Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 VÀ NHỮNG THÁCH THỨC ĐẶT RA ĐỐI VỚI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM

Nội san số 04 - Khoa Luật & QLNN

          Tóm tắt: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho nền quản trị nhà nước ở mỗi quốc gia. Việc nắm bắt được những cơ hội, vượt qua thách thức sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và ngược lại. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư buộc mỗi nhà nước, trong đó có Việt Nam phải có những điều chỉnh trong chính sách của mình để đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền quản trị nhà nước tốt, phục vụ lợi ích của nhân dân.

          Từ khóa: Cách mạng Công nghiệp 4.0, thách thức, quản lý nhà nước.

  1. Tổng quan về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0

          Lịch sử loài người đã trải qua ba cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lớn, để lại những dấu ấn trong thành tựu phát triển của nhân loại. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (từ năm 1784) diễn ra khi loài người phát minh ra động cơ hơi nước, tác động trực tiếp đến các ngành nghề như dệt may, chế tạo cơ khí, giao thông vận tải.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (từ năm 1870) đến khi loài người phát minh ra động cơ điện, mang lại cuộc sống văn minh, năng suất lao động tăng nhiều lần so với động cơ hơi nước.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba (từ năm 1969) xuất hiện khi con người phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử, kết nối thế giới liên lạc được với nhau.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra từ những năm 2000 được gọi là cuộc cách mạng số, thông qua sự phát triển của công nghệ tiên tiến hiện đại. Năm 2013, một từ khóa mới là "Công nghiệp 4.0" (Industrie 4.0) bắt đầu nổi lên, theo một báo cáo của Chính phủ Đức đề cập đến cụm từ này nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người.

  1. Những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều thành tựu đột phá, làm thay đổi một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sông xã hội. Mặc dù cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại là rất lớn song cũng có không ít những thách thức mà mỗi quốc gia cần phải giải quyết, đó là:

Các thách thức an ninh phi truyền thống, trái đất nơi con người sinh sống đang bị giám sát bởi vô số các thiết bị công nghệ kỹ thuật số chính xác đến từng centimet trên mặt đất, dưới mặt đất và trên không trung. Không gian đa chiều đã và đang được số hóa và con người cũng như mỗi quốc gia trở thành đối tượng của các thiết bị công nghệ theo dõi từ xa. Sự va chạm giữa các thiết bị vũ trụ và không gian không còn là vấn đề viễn tưởng mà là nguy cơ không của riêng ai, đang treo lơ lửng cho trái đất và con người. Sự thiếu chính xác của công nghệ và con người trong tích tắc có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.  

          Về an ninh mạng, sự xâm nhập các cơ sở dữ liệu để đánh cắp, làm thay đổi hoặc phá hoại các thông tin quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực là nguy cơ thường trực của tất cả các tổ chức và cá nhân ở mọi cấp độ. Vấn đề bảo mật, đảm bảo an ninh mạng mang tính toàn cầu là thách thức lớn hiện nay.

Về an ninh kinh tế - xã hội, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép ứng dụng phổ biến công nghệ kỹ thuật số với hệ thống dữ liệu kết nối ở hầu hết các giao dịch kinh tế, tài chính, thương mại, nhưng lại chứa đựng các nguy cơ tiềm ẩn về an toàn, an ninh thông tin. Thực tế hàng ngày cho thấy, trong hàng triệu các giao dịch kinh tế, thương mại và đầu tư thông qua hệ thống số đã xảy ra vô số các cuộc tấn công đánh cắp thông tin ở mức độ này hay mức độ khác.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể tạo ra sự bất công lớn về phân phối thu nhập, làm gia tăng mâu thuẫn giữa các nhóm lao động: nhóm có kỹ năng thấp/trả lương thấp và nhóm có kỹ năng cao/trả lương cao. Những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự sáng tạo sẽ là những nhà cung cấp vốn tri thức và vốn tài chính, cụ thể là những nhà sáng chế, cổ đông và nhà đầu tư. Điều này làm cho khoảng cách giàu - nghèo giữa những đối tượng phụ thuộc vào vốn và phụ thuộc vào sức lao động ngày càng tăng dẫn đến phân tầng xã hội, phân hóa giàu - nghèo bất hợp lý. Bên cạnh đó, nguy cơ phá vỡ thị trường lao động, khi tự động hóa thay thế con người trong hầu hết các hoạt động sản xuất, làm trầm trọng hơn khoảng cách giữa lợi nhuận so với đồng vốn và thu nhập so với sức lao động, khoét sâu hố ngăn cách giàu nghèo giữa các quốc gia cũng như phân tầng xã hội bất hợp lý ngày một rõ rệt.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có nhiều yếu tố được xem là lợi thế lại trở thành bất lợi. Một trong những yếu tố mà các nước như Việt Nam đã và đang xem là có ưu thế như lực lượng lao động trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh nữa, thậm chí bị đe dọa. Thiếu việc làm, mất việc làm sẽ là vấn đề gây nguy cơ bất ổn xã hội khi công nghệ robot có thể thay thế con người làm rất nhiều việc mà trước đây chỉ con người mới có thể làm được.

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, robot, internet vạn vật (IoT), công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới... Đứng trước xu thế này, nền kinh tế Việt Nam cần phải tận dụng thời cơ để chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp, giản đơn sang kinh tế tri thức, trong đó trọng tâm là nguồn nhân lực trình độ cao.

  1. Những vấn đề đặt ra với quản lý nhà nước ở Việt nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Mục tiêu của quản lý nhà nước (State Governance) là hướng tới xây dựng một nền hành chính minh bạch, tinh gọn, năng động và hiệu quả, hướng đến phục vụ thay vì cai trị nhân dân như trong mô hình hành chính công truyền thống.

Như vậy, quản lý nhà nước là hoạt động thực thi quyền lực hướng đến phục vụ nhân dân, đảm bảo vai trò và tiếng nói của nhân dân, xây dựng nền hành chính tinh gọn, năng động và hiệu quả. Nhân dân có thể thực hiện trực tiếp quyền làm chủ của mình hoặc gián tiếp thông qua các chủ thể khác. Muốn vậy, bộ máy chính quyền luôn phải đảm bảo sự minh bạch, từ quy trình cung cấp thông tin đến việc đảm bảo thực hiện những quyền cơ bản của công dân. Một bộ máy chính quyền cần tạo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội, luôn quan tâm đến cải thiện chất lượng sống của nhân dân...

Quản lý nhà nước tốt còn góp phần vào phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kinh nghiệm cho thấy, các quốc gia quản trị nhà nước hiệu quả cũng là các quốc gia phòng, chống tham nhũng lãng phí, đói nghèo có hiệu quả. Chống tham nhũng, lãng phí cũng góp phần bảo đảm sự đi lên của quốc gia cao tổng lực của quốc gia.

Quản lý nhà nước có hiệu quả không chỉ liên quan đến chính phủ mà còn liên quan tới cả hệ thống chính trị, đến trách nhiệm của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và công dân. Một nền quản trị nhà nước có hiệu quả có thể phụ thuộc vào ba yếu tố: năng lực của nhà nước; hệ thống các chính sách; thể chế và khả năng của công dân trong việc thực hiện vai trò của mình. Ba yếu tố này có sự tác động rất lớn đến việc xây dựng một nền quản trị nhà nước tốt. Rõ ràng, không thể có một nền quản trị nhà nước tốt nếu năng lực nhà nước không đảm bảo hoặc trình độ dân trí thấp.

Thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những thách thức với quản lý nhà nước, đòi hỏi mỗi nhà nước cần phải có những chuyển mình trong xu thế mới, vận hội mới.

Một là, khi công nghệ kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ, người dân ngày càng có nhiều cơ hội tham gia ý kiến với chính phủ, nói lên mong muốn nguyện vọng của mình, thậm chí còn là sự tăng cường giám sát và phản biện đối với các cơ quan công quyền. Mỗi cơ quan nhà nước, mỗi cán bộ, công chức sẽ chịu sự giám sát của nhân dân từ nhiều phía, bằng nhiều kênh giám sát khác nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp.

Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để thực hiện quản trị nhà nước có hiệu quả, đòi hỏi mỗi nhà nước đối mặt với áp lực phải thay đổi cách tiếp cận hiện tại để cam kết và hoạch định chính sách, đảm bảo mỗi chính sách được đưa ra thực sự có hiệu lực, hiệu quả trên thực tế. Sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số tạo ra mạng lưới thông tin đa dạng, nhiều chiều, do vậy, hoạch định và thực thi chính sách sẽ chịu sự giám sát và phản biện từ chính nhân dân. Việc hoạch định chính sách từ trên xuống không còn phù hợp với thực tiễn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mọi chính sách công cần phải được hoạch định từ dưới lên, có nghĩa là xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn.

Hai là, khả năng thích ứng của hệ thống các cơ quan công quyền sẽ quyết định sự phát triển của mỗi nhà nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chỉ khi nào nhà nước chứng minh được khả năng thích ứng với sự thay đổi, xây dựng được bộ máy hoạt động minh bạch và hiệu quả để nắm bắt được các cơ hội và vượt qua thách thức, thì khi đó nhà nước mới đáp ứng được những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ba là, một nền quản lý nhà nước tốt phải vì nhân dân phục vụ. Như vậy, nhà nước cần phải phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, doanh nghiệp và công dân trong mọi hoạt động quản lý, để xây dựng một nền quản trị vì nhân dân. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ không thể song hành với nền hành chính công truyền thống, với phương pháp mệnh lệnh điều hành từ trên xuống. Nếu còn tiếp tục giữ nếp nghĩ, tư duy của nền hành chính công truyền thống, những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại sẽ không được phát huy, hoặc lối tư duy ấy có thể là một trở lực cho sự phát triển chung.

Bốn là, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc bảo đảm an ninh quốc gia phải được đặt lên hàng đầu trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, sự đan xen giữa các luồng thông tin khác nhau. Các lực lượng thù địch sẽ có nhiều cơ hội để thực hiện các ý đồ đen tối, do vậy, an ninh quốc gia cần phải được hết sức quan tâm.

Năm là, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động trực tiếp đến mỗi cán bộ, công chức, buộc họ cũng phải thay đổi chính mình. Mỗi người phải tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là nắm bắt công nghệ thông tin hiện đại, để không lạc hậu với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số. Hơn nữa, trong một thế giới phẳng, khi mà khoảng cách địa lý không còn là vấn đề giữa các quốc gia, thì công dân của mỗi quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng của những lối sống mới, tư tưởng mới được du nhập giữa các quốc gia.

  1. Kết luận

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra những thách thức và cơ hội cho quản trị nhà nước, để mỗi quốc gia khai thác tiềm năng, thế mạnh trong sự phát triển chung, trên cơ sở những điều kiện cụ thể của quốc gia mình. Quản trị nhà nước có hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy sự hưng thịnh của mỗi quốc gia trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa.

 

Tác giả: Ths. Lê Thị Thảo Linh - Giảng viên Khoa Luật và Quản lý Nhà nước.
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 NHỮNG MÓN ĂN VẶT NGON BẤT CHẤP DÀNH CHO SINH VIÊN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ THANH HÓA (11/07/19)
 NHỮNG LỢI ÍCH TUYỆT VỜI TỪ VIỆC ĐỌC SÁCH (11/07/19)
 CHIA SẺ KINH NGHIỆM  NGHIÊN CỨU KHOA HỌC (11/07/19)
 KINH NGHIỆM ĐI THỰC TẾ, THỰC TẬP CHO SINH VIÊN NGÀNH LUẬT - QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC (09/06/19)
 KINH NGHIỆM THI GIỮA KỲ, CUỐI KỲ (09/06/19)
 SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC – NHỮNG THÔNG TIN HỮU ÍCH CẦN BIẾT (09/06/19)
 VẤN ĐỀ VIỆC LÀM CỦA THANH NIÊN VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (09/06/19)
 CÔNG TÁC XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT TẠI THÀNH PHỐ THANH HÓA (09/06/19)
 Khoa Luật&QLNN tham gia Hội nghị thẩm định thuyết mình Đề tài cơ sở năm 2019 (26/05/19)
 HỘI NGHỊ TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM HỌC 2018-2019 (26/05/19)
    Hôm nay 10815
    Hôm qua 20103
    Tuần này 90253
    Tháng này 374004
    Tất cả 6724324
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường