Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC RÈN LUYỆN  “KỸ NĂNG MỀM” ĐỐI VỚI SINH VIÊN NGÀNH LUẬT

Nội san số 4 – Khoa Luật & QLNN

 

Tóm tắt:

Kiến thức chuyên ngành mà các trường đại học cung cấp cho sinh viên trong quá trình học tập là yếu tố quyết định giúp các sinh viên có thể lập nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là những kiến thức chuyên ngành đó đã đủ để giúp sinh viên có thể vượt qua những khó khăn và thử thách trong một tương lai mà không ai có thể nói trước được điều gì trong một thế giới đang thay đổi từng ngày. Bên cạnh việc am hiểu kiến thức lý thuyết của chuyên ngành, sinh viên cần biết, hiểu và được đào tại “kỹ năng mềm”. Vậy kỹ năng mềm đối với sinh viên ngành luật bao gồm những kỹ năng gì? Tầm quan trọng của nó ra sao? Bài viết sẽ góp phần làm rõ hơn những vấn đề trên.

Từ khóa: Kỹ năng mềm, sinh viên, ngành Luật, rèn luyện, đại học.

1.Về sự cần thiết phải giảng dạy các “kỹ năng mềm” cho sinh viên ngành Luật

Nhằm mục đích đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo để thực hiện mục tiêu gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn, từ năm học 2017-2018 Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đưa vào giảng dạy trong các môn học có lồng ghép đào tạo các kỹ năng nghiên cứu và lập luận để bổ sung những kiến thức về “kỹ năng mềm”, gồm kỹ năng nghiên cứu khoa học, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lập luận và kỹ năng tranh luận – phản biện cho sinh viên ngành luật. Mục tiêu của việc lồng ghép đào tạo các kỹ năng đó vào các môn học nhằm giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng tư duy logic, kỹ năng ngôn ngữ và các kỹ năng lập luận, tranh luận, phản biện để có thể “suy nghĩ một cách sâu sắc, viết một cách chính xác, nói một cách thuyết phục”. Đó là sự tích hợp nhiều loại kiến thức và kỹ năng: kiến thức ngôn ngữ và kỹ năng sử dụng chuẩn xác tiếng Việt; kiến thức về tư duy logic và kỹ năng tư duy, suy luận - kết nối thông tin, tổng hợp - khái quát vấn đề; kỹ năng suy nghĩ đa chiều - phản biện; kỹ năng xử lý tình huống linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo...

Đây là những kỹ năng rất cần thiết để đem lại cho mỗi người sự thành công trong các công việc học tập, nghiên cứu cũng như các hoạt động giao tiếp xã hội, nhưng lại cũng là những điểm yếu cơ bản của học sinh, sinh viên hiện nay. Đặc biệt là đối với các ngành nghề chuyên môn đặc thù như nghề Luật - nơi mà các năng lực tư duy, ngôn ngữ và “tài ăn nói” có vai trò tiên quyết đối với sự thành đạt trong công việc và sự nghiệp thì việc rèn luyện các kỹ năng tư duy và ngôn ngữ có vai trò vô cùng quan trọng.

  1. Rèn luyện các kỹ năng tư duy và ngôn ngữ trong sự gắn kết với mục tiêu đào tạo nghề Luật

Ý thức về vai trò quan trọng của môn học đối với việc rèn luyện các kỹ năng mềm đồng thời là các kỹ năng hành nghề cho sinh viên Luật, trong quá trình giảng dạy, với mỗi học phần, chúng tôi luôn chú trọng gắn việc rèn luyện các kỹ năng qua việc thực hành trên các vấn đề liên quan trực tiếp đến các kiến thức chuyên ngành Luật.

2.1. Rèn luyện kỹ năng nghiên cứu khoa học

Để rèn luyện cho sinh viên kỹ năng nghiên cứu khoa học, sau khi cung cấp những kiến thức và kỹ năng cơ bản trong qui trình thực hiện một đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn nói chung, chúng tôi yêu cầu sinh viên thực hành các kỹ năng cụ thể trên các đề tài, các văn bản khoa học thuộc các vấn đề liên quan đến chuyên ngành Luật. Ví dụ:

-   Để rèn luyện kỹ năng đọc – hiểu và tóm tắt một văn bản khoa học, chúng tôi cho bài tập thực hành trên tư liệu là các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành Luật như Tạp chí Khoa học Pháp lý; Tạp chí Luật học; Tạp chí Nhà nước và pháp luật, hoặc những bài xã luận mang tính thời sự trên báo chí viết về các vấn đề liên quan đến thực tiễn pháp luật. Qua đó không chỉ giúp sinh viên thực hành kỹ năng đọc – hiểu văn bản mà còn giúp họ mở rộng, bổ sung các kiến thức chuyên ngành cũng như tạo lập thói quen đọc sách báo, tạp chí, theo dõi thực tiễn xã hội của pháp luật và trau dồi kỹ năng lập luận.

-   Để rèn luyện kỹ năng lựa chọn đề tài, đặt tên đề tài và xây dựng đề cương nghiên cứu, chúng tôi yêu cầu sinh viên thực hành trên những đề tài trong kho dữ liệu đề tài cho sinh viên được đề xuất từ các khoa Luật để sinh viên tiếp cận, làm quen với các tình huống pháp lý được đặt ra trong thực tiễn cần giải quyết.

2.2. Rèn luyện kỹ năng thuyết trình

Để rèn luyện kỹ năng thuyết trình cho sinh viên, chúng tôi yêu cầu mỗi sinh viên lựa chọn một đề tài thuyết trình và chuẩn bị một bài thuyết trình ngắn về một vấn đề liên quan đến thực tiễn pháp luật để trình bày trước lớp. Các vấn đề mà sinh viên thường lựa chọn như: Thực trạng vi phạm luật giao thông ở Việt Nam hiện nay; Vấn đề bạo lực học đường ở Việt Nam hiện nay; Vấn đề hôn nhân đồng giới ở Việt Nam hiện nay…

Việc lựa chọn đề tài thuyết trình với yêu cầu liên quan đến các vấn đề pháp luật nhằm không chỉ rèn luyện cho sinh viên kỹ năng trình bày một vấn đề pháp lý, mà qua đó còn buộc sinh viên phải cập nhật các thông tin về thực tiễn của đời sống pháp luật, cũng như qua đó giúp củng cố, mở rộng, làm phong phú thêm các kiến thức chuyên ngành ngoài phạm vi những kiến thức lý thuyết đóng khung trong các giáo trình.

2.3. Rèn luyện kỹ năng lập luận

Lập luận là một hành động ngôn ngữ đồng hành cùng với con người trong mọi tình huống giao tiếp ngôn ngữ để giúp con người thực hiện các mục đích của mình trong cuộc sống. Lập luận là kết quả của sự kết hợp hòa quyện giữa các năng lực tư duy và ngôn ngữ của con người. Đặc biệt, lập luận trong tranh cãi pháp lý là một lĩnh vực điển hình, nơi thể hiện tất cả những yêu cầu, đòi hỏi cao nhất của các kỹ năng lập luận. Theo đó, việc rèn luyện các kỹ năng lập luận đã trở thành yêu cầu sống còn đối với những người học Luật và hành nghề Luật. Từ tính đặc thù ấy, lập luận pháp lý cũng đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn nhiều so với các dạng thức lập luận khác trên các phương diện: về luận cứ, về ngôn ngữ, về cách diễn đạt, về thái độ, khẩu khí, giọng điệu…

Với các yêu cầu ấy, khi dạy kỹ năng lập luận cho sinh viên, chúng tôi yêu cầu sinh viên thực hành các kỹ năng lập luận như: kỹ năng phân tích một văn bản lập luận; kỹ năng vận dụng kết hợp nhiều loại lý lẽ; kỹ năng sắp xếp, liên kết các luận cứ trong một lập luận; kỹ năng kết hợp linh hoạt nhiều phương thức lập luận; kỹ năng sử dụng ngôn từ chuẩn xác, sắc sảo, linh hoạt; nghệ thuật tạo khẩu khí, giọng điệu trong lập luận viết/nói; kỹ năng nhận diện các loại lỗi trong lập luận; kỹ năng viết một văn bản lập luận… Việc rèn luyện các kỹ năng này đều gắn với các yêu cầu của lập luận pháp lý và được thực hành trên các văn bản khoa học pháp lý và các bản án thực tế.

2.4. Rèn luyện kỹ năng tranh luận – phản biện

          Về việc rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện, mục đích của bài học nhằm giúp sinh viên hiểu được bản chất, đặc điểm, yêu cầu và vai trò của tư duy phản biện; liên hệ bản thân để nhận ra được ưu điểm và hạn chế trong tư duy của mình, từ đó hình thành thói quen phản biện: biết nghi ngờ, biết phân tích, suy xét đa chiều, biết đánh giá toàn diện về một vấn đề…, và đặc biệt là sự ý thức sâu sắc về vai trò của tư duy phản biện và kỹ năng tranh luận đối với sự sống còn của nghề Luật, từ đó có ý thức rèn luyện thói quen tư duy phản biện cũng như biết vận dụng kỹ năng tư duy phản biện vào hoạt động phản biện và tranh luận pháp lý.

Với mục đích ấy, trong việc dạy kỹ năng tư duy phản biện, chúng tôi chú trọng việc rèn luyện cho sinh viên sự nhạy bén trong việc phát hiện và nhận diện những tình huống có vấn đề; năng lực phân tích, kết nối, tổng hợp, so sánh, đánh giá các tình tiết, sự việc dựa trên sự suy xét vấn đề một cách cẩn trọng, sâu sắc và thấu đáo; năng lực tư duy độc lập, biết đặt các câu hỏi và tìm câu trả lời cần thiết cho mình; khả năng xem xét vấn đề một cách toàn diện từ nhiều mặt, nhiều chiều, nhiều mối quan hệ, nhiều khía cạnh và góc độ để tìm tòi, khám phá bản chất khách quan sự việc; khả năng suy luận, lập luận dựa trên cơ sở của chứng cứ và lý lẽ; khả năng phát hiện những sai lầm, thiếu sót trong quan điểm của người khác để phản biện lại…

Trên cơ sở của kỹ năng tư duy phản biện, chúng tôi cũng trang bị cho sinh viên các kiến thức về kỹ năng tranh luận với tư cách là một hình thức giao tiếp ngôn ngữ đặc thù trong đời sống và sinh hoạt xã hội – hình thức giao tiếp mang tính đối kháng cao. Tranh luận chính là sự cọ xát giữa các quan điểm, tư tưởng đối lập nhau, những cách nhìn khác nhau về cùng một vấn đề để qua đó giúp hạn chế sai lầm trên con đường tiếp cận chân lý. Đặc biệt, khả năng tranh luận – hùng biện có vai trò tối quan trọng đối với nghề Luật sư – một nghề đặc thù mà sự thành đạt được quyết định bởi kỹ năng “nói”. Như vậy, hoạt động tranh luận là sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật, đòi hỏi con người phải huy động tổng lực mọi năng lực tinh thần: trí tuệ, tâm lý, cảm xúc, ngôn ngữ, văn hóa… Tuy nhiên, “có bột mới gột nên hồ”, do đó, để giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng tranh luận, cùng với việc định hướng cho sinh viên rèn luyện các kỹ năng tư duy phản biện, lập luận logic và các chiến thuật tâm lý cũng như kỹ năng vận dụng các chiến thuật ngôn ngữ để giúp cho tranh luận thấu tình đạt lý, chúng tôi cũng yêu cầu sinh viên phải thường xuyên cập nhật các thông tin thời sự - chính trị - pháp luật để trang bị cho mình những kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực xã hội cũng như tích lũy kinh nghiệm sống, kinh nghiệm ngôn ngữ và ứng xử văn hóa. Và cũng qua các bài thực hành tranh luận này, chúng tôi hướng đến cùng lúc nhiều mục đích: rèn luyện các kỹ năng thuyết trình; kỹ năng lập luận; kỹ năng tư duy phản biện và kỹ năng tranh luận.

  1. Kết luận

Tóm lại, trong việc rèn luyện các kỹ năng mềm đối với sinh viên ngành Luật, chúng tôi – các Giảng viên Khoa Luật và Quản lý nhà nước luôn bám sát mục tiêu và yêu cầu rèn luyện các kỹ năng mềm gắn với chuyên ngành Luật để hỗ trợ đắc lực cho sinh viên Luật trong việc vận dụng vào các hoạt động chuyên môn nghề nghiệp, giúp trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng toàn diện để có thể thành công hơn trong công việc và sự nghiệp tương lai./.

Tác giả: Bùi Đặng Thu Thủy – Giảng viên Khoa Luật và Quản lý nhà nước
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 990 NĂM DANH XƯNG THANH HÓA VỚI TƯ CÁCH LÀ ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG (25/10/19)
 HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ DI SẢN VĂN HÓA HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DU LỊCH (25/10/19)
 CÂU CHUYỆN VỀ MỘT SINH VIÊN: BÀI LUẬN BỊ ĐIỂM KÉM VÀ HÀNH TRÌNH LÀM THAY ĐỔI HIẾN PHÁP MỸ (25/10/19)
 CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 VÀ NHỮNG THÁCH THỨC ĐẶT RA ĐỐI VỚI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM (01/09/19)
 NHỮNG MÓN ĂN VẶT NGON BẤT CHẤP DÀNH CHO SINH VIÊN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ THANH HÓA (11/07/19)
 NHỮNG LỢI ÍCH TUYỆT VỜI TỪ VIỆC ĐỌC SÁCH (11/07/19)
 CHIA SẺ KINH NGHIỆM  NGHIÊN CỨU KHOA HỌC (11/07/19)
 KINH NGHIỆM ĐI THỰC TẾ, THỰC TẬP CHO SINH VIÊN NGÀNH LUẬT - QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC (09/06/19)
 KINH NGHIỆM THI GIỮA KỲ, CUỐI KỲ (09/06/19)
 SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC – NHỮNG THÔNG TIN HỮU ÍCH CẦN BIẾT (09/06/19)
    Hôm nay 12052
    Hôm qua 16498
    Tuần này 107989
    Tháng này 391740
    Tất cả 6742060
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường