Nghiên cứu khoa học
GIA ĐÌNH VỚI VẤN ĐỀ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Trong xã hội Việt Nam truyền thống giáo dục giới tính căn bản là vấn đề thầm kín, tế nhị. Sự bùng nổ thông tin và sự phát triển của nền kinh tế thị trường, nhất là ở đô thị, thông tin đến với mỗi cá nhân rất đa dạng ảnh hưởng và tác động mạnh đến quan hệ giữa hai giới. Sự tự do trong quan hệ giới đã nảy sinh hàng loạt vấn đề xã hội cho thấy giáo dục giới tính trong gia đình Việt Nam hiện nay còn nhiều điều phải bàn luận. - Tập san Thông tin khoa học, số 8 (11/2014), trường Đại học VH, TT và DL Thanh Hóa

  1. Đặt vấn đề

Giáo dục giới tính (GDGT) là một thuật ngữ rộng miêu tả việc giáo dục về giải phẫu sinh dục, sinh sản, quan hệ tình dục, sức khoẻ sinh sản, các quan hệ tình cảm, quyền sinh sản và các trách nhiệm, tránh thai, và các khía cạnh khác của thái độ tình dục loài người. GDGT có thể được dạy một cách không chính thức, như khi một ai đó nhận được thông tin từ một cuộc trò chuyện với cha mẹ, bạn bè, người lãnh đạo tôn giáo, hay qua truyền thông. Nó cũng có thể được truyền dạy qua các tác giả với các tác phẩm về giới tính, chuyên mục báo chí, hay qua các trang web về GDGT. Những cách GDGT thông thường là thông qua cha mẹ, người chăm sóc, các chương trình trường học và các chiến dịch sức khoẻ cộng đồng.

Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về GDGT trong gia đình (GĐ), nhưng nhìn chung, có thể hiểu GDGT trong GĐ là hoạt động cung cấp cho các thành viên trong GĐ những thông tin khoa học về giới tính, về cách ứng xử trong quan hệ với người khác giới trong tình bạn, tình yêu, tình dục và hôn nhân gia đình nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi phù hợp với giới tính của bản thân, xây dựng giới tính (nam tính, nữ tính) sao cho phù hợp với khuôn mẫu của xã hội, xây dựng các hành vi biết làm chủ bản thân và biết tự bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, trong đó có cả HIV- AIDS, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh và GĐ hạnh phúc.

Trên thế giới, sự xuất hiện và lan rộng khủng khiếp của căn bệnh thế kỷ AIDS đã mang lại một ý nghĩa khẩn cấp cho chủ đề GDGT. Tại các GĐ ở Châu Phi, nơi AIDS đã trở thành bệnh dịch, GDGT được coi là một chiến lược sống còn để bảo vệ sức khoẻ người thân và cộng đồng. Ở các nước phương Tây và quốc gia phát triển việc GDGT được đề ra rất sớm và cụ thể. Ấn Độ có các chương trình với mục tiêu hướng tới trẻ em từ 9 tới 16 tuổi. Người Nhật cho rằng giai đoạn đi mẫu giáo là cơ hội tốt để dạy trẻ về giới tính, GDGT là bắt buộc từ 10 hay 11 tuổi, chủ yếu đề cập tới các chủ đề sinh học như kinh nguyệt và xuất tinh…

Ở Việt Nam, bao thế hệ người Việt do ảnh hưởng của tâm lý phương Đông trong GĐ, ít bậc cha mẹ nào giảng giải cho con cái mình những kiến thức về giới tính, tình dục, nếu có chỉ là những hiện tượng đơn lẻ như khi con gái xuất giá về nhà chồng thì được các bà mẹ nhỏ to một vài kinh nghiệm phòng the. Ngay từ năm 1936, trong tiểu thuyết "Làm đĩ", Vũ trọng Phụng đã viết: "Giáo hoá cho thanh niên biết rõ dục tình là những gì, đó là việc phải làm ngay vậy... Nam nữ thanh niên vào lúc dậy thì, xác thịt rạo rực lên vì những biến đổi âm thầm và sự phát triển của các cơ quan sinh dục là rất dễ hư hỏng, nếu không được bậc cha mẹ chỉ bảo cho những điều cần biết và đề phòng mọi hoàn cảnh xấu hộ cho"[1]. Cuốn tiểu thuyết này như một lời cảnh báo, nhắc nhở những người cha, người mẹ sự cần thiết phải dạy cho con trai, con gái những điều cần biết về giới tính, quan hệ nam nữ và hôn nhân GĐ. Tuy nhiên, lời cảnh báo của Vũ Trọng Phụng đã không được xã hội lưu ý, thậm chí tiểu thuyết mang đậm tính giáo dục này còn bị tẩy chay một thời gian dài.

Những năm gần đây, trong quá trình hội nhập và giao lưu kinh tế - văn hóa, vấn đề GDGT ở Việt Nam đã có những chuyển biến. Có nhiều quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này. Có người cho rằng: đưa vấn đề GDGT vào nhà trường là “vẽ đường cho hươu chạy”. Cũng có quan điểm cho rằng: nhất thiết cần phải GDGT và sức khoẻ sinh sản cho thanh niên hiện nay, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên nhằm giảm thiểu những tác hại do thiếu hiểu biết gây ra. Nhưng cho tới nay, chỉ có một số đã đưa chương trình GDGT vào nhà trường giảng dạy song còn mang nặng tính hình thức. Trong điều kiện đó, GDGT trong gia đình là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất.

  1. Thực trạng giáo dục giới tính trong gia đình

Vấn đề GDGT trong GĐ Việt Nam hiện nay còn rất nhiều điều phải bàn. Theo tổ chức y tế thế giới (WHO) tuổi vị thành niên là lứa tuổi từ 10 đến 19 tuổi. Các nghiên cứu khoa học cho thấy trẻ ở thời kì này bắt đầu có những thay đổi về tâm, sinh lí và những ham muốn bản năng bắt đầu được kích thích. Nhu cầu tò mò, khám phá bản thân và giới tính sẽ gia tăng kèm theo sự phát triển nhu cầu về tình cảm khác giới. Tuy nhiên, trong GĐ Việt Nam hiện nay, những câu chuyện giới tính giữa cha mẹ với con cái và anh chị em với nhau vẫn còn rất khó trao đổi và cởi mở. Kết quả điều tra của Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình về quan điểm của cha mẹ trong việc GDGT cho con cái thể hiện khả rõ điều này:

Quan điểm của cha mẹ trong việc GDGT cho con cái

Không nên

19,37%

Nên

25%

Phân vân

55,63%

                             (Nguồn: Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình năm 2007)

Thực tế ở Việt Nam, câu chuyện tình dục thường được gắn với vấn đề đạo đức. Cứ người nào nói năng cởi mở, chủ động về vấn đề này thì thường bị những người xung quanh nhìn nhận là thiếu văn hóa. Thế nên, chẳng ai đi làm chuyện này để bị người khác nghi ngờ, soi xét phẩm hạnh và đạo đức. Mọi người đều coi những chuyện giới tính, tình dục là chuyện gì đó rất riêng tư, thầm kín và của ai thì chỉ biết người đó. Các bậc phụ huynh hay có quan điểm giới tính thì không cần phải giáo dục mà để trẻ phát triển tự nhiên. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy con cái rất muốn hỏi những thắc mắc xoay quanh các vấn đề liên quan đến những biểu hiện về tâm sinh lý của bản thân. Thậm chí các em mượn những vấn đề của bạn bè thông qua đó nói lên vấn đề của mình. Tuy nhiên, tất cả những suy nghĩ của chúng đều bị né tránh hoặc trả lời một cách qua loa.

Ngày nay, không ít các ông bố bà mẹ dường như chỉ mải mê vào việc kiếm tiền, phó mặc con cái cho nhà trường và xã hội, có thể đáp ứng ngay về vật chất nhưng lại không dành thời gian để quan tâm tới sự thay đổi và phát triển về tâm sinh lý của con trẻ. Hoặc ở khu vực nông thôn, nguồn thông tin còn hạn chế, sự hiểu biết về GDGT của cha mẹ còn khiêm tốn, khiến họ khá lúng túng trước những thắc mắc của con trẻ hoặc chưa biết giáo dục và trang bị những kiến thức cần thiết để con trẻ có thể tự bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Mặt khác, hiện nay nguồn thông tin chính thống về GDGT chưa được xã hội hóa, để thỏa chí tò mò, một bộ phận con trẻ trong giai đoạn mới lớn thường tìm đến những “người bạn” là phim ảnh, sách báo với nội dung không lành mạnh, kể cả việc muốn khám phá các “cảm giác lạ lẫm”. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế, bên cạnh những nét văn minh, tích cực chúng ta tiếp thu được, thì những hành vi ngoại lai không phù hợp với chuẩn mực văn hóa, lối sống của người Việt cũng đang xâm nhập vào giới trẻ. Theo kết quả thống kê gần đây của Google, Việt Nam là một trong những nước có số câu lệnh tìm kiếm chứa từ “sex” nhiều nhất thế giới. Nếu không biết cách chọn lọc để tiếp thu, những trang web sex, blog đen sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tình dục của các bạn trẻ. Con số này khiến không ít người e ngại về GDGT ở Việt Nam và đặt ra câu hỏi: Có bao nhiêu bạn trẻ biết gạn lọc những kiến thức lành mạnh và cần thiết cho mình?

Các bậc phụ huynh thường phàn nàn, giới trẻ ngày nay sống thoáng, vô tổ chức,... tức họ chỉ phê phán nhiều hơn là phân tích vì sao lại có chuyện đó xảy ra. Nhưng thực tế giới trẻ hiện nay đang bị bỏ rơi, mọi người, nhất là cha mẹ chỉ biết phê phán, phàn nàn khi mà con cái làm điều gì sai. Nhưng rõ ràng, nếu không được dạy đến nơi đến chốn thì làm sao con trẻ biết thế là đúng là sai.

  1. Hậu quả

Phải thấy rằng, cách nghĩ, cách làm của các bậc phụ huynh trong thời gian dài đã dẫn tới không ít hậu quả để ngày hôm nay, cá nhân, GĐ, xã hội phải đối diện. Theo kết quả Điều tra quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam lần thứ 2 (SAVY 2) vừa được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình công bố mới đây, cho thấy thanh niên hiện nay tỏ ra có quan niệm cởi mở hơn về quan hệ tình dục trước hôn nhân và độ tuổi quan hệ tình dục đang ngày càng “trẻ hóa”. Theo SAVY 2, có tới 54% thanh thiếu niên ở nhóm tuổi 22 - 25 chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân. Ở nhóm tuổi 18 - 21 là 51%, ở nhóm tuổi 14 - 17 là 36%[2]. Và có 9,5% thanh niên đã từng có quan hệ tình dục trước hôn nhân (tính chung cho cả người đã kết hôn lẫn những người chưa kết hôn). Tuy nhiên, kiến thức của vị thành niên về phòng tránh thai, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác vẫn còn hạn chế. Chỉ có 13-17% thanh niên có câu trả lời đúng về thời điểm dễ thụ thai trong một chu kỳ kinh nguyệt, khoảng 1/4 số thanh niên được hỏi không chắc chắn về các biện pháp phòng chống lây nhiễm HIV khác nhau, chỉ có 20,7% thanh niên sử dụng bao cao su trong lần quan hệ tình dục đầu tiên.  

Hậu quả là sự gia tăng tình trạng mang thai sớm, tình trạng nạo phá thai ở các nữ thanh niên. Các tai biến do thai sản, lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, trong đó có cả HIV – AIDS gia tăng. Với trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên, Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ năm thế giới. Việc nạo phá thai để lại hậu quả không những cho sức khỏe, tâm lý mà còn ảnh hưởng cả về tương lai. Rất nhiều bạn trẻ, sau khi nạo phá thai đã vĩnh viễn không bao giờ được làm mẹ. Những con số trên cảnh báo xã hội chúng ta về sự suy giảm nòi giống dân tộc, nguồn nhân lực quốc gia và tình hình bất ổn xã hội trong tương lai.

Số liệu thống kê của Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho thấy, xâm hại tình dục trẻ em ngày càng có tính chất phức tạp và độ tuổi bị xâm hại ngày càng thấp. Số trẻ em bị xâm hại tình dục chủ yếu là bị hiếp dâm (chiếm 65,9%), đối tượng phạm tội phần lớn là người gần gũi với nạn nhân (chiếm 56,1%). Tình trạng loạn luân như (bố đẻ xâm hại tình dục với con gái chiếm 0,6%, bố dượng xâm hại tình dục với con riêng của vợ chiếm 1%[3]. Có thể thấy, tệ nạn “giao cấu với trẻ em vị thành niên” đang là một hiện tượng đáng báo động trong xã hội. Nếu không được ngăn chặn kịp thời thì hiện tượng đó sẽ còn lây lan, phát triển, làm huỷ hoại đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh, thiếu niên. Đây là hệ quả của sự thiếu quan tâm GDGT của GĐ và xã hội. Bởi nếu các em được trang bị những kiến thức cần thiết về GDGT thì các em sẽ có những kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân.

Theo viện Nghiên cứu iSEE, ước tính con số người đồng tính tại Việt Nam là 1,65 triệu người, tương đương với khoảng 2% dân số[4]. Hiện tượng đồng tính ở Việt Nam ngày càng tăng trong đó nguyên nhân không nhỏ là do sự lệch lạc về giới tính ở một bộ phận giới trẻ hiện nay. Các nhà khoa học đều có một nhận định: đồng tính không phải là sự bệnh hoạn, tại ý muốn chủ quan của con người gây nên. Sự thiếu chăm sóc toàn diện về thể chất, tâm lý và giáo dục hòa nhập với xã hội của GĐ là nguyên nhân gây nên đồng tính ảo. Thiếu thốn tình cảm, khi đến tuổi dậy thì các em rất dễ dẫn đến sự “nổi loạn” về tâm lý và hành vi, dễ bị bạn bè lôi cuốn. Mặt khác, khi thấy con có dấu hiệu lệch lạc về giới tính, các GĐ thường không đưa con đi khám và gặp chuyên viên tâm lý để được khai thác bệnh sử, tìm hiểu về cuộc sống và mối quan hệ giữa các thành viên trong GĐ, để giúp các em có khái niệm rõ ràng về giới tính, kéo các em về giới tính thực mà các bậc phụ huynh thường nóng vội, yêu cầu con trẻ phải cắt đứt các mối quan hệ, cách sống hiện tại đột ngột khiến cho con sẽ phản ứng theo chiều hướng xấu.

  1. Giải pháp

Bước vào thế kỷ XXI, đất nước ta đang trên đà hội nhập và phát triển, thanh niên nói chung, tuổi vị thành niên nói riêng đang đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức. Chúng ta hãy thử hình dung một thế hệ thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, giới tính thì làm sao có thể tạo ra cho GĐ và xã hội một thế hệ phát triển toàn diện về thể trạng tâm lý và sinh lý? Trong giai đoạn hiện nay GDGT cần phải có một chiến lược rõ ràng. Đặc biệt, GDGT trong GĐ là việc làm có ý nghĩa thiết thực.

Chúng ta đã biết, GĐ là môi trường xã hội hoá đầu tiên của con người, trong đó bố mẹ là những người có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến sự phát triển nhân cách của con cái. Cách cư xử giữa bố - mẹ là bài học sớm nhất đối với trẻ về cách ứng xử giới tính giữa một người nam và một người nữ. Trẻ sẽ tiếp thu dần dần những kiến thức giới từ chính GĐ mình. Từ đó dần theo năm tháng hình thành những hành vi, thái độ mang tính chất giới nam hay nữ được mọi người và xã hội chấp nhận, hạn chế sự lệch lạc về giới tính.

GDGT trong GĐ đòi hỏi trước hết chính phụ huynh phải là những người nắm vững kiến thức (KT) và kỹ năng (KN)về GDGT một cách khoa học. Cha mẹ tiến hành giáo dục cho con cái về giới tính, sinh lý sinh sản là một quá trình giáo dục từ mức độ thấp tới mức độ cao. Tuỳ vào sự phát triển dần dần tâm lý của trẻ theo lứa tuổi mà các bậc cha mẹ có những cách thức, nội dung sao cho phù hợp với từng lứa tuổi như: sự phát triển về thể chất và tâm sinh lý, mối quan hệ giữa tình bạn khác giới, tình yêu, sinh đẻ, thai nghén và những quan hệ giới tính khác... Quá trình GDGT được thực hiện đồng bộ trong từng GĐ chắc chắn sẽ giảm thiểu những nguy cơ về an toàn tình dục, tai biến sinh sản và đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, đặc biệt là đại dịch HIV – AIDS sẽ giảm đi đáng kể, tạo nên một xã hội ổn định và phồn thịnh.

GDGT cho con cái trong GĐ là một điều không dễ. Nó phụ thuộc rất nhiều vào quan niệm văn hóa của người Việt và của chính các bậc cha mẹ. Cha mẹ không chỉ nắm vững KT và KN về GDGT mà hơn cả là mối quan hệ giữa các thành viên trong GĐ phải luôn được chan hoà cởi mở và chia sẻ lẫn nhau. Cha mẹ phải trở những người bạn đồng hành, biết tôn trọng và lắng nghe các ý kiến từ con trẻ. Việc lắng nghe giúp cha mẹ hiểu thêm về con cái, về cách nhìn nhận thế giới và con người của trẻ, rút ngắn khoảng cách giữa cha mẹ và con cái về quan điểm giá trị và niềm tin. Việc chia sẻ những thắc mắc của con cái trong quá trình phát triển sẽ giúp trẻ hình thành kỹ năng tự bảo vệ bản thân, có thái độ và hành vi đúng mực, đặc biệt là khả năng tự chịu trách nhiệm trước hành vi tình dục của mình. Đồng thời giúp trẻ đứng vững bằng những kiến thức và hiểu biết của chính mình trước khi lập GĐ.

        Mặt khác, rất cần sự phối hợp hài hòa giữa GĐ, nhà trường và xã hội trong GDGT cho các em. Các đoàn thể nên thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tạo ra các sân chơi bổ ích và lành mạnh có nội dung về GDGT, sức khỏe sinh sản. Nhà trường cần tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các buổi trò chuyện thảo luận để qua đó cung cấp cho các em nhiều kiến thức hơn về văn hóa ứng xử, GDGT; quan tâm hơn nữa đến lối sống, đạo đức của các em để kịp thời uốn nắn những hành vi, nhận thức lệch lạc về giới. Bản thân các thầy cô cần trang bị cho mình vốn kiến thức và phương pháp cần thiết, tạo ra sự thoải mái cởi mở trong việc trao đổi và chia sẻ, để các em tin tưởng hơn vào thầy cô và “dám” chia sẻ những thắc mắc của mình.

Xin trích dẫn câu nói của W. Liepmann (Pháp) để thay lời kết: "Khi bậc làm cha mẹ cứ mãi mãi không truyền lại cho con cái phần gia tài cao thượng ấy theo một quan niệm hoàn toàn đạo đức và bằng sự thấu triệt đủ cả mọi lẽ sinh lý học, tuỳ theo niên hạn và trí thông minh của chúng, thì sự lầm lẫn đáng ghê tởm sẽ cứ mãi mãi làm uế tạp mất cái của báu ấy mà tạo hoá đã phú cho ta, và sẽ ngăn cản bọn hậu sinh không còn biết lần đường nào để đi đến chỗ tận thiện, tận mỹ”[5].

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Peter viết lời, Arthur Robins minh họa, Mẹ ơi, con được sinh ra từ đâu, Nxb Phụ nữ, 2009
  2. Nguyễn Thanh Bình, Những điều cần biết để giáo dục giới tính cho con, Nxb Giáo dục, 1999
  3. Đào Xuân Dũng, Giáo dục giới tính dành cho tuổi vị thành niên, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2012
  4. Nguyễn Văn Lê, Nguyễn Thị Doan, Giáo dục giới tính, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997
  5. Bùi Ngọc Oánh (2006), Tâm lí học giới tính và giáo dục giới tính, Nxb Giáo dục.

 

[1] Tuyển tập Vũ Trọng Phụng - tập 2, 2010, Nxb văn học

[2]http:// ubmvgiadinh.org/article/tuổi-quan-hệ-tình-dục-đang-trẻ-hóa

[3]Báo Đang yêu – Đặc san Báo Phụ nữ Thủ đô, số 38, ra ngày 23/09/2014

[4] http://songkhoe.suckhoedoisong.vn/Nhung-goc-nhin-ve-tinh-duc-dong-gioi

[5] Tuyển tập Vũ Trọng Phụng - tập 2, 2010, Nxb văn học

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thùy Dương
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 ẢNH HƯỞNG CỦA DI CƯ LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI NGƯỜI GIÀ Ở NÔNG THÔN HIỆN NAY  (25/09/18)
 QUAN HỆ MẸ CHỒNG - NÀNG DÂU TRONG XÃ HỘI HIỆN NAY  (25/09/18)
 VÀI TRAO ĐỔI VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TUỔI NGHỈ HƯU Ở VIỆT NAM (24/09/18)
 TẠI SAO CẦN CHỨNG CHỈ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN (24/09/18)
 MỘT SỐ ĐIỀU SINH VIÊN NĂM CUỐI CẦN CÓ (24/09/18)
 GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN BỘ MÔN CÔNG TÁC XÃ HỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA (19/09/18)
 BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH ĐA VĂN HÓA Ở VIỆT NAM  (17/09/18)
 TÁI HÔN Ở NGƯỜI GIÀ  (17/09/18)
 HIỆN TƯỢNG GIA ĐÌNH ĐƠN THÂN TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM NGÀY NAY (17/09/18)
 Sinh viên Khoa Văn hóa Thông tin tham dự Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường năm học 2017 - 2018 (15/05/18)
Hôm nay 537
Hôm qua 4318
Tuần này 14126
Tháng này 76487
Tất cả 3045270
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
Email: khoavanhoathongtin.dvtdt@gmail.com

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (0237) 3953 388 - (0237) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường
Email: dhvhttdlth@gmail.com - Website: http://wwww.dvtdt.edu.vn