Tin tức - Sự kiện
MỘT SỐ PHONG TỤC ĐỘC ĐÁO TRONG NGÀY TẾT BUNPIMAY

Tết là nơi lưu giữ đậm nét bản sắc văn hóa, là sự kết nối thiêng liêng quá khứ - hiện tại- tương lai trong dòng chảy của mỗi dân tộc. Mỗi quốc gia trên thế giới đều có ngày Tết truyền thống với những phong tục độc đáo của riêng mình. Là một quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam Á, Tết cổ truyền Bun pi may của Lào in đậm bản sắc văn hóa xứ sở Triệu Voi. Tết Bunpimay là dịp để người dân đất nước này thể hiện niềm tin yêu, sự tôn kính, ý thức trách nhiệm đối với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

  1. Tắm cho tượng phật

Lào là đất nước có nền văn hóa phật giáo lâu đời . Phật giáo gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân. Tại thủ đô Viêng Chăn, có đến hàng trăm ngôi chùa, riêng mỗi phường đều có ít nhất một ngôi chùa lớn. Người Lào sống hiền lành và thiên về điều thiện. Trong ngày Tết, vui nhất là ở các chùa chiền. Người ta cho nước thơm (nước ngâm từ các loài hoa thơm) vào lọ, vào bình, vào xô, chậu… để tắm cho Phật, cho các nhà sư. Cầu mong trong năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, đất nước thanh bình, thịnh vượng.

Dịp Tết Bun Pi May, người Lào không thể thiếu nước thơm để tắm cho tượng phật. Nước thơm là loại nước sạch được thả những cánh hoa đoọc khun, dầu thơm, nghệ. Tại các ngôi chùa, nhà sư sẽ mang những bức tượng trong chùa ra ngoài sân để người dân có thể tắm cho tượng phật. Người đi lễ chùa có thể dùng bó hoa đọt khun, hoặc có thể dùng tay, cốc, ca để vẩy nước lên những bức tượng. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật có thể hứng lại đem về nhà để vẩy vào người để lấy may…

  1. Tục té nước

Giữa tháng 4, khi gió mùa tây-nam thổi, mưa mùa sắp rơi, bắt đầu năm mới ở nhiều nước trong khu vực Ðông – Nam Á, Tết cổ truyền Bun Pi May của Lào (lễ hội năm mới) hay Lễ hội Hốt Nậm (Té nước), cầu mong nước về, cho cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc.       

          Mỗi quốc gia trên thế giới đón năm mới theo phong tục và truyền thống riêng. Ðể chào đón năm mới, mỗi nước lại có những lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Năm mới của nhân dân các bộ tộc Lào bắt đầu từ ngày 13 đến ngày 15/4 theo Phật lịch. Theo truyền thống cách đây hàng nghìn năm, mỗi khi Tết đến xuân về, người Lào lại tổ chức lễ hội té nước. Trong lễ hội này, người dân Lào và cả khách du lịch nước ngoài, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo đều cùng hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc của một ngày hội thực thụ.

Người Lào quan niệm nước là yếu tố quan trọng, đem lại sức sống mãnh liệt cho vạn vật, nên ai càng ướt nhiều càng sung sướng, tự hào vì người đó được mọi người quý trọng và sẽ gặp nhiều điều may mắn trong năm. Ai không được té nước thì coi như năm đó gặp nhiều điều không may mắn. Họ quan niệm hạnh phúc ở đây là sự mát mẻ, yên lành. Nên theo ý nghĩa thiêng liêng té nước còn có ý nghĩa thanh khiết, cuộc sống nên gột rửa những cái cũ, những điều không hay, những điều dữ.  Họ còn có tục buộc chỉ cổ tay, ai buộc nhiều chỉ thì trong năm đó càng gặp nhiều may mắn và hạnh phúc.

Theo tập quán dân tộc, khi đến thăm hỏi nhau, người Lào không chúc tụng dài dòng mà chỉ chúc “ăn ở mát lành nhé” và tưới cho một âu nước thơm. Đáp lại lời chúc tụng đó, chủ nhà chúc khách như trên rồi tặng lại khách một âu nước thơm đã được chuẩn bị sẵn sàng trong nhà, tiếp theo mới trò chuyện và mời mọc nhau ăn uống.

Tục lệ té nước trong năm mới xuất phát từ quan niệm cho rằng đó là nguyên nhân của thời tiết. Theo quan niệm của các cụ già thì sau ngày hội “pi may” thường có những ngày mưa đầu mùa tầm tã làm cho cỏ cây trở lại xanh tốt, ruộng đồng tràn ngập nước và chỉ sau đó hai tuần người nông dân bắt tay vào vụ sản xuất.

Tục té nước ngày Tết cổ truyền Bun Pi May của Lào còn có nét đặc trưng là trong những ngày này không kể dù lạ hay quen, dù có hay không có địa vị trong xã hội cũng đều được gia chủ tiếp đón ân cần như nhau và được thể hiện sự quý trọng bằng những “gầu” nước dội lên khắp người khi đến thăm.

Người được té nước nhiều, áo quần ướt đẫm, càng sung sướng vì tin rằng mình sẽ gặp nhiều may mắn trong năm, đồng thời cũng như sự minh chứng là mình được nhiều người yêu mến. 

Ngày thường, đường phố Lào khá thanh bình, nhưng vào ngày Tết, các con phố như bừng tỉnh, sống động hơn, cảm giác như tất cả các loại xe ô tô được người Lào phô diễn trên đường phố. Loại xe chủ yếu được mang đi té nước phải kể đến dòng xe bán tải (pick up). Trên thùng xe, những chàng trai, cô gái ăn mặc sặc sỡ dùng súng phun nước, hoặc bất kể thứ gì có thể dùng hắt nước….trút ào ào xuống người đi đường. Họ vui vẻ nhảy múa, chúc tụng nhau….

Du khách đến Lào vào dịp Tết Bunpimay, nếu đi bộ trên đường  bị cả thùng nước xối vào người ướt nhẹp, hay bị bôi bột màu (một loại làm từ bột gạo trắng, hoặc có pha màu) lên mặt, đừng sợ hãi bỏ chạy, hãy cười thật tươi và chắp tay trước ngực nói "Sot ti pi may".

  1. Phong tục buộc chỉ cổ tay

Tết Bun Pi May của Lào được tổ chức trong ba ngày chính, từ ngày 13-15/4 theo Phật lịch. Ngày 13/4 theo Phật lịch, được coi như ngày đầu của năm mới của người Lào, giống như mùng 1 Tết của Việt Nam. Dịp Tết Bun Pi May, người Lào thường tới các chùa làm lễ cầu an hoặc có thể mời các sư về nhà làm lễ.

Lễ tại chùa Sỉ Mương, ngôi chùa cổ được coi là linh thiêng nhất tại thủ đô Viêng Chăn. Vào buổi lễ, mọi người ngồi xung quanh chiếc mâm khoắn (cách gọi của người Lào). Trên mâm lễ có bày hoa chủ đạo là cúc vàng, hoa chăm pa, một số loại quả, rượu, nước thơm…

Chiếc mâm được trang chí theo hình tháp, khá đẹp mắt. Những sợi chỉ màu cũng được trang trí theo hình tháp, kéo dài từ đỉnh tỏa tròn ra khắp mâm, đủ dài để những người ngồi làm lễ xung quanh có thể cầm vào một đầu dây. Hoặc cũng có thể nhà sư cầm đầu dây, và người dự làm lễ sẽ cầm các đầu dây còn lại.

Chính lễ, sư thầy sẽ làm lễ và khấn. Những người ngồi quanh mâm để khấn, một tay cầm sợi chỉ. Các sợi chỉ được nối vòng, tạo thành sợi dây liên kết từ người này sang người khác. Sau khi khấn xong, sư thầy sẽ buộc chỉ cho người được nhận lễ trước khi buộc cho những người khác. Hoặc mọi người cũng có thể buộc chỉ vào tay nhau. Sợi chỉ buộc tay được đeo suốt dịp Tết, ít nhất là ba ngày đeo liên tục, không được tháo ra. Nếu đeo được ba ngày trở lên, thì lời cầu chúc sẽ linh ứng.Sau khi làm lễ, nhà sư buộc chỉ vào tay người làm lễ.

          Mỗi khi nhắc đến đất nước Lào, chúng ta lại nhớ đến lễ buộc chỉ cổ tay. Lễ buộc chỉ cổ tay là một phong tục có từ rất lâu đời, nó mang nét đẹp về văn hóa về tinh thần của người dân xứ xở Triệu Voi.

          Ngày tết khách đến xông nhà được chủ nhà buộc vào cổ tay một vòng chỉ xanh hoặc đỏ, biểu tượng hạnh phúc và sức khỏe. Lễ buộc chỉ cổ tay được chuẩn bị rất chu đáo, ban đầu gia chủ sẽ làm một mâm lễ cho buổi lễ (gọi là mâm Khoẳn) gồm có rượu, hoa, trứng, gà, xôi nếp, nước và chỉ trắng trang trí thành một hình tháp và trên đỉnh sẽ cắm một cây nến vàng. Bắt đầu vào buổi lễ, bên mâm Khoẳn, tất cả những người tham dự sẽ ngồi xung quanh, người chủ lễ sẽ ngồi đối diện với những người nhận lễ. Chủ lễ sẽ châm cây nến trên đỉnh của mâm Khoẳn và khấn vái. Những người xung quanh, tay trái cầm sợi chỉ, tay phải chạm nhẹ vào mâm. Những người ngồi xa, không với tới mâm thì vẫn chắp tay trái trước ngực, tay phải chạm nhẹ vào khuỷu tay của người ngồi phía trước để truyền lời nguyện tới tất cả các thành viên tham dự và tăng thêm sự gắn kết, tình đoàn kết giữa các thành viên dự lễ.

          Sau khi khấn xong, chủ lễ sẽ buộc chỉ tay cho người nhận lễ trước rồi lần lượt đến những người khác. Loại chỉ tay này được tết riêng, buộc thành chùm trên mâm lễ, cắt vừa đủ để buộc vào cổ tay. Sau đó những người khác cũng sẽ lấy những sợi chỉ trên mâm Khoẳn và buộc cho cho nhau để cầu phúc, cầu may. Thông thường các vị khách chính, người già, gia chủ và phụ nữ sẽ được buộc nhiều nhất.

          Người dân Lào thường cầu cho người khác hơn là cầu cho chính mình. Bởi với họ cầu mong tốt lành cho người khác, thì sau đó, người khách sẽ lại mang bình an đến cho họ. Theo người dân ở nơi đây, để lời chúc được hiệu nghiệm thì trong vòng ba ngày người nhận lễ không được tháo sợi chỉ ra vì bất cứ lí do gì.

  1. Xây tháp cát

          Cát được đưa đến sân chùa và trang trí trước khi dâng cho các nhà sư để tỏ lòng thành kính. Có hai cách để làm tháp bằng cát. Người ta có thể làm ngay tại bãi biển hoặc dâng cát cho chùa. Tháp cát được trang trí bằng cờ, hoa, dây vải trắng và vẩy nước thơm. Các tháp cát này tượng trưng cho núi Phoukaokailat nơi bảy con gái của Kabinlaphom thờ đầu cha mình và được dâng cúng để cầu sức khỏe, hạnh phúc trong năm mới.

  1. Phóng sinh

          Tục phóng sinh cá, chim…cũng được người dân Lào kết hợp thực hiện trong dịp Tết Bun Pi May, với ý nghĩa mang lại ấm no, an lành.Các loài động vật như rùa,  cá, cua, chim, lươn và các con vật nhỏ khác được phóng sinh. Người ta tin rằng trong dịp Tết ngay cả động vật cũng cần được tự do. Một số người phóng sinh động vật với số lượng trùng với tuổi của con vật.

  1. Một số phong tục khác

          Vào các buổi chiều, sư trụ trì hướng dẫn các nhà sư, ni cô và dân làng đi hái hoa tươi đem về chùa cúng Phật. Trong khi đi hái hoa người ta chơi trống và các nhạc cụ cổ truyền. Những người khác thì đem nước đến lau rửa hoa.

          Vào những ngày này mọi người thường biếu vải, biếu khăn cho người già. Hội đua thuyền được tổ chức trên sông. Ở các địa phương đều có đám rước, nhưng nổi tiếng nhất là đám rước Nangsangkhane ở cố đô Luang Prabang, với bảy cô gái đóng vai bảy người con của Kabinlaphom. Ban ngày người ta đến đền chùa cầu nguyện. Vào buổi tối, mọi người tập trung ở chùa để vui chơi, biểu diễn âm nhạc truyền thống (morlam) và múa lamvong. Nếu làng nào đặt tượng Phật trong hang núi thì lễ tắm Phật gọi là Song Namphaphou. Các nhà sư và dân làng ăn trưa ngay tại núi sau khi làm lễ.

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thùy Dương
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 05 LÝ DO BẠN NÊN CHỌN NGÀNH QUẢN LÝ VĂN HÓA  (06/04/19)
 HỘI NGHỊ THẨM ĐỊNH ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN CẤP KHOA- KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN NĂM HỌC 2018-2019 (02/04/19)
 TIẾT MỤC MỞ ĐẦU - HỘI THI NGHIỆP VỤ NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI (29/03/19)
 HỘI THI NGHIỆP VỤ NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI (24/03/19)
 CHUYẾN ĐI THỰC TẾ NGHỀ NGHIỆP CỦA SINH VIÊN THÔNG TIN-THƯ VIỆN (25/02/19)
 KẾ HOẠCH XÂY DỰNG NỘI SAN SỐ 4 (22/02/19)
 Cuộc thi “SÁNG TÁC SLOGAN VỀ QUYỀN KINH TẾ CỦA PHỤ NỮ”  (22/02/19)
 NGHIỆM THU ĐỀ TÀI CƠ SỞ CẤP TRƯỜNG - CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI - THS. HOÀNG THỊ THU HOA (02/01/19)
 THÔNG BÁO MỜI VIẾT BÀI HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ: CÔNG TÁC XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM - THỰC TIỄN - HỘI NHẬP - PHÁT TRIỂN (11/12/18)
 Tiết mục biểu diễn thời trang - Chào đón Tân sinh viên 2018 (09/11/18)
Hôm nay 2061
Hôm qua 4318
Tuần này 15650
Tháng này 78011
Tất cả 3046794
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
Email: khoavanhoathongtin.dvtdt@gmail.com

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (0237) 3953 388 - (0237) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường
Email: dhvhttdlth@gmail.com - Website: http://wwww.dvtdt.edu.vn