Nghiên cứu khoa học
XỨ THANH TRONG DÒNG CHẢY LỊCH SỬ, VĂN HÓA VIỆT NAM

Khi đề cập đến xứ Thanh, Cố GS. Trần Quốc Vượng đã nhận định: “Xứ Thanh là một vị trí địa - chiến lược, địa - chính trị, địa - văn hóa quan trọng của Việt Nam[1]".

Thanh Hóa là mảnh đất tương đối ổn định trong lịch sử, tuy một số quận huyện có nhập, tách và vùng đất Thanh Hóa ngoại xưa đã được tách ra thành tỉnh Ninh Bình, song đại bộ phận phạm vi, ranh giới xứ Thanh đã được xác lập ổn định từ thời Bắc thuộc cho đến bây giờ.

Các bằng chứng khảo cổ học đã chứng minh cách đây 4.000 - 5.000 năm, khi đồng bằng sông Mã đang được kiến tạo, người Việt cổ đã đến khu vực này để sinh sống và cư trú. Hiếm có vùng đất nào lại có đầy đủ những mốc nổi tiếng đánh dấu các giai đoạn phát triển lớn của lịch sử dân tộc, từ tối cổ đến hiện nay như Thanh Hóa. Người ta đã phát hiện ở Thanh Hóa những di chỉ khảo cổ nổi tiếng, liền mạch thuộc hầu hết các thời đại khảo cổ học lớn của nước ta thời tiền sử và sơ sử: đồ đá cũ sơ kỳ (núi Đọ), thời kỳ đá cũ (di chỉ Hang Con Moong), đá mới (Đa Bút), đồng đá (Hoa Lộc), văn hóa đồng thau (Đông Sơn). Đặc biệt, từ di chỉ Cồn Chân Tiên - Đông Khối - Quỳ Chữ đến văn hóa Đông Sơn là một quá trình liên tục vừa có tính tích tụ khu vực với đặc điểm của văn minh sông Mã vừa có tính phổ biến với tiến trình phát triển của văn hóa Việt Nam. Mặt khác, di vật của nhiều thời kỳ phát triển xã hội đã được tìm thấy trong một số di chỉ có hiện tượng xếp chồng lên nhau theo thứ tự thời gian lớp dưới có niên đại cổ hơn lớp trên, chứng tỏ dân cư xứ Thanh nối tiếp nhau tồn tại, phát triển khá liên tục.

Thanh Hóa là nơi phát hiện ra một trong ba trung tâm của nền văn hóa Đông Sơn trên đất Việt: Trung tâm sông Hồng (Bắc Bộ), trung tâm sông Cả (Nghệ An) và trung tâm sông Mã (xứ Thanh). Vì lẽ đó, có thể khẳng định Thanh Hóa cùng với đồng bằng châu thổ Bắc Bộ là cái nôi hình thành dân tộc Việt Nam, quốc gia Việt Nam và nền văn hóa Việt Nam.

Vùng đất Hàm Rồng của xứ Thanh là nơi phát hiện đầu tiên những di vật của nền văn hóa Đông Sơn - nền văn hóa rực rỡ nhất ở buổi đầu dựng nước của dân tộc ta thời đại các vua Hùng, và tên của nó đã được đặt cho nền văn hóa nổi tiếng này[2]. Đây cũng chính là vùng lõi của văn hóa Đông Sơn, là địa bàn phân bố dày đặc đồ đồng cùng các hiện vật văn hóa Đông Sơn khác. Việc phát hiện những hiện vật khảo cổ học tại làng Đông Sơn đã khuyến khích giới khoa học trong và ngoài nước xem xét, nghiên cứu một cách hoàn chỉnh hơn về thời đại đồ đồng ở Việt Nam. Cho nên, mặc dù chúng ta không thể chối cãi được rằng, gốc của nền văn hóa Đông Sơn là ở vùng châu thổ Bắc Bộ (bởi vùng đất ấy có một con sông đậm mầu phù sa và một vùng lúa tập trung đủ tư cách để tạo nên nền văn minh Sông Hồng, làm bệ đỡ cho nền văn hóa đồ đồng); và tuy rằng chúng ta đã tìm được ở châu thổ sông Hồng những hiện vật đồ đồng mang tư cách đỉnh cao của thời kỳ này, như: thạp đồng Đào Thịnh hay trống đồng Ngọc Lũ, Miếu Môn, Cổ Loa…, nhưng nơi tập trung của nghệ thuật đồ đồng lại ở vùng Đông Sơn.

Cũng như đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa là nơi con người tụ cư và khai phá từ rất sớm tạo nên những làng xã cổ truyền. Sự cổ xưa của làng ở Thanh Hóa được biểu hiện một phần qua các tên gọi là “Kẻ”, “Xá”, “Vạn”, “phường”... “Kẻ” là tên gọi cổ của làng, xuất hiện với tần suất khá nhiều ở Thanh Hóa (Kẻ Giàng, Kẻ Rỵ, Kẻ Chè, Kẻ Rủn, Kẻ Nưa...). Sự cổ xưa của làng cùng với sự đa dạng của cảnh quan tự nhiên đã tạo cho văn hóa xứ Thanh vừa phong phú, đa dạng, vừa đặc sắc.

Thanh Hóa là đất “thang mộc”, “đất quân vương”, hơn một nửa thời gian tồn tại của chế độ phong kiến Việt Nam (thế kỷ X - XX), đứng đầu bộ máy cai trị quốc gia là người xứ Thanh. Một số chức vụ chủ chốt trong triều đình phong kiến như Tể tướng, Tham tụng, Thượng thư lục bộ... cũng đều có mặt người Thanh Hóa. Xứ Thanh đồng thời cũng là kinh đô của các triều đại Hồ (Tây Đô), Lê Sơ (Lam Kinh), thời Lê Trung Hưng (kinh đô Vạn Lại). Đặc điểm nổi bật này đã đem đến cho xứ Thanh sự ảnh hưởng và tiếp cận với văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng chính thống, khiến văn hóa xứ Thanh bên cạnh tính dân dã còn mang cả tính bác học. Mặt khác, do có vị trí và địa thế quan trọng, các tập đoàn phong kiến thất thế hay muốn khởi nghiệp đều muốn chọn Thanh Hóa làm căn cứ phòng thủ; con người, vật lực thường bị huy động tối đa cho chiến tranh tạo nên những giá trị đặc sắc trong lễ hội, tục trò, tín ngưỡng.

Là đất phát vương của các triều đại Tiền Lê, Hồ, Lê sơ, Lê Trung hưng, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, chịu ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa cung đình và du nhập các kiểu cách lối sống của kinh đô, thế nhưng xứ Thanh lại không nằm cận kề Thăng Long hay kinh đô Huế mà nằm ở ngoại trấn, vùng ngoại vi của trung tâm văn hóa chính trị của đất nước. Vì vậy, trình độ phát triển kinh tế - xã hội có phần thấp hơn, những ảnh hưởng giao lưu văn hóa với khu vực và Trung Hoa có phần bị hạn chế, xứ Thanh còn lưu giữ lại nhiều yếu tố văn hóa Việt cổ hơn vùng Bắc Bộ, chốn kinh kỳ. Đó cũng là nguyên nhân làm cho ở xứ Thanh còn lưu giữ được nhiều biểu hiện hóa thạch ngoại biên về văn hóa.

Vị thế của vùng đất xứ Thanh trong lịch sử vẫn liên tục được tiếp nối qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và công cuộc bảo vệ, xây dựng Tổ quốc hiện nay. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa là tỉnh có đóng góp nhiều nhất cả về sức người và sức của, là hậu phương lớn nhất chi viện cho chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại năm 1954. Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai (ngày 13/6/1957), khi đánh giá về công lao của Nhân dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, quân dân Thanh Hóa đã cùng cả nước tạo chiến công vang dội, tiêu biểu là cuộc chiến đấu ở Hàm Rồng, mà cây cầu sắt bắc qua sông Mã đã trở thành huyền thoại. Nhà báo Mi-khai-I-lin-ski đã ca ngợi cầu Hàm Rồng trên tạp chí Thời mới của Liên Xô cũ với những lời chân thành, cảm động: “Nhưng ở tỉnh Thanh Hóa có một cây cầu trên sông Mã tượng trưng cho tinh thần dũng cảm và lòng can đảm của nhân dân Việt Nam. Nó gọi là Hàm Rồng tức là miệng Rồng. Nó đã chiến đấu như một thần thoại phi thường: Máy bay Mỹ đã đánh phá nó gần 5.000 lần, trút xuống hơn 150.000 quả bom phá và bom từ trường, hàng vạn tên lửa và thủy lôi. Nhưng cây cầu vẫn hiên ngang đứng đó, những dầm cầu thép vẫn vượt qua sông”[3].

Ngày nay, Thanh Hóa vẫn tiếp tục miệt mài đóng góp sức mình trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

[1] Trần Quốc Vượng (1996), Theo dòng lịch sử - những vùng đất, thần và tâm thức người Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, tr. 409

[2] Năm 1924, ông Nguyễn Văn Lắm, người làng Đông Sơn cổ tìm thấy một số đồ đồng phát lộ ven bờ sông Mã, ghi nhận giá trị đặc biệt của các hiện vật liên quan đến một nền văn hóa cổ, năm 1934, R.Heine Geldern (người Áo), đề xuất gọi đó là “Văn hóa Đông Sơn”

[3] Tập Hồ Chí Minh chiến thắng- Thư mục chuyên đề của Thư viện tổng hợp tỉnh Thanh Hóa, xuất bản năm 1985.tr 59,61

Tác giả: TS. Lê Thị Thảo
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 HÌNH TƯỢNG RỒNG TRONG ĐÌNH LÀNG XỨ THANH (23/03/21)
 THÀNH NHÀ HỒ - SẮC MÀU HUYỀN THOẠI (23/03/21)
 NHỮNG ÔNG TỔ NGHỀ CHẾ TÁC ĐÁ NGƯỜI XỨ THANH (23/03/21)
 NHỮNG NGƯỜI THỢ AN HOẠCH KHẮC BIA TIẾN SĨ Ở VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM (23/03/21)
 "ÂM THANH" TÂM LINH TRONG KIẾN TRÚC CỔ TRUYỀN XỨ THANH  (23/03/21)
 HÌNH TƯỢNG TÙNG, CÚC, TRÚC, MAI TRONG KIẾN TRÚC GỖ TRUYỀN THỐNG XỨ THANH  (22/03/21)
 HÀM RỒNG - VÙNG ĐẤT TÍCH TỤ NHỮNG GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA ĐẶC BIỆT (22/03/21)
 NHỮNG BIA ĐÁ TIÊU BIỂU CỦA XỨ THANH (22/03/21)
 THỰC TRẠNG CÔNG TÁC TỔ CHỨC, QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG Ở CÁC HUYỆN MIỀN NÚI TỈNH THANH HÓA (22/03/21)
 PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG GẮN VỚI BẢO TỒN VĂN HÓA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THÁI Ở HUYỆN THƯỜNG XUÂN, THANH HÓA (22/03/21)
Hôm nay 3226
Hôm qua 3521
Tuần này 12497
Tháng này 74858
Tất cả 3043641
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
Email: khoavanhoathongtin.dvtdt@gmail.com

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (0237) 3953 388 - (0237) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường
Email: dhvhttdlth@gmail.com - Website: http://wwww.dvtdt.edu.vn