao Chỉ. Điều này tồn tại suốt nghìn năm chiến tranh xâm lược, đô hộ của Trung Quốc và đấu tranh giành quyền độc lập tự chủ của dân tộc Việt. Tuy nhiên, Trung Quốc, bản thân nó là đế quốc bá quyền, bành trướng, tự xâu xé, giành giật, tiêu diệt lẫn nhau, và không ngừng thôn tính các nước lân bang để mở rộng đất đai. Do đó, tên gọi Cửu Chân cũng không được yên bình. Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán Triều Nguyễn) quyển tỉnh Thanh Hóa, mục “Dựng đặt và diên cách” viết: Thanh Hóa xưa là bộ Cửu Chân, (...) đời Triệu (Triệu Đà) là quận Cửu Chân; đời Hán vẫn giữ tên quận như cũ (...); đời Đông Ngô năm Nguyên Hưng thứ 1, chia quận Cửu Chân, đặt thêm quận Cửu Đức; đời Tấn, đời Tống cũng theo như thế. Vũ đế nhà Lương (502 - 507) lấy quận Cửu Chân làm Châu Ái (tên Ái Châu bắt đầu từ đây). Đầu đời Tùy (590 - 618) bỏ quận Cửu Chân, chỉ gọi là Châu Ái, sau lại đổi Châu Ái làm quận Cửu Chân; đời Đường (618 - 907) gọi là Châu Ái.

Từ sau đời Đường, nước ta đấu tranh giành quyền độc lập, tự chủ, các đời Khúc Hạo, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền cho đến nhà Đinh, nhà Tiền Lê vẫn gọi là Châu Ái theo như trước.

Đời Lý năm Thuận Thiên thứ I (1010) đổi Châu Ái làm trại tức “trại Ái Châu”, sau đổi làm phủ Thanh Hóa (tên Thanh Hóa bắt đầu từ đây). Đời Trần năm Thiên Ứng Chính bình thứ 11 (1258) đổi làm lộ Thanh Hóa; năm Nguyên Phong thứ 3 (1260) lại đổi làm trại; khoảng đời Thiệu Phong lại gọi là lộ, lãnh 3 phủ Thanh Hóa, Cửu Chân và Ái Châu, sau gọi là trấn. Năm Quang Thái thứ 10 đời Trần Thuận tông (1389) đổi làm trấn Thanh đô; Hồ Quý Ly cướp ngôi đổi làm phủ Thiên xương, phủ này cùng Cửu Chân, Ái Châu làm “tam phụ” gọi là Tây đô.

Thời thuộc Minh (1407 - 1427) phủ Thiên Xương (có cả Cửu Chân, Ái Châu!) đổi làm phủ Thanh Hóa. Trong phủ Thanh Hóa này có 4 châu Cửu Chân, Ái Châu, Thanh Hóa, Quỳ Châu và 11 huyện.

Đời Lê, năm Thuận Thiên thứ 1 (1428) Thanh Hóa thuộc đạo Hải Tây; năm Quang Thuận thứ 7, đặt Thanh Hóa làm thừa tuyên... năm thứ 10 đổi làm Thanh Hoa thừa tuyên (1469) (tên gọi Thanh Hoa bắt đầu từ đây).

Năm Gia Long thứ 1 (1802) gọi là trấn Thanh Hoa. Năm Thiệu Trị thứ 1 (1841) (theo sử Cương mục Thiệu Trị thứ 3). Đổi gọi là tỉnh Thanh Hóa. Từ đó cho đến hiện nay vẫn giữ nguyên “tỉnh Thanh Hóa”. (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1970).

Vị trí các quận trực thuộc bộ Giao Chỉ/Giao Châu trên đất Lĩnh Nam, bao gồm: Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân

Điểm lại quá khứ lịch sử 4.000 năm, thiết chế hành chính chính trị đơn giản nhất thời Hùng Vương, phức tạp nhất thời Trung Quốc đô hộ. Đầu tiên, đời Hán vẫn giữ tên Cửu Chân chỉ thay chữ “bộ” thành chữ “quận” tức quận, huyện, khẳng định không phải giang sơn nước Việt mà là đất đai Trung Quốc. Đời Lương bỏ “quận Cửu Chân” đổi làm “Châu Ái”. “Châu” khác gì “quận”? Thời xưa ở Trung Quốc đơn vị Châu lớn hơn đơn vị quận. Chữ “quận”, nguyên từ đời Tần Thủy Hoàng bỏ chế độ chư hầu thay bằng “quận huyện”, chính quyền thống nhất do Trung ương  (Thiên tử) nắm giữ. Riêng đời nhà Tùy chỉ tồn tại 28 năm, quanh đi quẩn lại hai địa danh Cửu Chân, Ái Châu, lúc gọi “quận Cửu Chân”, khi đổi làm “Châu Ái” không rõ ý tứ của các ông thiên tử Văn đế, Dạng đế, Cung đế thế nào?

Đời Lý nước ta bỏ cả châu, quận để khôi phục nền độc lập, tự chủ của quốc gia Đại Việt, thay châu Ái làm “phủ Thanh Hóa”, tuy nhiên trong phủ Thanh Hóa các tên quận Cửu Chân, châu Ái Châu không mất mà lui xuống cấp dưới của phủ. Nhà Minh đô hộ nước ta, vẫn dùng phủ Thanh Hóa và đặt cả các châu Cửu Chân, châu Ái Châu, châu Thanh Hóa... đều thống thuộc phủ Thanh Hóa. Như vậy, làm cho vấn đề càng thêm phức tạp chính là nhà Minh mặc dù cai trị nước ta chỉ có 20 năm!

Riêng đời Lê và đời Nguyễn, chữ Thanh Hóa với Thanh  Hoa, cũng gây phiền phức cho người nói và viết mặc dù trường hợp nào cũng  có lý do chính đáng.

Chúng ta bắt đầu tìm nghĩa từ chữ “Cửu Chân” là gì? Chưa có tài liệu nào giải thích. Nó là từ nôm, là tiếng Việt phiên âm từ Hán đọc theo âm tiếng Việt hay chính nó là chữ Hán dịch từ tiếng của dân tộc thời Hùng Vương? Không ai có thể biết chắc người Lạc Việt thời đó ngôn ngữ thế nào, cũng không có sách vở người Việt ghi chép. Chữ viết của dân tộc ta thời Hùng Vương là vấn đề hiện nay đang còn phải bàn thảo và có lẽ khó hy vọng lời giải đáp cuối cùng. Thời Tam Quốc ba nước tranh hùng:  Ngụy, Thục, Ngô, chia ba thiên hạ, Ngô Tôn Quyền cai trị quận Cửu Chân, cắt phần đất phía nam đặt thêm quận Cửu Đức. Chữ Cửu Đức là Hán tự, chúng ta ngờ chữ Cửu Chân cũng là Hán tự chăng?

Chữ “ Ái Châu” thì châu là châu, quận, một khu vực hành chính thời xưa, còn “ái” có nghĩa thương yêu, Ái Châu là châu đáng yêu. Có lẽ vì thế chữ “Ái” được dùng khá nhiều qua các triều đại thời phong kiến Trung Quốc đô hộ. Những triều đại độc lập tự  chủ: Tiền Lý (544 - 603), Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý Thái tổ cũng dùng chữ “Ái Châu” để đặt cho khu vực hành chính thời Hùng Vương là bộ Cửu Chân, tức Thanh Hóa. Nhưng chữ “Châu” đó không có nghĩa là châu, quận của Trung Quốc. Nó hàm nghĩa một vùng đất tốt đẹp trực thuộc Trung ương. Đời sau “Châu” chẳng những thấp hơn quận mà còn kém hơn cả huyện (tất nhiên mặt chữ Hán viết không giống nhau). Ví dụ. Đời Hậu Lê, Thanh Hóa (Thanh Hoa) có những 4 phủ, 16 huyện, và 4 châu: Quan Da, Lang Chánh, Tàm Châu và Sầm Châu (sau không có Sầm Châu, thay vào Quỳ Châu, rồi Quỳ Châu lại chuyển về Nghệ An). Trước Lê Thái tổ, quân Minh cai trị nước ta, gọi tỉnh ta là phủ Thanh Hóa, dưới phủ Thanh Hóa lại có cả Châu Cửu Chân, châu Thanh  Hóa, châu Ái Châu và châu Quỳ Châu của Nghệ An. Như vậy, những chữ “Cửu Chân, Ái Châu, trải qua các đời, giá trị hơn kém, địa vị cao thấp không do tự thân chúng quyết định mà bởi nhà cầm quyền tùy ý “đặt đâu ngồi đó”! Những đơn vị hành chính cũng không trước, sau như một, các bộ, quận, châu, lộ, phủ, trấn, thừa tuyên, đạo, trại... cứ thay đi đổi lại, bỏ lại lấy, lấy lại bỏ, đưa lên trên, đặt xuống dưới, lúc bậc trên, khi bậc dưới, có nghĩa hoặc tối nghĩa... cứ “tít mù quanh lại vòng quanh” như đèn cù, khác nào một “trò chơi chữ” của hệ thống đơn vị hành chính thời phong kiến.

Tài liệu sách vở xưa không ít. Tác giả người Trung Quốc viết nhiều về Việt Nam, nhưng chẳng phải điều gì cũng chính xác. Nước ta dẫu bị hạn chế văn tự, ấn loát, lại vô cùng phong phú kho tàng truyền thuyết có giá trị lịch sử, từ Lý - Trần nở rộ trước tác, bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu được xem là “sử mẹ” của các sách sử, kể cả hai bộ quốc sử lớn như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục: Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa chúng ta nói riêng, khắp nơi đều có những khu rừng bia đá... Tuy nhiên, rừng sách hay rừng bia cũng “rừng rậm lắm cây sâu” nhà khảo cứu thường khi phải đánh vật với câu chữ! Ví dụ một sự kiện xảy ra chưa xa, năm Thiệu Trị thứ I (1841) đổi gọi tỉnh Thanh Hoa làm Thanh Hóa, theo Đại Nam thống nhất chí, soạn đời Tự Đức, nhưng cũng đời Tự Đức, Việt sử thông giám cương mục lại chép vào thời điểm Thiệu Trị thứ 3 (1843). Cả hai bộ sách đều của Quốc sử quán triều Nguyễn! Chúng ta biết tin theo thời điểm nào, lấy gì làm sở cứ?

Muốn tìm hiểu “Danh xưng Thanh Hóa”, chúng ta phải đi vào những khu “rừng rậm” nói trên, dò dẫm, lần mò từng bước, không được lầm lẫn cây “núc nác” với cây “vàng tâm” và nhất định phải biết “lối ra”...

Hoàng Tuấn Phổ

 

Nguồn tin: http://vanhoadoisong.vn
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 Giới thiệu sách "Phương pháp giảng dạy và tâm lý giáo dục trong trường học kỹ năng quản lý và giảng dạy đạt hiệu quả cao" (09/11/18)
 Giới thiệu sách "Làng nghề truyền thống Việt Nam" (09/11/18)
 Giới thiệu sách "Đa dạng văn hóa và quyền văn hóa hiện nay ở Việt Nam" (01/11/18)
 Giới thiệu sách "Thị trường du lịch" (22/10/18)
 Giới thiệu sách "101 trò chơi cho bé trong các buổi tiệc" (22/10/18)
 Giới thiệu sách "Văn hóa bản địa Việt nam – khuynh hướng phát triển hiện đại" (10/10/18)
 Giới thiệu sách "Phương pháp tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ mầm non" (04/10/18)
 Giới thiệu sách 'Nguồn lực trí tuệ Việt Nam lịch sử, hiện trạng và triển vọng" (27/09/18)
 Giới thiệu "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam" (19/09/18)
 Giới thiệu sách "Giá trị chân thiện mỹ quanh ta" (11/09/18)
Hôm nay 2463
Hôm qua 2285
Tuần này 6421
Tháng này 25724
Tất cả 5018665
Browser   (Today) Chi tiết >>

TRUNG TÂM THÔNG TIN - THƯ VIỆN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

 

 

@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

 

Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421

Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường