Nghiên cứu khoa học
YẾU TỐ TỘC NGƯỜI TRONG XÂY DỰNG MÔ HÌNH THIẾT CHẾ VĂN HÓA TẠI KHU VỰC MIỀN NÚI THANH HÓA

 

Hiện nay, nước ta đang ra sức thi đua xây dựng Nông thôn mới (NTM) nhằm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội, phấn đấu đến năm 2020, đưa Việt Nam trở thành một nước vừa có nền kinh tế - xã hội phát triển với hiện đại nhưng vẫn mang trong mình nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, xây dựng thiết chế văn hóa (TCVH) là một trong những yếu tố quan trọng đã và đang được các ngành, các cấp quan tâm.

Nhận thức được vai trò quan trọng của TCVH với sự phát triển đời sống văn hóa, Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đẩy mạnh, hoàn thiện hệ thống TCVH và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở các huyện miền núi.

Qua đợt khảo sát tại các huyện miền núi: Như Xuân, Thạch Thành, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa… cho thấy thực trạng TCVH cơ sở tại các khu vực này vẫn còn rất khó khăn, lạc hậu, thiếu thốn. Để hoàn thiện các tiêu chí NTM do nhà nước đề ra, mà trong đó xây dựng TCVH miền núi là một trong những vấn đề quan trọng mà tỉnh cần phải cố gắng đạt được. Để xây dựng một mô hình thích hợp cho các huyện miền núi Thanh Hóa, cần quan tâm đến nhiều yếu tố, trong đó theo tôi yếu tố tộc người là quyết định nhất đến việc xây dựng mô hình và hoạt động TCVH tại đây.

Miền núi Thanh Hóa gồm 11 huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân,  Như Thanh, Cẩm Thủy, Thạch Thành với dân số gần 1,1 triệu người.11 Thành phần cư dân ở đây khá đa dạng và phức tạp. Ngoài cư dân chủ yếu là người Kinh, đây còn là địa bàn cư trú lâu đời của các tộc người: Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ và Khơ-mú (với số dân khoảng 65 vạn) và một số dân tộc khác.1Người Dao hiện nay có khoảng 6215 người, thuộc cả hai nhóm: Dao Quần Chẹt và Dao Đỏ. Nhóm Dao quần chẹt ở vùng núi thấp có 10 làng (trong đó 9 làng toàn người Dao, 1 làng xen ghép với người Mường, Thái và Kinh). Tại huyện Cẩm Thủy có các làng: Phú Sơn, Thạch An, Làng ơi. Còn tại Ngọc Lặc có các làng: Hạ Sơn, Tân Thành và Phùng Sơn. Nhóm Dao Đỏ ở vùng núi thuộc huyện Mường Lát có 3 chòm: Suối Tút, Con Dao và Pù Quăn.

Người Mông còn khoảng 2361 hộ sinh sống ở 46 bản làng, 6 xã, 3 huyện: Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát trong quá trình giao lưu, sống xen kẽ nhau với người Thái và Mông nền văn hóa của họ ít nhiều đã bị ảnh hưởng. Mặt khác, những năm 1980 trở lại đây, một số đạo như Tin Lành, Thiên Chúa giáo đã thâm nhập vào trong cộng đồng người Mông và làm xáo trộn  cuộc sống cộng đồng, bản sắc văn hóa của tộc người này.

Còn người Khơ –mú sống tập trung ở Như Xuân và Như Thanh, dù nay đã thực hiện định canh, định cư nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, văn hóa của họ khá tương đồng với văn hóa người Mường.

Người Thổ hiện nay ở Thanh Hóa có khoảng 11530 người. Địa bàn sinh sống của họ vốn là giao điểm của các luồng di cư xuôi ngược. Ngày nay, người Thổ chủ yếu sinh sống tại Như Thanh và Như Xuân.

Chiếm tỉ lệ lớn nhất là cư dân người Mường với gần 59% dân số miền núi. Họ sống tập trung chủ yếu ở các huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Bá Thước, Cẩm Thủy, và một số xã miền núi giáp ranh các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Hà Trung. Là dân tộc sống lâu đời và định canh, định cư tại các vùng núi thấp nên văn hóa của họ rất giàu bản sắc.

Người Thái là tộc người có số nhân khẩu đông thứ 2 tại miền núi Thanh Hóa hiện nay (chiếm 35,6%) chủ yếu cư trú tại: Thường Xuân và một số địa bàn vùng cao khác: Quan Hóa, Bá Thước, Quan Sơn, Mường Lát, Lang Chánh. 1

Nếu địa bàn cư trú của người Kinh chủ yếu ở đồng bằng, ven biển và trung du thì các dân tộc ít người cư trú chủ yếu ở các vùng trung du, miền núi và vùng cao. Họ cư trú tập trung ở một số vùng, nhưng không cư trú thành những khu vực riêng biệt mà sống xen kẽ với các dân tộc khác. Tuy nhiên, mỗi tộc người đều cư trú tập trung ở một đơn vị dân cư riêng (xã, làng, bản) trong phạm vi của tỉnh, huyện, xã và các bản mường. Hiện nay do sự tác động của kinh tế đời sống kinh tế thị trường, cơ cấu dân cư giữa các tộc người ở khu vực miền núi Thanh Hóa có sự chuyển biến và thay đổi mạnh mẽ.

Tình trạng cư trú phân tán, xen kẽ giữa các dân tộc một mặt để tăng cường hiểu biết, hoà hợp và xích lại gần nhau. Nhưng mặt khác, nếu chưa thật hiểu nhau, khác nhau về phong tục tập quán sẽ dễ xuất hiện mâu thuẫn, tranh chấp về lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế, dẫn đến va chạm giữa những người thuộc các dân tộc cùng sống trên một địa bàn. Mặc dù, các dân tộc nước ta nói chung và Thanh Hóa nói riêng có truyền thống cùng tồn tại và phát triển trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Sự cố kết, hòa hợp dân tộc trong một quốc gia thống nhất là đặc điểm cơ bản, nổi bật về quan hệ giữa các dân tộc ở nước ta. Tuy nhiên, tâm lý tự ti dân tộc còn biểu hiện khá nặng nề là một trở ngại lớn trong việc xây dựng một nền văn hóa chung của toàn dân tộc. .

Đây là một đặc điểm quan trọng ảnh hưởng đến việc xây dựng TCVH tại khu vực này.

Từ những đặc điểm trên đây, để góp phần xây dựng một nền văn hóa tiên tiến giàu bản sắc dân tộc, chúng tôi đưa ra các mô hình TCVH khác nhau cho từng nhóm cư dân:

Nhóm 1: Là những bản làng nơi xa xôi, hẻo lánh nằm ở khu vực 3, nơi mà chỉ có một tộc người sinh sống và vẫn giữ nguyên thói quen tập tục sinh hoạt của tộc người họ. Với những nơi như thế này, thì chúng ta sẽ xây dựng mô hình TCVH với hình thức: theo quy mô và kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc đó; quy chế và chương trình hoạt động phải phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc họ.

Nhóm 2: Là những bản, làng của các dân tộc thiểu số (nơi mà hơn 90% dân số là một tộc người nhất định) thuộc khu vực 2, nơi mà từ thói quen, phong tục cách sống của họ đã bị ảnh hưởng bởi xu thế hội nhập và phát triển, chịu sự xâm nhập của những luồng văn hóa khác nhau, đặc biệt là của người Kinh. Do vậy, bản sắc văn hóa của họ đã phai mờ, biến dạng. Bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc họ là nhiệm vụ cấp thiết. TCVH với chức năng bảo tồn đóng vai trò tích cực trong việc này. Đối với loại hình cư dân này, việc xây dựng mô hình TCVH với kiểu kiến trúc như ngôi nhà sàn cộng đồng của họ trước đây là rất cần thiết. Chương trình hoạt động của Nhà văn hóa cộng đồng này vừa đảm bảo mục đích chính trị là tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa làm nhiệm vụ bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc họ. Ngoài ra, tại những nơi này có thể phát sinh cả loại hình TCVH tư nhân: các tụ điểm vui chơi giải trí hiện đại như: internet, karaoke, cafe...góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và vật chất của người dân.

Nhóm 3: Là nơi mà loại hình cư dân có sự xen kẽ giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số mà qua thời gian giao lưu, đã chịu hoàn toàn ảnh hưởng hoàn toàn của người Kinh , bản sắc văn hóa của dân tộc họ đã phai nhạt. Qua khảo sát thực tế tại xã Thành Tiến- Thạch Thành, cho thấy: thôn 1, 2, 3 là nơi trong 7 thôn trong đó: thôn 1, 2, 3 là nơi có người Mường và người Kinh sống xen kẽ với nhau; thôn 4 là nơi thôn 4 là nơi có hơn 90% tập trung người Mường sinh sống; còn lại thôn 5, 6, 7 có 100%; còn lại các thôn 5, 6, 7 là nơi tập trung sinh sống của cư dân người Kinh sinh sống. Vậy, xây dựng mô hình TCVH tại nơi này như thế nào cho hợp lý? Theo đề nghị của nhóm nghiên cứu chúng tôi, thđối với mô hình cư dân này, thì xây dựng mô hình Nhà văn hóa đa năng tích hợp, theo tiêu chí xây dựng NTM.

Nhóm 4: Những làng bản, nơi mà có sự xen kẽ giữa các dân tộc thiểu số vẫn giữ nguyên thói quen, tập tục cũ của họ thì mô hình TCVH tại đây phải xây dựng như thế nào? Như chúng ta đã biết quan điểm đường lối, chính sách cốt lõi, bao trùm, trước sau như một của Đảng và Nhà nước ta đối với các dân tộc thiểu số là “bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ”. Về văn hóa, tư tưởng và mục tiêu chỉ đạo của Đảng là “Coi trọng, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống và xây dựng, phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn học, nghệ thuật của các dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa…” Thực tế, việc xây dựng NVH như thế nào để phù hợp với phong tục tập quán, lối sống của từng tộc người đã khó, mà tại nơi giao thoa, xen kẽ giữa các tộc người càng khó hơn, để không làm mất tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc. Theo chúng tôi, đối với những nơi này, cần xem xét ý kiến của người dân, sau đó tiến hành xây dựng và tổ chức hoạt động TCVH theo nguyện vọng của chính họ..

 Nhóm 5: Những nơi mà có sự xen kẽ giữa nhiều tộc người với nhau, ví dụ: có làng có sự xen kẽ giữa 4 tộc người cùng sinh sống với nhau: người Dao quần chẹt, người Kinh, người Thái, người Mường. Đối với những địa bàn này, ta phải xây dựng TCVH như thế nào? Cũng giống như nhóm 4, để đảm bảo tính đoàn kết dân tộc, muốn Nhà văn hóa đa năng được xây dựng và hoạt động, trước tiên cần trưng cầu ý kiến, nguyện vọng của người dân nơi đây? Mặc dù, theo thực tế đang diễn ra, với tốc độ ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường như hiện nay thì việc các dân tộc khác chịu ảnh hưởng từ lối sống của người Kinh là hoàn toàn có thể. Vì vậy, nếu hiện tượng đó diễn ra ở những nơi này thì việc xây dựng một Nhà văn hóa đa năng hiện đại là hợp lý hơn cả.

Qua phân tích trên đây chúng ta thấy, khác với khu vực đồng bằng - đô thị và duyên hải, miền núi mang trong mình những đặc thù riêng biệt. Điển hình nhất là đặc điểm cư dân khu vực này không thuần nhất mà đa dạng, phức tạp về thành phần tộc người. Điều này ảnh hưởng quyết định đến việc xây dựng mô hình TCVH và quá trình xây dựng NTM ở nơi đây. Tùy vào phong tục, tập quán lối sống của từng tộc người mà các nhà quản lý sẽ chọn xây dựng một mô hình thích hợp với tộc người đó./.

 

 

* Giảng viên Khoa Văn hóa-Thông tin

1 Cổng thông tin điện tử Ban dân tộc Thanh Hóa

Tác giả: ThS. Bùi Thị Hậu
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 TỤC KẾT CHẠ CỦA LÀNG VĨNH YÊN (29/11/18)
 SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐIỀN DÃ TRONG NGHIÊN CỨU VĂN HÓA TẠI TRƯỜNG VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA. (29/11/18)
 NHÂN VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN TẠI BỆNH VIỆN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HỘI NHẬP (10/10/18)
 GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯỜI MƯỜNG TẠI THÔN CAO VÂN, XÃ NGỌC KHÊ, HUYỆN NGỌC LẶC, TỈNH THANH HÓA (10/10/18)
 GIA ĐÌNH VỚI VẤN ĐỀ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (05/10/18)
 ẢNH HƯỞNG CỦA DI CƯ LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI NGƯỜI GIÀ Ở NÔNG THÔN HIỆN NAY  (25/09/18)
 QUAN HỆ MẸ CHỒNG - NÀNG DÂU TRONG XÃ HỘI HIỆN NAY  (25/09/18)
 VÀI TRAO ĐỔI VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TUỔI NGHỈ HƯU Ở VIỆT NAM (24/09/18)
 TẠI SAO CẦN CHỨNG CHỈ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN (24/09/18)
 MỘT SỐ ĐIỀU SINH VIÊN NĂM CUỐI CẦN CÓ (24/09/18)
Hôm nay 1120
Hôm qua 4318
Tuần này 14709
Tháng này 77070
Tất cả 3045853
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
Email: khoavanhoathongtin.dvtdt@gmail.com

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (0237) 3953 388 - (0237) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường
Email: dhvhttdlth@gmail.com - Website: http://wwww.dvtdt.edu.vn