Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Tin tức - Sự kiện
Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến sự phát triển của nền hành chính nhà nước

Trên cơ sở phân tích những tác động tích cực và những thách thức của CMCN 4.0 đối với sự phát triển của nền hành chính nhà nước, bài viết đề xuất một số kiến nghị: tích cực hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại vào hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính; tích cực, chủ động xây dựng và nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ công chức... Qua đó sẽ tiếp tục hoàn thiện nền hành chính nhà nước, đáp ứng những yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang hình thành và tác động mạnh mẽ tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với nền hành chính nhà nước, cuộc CMCN 4.0 tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đòi hỏi nhà quản lý phải nắm bắt kịp thời để có những định hướng và giải pháp phù hợp, hoàn thiện nền hành chính nhà nước, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước.

Cuộc CMCN 4.0 (The Fourth Industrial Revolution) đang được hình thành với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học(1). Có ba yếu tố cho thấy, cuộc CMCN 4.0 không phải là sự kéo dài của CMCN lần ba, xét cả về tốc độ, phạm vi và hệ thống. Tốc độ phát minh những công nghệ đột phá chưa từng có trong lịch sử đang phá vỡ cấu trúc của hầu hết các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Chiều rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

Đối với nền hành chính nhà nước nước ta, cuộc CMCN 4.0 đang có sự tác động mạnh mẽ theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực.

1. Những tác động tích cực đối với sự phát triển của nền hành chính nhà nước

Thứ nhất, cuộc CMCN 4.0 góp phần làm thay đổi tư duy và nhận thức của nhà quản lý trong nền hành chính nhà nước.

Trước hết, nó tác động đến nhận thức của các nhà quản lý về sự phát triển, biến đổi của các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và những tác động đối với nền hành chính nhà nước. Qua đó, giúp cho các nhà quản lý đưa ra các định hướng, giải pháp cải cách nền hành chính phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội. Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 ngày 3-4-2017 đã có những đánh giá và xác định các nhiệm vụ quan trọng về cuộc CMCN 4.0 đối với các cơ quan của Chính phủ. Nghị quyết kỳ họp nêu: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là xu hướng phát triển dựa trên nền tảng số hóa và kết nối, có quy mô tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, làm thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất trong tương lai, có thể mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời cũng đưa đến thách thức đối với quá trình phát triển”. Đồng thời, Nghị quyết cũng chỉ rõ nhiệm vụ: “Việt Nam cần chủ động có định hướng, giải pháp thiết thực để nắm bắt cơ hội, giảm thiểu các tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trước hết là có bước đột phá về công nghệ thông tin”(2). Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, trong đó xác những nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương tích cực chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng tốt yêu cầu của cuộc cách mạng này.

Thứ hai, cuộc CMCN 4.0 góp phần thúc đẩy ứng dụng những thành tựu công nghệ hiện đại vào nâng cao hiệu quả quản lý của nền hành chính nhà nước.

Cuộc CMCN 4.0 với nền tảng là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, trong đó chủ yếu là công nghệ mạng xã hội, di động, dữ liệu lớn, vạn vật kết nối Internet, phân tích và điện toán đám mây. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan hành chính nhà nước đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý.

Việc ứng dụng những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan hành chính cũng là mục tiêu của Chính phủ điện tử mà chúng ta đang triển khai xây dựng theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 15-10-2015. Việc triển khai thực hiện các mục tiêu của Chính phủ điện tử ở nước ta cũng có nhiều thuận lợi với lợi thế hạ tầng Internet tương đối tốt, giá rẻ trong khi thiết bị di động cấu hình cao, giá thấp đang trở nên phổ biến cũng như sự khuyến khích phát triển của Chính phủ, Việt Nam có tiềm năng phát triển công nghệ SMAC rất lớn. Một yếu tố thuận lợi nữa là Việt Nam có các đối tác quan trọng là các tập đoàn công nghệ lớn và có nhiều kinh nghiệm như Microsoft trong quá trình tư vấn, xây dựng, và phát triển SMAC nói chung và điện toán đám mây tại Việt Nam.

Thứ ba, cuộc CMCN 4.0 tạo thuận lợi trong việc phát triển một nền hành chính dân chủ, minh bạch.

Những thành tựu của cuộc CMCN 4.0, đặc biệt là thành tựu trong phát triển công nghệ thông tin và truyền thông sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bảo đảm tính dân chủ, minh bạch trong hầu hết các hoạt động của bộ máy nhà nước. Công nghệ và thiết bị hạ tầng số cho phép việc tương tác hai chiều giữa người dân và Chính phủ. Chẳng hạn, trong việc xây dựng thể chế, chính sách, hầu hết các dự thảo văn bản pháp luật đều cần lấy ý kiến góp ý của người dân. Người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến, phản biện các dự thảo thể chế, chính sách bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt thông qua mạng Internet rất thuận lợi. Trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật, người dân có thể tham gia giám sát việc thực hiện thông qua cơ chế công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Việc thực hiện cơ chế này rất thuận lợi và hiệu quả nhờ Internet và truyền thông. Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến hết năm 2015, tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam đã đạt 52% dân số. Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về thời gian sử dụng Internet với 5,2 giờ mỗi ngày, đứng thứ 22 trên thế giới tính theo dân số về số người sử dụng mạng xã hội (thống kê của wearesocial.net)(3).

2. Những thách thức chủ yếu đối với sự phát triển của nền hành chính nhà nước

Bên cạnh những thuận lợi, cuộc CMCN 4.0 đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển của nền hành chính, trong đó có một số thách thức chủ yếu như sau:

Thứ nhất, thách thức trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách phát triển của nền hành chính nhà nước.

Một nền hành chính hiện đại trước tiên phải có một hệ thống thể chế, chính sách đồng bộ, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Cuộc CMCN 4.0 có tác động trực tiếp làm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống; đồng thời, làm thay đổi phương thức quản lý của các cơ quan nhà nước và đặt ra nhiều vấn đề xã hội cần phải giải quyết. Nếu các nhà làm luật và hoạch định chính sách không nhận thức được đúng sự tác động của cuộc cách mạng này và tích cực, chủ động xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách phù hợp, chúng ta sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực như: Sự tụt hậu về công nghệ, kinh tế; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội đất nước; mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền; thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao. Vì vậy, trong thời gian tới có rất nhiều thể chế, chính sách cần phải xây dựng và hoàn thiện trước tác động của CMCN 4.0, trong đó cơ bản là thể chế, chính sách về phát triển khoa học, công nghệ; về giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực; về an sinh xã hội, giải quyết việc làm; an ninh mạng,...

Thứ hai, thách thức trong việc đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu công nghệ mới vào nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Nếu các nhà quản lý không có những định hướng, giải pháp phù hợp trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước thì hoạt động của nền hành chính sẽ trở nên trì trệ và kém hiệu quả. Chẳng hạn, cốt lõi của cuộc CMCN 4.0 là sự phát triển của CNTT, do vậy, đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm xây dựng chính phủ điện tử ở tất cả các cấp chính quyền vẫn là nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay, chúng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về xây dựng Chính phủ điện tử, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu cải cách toàn diện 3 nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực (HCI). Hiện tại, mức độ cung ứng dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan hành chính chủ yếu vẫn ở mức độ thấp (trong tổng số 104 nghìn dịch vụ công được cung ứng trực tuyến, có đến 96.500 dịch vụ được cung ứng ở cấp độ 1 và 2; chỉ có 6.600 dịch vụ ở cấp độ 3; 900 dịch vụ cấp độ 4)(4). Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông và CNTT còn nhiều hạn chế; nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan hành chính còn thiếu về số lượng và yếu kém về chuyên môn; những khó khăn, thách thức khác về bảo mật, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng. Như vậy, còn rất nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức nghiên cứu, tìm hiểu về CMCN lần thứ 4 để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử nhằm tận dụng được cơ hội do CMCN 4.0 mang lại.

Thứ ba, thách thức trong việc xây dựng, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ công chức của nền hành chính.

Cuộc CMCN 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh ứng dụng nhiều thành tựu công nghệ hiện đại vào hoạt động quản lý, đặc biệt là CNTT và rôbốt, khi đó nhiều loại công việc trong các cơ quan hành chính nhà nước có thể được thực hiện bởi máy tính và rôbốt. Để đảm bảo cho nền hành chính hoạt động hiệu quả, cần phải xây dựng được đội ngũ công chức có tính chuyên nghiệp cao với cơ cấu hợp lý, đặc biệt phải nâng cao trình độ, năng lực để đảm bảo sử dụng tốt các công nghệ hiện đại vào giải quyết công việc. Tuy nhiên, thực trạng đội ngũ công chức ở nước ta hiện còn rất nhiều bất cập, số lượng công chức trong bộ máy hành chính còn rất lớn, cơ cấu thiếu hợp lý; trình độ, năng lực của nhiều công chức chưa đáp ứng yêu cầu công việc, đặc biệt là còn thiếu nhiều kỹ năng ứng dụng các công nghệ hiện đại. Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ công chức của nền hành chính đáp ứng được yêu cầu phát triển của cuộc CMCN 4.0 là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhưng đồng thời cũng là thách thức rất lớn hiện nay.

Thứ tư, thách thức trong việc giải quyết các vấn đề xã hội của nền hành chính.

Với nền tảng tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, cuộc CMCN 4.0 sẽ tác động vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sẽ mang lại năng suất, hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ sự cân bằng của thị trường lao động. Khi rôbốt và tự động hóa lên ngôi, số lượng lao động dư thừa tăng lên, tình trạng thất nghiệp trong xã hội tăng lên đáng kể, đặc biệt là đối với những người lao động có trình độ thấp. Mặt khác, khoảng cách giàu nghèo sẽ gia tăng giữa những đối tượng cung cấp vốn tài chính và vốn tri thức (các nhà sáng chế, cổ đông và nhà đầu tư) và những đối tượng phụ thuộc vào sức lao động (người lao động). Cùng với đó là thách thức gia tăng của các vấn đề về tệ nạn xã hội, an ninh trật tự xã hội,... Do đó, đòi hỏi các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần phải nghiên cứu, có chính sách phù hợp về đào tạo phát triển nguồn nhân lực, về giải quyết việc làm, an sinh xã hội và bảo đảm trật tự xã hội.

Thứ năm, thách thức trong việc thay đổi để thích ứng với sự phát triển của xã hội.

Cuộc CMCN 4.0 tạo ra một sự thay đổi rất lớn các lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cuộc CMCN 4.0 đang phát triển theo hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính. GS Klaus Schwab (người Đức), Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, người đã đưa ra khái niệm cuộc CMCN 4.0 đã khẳng định: “Chúng ta đang tiến tới một cuộc cách mạng công nghệ, công nghiệp làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp. Xét về phạm vi, mức độ và tính phức tạp, sự dịch chuyển này không giống với bất kỳ điều gì mà con người từng trải qua”. Trước sự thay đổi mạnh mẽ của xã hội do tác động của cuộc CMCN 4.0, nền hành chính cũng phải có sự thay đổi để đáp ứng được yêu cầu quản lý xã hội. Khả năng thích ứng với sự thay đổi, phát triển của xã hội cũng là một trong những yêu cầu quan trọng của nền hành chính hiện đại.

3. Một số kiến nghị

Một là, cần quán triệt nhận thức trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức của nền hành chính, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo về những tác động của cuộc CMCN 4.0 đối với nền hành chính nhà nước. Từ đó, đưa ra những kế hoạch hành động cụ thể; từng cán bộ, công chức và từng cơ quan, đơn vị trong bộ máy hành chính cần có những sáng kiến, giải pháp cụ thể để cải cách, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc CMCN 4.0. Như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 3 ngày 3-4-2017: “tránh tình trạng chỗ nào cũng nói cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng hỏi làm gì cho bản thân bộ mình, ngành mình thì không ai biết rõ ràng”(5).

Hai là, cần tích cực hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc CMCN 4.0. Trước hết, cần nhanh chóng hoàn thiện môi trường pháp lý cho phát triển thị trường khoa học công nghệ theo hướng hội nhập, xây dựng môi trường pháp lý cho phát triển các ngành nghề kinh doanh mới ở Việt Nam đang hình thành từ cuộc CMCN 4.0. Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được tiếp cận, tham gia và ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Đồng thời, cần sớm hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực xã hội; chính sách về giải quyết việc làm, an sinh xã hội,...

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại vào hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước. Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của CNTT trong xây dựng Chính phủ điện tử nhằm đạt được các mục tiêu của Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.

Bốn là, xây dựng đội ngũ công chức hành chính có cơ cấu phù hợp; đổi mới công tác tuyển dụng và công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ công chức, bảo đảm đội ngũ công chức có thể ứng dụng nhiều thành tựu công nghệ hiện đại của cuộc CMCN 4.0 vào công tác quản lý, điều hành.

Năm là, các cấp, ngành cần nhanh chóng rà soát, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động để sẵn sàng các điều kiện và thực hiện ngay từ bây giờ việc hội nhập, hợp tác, đưa Việt Nam vào nhóm nước đi đầu trong việc chủ động đón nhận cuộc CMCN 4.0 một cách hiệu quả, tránh bị tụt hậu xa hơn trong cuộc cách mạng này.

Nguồn tin: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 9-2017
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 KHOA LUẬT & QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC: TIẾP BƯỚC TRUYỀN THỐNG - HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI (26/07/18)
 VAI TRÒ CỦA NHÀ QUẢN LÝ TRONG THỜI KỲ KINH TẾ HỘI NHẬP (26/07/18)
 Khoa Luật&QLNN - chuẩn bị hôm nay vững bước tương lại (03/07/18)
 Sinh viên liên thông lớp K3A và chuyến đi thực tế tìm hiểu về thực trạng quản lý tôn giáo tín ngưỡng ở địa phương Tĩnh Gia. (21/05/18)
 Lớp học bồi dưỡng cảm tình Đảng năm 2018. (17/05/18)
 Nhu cầu và xu thế ngành quản lý nhà nước (14/05/18)
 Học bổng hỗ trợ học phí đại học dành cho sinh viên Việt Nam (14/05/18)
 Hội thảo Công tác Xã hội lần 13, 2018 (14/05/18)
 Có nên học công tác xã hội khi đây vẫn là ngành mới? (14/05/18)
 Hội nghị tổng kết công tác sinh viên nghiên cứu khoa học (06/05/18)
    Hôm nay 29933
    Hôm qua 16498
    Tuần này 125869
    Tháng này 409620
    Tất cả 6759940
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường