Nghiên cứu khoa học
TỤC KẾT CHẠ CỦA LÀNG VĨNH YÊN

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ở vùng nông thôn Việt Nam nói chung và các làng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa nói riêng đều có tục kết chạ. Vĩnh Yên xưa, nay là thôn Thành Yên thuộc phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa vốn là ngôi làng có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Vĩnh Yên đã từng kết chạ với nhiều làng lân cận nhưng để lại những dấu ấn đậm nhất vẫn còn đến ngày nay là quan hệ với Thủ Phác (phố I-Quảng Hưng-TP Thanh Hóa), Ngọc Mai (Quảng Thành – TP Thanh Hóa).

 

 

Chạ nghĩa là anh em. Kết chạ tức là kết nghĩa anh em. Nhưng không phải là kết nghĩa giữa hai người, hai nhà mà là giữa hai làng. Kết nghĩa giữa hai làng là hiện tượng phổ biến ở vùng nông thôn nước ta. Đó là biểu tượng cho nét văn hóa làng đã có từ xưa[1]. Có nhiều lí do để các làng có thể kết chạ với nhau. Nhưng chủ yếu nhất là do đặc điểm nền kinh tế nước ta là nông nghiệp trồng lúa nước nên cuộc sống phụ thuộc vào tự nhiên, người dân do vậy cần phải liên kết lại, dựa vào nhau để sống. Có lẽ bởi vậy mà tục kết chạ giữa các làng đã ra đời.

          Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, các làng kết chạ với nhau phải tuân theo 05 nguyên tắc. Một là, người của làng nhận làng bên là anh thì sẽ nhận trên bình diện cả cộng đồng, tức là dù bất kỳ ở lứa tuổi nào cũng cũng phải xưng người làng kia là “quan anh”. Hai là, trai gái hai làng không được lấy nhau. Ba là, nếu hai bên có việc lớn hay gặp khó khăn thì làng bên kia sẵn sàng giúp không tính toán. Bốn là,  không được lợi dụng danh nghĩa kết chạ để xin làng khác bất kỳ thứ gì. Năm là, khi xảy ra va chạm với làng kết chạ, phải nhận lỗi về mình.

Thanh Hóa vốn là vùng đất địa linh nhân kiệt, có lịch sử lâu đời bởi vậy, việc kết chạ giữa các làng là một tục lệ phổ biến. Xưa kia hầu hết các làng ở Thanh Hóa đều tổ chức kết chạ với nhau. Mỗi một làng có thể kết chạ với một hoặc nhiều làng xung quanh, chứ không trói buộc trong một làng nhất định.

Là một ngôi làng có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, Vĩnh Yên xưa, nay là thôn Thành Yên thuộc phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa. Mặc dù đã được sát nhập vào thành phố từ năm 1996, nhưng tại đây vẫn bảo lưu những giá trị văn hóa làng xã gần như nguyên vẹn, với các phong tục tập quán, thói quen đã truyền từ bao đời. Cho đến nay, thế hệ con cháu của làng vẫn chưa phá vỡ tục lệ lấy trai gái làng Thủ Phác, giữ mối quan hệ tốt đẹp với các làng xung quanh như: Ngọc Mai, Tạnh Xá, Quảng Xá, Hải Án, Lễ Môn, Nhân Thọ, Nhân Phong, Tức Tranh. Đây chính là tàn dư của tục kết chạ có từ xa xưa của làng. Mặc dù tục kết chạ đã không còn duy trì như trước, không còn việc đón rước nghênh thần, song mối quan hệ giữa các làng vẫn tốt đẹp. Theo Địa chí thành phố Thanh Hóa, Vĩnh Yên xưa đã từng kết chạ với nhiều làng: làng Tạnh, Quảng Xá, Hải Án, Lễ Môn, Nhân Thọ, Nhân Phong, Tức Tranh, Thủ Phác, Ngọc Mai. Tuy nhiên, hiện nay ảnh hưởng tục kết chạ chỉ còn đậm đặc trong mối quan hệ với 2 làng là Thủ Phác và Ngọc Mai. Do vậy, trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ tìm hiểu tục kết chạ giữa làng Vĩnh Yên với làng Thủ Phác (nay là Thôn 1 – xã Quảng Hưng – TP Thanh Hóa) và Ngọc Mai (xã Quảng Thành – TP Thanh Hóa).

Cách đây 5 thế kỷ, vùng làng Vĩnh Yên bây giờ là đầm lầy, cây cối rậm rạp, nhiều muông thú. Vị trí đất đai của làng gần kề sông Mã, và cửa sông nhà Lê, hàng năm thường xảy ra vỡ đê, ngập úng, lũ lụt. Theo tương truyền và một đoạn văn tế ở Nghè của làng, thì việc lập ấp ở đây diễn ra vào đời Trần, người lập ấp thuộc họ Trịnh, từ Đại An Thiên Trường chuyển vào khai phá lập nên trang trại này. Học giả người Pháp Ch.Robequain cũng khẳng định “Ở Vĩnh Yên, tổng Lưu Thanh có người họ Trịnh từ Đại An, Thiên Trường chuyển cư vào thế kỷ XIV, thời Trần Phế Đế (1377-1388)”[2]. Ngày nay, con cháu của dòng họ Trịnh ở trong làng không còn nữa, lai lịch của Ngài họ Trịnh này hiện nay không còn tài liệu, sử sách nào ghi chép lại.

Căn cứ vào dòng họ của làng, cao nhất là đời thứ 13, 14 cùng với các sắc phong của triều nhà Lê, thì ấp An Trang từ khi hình thành đến nay, khoảng trên 350 năm. Lúc đầu, ấp có tên gọi là An Trang. Sau là thôn Cầu An. Thời Hậu Lê đổi là làng Yên Khê thuộc tổng Lưu Vệ (một trong 4 tổng của huyện Quảng Xương, kể từ đời Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 10 (1469). Đến cuối thế kỷ XIX, làng tên Vĩnh An, xã An Khê, tổng Lưu Vệ. Thời Nguyễn và thuộc Pháp đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thuộc làng Vĩnh Yên tổng Lưu Thanh. Trong dân gian còn cái tên nôm na là làng Ướn. Năm 1942, phát xít Nhật xây dựng sân bay Lai Thành, 4/5 xóm làng Vĩnh Yên phải rời đi nơi khác. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mới trở về làng cũ. Đến năm 1990, thực hiện quyết định 78 của UBND tỉnh mới gọi là Thành Yên.[3]

Ấp An Trang xưa, thôn Vĩnh Yên ngày nay nằm dọc theo hướng Bắc-Nam. Bắc giáp cánh đồng làng Ngọc Mai cùng xã. Tây giáp cánh đồng làng Tạnh Xá, làng Quảng Xá, làng Kiều Đại (hay là làng Bố), thuộc xã Đông Vệ nay là phường Đông Vệ. Đông giáp cánh đồng làng Thủ Phác xã Quảng Hưng và làng Tức Tranh cùng xã. Vào những năm 1918-1925 làng có con mương nông giang, chảy từ sông Quán Nam, qua làng Ngọc Mai, qua phía Tây Vĩnh Yên, vào cánh đồng Lai thành, Thủ Phác ở phía Bắc.

Làng Thủ Phác bây giờ là phố I – Quảng Hưng – TP Thanh Hóa. Xưa làng có tên là An Thọ, xã Yên Khê, phủ Tĩnh Gia, tổng Lưu Thanh, phủ Quảng Xương. Sau đó làng có tên là Muôn. Thời Pháp thuộc đổi tên thành Thủ Phác (vì nằm phía đầu của xã). Năm 1939, Pháp xây dựng sân bay Lai Thành, 20 hộ dân của làng phải di chuyển vào địa phận xã Quảng Thành ngày nay để cư trú. Tháng 8 năm 1945, đổi tên là Hưng Phác, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Với diện tích 127,6 ha, làng có phía Đông giáp phố II, Tây giáp phường Đông Sơn, Nam giáp Thành Yên- xã Quảng Thành, Bắc giáp sông Quảng Châu.

Làng Ngọc Mai xưa có tên là Chóp Chài (Chốp Tràn), dân trong vùng gọi là làng Xổn. Theo Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Thành, vào cuối thế kỷ XVIII, cụ Trịnh Đức Thựu đưa con cháu từ Vĩnh Lộc đến khai phá đất đai lập nên làng. Sang thế kỷ XIX, làng có tên là Ngọc Mai. Năm 1850, một số cư dân khai khẩn đất cồn Hổ lập thêm xóm Hổ (nay thuộc thôn Minh Trại – phường Quảng Thành). Đến đời Đồng Khánh năm 1886, là xã Ngọc Mai thuộc tổng Lưu Vệ. Đầu thế kỷ XX đến  trước cách mạng, thuộc tổng Lưu Thanh. Sau cách mạng, từ năm 1945 đến năm 1947, thuộc xã Quảng Định. Năm 1953 xã Quảng Định chia làm 3 xã Quảng Đông, Quảng Định và Quảng Thành, làng Ngọc Mai thuộc Quảng Thành. Ngọc Mai có phía Bắc giáp Vĩnh Yên, Nam giáp sông Kênh Bắc, Tây và Đông giáp trường Hồng Đức và đường tránh thành phố Thanh Hóa. Giống như Vĩnh Yên và Thủ Phác, người dân làng Ngọc Mai cũng có một nền văn hóa tín ngưỡng theo lối phong kiến. Làng cũng đã xây dựng: 1 đình, 2 nghè (nghè Ruỗn và nghè Ngoài), 2 chùa (chùa Xốn, chùa Đồng Nẫn), ngoài ra làng có văn chỉ và võ chỉ.

          Cũng như bao làng quê khác của xứ Thanh. Thời phong kiến đạo Phật khá phát triển ở ba làng. Các làng có đình làng thờ thành Hoàng làng, chùa thờ Phật, nghè thờ Đức Thánh Thiên Cương và các vị anh hùng trong lịch sử có công với nước với làng, các chùa nghè này đều có kiến trúc  độc đáo, người dân sùng bái thờ Phật, thờ mẫu.

Vào dịp tết Nguyên Đán hàng năm, vào rằm tháng chạp làng tổ chức tế lễ tại đình. Ngày 14, 15, 16 tháng giêng các làng đều tế lễ đầu xuân tại đình làng. Những năm trời nắng hạn gay gắt các làng thường tổ chức tết đảo vũ cầu cho mưa thuận gió hòa. Những phong tục này sau năm 1945 thì giảm dần, đến năm 1964 chùa, đình, nghè không được tu sửa, nên được dỡ bỏ được đưa về xây dựng trường học.

Qua tìm hiểu sơ lược về lịch sử hình thành của 3 làng cho thấy, Vĩnh Yên có mối quan hệ láng giềng với cả hai làng Ngọc Mai và Thủ Phác. Thời Pháp thuộc, cả ba làng đều thuộc tổng Lưu Thanh, có lẽ vì thế mà quan hệ giữa Vĩnh Yên với hai làng này lại đặc biệt đến vậy.         

Hiện tại, không có tài liệu nào khẳng định tục kết chạ giữa các làng này diễn ra khi nào, chỉ biết trong dân gian và theo Địa chí thành phố Thanh Hóa thì 3 làng này kết chạ với nhau đã rất lâu đời và nguyên nhân là do thờ chung một vị thần có duệ hiệu là Thiên Cương Tướng Quân. Việc các làng kết chạ với nhau do thờ chung một vị thần dù không phổ biến nhưng không phải là một hiện tượng hiếm gặp, ở Hoàng Hóa, Quảng Xương có tục kết chạ giữa các làng cùng thờ chung thần Độc Cước: Thanh Nga và My Du, Cá Lập và Thanh Khê ...

Tương truyền: thời nhà Lý, khi nhà vua chinh phạt phương Nam, đi qua vùng đất này, đoàn quân đang đi, nhà vua thấy có một vị tướng oai phong lẫm liệt đến trước nhà vua tâu rằng : «Tôi là Thiên Cương tướng quân được Ngọc Hoàng sai xuống giúp nhà vua trừ kẻ hung bạo ». Nói xong, vái một vái rồi biến mất. Từ hôm ấy, đoàn quân nhà vua tiến nhanh như vũ bão, hễ gặp giặc là giặc chạy tan tác. Khi thắng lợi trở về, nhà vua phong thần và sắc cho dân làng lập bàn thờ. Qua các triều đại đều có sắc phong [4]. Đi sâu vào việc nghiên cứu các thiên thần, nhiên thần và nhân thần các tầng văn hóa ta có cơ sở để nói rằng, đây chính là bóng dáng của tín ngưỡng đa thần giáo của người Việt cổ (thờ một sự linh ứng, một tướng nhà Trời hay thờ một con chim (Bạch Hạc),…

Địa chí thành phố Thanh Hóa, cũng cho biết: sang thời Lý trung tâm hành chính của tỉnh Thanh chuyển tử Tư Phố- Đông Phố về Duy Tinh (huyện lỵ cũ của Hậu Lộc ngày nay). Trong sử sách mặc dù không thấy ghi lại sự tham gia của những người trên địa bàn thành phố hồi ấy được tham chính hay làm tướng lĩnh. Song thần tích các làng cổ của thành phố đã để lại dấu ấn rất rõ : tại Hương Bào Nội và Hương Bào Ngoại còn ghi sự tích vị thần có duệ hiệu là Thiên ứng tôn thần. Khi vua Lý đem quân đi đánh Phương Nam, lúc đi qua chùa Tù Và (Hưng Phúc Tự), nhà vua nghỉ lại . Đêm ấy, từ trong giấc ngủ thấy một vị thiên sứ đến tâu rằng : « Tôi được Ngọc Hoàng sai xuống trợ giúp nhà vua đánh giặc, cứu nước ». Quả nhiên trận ấy, nhà vua thắng lớn, khi khải hoàn qua chùa, sai quan bộ lễ bộ, lễ sắm, lễ vật tạ ơn và cấp tiền cho dân lập đền thờ[5]. Tương truyền tại làng Tức Tranh (xã Quảng Thành – TP Thanh Hóa), chùa Rẫy được xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI). Vua Lý Thánh Tông (1054 -1072) một lần kinh lý ở phía Nam từng vào thăm và cầu phúc tại chùa. Sau đó, vua có hoàng tử đã báo ân chùa một pho tượng Đức Phật Thích Ca bằng đồng đen cao 40 cm và một chuông đồng nặng gần 300kg. Do đó, chùa làng này còn được gọi là chùa Cầu tự (Báo ân tự)[6].

Qua các thần tích trên cho thấy, khi vua Lý đi đánh giặc phương Nam chắc chắn đã qua đất thuộc địa phận thành phố Thanh Hóa và được nhân dân hưởng ứng nồng nhiệt. Việc 3 làng thờ chung 1 vị thần Thiên Cương Tướng Quân cùng với việc ra đời chùa Rẫy cho thấy, có thể vua Lý đã từng kinh lý và dừng chân tại địa phận của 4 làng: Vĩnh Yên, Ngọc Mai, Thủ Phác và Tức Tranh xưa.

Hiện nay, các nghè thờ vị Thiên Cương Tướng Quân tôn thần không còn nữa mà chỉ còn lại trong trí nhớ của người dân 3 làng. Bởi vì, những năm 60 do ảnh hưởng của Đại cách mạng văn hóa Trung Quốc, chính quyền thôn đã cho phá dỡ các chùa, đình, nghè trong làng. Một số hiện vật còn sót lại đang nằm rải rác ở trong làng và hiện đang được quy tập về chùa Vĩnh Yên. Theo các bậc phụ lão: nghè Vĩnh Yên được xây dựng ở phía Tây Bắc làng. Hiện nay, nơi trước đây thờ thần được làng gọi xóm Vườn Nghè. Trong các triều đại xưa, nghè được phong 5 đạo sắc, có đạo sắc được phong là: Thượng thượng Đảng Thần.

Cũng giống như những nơi khác, trong một năm, các làng thường tổ chức một dịp « hội chạ » của làng và đi chạ với các làng khác. Nếu một làng kết chạ với nhiều làng, thì làng đó có thể mở nhiều hội chạ khác nhau để mời làng khác đến hoặc có thể mời nhiều làng đến trong một ngày, một dịp. Đi chạ (đến làng khác ăn chạ) là một việc quan trọng, thường có quy định về số người nhưng đã thành lệ là những người « đi chạ » là những người không vi phạm luật lệ của làng, không có tang, có tật, ăn nói đúng đắn, và phải ở tuổi thành đinh trở lên. Hàng năm, các làng đều có lễ cầu phúc tế thần tại nghè: Vĩnh Yên (13-15/2), Thủ Phác (15-16/2), Ngọc Mai (15/1).

Dù cùng kết chạ với nhau nhưng mối quan hệ kết chạ giữa Vĩnh Yên và Thủ Phác và giữa Vĩnh Yên với Ngọc Mai rất khác nhau.

Trước tiên, kết chạ giữa Vĩnh Yên và Thủ Phác khá chặt chẽ. Theo các cụ hai làng kể lại thì Vĩnh Yên là «anh » còn Thủ Phác là «em ». Trong tất cả các tục lệ, quy ước giữa hai làng đáng chú ý là cho đến nay, trai gái của hai làng vẫn « kiêng » lấy nhau. Như chúng ta đã biết, các làng kết chạ với nhau vì nhiều nguyên nhân, có những làng vốn nguồn gốc xa xưa là anh em, chị em ruột thịt hay con gái xuất giá như: Thọ Hạc kết chạ với Định Hòa, vì xa xưa là hai anh em- Định Hòa là anh, Thọ Hạc là em. Làng Mật Sơn kết chạ với Bố Vệ, gốc là hai chị em. Làng Mật Sơn với Tạnh Xá do Tạnh Xá từ gốc Mật Sơn mà ra. Những làng kết chạ ở dạng này trai gái không được kết hôn. Mỗi lần đi dự chạ, dân làng đều phải rước cả thần và vật mang theo. Ngoài các làng trên, còn một số làng kết chạ cấm trai gái kết hôn với nhau nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ như: Bào Nội, Bào Ngoại kết chạ với Định Hòa, làng Đông Tác kết chạ với làng Ruổn (Đông Khê- Đông Sơn), Ngọc Mai với Kiều Đại. Liệu ngoài việc cùng thờ chung một vị thần thì giữa hai làng này có chung một gốc hay không?

Trong dân gian 2 làng Vĩnh Yên và Thủ Phác vẫn lưu lại câu vè : « Mùng một ta kỳ phúc, mùng hai Thủ Phác phúc kỳ ».

Hàng năm, nhân dân hai làng thường tổ chức lễ hội cầu phúc vào đầu năm, hội hè rước kiệu đông vui, cuối năm tháng chạp cày cấy xong có lệ tế chạp Nghè vào tháng2 Âm lịch. Mùng 1, làng Vĩnh Yên sẽ mời chạp Thủ Phác, còn mùng 2 Thủ Phác sẽ mời chạp Vĩnh Yên. Về việc dự chạ, giữa hai làng có tục “đi ba về năm”. Vĩnh Yên mời Thủ Phác, Thủ Phác đến 5 bàn. Khi Vĩnh Yên đi Thủ Phác chỉ đi 3 bàn. Khi kiệu của Vĩnh Yên đến đầu làng, Thủ Phác ra tận đầu làng đón kiệu thần rước vào nghè . Sau đó, theo thứ tự kiệu « anh » đi trước, rồi đến kiệu và dân làng chạ Thủ Phác đi sau, đám rước tiến vào nghè và làm lễ yên vị. Trong các ngày tế thần cầu phúc, sau khi cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân hai làng tổ chức các đánh đu, thụng cù, diễn chèo tuồng, hát ghẹo, hát trống quân…Những người đi dự chạ đều được chọn lọc kỹ không được vướng bận tang, cớ, « bụi ». 

Còn đối với Ngọc Mai và Vĩnh Yên, ngoài việc thờ chung một vị thần ra mối quan hệ giữa hai làng còn là « tình làng nghĩa xóm ». Mối quan hệ giữa hai làng này không tuân thủ đủ 5 nguyên tắc kết chạ như PGS.TS Bùi Xuân Đính đã nêu ra. Trai gái hai làng từ xưa đến nay vẫn đi lại với nhau rất thân thiết, được tự do lấy nhau. Ngoại trừ điều này, mối quan hệ giữa hai làng từ xưa đến nay đều rất hòa hảo, tốt đẹp, cùng tương trợ nhau phát triển. Các cụ cao niên hai làng vẫn thường nhắc lại sự kiện: khi Nhật xây dựng sân bay Lai Thành, dân làng Vĩnh Yên bị đuổi, Làng Ngọc Mai đã nhường cho làng Vĩnh Yên khoảng 60 mẫu để xen cư nay thuộc cánh đồng ông Giác- điểm giáp gianh giữa hai làng. Đây là một nghĩa cử cao đẹp được hình thành trên cơ sở tục kết chạ giữa hai làng. Ngọc Mai và Vĩnh Yên còn có tục săn chuột. Đây là việc làm cần thiết để bảo vệ mùa màng và được thực hiện vào tháng 4, có năm hai làng còn tổ chức thi săn chuột.

Hàng năm vào tháng 11 và tháng 4, Vĩnh Yên còn có tục đắp đường. Đây cũng là dịp mà các chạ cũng cử người tham gia cùng. Ngoài việc thờ chung một vị thần, việc kết chạ giữa Vĩnh Yên và hai làng Thủ Phác và Ngọc Mai đã tạo nên những tục lệ đẹp, quan hệ hữu hảo, cùng giúp đỡ nhau những công việc lớn.

Kết chạ là một lễ tục đẹp của làng Vĩnh Yên với ý nghĩa nhân văn cao cả: cộng cư, cộng mệnh, cộng cảm của cư dân các làng xã xưa nói chung. Dù ngày nay, tục lệ này không còn nhưng những gì mà nó để lại là vô cùng to lớn. Đó chính là mối quan hệ đoàn kết, hữu hảo và đầy hòa khí giữa Vĩnh Yên với Ngọc Mai và Thủ Phác. Tục lệ này cần được nghiên cứu và khôi phục để phát huy những giá trị tốt đẹp của nó trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới ngày nay. Đây cũng là nhân tố chứng minh, Thành Yên vốn là làng gốc Việt cổ. Ca dao Thanh Hóa xưa cũng đã từng khẳng định: « Lê Xá vốn đất quê nhà. Vĩnh Yên vốn đất quê bà quê ông ».

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Chấp hành Chi bộ thôn Ngọc Mai, Sơ lược lịch sử làng văn hóa Ngọc Mai, 2008.
  2. Ban Chấp hành Chi bộ thôn Thủ Phác, Tóm tắt lịch sử và quy ước xây dựng làng văn hóa Thủ Phác, 2010.
  3. Ban Chấp hành Chi bộ thôn Thành Yên, Sơ lược lịch sử làng văn hóa Vĩnh Yên, 2000.
  4. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Quảng Thành-Thành phố Thanh Hóa, Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Thành (1948-2009), NXB Thanh Hóa, 2009
  5. Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa, Địa chí thành phố Thanh Hóa, NXB Văn hóa – Thông tin, 1997.

 

 

 

 

 

 

[1] http://dienbien2.edu.vn/index.php?opt=fest&catid=74&id=210

[2] Ch.Robequain- Le Thanh Hoa. Bản dịch Xuân Lệnh, T.2 Thư viện tỉnh Thanh Hóa. Trang 289.

[3]  Ban Chấp hành Đảng bộ xã Quảng Thành, Thành phố Thanh Hóa. Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Thành (1948-2009), Nhà xuất bản Thanh Hóa.2009.

 

3, 4, 5 Uỷ ban nhân dân thành phố Thanh Hóa, địa chí thành phố Thanh Hóa, NXB Văn hóa Thông tin,1997,

[6] Ban Chấp hành Đảng bộ xã Quảng Thành, Thành phố Thanh Hóa. Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Thành (1948-2009), Nhà xuất bản Thanh Hóa.2009.

 

Tác giả: ThS. Bùi Thị Hậu
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐIỀN DÃ TRONG NGHIÊN CỨU VĂN HÓA TẠI TRƯỜNG VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA. (29/11/18)
 NHÂN VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN TẠI BỆNH VIỆN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HỘI NHẬP (10/10/18)
 GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯỜI MƯỜNG TẠI THÔN CAO VÂN, XÃ NGỌC KHÊ, HUYỆN NGỌC LẶC, TỈNH THANH HÓA (10/10/18)
 GIA ĐÌNH VỚI VẤN ĐỀ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (05/10/18)
 ẢNH HƯỞNG CỦA DI CƯ LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI NGƯỜI GIÀ Ở NÔNG THÔN HIỆN NAY  (25/09/18)
 QUAN HỆ MẸ CHỒNG - NÀNG DÂU TRONG XÃ HỘI HIỆN NAY  (25/09/18)
 VÀI TRAO ĐỔI VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TUỔI NGHỈ HƯU Ở VIỆT NAM (24/09/18)
 TẠI SAO CẦN CHỨNG CHỈ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN (24/09/18)
 MỘT SỐ ĐIỀU SINH VIÊN NĂM CUỐI CẦN CÓ (24/09/18)
 GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN BỘ MÔN CÔNG TÁC XÃ HỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA (19/09/18)
Hôm nay 220
Hôm qua 4318
Tuần này 13809
Tháng này 76170
Tất cả 3044953
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
Email: khoavanhoathongtin.dvtdt@gmail.com

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (0237) 3953 388 - (0237) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường
Email: dhvhttdlth@gmail.com - Website: http://wwww.dvtdt.edu.vn