Nghiên cứu khoa học
TÁI HÔN Ở NGƯỜI GIÀ

Tạp chí người cao tuổi (ISSN 1859 - 2597), số 84 (9/2015)

TÁI HÔN Ở NGƯỜI GIÀ

 

                                                                                          Nguyễn Thị Thùy Dương[*]

 

Ở Việt Nam, số lượng người cao tuổi ngày càng tăng và tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2007, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 9,45% dân số và dự báo tỷ lệ này sẽ tăng đột biến từ năm 2010, có thể đạt 16,8% vào năm 2029 (1). Tuy nhiên các dịch vụ chăm sóc người già chưa phát triển theo kịp, số trung tâm dưỡng lão còn rất ít. Điều quan trọng, nhiều người vẫn còn có tâm lý e ngại khi đề cập đến việc đưa bố mẹ già vào các trung tâm vì sợ mang tiếng là bất hiếu, không thể chăm sóc nổi cha mẹ khi về già. Bản thân các cụ cũng cảm thấy tủi thân, bị bỏ rơi nếu bị con cháu đưa vào trung tâm dưỡng lão. Vì thế các cụ thường ở nhà, nhưng con cháu lại không có nhiều thời gian chăm sóc.

Tình yêu vốn không phân biệt tuổi tác - ai cũng nói được điều này nhưng không phải ai cũng hiểu đến tận cùng của cụm từ này. Với những người ở tuổi xế chiều, khi họ đã ngưng bớt lo toan để thụ hưởng cuộc sống thì tâm lý cô đơn lại bắt đầu xuất hiện. Không biết có bao nhiêu lý do để họ tìm đến “cuộc đời thứ 2” trong những ngày cuối đời và cũng không biết có bao nhiêu cách nhìn nhận về vấn đề này. Câu chuyện những người già “đi thêm bước nữa” luôn được nhìn nhận bằng con mắt định kiến. Nhưng dẫu hạnh phúc đến với những con người này như một thứ quả ngọt cuối mùa vẫn rất cần sự sẻ chia, cảm thông.

Ở Trung Quốc, do ảnh hưởng của văn hóa phong kiến truyền thống, các cụ mất vợ, chồng ngoài 50 tuổi muốn tái hôn, xã hội thường có cách nhìn không mấy thiện cảm, thậm chí con cái cảm thấy không nên. Họ gây nhiều áp lực với cha mẹ mình mà không hiểu rằng tình yêu con cái không thể thay thế tình yêu vợ chồng.

Riêng Hàn Quốc thì khác. Hiện nước này có đến 1/5 số người cao tuổi đang sống một mình. Vì thế, từ lâu, vấn đề tái hôn của người cao tuổi Hàn Quốc đã trở thành đề tài xã hội được tranh luận sôi nổi. Số liệu thống kê mới cho thấy tỷ lệ tái hôn của người cao tuổi Hàn Quốc đang ngày một tăng lên. Trong năm 2013, số người già Hàn Quốc tái hôn đã tăng gấp đôi so với một thập niên trước (2). Sự thay đổi này phần nào phản ánh sự cởi mở hơn của cộng đồng đối với vấn đề tái hôn ở người cao tuổi

Ở Việt Nam, nhiều người vẫn còn tỏ ra khắt khe, thậm chí là hà khắc về vấn đề tái hôn của người già. Cứ 5 người được hỏi mới có gần 1 người chấp nhận vấn đề này. Không phải ai cũng đồng cảm với nhu cầu tái hôn của người cao tuổi, kể cả chính những người cao tuổi. Nhiều người cho rằng già mà còn lấy vợ, lấy chồng là “ham hố quá mức”. Con cái nghĩ rằng các cụ “tự nhiên đổ đốn”, hay bị lừa. Có hàng trăm nghìn lý do được con cháu nêu ra, chẳng cần biết đúng sai, đạo lý trên dưới cứ miễn sao là phản đối được chấp nhận. Từ việc bỗng dưng cho rằng bố mẹ già nên lẩm cẩm, không điều khiển được hành vi đến những phiền toái đi kèm…

Thiết nghĩ, ở bất cứ lứa tuổi nào cũng có nhu cầu hạnh phúc, đặc biệt là tuổi già lại cần hơn sự chia sẻ, an ủi hay những tâm sự thường ngày mà con cháu không thể làm được vì khoảng cách thế hệ, tuổi tác, thời gian... Vì vậy, người già cô đơn rất cần có một người bạn khác giới cùng thế hệ để có thể chia sẻ tình cảm với nhau, hoặc chăm lo cho nhau lúc trái nắng trở trời.

Vấn đề tái hôn của người già ở Việt Nam  nhiều người vẫn cón có cái nhìn khắt cũng là điều dễ hiểu bởi văn hóa Việt Nam ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa Nho giáo, thường quan niệm người già là khuôn mẫu, mực thước. Hôn nhân là chuyện bất biến, không được thay đổi kể cả khi vợ (chồng) qua đời. Vì thế, người Việt luôn cho rằng chuyện người già đi "bước nữa" là chuyện khó chấp nhận. Thêm vào đó, tâm lý người Á Đông từ trước đến nay, không đồng tình việc người già tái hôn, nhất là đối với phụ nữ do những quan niệm phong kiến về dòng tộc, tề gia. Đặc biệt ở nông thôn, dù không gian sống thoáng đãng nhưng cách sống vẫn bó buộc về quan niệm dòng họ. Họ đòi hỏi các thành viên phải sống hy sinh theo quan niệm "chung, tiết, hiếu" cho nên không khuyến khích ly hôn và không tán thưởng chuyện ly hôn. Còn ở thành thị, "độ mở" lớn hơn, quyền tự do cá nhân được khẳng định cùng với xu hướng hội nhập nên chuyện người già "đi bước nữa" đã được thừa nhận nhưng còn dè dặt.

Mặt khác, việc con cái không phải ai cũng chấp nhận việc cha, mẹ mình khi đã cao tuổi mà vẫn đi bước nữa, tìm hạnh phúc mới ở “cuộc đời thứ hai” có nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên là những rắc rối về pháp lý, bởi theo đúng pháp luật, từ người trẻ đến người già nếu đủ điều kiện pháp lý khi về sống với nhau phải đăng ký kết hôn. Tiếp đến lại việc xưng hô, phục vụ thêm một người hoàn toàn xa lạ, chuyện con ông con bà… với bao phiền toái đi kèm.

Họ ngại phải gánh thêm một người già nữa là cha dượng hay mẹ kế, nếu như chấp nhận cho cha mẹ già đi bước nữa. Đặc biệt, con cái cũng lo ngại vấn đề chia tài sản, thừa kế. Không ai muốn sau một vài năm nữa, khi bố hay mẹ của mình qua đời, lại phải giải quyết vấn đề phân chia tài sản. Cũng có người lo cho sức khỏe của cha mẹ mình sau kết hôn. Thực tế có cụ đang sống khỏe mạnh, chưa đầy 2 năm sau khi lấy được người vợ trẻ đã “đi sớm”.

Cực đoan hơn là việc con cháu bức xúc nói rằng hành động cha-mẹ-ông-bà đi bước nữa sẽ bôi xấu vào mặt con cháu, làm ảnh hưởng đến danh dự gia đình, truyền thống dòng tộc. Quan điểm của lớp trẻ đa phần nghĩ rằng tuổi đã cao, nhu cầu sinh lý không còn thì các cụ đi bước nữa để làm gì. Cần tiền đã có con cháu lo, muốn gì con cháu sẽ đáp ứng. Và sau hàng loạt những lý do tức thời, kết luận chung của con cháu nói với cha-mẹ-ông-bà mình rằng niềm vui lớn nhất của tuổi già chính là sự thành đạt, sum vầy của con cháu chứ không phải… “dở chứng”, bỗng dưng… đổ đốn, tự nhiên… ham hố. Đây là một quan thái ích kỷ của con cháu, và không ít người già đã phải ngậm ngùi thuận theo lớp con cháu học rộng, tài cao, hiểu biết nhiều.

Một vấn đề tâm lý của con cái khi ngăn cản cha mẹ tái hôn là “ghen thay người đã mất”. Có cô con gái lớn bị sốc khi người cha già của mình muốn lấy vợ, bởi cô nghĩ như vậy là bố đã quên mẹ, phản bội mẹ.

Với những đứa con thành đạt trong xã hội - việc cha hay mẹ đi thêm bước nữa còn kéo theo “nguy cơ” tạo nên rào cản cho sự thăng tiến và tương lai của họ, họ phản đối việc mẹ tái hôn không phải vì không yêu thương mẹ hay không thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của mẹ mà họ ngại hàng xóm gièm pha, đàm tiếu việc đi thêm bước nữa. Do đó, họ càng phản đối quyết liệt.

Có một thực tế, không phải cặp vợ chồng nào cũng có thể sống bên nhau đến đầu bạc, răng long; vì một lý do nào đó, người bạn đời của họ ra đi trước khiến người ở lại trở nên cô quạnh, trống vắng. Rơi vào trường hợp như thế, nhiều người sẽ nghĩ đến việc đi thêm bước nữa với người cùng cảnh ngộ để hàng ngày có người dốc bầu tâm sự và chăm sóc nhau lúc ốm đau bởi “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”.

Theo một nghiên cứu của phương Tây thì trên thực tế có khoảng 70% đàn ông nam giới 68 tuổi vẫn có hoạt động tình dục như cũ, thậm chí các cụ nhóm 78 tuổi vẫn còn 25% khả năng sinh hoạt tình dục. Những cặp vợ chồng già ân ái sinh hoạt tình dục đến 60 - 70 thậm chí 80 tuổi (3). Người già mất bạn trăm năm vẫn cần tình yêu, không chỉ cần hoạt động tình dục thích đáng, mà càng cần sự vuốt ve an ủi. Chính vì vậy, dù là cái nôi của văn hóa phương Đông nhưng từ ngày 1 tháng 10 năm 1996, Trung Quốc đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ lợi ích người già, nhấn mạnh hôn nhân tự do của người già được pháp luật bảo hộ, con cái và người thân không được can thiệp. Thậm chí sử dụng bạo lực khi can thiệp vào hôn nhân của người già còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là đòn đánh mạnh vào văn hóa phong kiến, bảo hộ mạnh mẽ tự do hôn nhân của người cao tuổi.

Phải khẳng định rằng, nhu cầu được yêu thương, có người bạn đời để chia sẻ nhu cầu tâm lý tình cảm là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người. Luật Hôn nhân Gia đình Việt Nam chỉ khống chế “ngưỡng dưới” của tuổi kết hôn (nam 20, nữ 18 tuổi), chứ không khống chế ở ngưỡng trên. Người cao tuổi tái hôn không phạm luật. Tuy nhiên, hôn nhân đối với người Việt Nam không chỉ là vấn đề Luật pháp, mà còn liên quan tới nhiều vấn đề khác. Không có lời khuyên chung cho mọi trường hợp tái hôn ở người cao tuổi, bởi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.

Khi bàn về vấn đề này hầu hết các chuyên gia tâm lý đều khẳng định, ý thức về quyền tự do được kết hôn, có bạn tình của người già không lớn. Người già tái hôn chủ yếu tìm chỗ nương tựa tinh thần. Tất nhiên, đó là với những cụ tương đối độc lập về kinh tế, chứ những cụ còn sống phụ thuộc vào con cái, con cái có động viên, chắc các cụ cũng “chẳng dám đâu”. Có cụ sẵn sàng bỏ “cửa cao nhà rộng” nhưng lạnh lẽo tình người để đến một nơi vất vả hơn mà vui vẻ. Người cao tuổi đâu có nhu cầu nhiều về vật chất. Nhiều người cho rằng nếu người cao tuổi kết hôn nghĩa là người đó còn ham hố chuyện tình dục, chăn gối, nhưng không hẳn như vậy. Nhu cầu có bạn già rất quan trọng, bởi nỗi sợ lớn nhất của người cao tuổi là bị bỏ rơi, bị cô đơn. Tất nhiên, nhu cầu vợ chồng cũng không có gì là xấu.

Người già cô đơn muốn tái hôn là nhu cầu có thật, cần được sự cảm thông và chia sẻ của mọi người. Người già ở trong cảnh ngộ này cũng nên yên tâm vì những mong muốn của họ đã được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình. Khi đã là quyền theo luật định, thì không ai có quyền ngăn cản. Trái lại, ngăn cản là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền công dân của người khác. Vì thế, nếu hai người muốn đến với nhau một cách tự nguyện thì cứ việc đăng ký kết hôn. Chính quyền địa phương phải tạo điều kiện cho hai người được đạt theo ý nguyện.

Nhưng những người già đang cô đơn có nhu cầu tái hôn cần phải quan tâm đến vấn đề kết quả hành trình đi tìm một nửa để chia sẻ với mình ở tuổi xế chiều mà người thân và con cái không đồng cảm sẽ ra sao. Liệu có hạnh phúc hay lại nếm trái đắng? Thêm bước nữa, thêm một người trong cuộc đời là đi thêm nhiều ngã rẽ. Sự sung sướng hay đau khổ vẫn là những câu chuyện chưa có hồi kết. Đòi hỏi người già khi quyết định việc đi thêm bước nữa cần phải cân nhắc, suy nghĩ một cách cẩn thận. Khi cuộc sống càng văn minh thì cách nhìn, cách đánh giá đối với vấn đề này càng thoáng hơn và thấu hiểu hơn, hiện nay cũng đã có những trung tâm môi giới sẵn sàng phục vụ họ.

Về phía con cháu không nên coi thường, không nói nặng lời, không phản đối kịch liệt hay hỗn hào khi nghe cha hay mẹ góa bụa của mình muốn đi bước nữa, bởi điều ấy không phạm luật, không vi phạm đạo đức hay văn hóa. Tuy nhiên, tùy hoàn cảnh từng người mà có cách ứng xử khác nhau. Trước tình yêu, ai cũng có thể bị “mờ mắt”, kể cả người cao tuổi. Là người ngoài cuộc tỉnh táo hơn, hãy phân tích cho cha mẹ già biết nguy cơ đang rình rập các cụ.

Theo các chuyên gia tâm lý người cao tuổi, nếu không thể bảo đảm điều kiện và thời gian chăm sóc, quan tâm đến cha hay mẹ đang cô đơn khi về già thì các con đừng nên quá khắt khe về việc gia đình có thêm thành viên mới. Vì điều này giúp cho người già có thêm sinh lực trong cuộc sống, để mỗi người hiểu nhau, cảm thông cho nhau và xây dựng gia đình đầm ấm hơn. Người già khi cô đơn muốn tái hôn cũng có cái lý của họ, nhưng người trẻ có thái độ phản đối cũng có lý lẽ riêng. Vì thế, các thành viên trong gia đình cần phải dung hòa cách phản ứng của mình. Tất cả phải xuất phát từ lòng yêu thương và đồng cảm giữa các thế hệ. Cuộc sống hạnh phúc của đôi bạn già sẽ là câu trả lời cho con cháu và dư luận sau này./.

 

Tài liệu trích dẫn

(1). http://m.cadn.com.vn/news/viet-nam-co-nhieu-chinh-sach-cham-soc-phat-huy-vai-tro 57539-102

(2). http://vtv.vn/doi-song/xu-huong-tai-hon-o-nguoi-cao-tuoi-han-quoc-136637.htm

(3). http://laodong.com.vn/van-hoa/tu-do-hon-nhan-cua-nguoi-cao-tuoi-226458.bld

 

 

 

[*] Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thùy Dương
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 HIỆN TƯỢNG GIA ĐÌNH ĐƠN THÂN TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM NGÀY NAY (17/09/18)
 Sinh viên Khoa Văn hóa Thông tin tham dự Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường năm học 2017 - 2018 (15/05/18)
 HỘI NGHỊ SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG NĂM HỌC 2017-2018 (06/05/18)
 Khoa Văn hóa - Thông tin nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên năm học 2017 – 2018 (02/04/18)
 Thông báo về nghiệm thu đề tài NCKH của sinh viên Khoa Văn hóa Thông tin năm học 2017 – 2018 (30/03/18)
 Giới thiệu Tạp chí Khoa học Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa  (20/07/17)
 Sinh viên Khoa Văn hóa Thông tin tham dự Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường năm học 2016 - 2017 (22/05/17)
 HỘI NGHỊ NGHIỆM THU, ĐÁNH GIÁ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA SINH VIÊN KHOA VĂN HÓA THÔNG TIN NĂM HỌC 2016 - 2017 (22/03/17)
 Thông báo về Lịch kiểm tra tiến độ đề tài NCKH của sinh viên Khoa Văn hóa Thông tin năm học 2016 – 2017 (02/03/17)
 HỘI THẢO KHOA HỌC "PHẦN MỀM THI TRẮC NGHIỆM TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA" (07/11/16)
Hôm nay 1877
Hôm qua 3254
Tuần này 17429
Tháng này 117467
Tất cả 3172581
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
Email: khoavanhoathongtin.dvtdt@gmail.com

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (0237) 3953 388 - (0237) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường
Email: dhvhttdlth@gmail.com - Website: http://wwww.dvtdt.edu.vn