Nghiên cứu khoa học
TÁC ĐỘNG CỦA DI CƯ LAO ĐỘNG ĐẾN GIA ĐÌNH Ở NÔNG THÔN VIỆT NAM HIỆN NAY

Di cư lao động ở Việt Nam đang là một vấn đề được xã hội quan tâm. Vấn đề này nảy sinh từ sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế và sự ổn định về chính trị trong nhiều năm qua. Nguồn lao động di cư theo hai luồng: Di cư ra nước ngoài (xuất khẩu lao động) và di cư nội địa. Chủ yếu đang trong độ tuổi lao động và đến từ các vùng nông thôn. Bài viết tập trung nghiên cứu tác động của di cư lao động đến gia đình ở nông thôn Việt Nam hiện nay, đồng thời đưa ra một số giải pháp để phát huy yếu tố tích cực và giảm thiểu các tác động tiêu cực trong giai đoạn hiện nay và tạo nên sự phát triển bền vững của gia đình ở vùng nông thôn Việt Nam trong tương lai.

 

1. Đặt vấn đề

Theo tổ chức di cư quốc tế (IMO) “Di cư[1] là sự dịch chuyển dân số bao gồm bất kỳ sự dịch chuyển nào của một người hay một nhóm người kể cả qua biên giới quốc gia hay trong một quốc gia. Là một sự di chuyển nào của con người, bất kể độ dài, thành phần hay nguyên nhân bao gồm di cư của người tị nạn, người lánh nạn, người di cư kinh tế và người di chuyển vì mục đích khác (trong đó có cả đoàn tụ gia đình).” Có nhiều loại hình di cư. Phân theo địa giới hành chính: Di cư quốc tế, di cư giữa các vùng, di cư giữa các tỉnh, di cư giữa các huyện, di cư trong huyện. Phân theo thời gian (thời gian cư trú của người di cư): Di cư hẳn, di cư tạm thời – lâu dài, di cư tạm thời – ngắn hạn, di cư con lắc[2]. Bài viết tác giả hướng đến đối tượng là những người lao động ở nông thôn tham gia quá trình di cư tạm thời ngắn hạn.

Trong thời đại hiện nay, khi mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang hướng đến xây dựng một nền kinh tế năng động và phát triển thì nền kinh tế đa thành phần là sự lựa chọn tối ưu. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận dù nước giàu hay nước nghèo thì nông nghiệp – nông thôn vẫn có một vị trí quan trọng, là ngành sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế cung cấp những sản phẩm thiết yếu như lương thực, thực phẩm cho con người tồn tại. Đặc biệt, với Việt Nam - một đất nước truyền thống trồng lúa nước, có đến 70% dân số sống ở các vùng nông thôn và làm nông nghiệp lại càng quan trọng. Tuy nhiên, từ khi Đảng và Nhà nước có chủ trương đổi mới, Việt Nam đã tiến một bước dài về kinh tế, đặc biệt sự chuyển hướng sang nền kinh tế đa thành phần, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân. Sự chuyển dịch nền kinh tế đã làm cho diện mạo kinh tế thay đổi từ nông thôn đến đô thị. Đất nông nghiệp bị thu hẹp cho xây dựng, phát triển các khu công nghiệp ở các địa phương. Sự chênh lệch mức thu nhập giữa việc làm nông nghiệp và lao động trong các nhà máy, doanh nghiệp hay đi xuất khẩu lao động khá lớn đã dẫn đến nhận thức về việc làm, về nghề nghiệp của phần lớn nguồn lao động ở nông thôn có nhiều thay đổi. Trong nhiều năm qua, xu hướng nguồn lao động ở các vùng nông thôn Việt Nam đang trong độ tuổi lao động rời khỏi gia đình (GĐ), làng quê đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, lên các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng..., hoặc tràn về Thành phố, Thị xã trực thuộc Tỉnh để tìm kiếm việc làm ngày càng nhiều. Các vùng nông thôn hiện nay chủ yếu là người già, trẻ nhỏ bám trụ lại làng xã, đất đai nông nghiệp bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả, xu hướng bỏ làm hoặc hạn chế làm nông nghiệp để chuyển sang tìm kiếm việc làm nơi khác ngày càng gia tăng.

Di cư lao động ở nông thôn theo nhiều hình thức, di cư có tổ chức hoặc di cư tự do. Và dù cho việc di cư diễn ra theo hình thức nào thì cũng có ảnh hưởng nhất định, gây nên sự xáo trộn không nhỏ đến cuộc sống của các gia đình vùng nông thôn Việt Nam vốn rất truyền thống và yên bình. Sự thay đổi này tác động theo hai hướng: tích cực và tiêu cực, tuy nhiên đây cũng  là xu hướng mang tính tất yếu khách quan mà mỗi quốc gia, vùng miềm, từng gia đình cần phải sẵn sàng, chủ động trong tiếp cận, và có giải pháp phù hợp để phát huy những giá trị tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực trong giai đoạn hiện nay, từ đó tạo nên sự phát triển bền vững của GĐ ở vùng nông thôn trong tương lai.

  1. Thực trạng và nguyên nhân

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, hiện tượng lao động đi làm ăn xa hay đi xuất khẩu lao động đang trở thành một xu hướng ở nông thôn Việt Nam. Theo báo cáo thống kê của Chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự đã chỉ ra một xu hướng nổi bật là luồng di cư lao động từ nông thôn ra đô thị phát triển đang gia tăng về số lượng rõ rệt trong vòng một thập kỷ vừa qua. Trong năm 2015 có 115.980 lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, tăng 8,55% so với năm 2014 và vượt 28,86% so với kế hoạch năm đặt ra[3]. Số người di cư từ nông thôn lên thành thị lao động tăng khá nhanh, dự báo đến năm 2019 sẽ đạt con số 5 triệu người, chiếm khoảng 5% dân số[4]. Các tỉnh kém phát triển, đời sống kinh tế khó khăn thì có số nhân lực lao động di cư ra nước ngoài, lên đô thị làm việc ngày càng nhiều. Và vấn đề di cư lao động cũng có nhiều mục đích khác nhau, nhưng chủ yếu tập trung vào vấn đề thoát nghèo, sửa sang nhà cửa, nuôi con ăn học, tìm kiếm việc có thu nhập cao, tiết kiệm cho tương lai... Chẳng hạn như, theo kết quả điều tra 410 người tại tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế[5] cho thấy: Có đến 68% lao động cho rằng di cư để mong muốn thoát nghèo, 59% để sửa sang nhà cửa, 41% để nuôi con ăn học, 41% để tìm kiếm việc làm phù hợp. Như vậy, mỗi lao động ở nông thôn trước khi rời quê hương đi làm ăn xa luôn đặt mục đích cho mình và kỳ vọng sẽ đạt được những mục đích đặt ra. Tuy nhiên cuộc sống nơi quê nhà không phải lúc nào cũng thuận chiều, đặc biệt là sự bền vững của GĐ luôn bị đe dọa trong một bối cảnh xã hội đầy biến động.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến di cư lao động chính là tình trạng bất bình đẳng; khoảng cách giàu-nghèo giữa nông thôn và thành thị; giữa các quốc gia với nhau ngày càng gia tăng đã thúc đẩy lao động di cư. Cụ thể:

Thứ nhất, do nền kinh tế phát triển nhanh nhưng không đồng đều giữa các khu vực, giữa các quốc gia, dẫn đến sự mất cân đối về số lượng lao động, khi nguồn lao động không đáp ứng đủ hoặc vượt quá nhu cầu sử dụng của các nước, các khu vực hay địa phương. Sự dư thừa lao động khu vực nông thôn khi nông nghiệp bị thu hẹp và thu nhập thấp, trong khi các khu vực thành phố, thị xã, các nước phát triển có thu nhập cao, nhiều việc làm, nhu cầu sử dụng lao động tăng.

Thứ hai, do mất cân đối về cơ cấu ngành nghề. Ví dụ: Một số nước và các đô thị phát triển thì thiếu lao động phổ thông; trong khi đó các nước nghèo, các vùng nông thôn lại thiếu chuyên gia và cán bộ kỹ thuật cao. Trình độ phát triển kinh tế và sự tiến bộ khoa học kỹ thuật của mỗi quốc gia, địa phương không thể giải quyết hết sự mất cân bằng này, đòi hỏi phải có sự trao đổi lao động.

Thứ ba, do có sự chênh lệch về mức thu nhập và mức sống giữa người lao động ở các vùng nông thôn với người lao động ở nước ngoài và ở các đô thị. Vì vậy, người lao động ở các vùng nông thôn mong muốn được đi xuất khẩu lao động hoặc lên đô thị tìm kiếm việc làm, nhằm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho gia đình.

Thứ tư, do xu hướng quốc tế hóa đời sống kinh tế. Lực lượng sản xuất phát triển, nền sản xuất lớn không thể bó hẹp trong phạm vi biên giới quốc gia hay địa phương mà mở rộng ra các nước, các địa phương. Vì vậy, việc sử dụng lao động cũng mang tính quốc tế, tiến đến thừa nhận nguồn nhân lực lao động lẫn nhau giữa các địa phương, khu vực và trên thế giới.

Thêm vào đó, rõ ràng, việc di cư lao động ở nông thôn đều đem lại cho bản thân người lao động và cho gia đình họ những phúc lợi nhất định. Lao động rời khỏi địa phương đa phần có thu nhập cao hơn, có nhiều cơ hội tăng tri thức nhờ được đào tạo và làm việc trong một môi trường năng đông. Và chính họ là động lực cho quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế gia đình, làng, xã, vì đây là nguồn lao động có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu theo chiều sâu của xã hội hiện đại.

  1. Tác động của di cư lao động tới gia đình ở nông thôn Việt Nam

3.1. Tác động tích cực

Về mặt tích cực được thể hiện rõ ở việc nâng cao sự hiểu biết về các vấn đề văn hóa – xã hội – giáo dục, đời sống tinh thần và giải quyết việc làm cho lao động dư thừa và xóa đói giảm nghèo cho các gia đình ở nông thôn.

Việc người dân di cư ngày càng nhiều lên thành phố hay xuất khẩu lao động sang các nước đến từ nhiều mục đích khác nhau, nhưng căn cốt nhất, điểm chung nhất là giải quyết vấn đề kinh tế vốn rất khó khăn, thuần nông ở các vùng nông thôn. Với việc đến những nơi văn minh, kinh tế, thông tin phát triển, trong mỗi người xa quê đều tích lũy cho mình được nhiều giá trị của cuộc sống. Theo thông tin từ 410 người đi làm ăn xa ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, 68,9% trong số đó cho rằng họ có thêm kinh nghiệm sống, 57,8% khẳng định biết quý trọng giá trị và lợi ích do lao động mang lại, 57,1% mở mang hiểu biết văn hóa xã hội, 35,7% tiếp thu cách ứng xử, quan hệ xã hội theo lối văn minh và 18,3% bỏ dần những tập quán không tốt ở địa phương[6]. Rõ ràng, trong mỗi GĐ ở nông thôn có lao động đi làm ăn xa đã nhen nhóm xuất hiện những yếu tố văn hóa đô thị mới mẻ, hiện đại, đó là lối sống, phong cách giao tiếp, ứng xử văn minh tiến bộ của nơi họ đến sinh sống và làm việc... Làm cho văn hóa làng quê nói chung, GĐ Việt Nam ở nông thôn nói riêng có những sắc thái mới.

Mặt khác, lao động nông thôn ra thành phố làm việc, ngoài khoản chi tiêu dùng tại các thành phố, một phần thu nhập của họ sẽ được chuyển về nông thôn, đây là một trong những nguồn lực góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo, tạo dựng cơ sở vật chất khang trang hoặc các thành viên trong gia đình có thể giúp đỡ nhau về tiền bạc…Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong vòng 20 năm qua, Việt Nam giảm nghèo khá nhanh, hàng triệu hộ gia đình đã thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo từ chỗ chiếm 58% dân số năm 1993, đến nay chỉ còn khoảng 7,8%[7]. Thành tựu đáng kể này có một phần đóng góp không nhỏ từ nguồn lực kinh tế của những lao động di cư  đem lại.

Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, dòng tộc cũng cởi mở hơn. Tư tưởng áp đặt giáo điều dần được loại bỏ, thay vào đó là sự chia sẻ, tôn trọng, bình đẳng, dân chủ giữa các thành viên trong gia đình, thời gian các thành viên dành cho nhau sự quan tâm, chăm sóc nhiều hơn. Vợ chồng thực sự là những người bạn đời, chung tay xây đắp mái ấm gia đình, không còn tư tưởng “chồng chúa vợ tôi”… 65% người chồng được hỏi đã cho rằng người chồng nên tham gia vào việc chăm sóc và dạy dỗ con cái cùng vợ[8] Những điều này đã tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên trong GĐ và dòng tộc.

Đứng ở khía cạnh giáo dục, tư duy và hành động, phương pháp chăm sóc, giáo dục con cái của các gia đình ở nông thôn cũng có nhiều thay đổi, theo hướng tích cực, hiện đại. Bởi phần lớn người di cư lao động chủ yếu tập vào độ tuổi lao động, họ là vợ, chồng, hay cha, mẹ hoặc thành niên trong làng quê. Khi sống và làm việc ở các khu vực phát triển đã làm cha mẹ có những thay đổi về kiến thức cuộc sống, chiến lược phát triển GĐ cũng như phương pháp chăm sóc và giáo dục con cái. Điều này được các bậc phụ huynh vận dụng khá linh hoạt và sáng tạo khi trở về quê nhà. Chẳng thế mà bà mẹ ở các làng quê hiện nay vẫn truyền tai nhau về phương pháp chăm con của người Nhật, phương pháp dạy con của người Pháp… Không phải ngẫu nhiên khi gần đây, thủ khoa các trường đại học trong nước phần lớn là học sinh nông thôn. Nguyên nhân chủ yếu tạo nên thành tựu này là do cách thức đầu tư cho con cái của các bậc làm cha làm mẹ ở nông thôn đã có sự thay đổi.[9] Không ít GĐ ở nông thôn xem chuyện học hành của con cái hơn “cái ăn, cái mặc” hằng ngày. Người dân ở nông thôn ngày nay nhận thức rất rõ vai trò của giáo dục trong việc nâng cao năng lực cho con cái họ. Phần lớn họ cho rằng, nếu con cái có học vấn cao thì cơ hội tìm việc làm dễ dàng và thu nhập cũng cao hơn.

Cũng bởi phần lớn người di cư đang độ tuổi lao động nên ở lại làng quê chủ yếu người già và trẻ em. Do vậy, việc học hành, chăm sóc bản thân, công việc nhà đến công việc xã hội đều do con cái thực hiện một cách tự giác. Điều này đã giúp các em hình thành khả năng tự lập, tư tưởng và lối sống tích cực. Chính sự thiếu vắng cha, mẹ bên cạnh hàng ngày lại giúp con cái phát huy khả năng tự quyết, tự chịu trách nhiệm với hành vi và việc làm của mình. Như vậy, quá trình di cư lao động đã góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực về mọi mặt cho các gia đình ở nông thôn Việt Nam hiện nay.

3.2. Tác động tiêu cực

Bên cạnh những tích cực, qúa trình di cư lao động cũng có những hạn chế nhất định đang tác động trực tiếp đến gia đình Việt Nam ở khu vực nông thôn. Đầu tiên là sự phân công lao động trong gia đình nông thôn có nhiều thay đổi. Theo kết quả điều tra của Bộ Lao đông Thương binh & Xã hội, trong số lao động di cư có đến 70% là những người trong độ tuổi lao động và xu hướng trẻ hóa ngày càng tăng. Hệ quả tất yếu xảy ra là thiếu lao động ở các vùng nông thôn vào thời điểm mùa vụ, tạo nên sự mất cân đối cục bộ, gây khó khăn trong cấu trúc phân công lao động gia đình. Trong một số gia đình có sự thay đổi về vai trò giới khi nhiều trường hợp nam giới là người ở nhà nội trợ, phụ nữ đi làm ăn xa kiếm tiền. Hoặc dù đang ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng con cái trong các gia đình ở nông thôn đã sớm phải tự kiểm soát chi tiêu để bảo đảm các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Lượng công việc, bao gồm việc nhà, chăm sóc bản thân và các em (nếu có) sẽ tăng lên khi thiếu sự hỗ trợ của cha mẹ, đồng nghĩa với thời gian vui chơi, giải trí với bạn bè sẽ giảm đi.

Tâm lý thông thường khi cha mẹ đi làm ăn xa là với mong muốn cuộc sống gia đình tốt hơn, con cái trưởng thành và có điều kiện học hành hơn. Tuy nhiên, việc học tập của trẻ em ở lại có thể bị ảnh hưởng do thiếu sự dạy dỗ, kèm cặp và giám sát hằng ngày của cha mẹ. Tại một số trường học đã không thể tổ chức họp phụ huynh vì cha mẹ học sinh thường xuyên vắng nhà.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tuổi thành niên là giai đoạn quan trọng để trẻ em nhận sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ cha mẹ, hình thành và phát triển nhân cách, tuy nhiên việc thiếu sự quan tâm, bảo vệ, và chăm sóc thường xuyên của cha mẹ có thể dẫn tới nguy cơ tổn thương tâm sinh lý. Thống kê cho thấy các hiện tượng “tự kỷ”, “tăng động” của trẻ em đang ngày trở thành một vấn đề đáng ngại, và đã xuất hiện khá nhiều ở nông thôn. Cũng theo các nhà GĐ học, thiếu sự quan tâm của GĐ là một phần nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc trẻ em ở nông thôn xa vào các tệ nạn xã hội, hoặc phạm tội trong những năm gần đây. Kết quả điều tra xã hội học khiến cho các bậc làm cha làm mẹ phải suy nghĩ: Trong 40% số trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật được trực tiếp phỏng vấn cho biết, đang sống trong hoàn cảnh gia đình, như: 12% chỉ sống với mẹ, 4% chỉ sống với bố, 3,1% sống với cha mẹ kế, còn lại sống với người khác[10]. Đáng chú ý là hơn 71% số trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật trả lời rằng, "không nhận được sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ của cha mẹ và gia đình".

Tuy hiện nay chưa có thống kê xã hội học về tỷ lệ ly hôn của các GĐ sau khi rời quê hương đi làm kinh tế. Nhưng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp nhiều câu chuyện tiêu cực ảnh hưởng đến hạnh phúc GĐ, trong đó có một phần nguyên nhân của hiện tượng di cư lao động. Nhiều GĐ nam giới là người ở nhà nội trợ, phụ nữ đi làm ăn xa kiếm tiền khiến mâu thuẫn gia đình nảy sinh do vợ chồng thiếu chia sẻ hoặc không thể thích nghi, không tìm được tiếng nói chung… Nhiều đứa trẻ ở nông thôn chịu những thiệt thòi do cuộc sống GĐ không hạnh phúc hay bố mẹ chia tay sau những năm tháng họ đi làm ăn xa.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng trở lên lỏng lẻo. Sự quan tâm giữa cha mẹ và con cái trong những năm đầu đời có yếu tố quyết định trong cả cuộc đời của trẻ. Tuy nhiên, vì mục đích mưu sinh cha mẹ vắng nhà, con cái giảm đi sự giáo dục trực tiếp từ cha mẹ. Điều đáng lưu ý là con cái ở lại không chỉ không được cha mẹ giáo dục và chăm sóc, mà các em còn tự chăm sóc nhau. Vô hình chung những trẻ em này đều là những người chăm sóc tí hon trong ngôi nhà của mình.        Một điều đáng lo ngại nữa là không ít GĐ, con cái mải mê kiếm tiền hay theo đuổi ham muốn làm giàu nơi đất khách mà bỏ rơi cha mẹ già cô đơn nơi làng quê. Thậm chí, họ còn phó mặc con cái của mình cho cha mẹ già. Chính điều này khiến cho nhiều GĐ vùng nông thôn Việt Nam đã bị phá vỡ từ cấu trúc đến đạo đức[11]. Hiện tượng con cái bất hiếu với cha mẹ, bỏ rơi, tính toán tiền bạc, chia ngày tính tháng nuôi cha mẹ lúc tuổi già… diễn ra khá phổ biến ở nông thôn hiện nay. Thậm chí đã không ít gia đình lâm vào cảnh anh chị em mâu thuẫn dẫn đến cãi vã, đánh đập lẫn nhau vì quyền lợi kinh tế như tranh chấp đất đai, quyền thừa kế tài sản, nghĩa vụ chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ…

Quá trình di cư lao động từ nông thôn ra thành thị bên cạnh tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội được tiếp xúc với xã hội đô thị, học hỏi nhiều điều hay, nhiều kiến thức mới thì quá trình dịch chuyển này cũng làm nảy sinh một số vấn đề xã hội phức tạp. Đó là, những người lao động sống xa GĐ thường ít bị ràng buộc nên dễ bị cám dỗ, sa ngã vào các tệ nạn xã hội như: nghiện hút, mại dâm, cờ bạc, lô đề, trộm cướp… và các tệ nạn này sẽ theo người lao động xâm nhập về các gia đình ở nông thôn, gây nên những xá trộn nhất định cho các gia đình ở nông thôn vốn yên bình và truyền thống.

  1. Kết luận

Có thể thấy rằng, vấn đề di cư lao động ở nông thôn Việt Nam hiện nay là một hiện tượng xã hội tất yếu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đánh giá tác động của vấn đề này, như trên đã nói cần phải nhìn nhận trên cả hai khía cạnh: tích cực và tiêu cực. Và về lâu dài, những tác động từ di cư lao động đến gia đình ở  nông thôn Việt Nam sẽ ngày càng rõ nét. Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần có sự nhìn nhận, nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này. Đặc biệt, Đảng và nhà nước cần tiếp tục có những chính sách cụ thể, tạo điều kiện cho chính quyền các vùng nông thôn làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ các hộ nghèo vay vốn để chuyển đổi ngành nghề; dạy nghề hoặc miễn giảm học phí, đầu tư cơ sở hạ tầng, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn… nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Đồng thời, cần phải kết hợp hài hòa các giá trị truyền thống với giá trị hiện đại. Tăng cường giao lưu văn hóa với quốc tế để tiếp nhận những giá trị văn hóa mới phù hợp với thuần phong mỹ tục, giữ gìn bản sắc văn hóa GĐ Việt Nam truyền thống. Có như thế mới khắc phục được những hạn chế của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đối với GĐ Việt Nam nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung.

N.T.T.D

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Đặng Nguyên Anh, Lê Bạch Dương, (2007), An sinh xã hội vào lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các vấn đề thực hành và chính sách, Tạp chí Phát triển kinh tế xã hội, số 50
  2. Nguyễn Văn Định, (2013), Luận văn Thạc sĩ Di cư và toàn cầu hóa, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội
  3. Vũ Quế Hương, Di dân tự do đến đô thị Hà Nội và ảnh hưởng kinh tế - xã hội của nó, Luận án Tiến sĩ Địa lý, Hà Nội, 2015
  4. Trần Thị Thái Hà, Ngô Thị Thanh Tùng, Mối quan hệ giữa thực trạng giáo dục của thanh niên nông thôn và lựa chọn tiếp cận giáo dục của hộ gia đình, Tạp chí Khoa học ĐH GHN: Nghiên cứu Giáo dục, T9-2004
  5. Nguyễn Thị Hòa, (2007), Lao động nữ di cư giúp việc nhà từ đồng bằng sông Cửu Long tới thành phố Hồ Chí Minh (Nghiên cứu tại phường 9, thị xã Trà Vinh), Kỷ yếu hội thảo Việt Nam học lần thứ ba
  6. Minh Huyền, Những đứa trẻ bỏ lại, Tạp chí Gia đình Việt Nam, T3-2014
  7. Đoàn Văn Trường , Tác động của di cư lao động đối với phát triển kinh tế - xã hội của nơi đi và nơi đến, Tạp chí Dân số và phát triển, T1-2014, Tr20
  8. Phạm Hà Thương, (2010), Vai trò giới của vợ chồng trẻ trong gia đình, Quản lý nhà nước về gia đình – Lý luận và thực tiễn, Nxb Dân trí

 

 

 

 

 

[1] Nguyễn Văn Định, (2013), Luận văn Thạc sĩ Di cư và toàn cầu hóa, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Tr2

[2] Nguyễn Thị Hòa, (2007), Lao động nữ di cư giúp việc nhà từ đồng bằng sông Cửu Long tới thành phố Hồ Chí Minh (Nghiên cứu tại phường 9, thị xã Trà Vinh), Kỷ yếu hội thảo Việt Nam học lần thứ ba, Tr350

[3] Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam, (2016), Tổng quan thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2015, http://vamas.com.vn

[4] Viết Thịnh, (2015), Khoảng 5% dân số sẽ di cư từ nông thôn ra thành thị vào năm 2019, http://plo.vn

[5] Đoàn Văn Trường , Tác động của di cư lao động đối với phát triển kinh tế - xã hội của nơi đi và nơi đến, Tạp chí Dân số và phát triển, T1-2014, Tr17

[6] Đoàn Văn Trường , Tác động của di cư lao động đối với phát triển kinh tế - xã hội của nơi đi và nơi đến, Tạp chí Dân số và phát triển, T1-2014, Tr20

[7]http://www.xaluan.com/ Giảm nghèo khá nhanh ở Việt Nam, truy cập ngày 29/6/2013

[8] Phạm Hà Thương, (2010), Vai trò giới của vợ chồng trẻ trong gia đình, Quản lý nhà nước về gia đình – Lý luận và thực tiễn, Nxb Dân trí

[9] Trần Thị Thái Hà, Ngô Thị Thanh Tùng, Mối quan hệ giữa thực trạng giáo dục của thanh niên nông

thôn và lựa chọn tiếp cận giáo dục của hộ gia đình, Tạp chí  Khoa học ĐH GHN: Nghiên cứu Giáo dục, T9-2004, Tr24

[10] Minh Huyền, Những đứa trẻ bỏ lại, Tạp chí Gia đình Việt Nam, T3-2014, Tr13

[11] Trịnh Hải Bình, (2010), Đô thị hóa và vấn đề nông thôn ra thành thị, Báo Gia đình và xã hội

 

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thùy Dương
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 TIN HỌC HÓA QUY TRÌNH QUẢN LÝ THI (NỘP ĐỀ, RA ĐỀ, TỔ CHỨC THI) TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA (29/11/18)
 YẾU TỐ TỘC NGƯỜI TRONG XÂY DỰNG MÔ HÌNH THIẾT CHẾ VĂN HÓA TẠI KHU VỰC MIỀN NÚI THANH HÓA (29/11/18)
 TỤC KẾT CHẠ CỦA LÀNG VĨNH YÊN (29/11/18)
 SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐIỀN DÃ TRONG NGHIÊN CỨU VĂN HÓA TẠI TRƯỜNG VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA. (29/11/18)
 NHÂN VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN TẠI BỆNH VIỆN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HỘI NHẬP (10/10/18)
 GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯỜI MƯỜNG TẠI THÔN CAO VÂN, XÃ NGỌC KHÊ, HUYỆN NGỌC LẶC, TỈNH THANH HÓA (10/10/18)
 GIA ĐÌNH VỚI VẤN ĐỀ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (05/10/18)
 ẢNH HƯỞNG CỦA DI CƯ LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI NGƯỜI GIÀ Ở NÔNG THÔN HIỆN NAY  (25/09/18)
 QUAN HỆ MẸ CHỒNG - NÀNG DÂU TRONG XÃ HỘI HIỆN NAY  (25/09/18)
 VÀI TRAO ĐỔI VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TUỔI NGHỈ HƯU Ở VIỆT NAM (24/09/18)
Hôm nay 1118
Hôm qua 2717
Tuần này 14498
Tháng này 89724
Tất cả 3144838
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
Email: khoavanhoathongtin.dvtdt@gmail.com

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (0237) 3953 388 - (0237) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường
Email: dhvhttdlth@gmail.com - Website: http://wwww.dvtdt.edu.vn