Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC – NHỮNG THÔNG TIN HỮU ÍCH CẦN BIẾT

Nội san số 03 - Khoa Luật & QLNN

 

  1. Nghiên cứu khoa học là gì?

Tại sao sinh viên cần nghiên cứu khoa học (NCKH)? Vai trò của NCKH đối với sinh viên (SV)? Thuận lợi và khó khăn của SV khi tham gia NCKH... tôi chắc đó là những câu hỏi không quá mới mẻ đối với các bạn sinh viên Khoa Luật & Quản lý nhà nước nói riêng và các bạn sinh viên nói chung.

Câu trả lời cho những câu hỏi trên không khó, chỉ cần các bạn tích cực tìm hiểu sẽ tự có câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, vấn đề không phải là ở chỗ câu trả lời như thế nào, mà chúng ta cần thẳng thắn đặt dấu chấm hỏi “to đùng” cho chính bản thân mỗi chúng ta: Các bạn đã thực sự cố gắng, đã đam mê tìm hiểu, đã sống với chính ngành học mà mình lựa chọn sẽ theo đuổi suốt cuộc đời, đã muốn tham gia NCKH hay chưa? Dù có hay chưa, bạn cũng nên đọc các thông tin hữu ích dưới đây để xây dựng và thực hiện ước mơ của mình.

Hy vọng, một cái nhìn mới, cách nghĩ mới, hành động mới sẽ được các bạn lựa chọn ngay từ hôm nay.

  1. Sinh viên cần có gì để có thể tham gia NCKH?

Chỉ cần là SV Khoa Luật &QLNN các bạn đã có thể tham gia NCKH dưới nhiều hình thức khác nhau. Bởi, bắt đầu từ năm học 2018-2019, vào tháng 11 hàng năm, Khoa sẽ tổ chức Lớp Tập huấn NCKH dành cho sinh viên, đặc biệt là SV đã đăng ký đề tài NCKH thành công. Lớp tập huấn sẽ do giảng viên có kinh nghiệm NCKH trang bị cho SV những vấn đề lý thuyết, phương pháp nghiên cứu cơ bản cùng cách thức triển khai nghiên cứu và viết sản phẩm nghiên cứu. Đây sẽ trở thành sinh hoạt chuyên môn thường xuyên, bổ ích của câu lạc bộ SV Khoa Luật &QLNN.

Do vậy, nếu bạn muốn NCKH, đang gặp khó khăn về kiến thức và kỹ năng cơ bản về các phương pháp NCKH, khó khăn trong việc xác định đề tài nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu, xử lý số liệu, trình bày bài NCKH trước hội đồng... hãy đăng kí tham gia ngay Lớp tập huấn này để có thể triển khai các sản phẩm NCKH chuyên ngành ý nghĩa.

  1. Các hình thức tham gia NCKH của sinh viên?

              * Seminar

Seminar là một trong những hình thức tổ chức dạy học cơ bản ở đại học, đồng thời cũng là một trong những hình thức để rèn luyện kỹ năng NCKH cho SV. Seminar là khâu thực hành đầu tiên trong đó SV tập tìm tòi, vận dụng tri thức và tập dượt NCKH. Thông qua hình thức này tri thức của SV được củng cố, mở rộng và đào sâu, hơn thế nữa họ còn được tập dượt nghiên cứu các tài liệu và các sự kiện một cách khoa học và bước đầu biết phân tích, phê phán, lập luận, dẫn chứng để bảo vệ ý kiến của mình trước tập thể. Đồng thời Seminar cũng giúp SV bộc lộ cách hiểu vấn đề, nảy sinh những ý tưởng mới có tính tìm tòi, nghiên cứu. Với hình thức này SV trực tiếp tác động vào đối tượng nghiên cứu, tính năng động được phát huy đầy đủ hơn, họ thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình dạy học.

Là một hình thức tổ chức dạy học cơ bản ở đại học, Seminar giúp SV rèn các kỹ năng nghiên cứu như: Thu thập thông tin, Lựa chọn thông tin, Trích dẫn tài liệu, Sử dụng số liệu, xử lý thông tin, Vận dụng lý luận vào thực tiễn, Sử dụng các thao tác tự duy phân tích, tổng hợp..., Trình bày văn bản, Sử dụng máy vi tính.

Để Seminar đạt được hiệu quả cao trong việc rèn luyện các kỹ năng NCKH thì Seminar phải mang tính chất nghiên cứu, có nghĩa là nội dung Seminar không có sẵn trong bài học, SV không chỉ tái hiện kiến thức cũ mà cần suy nghĩ sáng tạo. Trong Seminar mang tính chất nghiên cứu, SV không chuẩn bị theo các câu hỏi mà thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu dưới dạng các chủ đề.

Ví dụ: Vận dụng lý luận đã tiếp thu vào thực tiễn; Khảo sát thực trạng các vấn đề chuyên ngành, lấy kết quả để đưa vào Seminar; Tìm hiểu các vấn đề liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành...

              * Tiểu luận

Tiểu luận là công trình nghiên cứu chủ yếu mang tính chất nghiên cứu - học tập và bước đầu tập dượt nghiên cứu cho SV đại học. Tiểu luận là một hình thức tổ chức dạy học với mục đích là giúp SV vận dụng, đối chiếu lý luận vào thực tiễn giáo dục và dạy học, làm quen chung với các thủ pháp NCKH. Tiểu luận có tác dụng kích thích SV lòng say mê, ham hiểu biết học tập-nghiên cứu và qua đó rèn cho họ kĩ năng tự học, NCKH.

Tác dụng của Tiểu luận nhằm giúp SV củng cố, đào sâu và mở rộng những tri thức, kỹ năng và kỹ xảo đã được tích lũy. Mặt khác trong quá trình làm Tiểu luận, SV phải tìm đọc thêm tài liệu, sách báo, đi thực tế để thu thập và xử lý số liệu để chứng minh cho các giả thuyết đã đề ra, vì thế mà Tiểu luận giúp SV rèn luyện một số kỹ năng NCKH chủ yếu: Phát hiện, lựa chọn vấn đề nghiên cứu; Xác định các nhiệm vụ nghiên cứu; Xây dựng đề cương nghiên cứu; Sử dụng các phương pháp nghiên cứu; Thiết kế các phiếu điều tra; Xử lý số liệu điều tra; Phân tích, đánh giá kết quả nghiên cứu; Sử dụng máy vi tính, ngoại ngữ; Thực hiện kế hoạch nghiên cứu; Sử dụng thư viện; Thu thập, lựa chọn và xử lý thông tin; Sử dụng các thao tác tư duy; Vận dụng lý luận vào thực tiễn; Trích dẫn tài liệu; Viết và trình bày kết quả nghiên cứu.

Công việc làm Tiểu luận phần nào tương tự như công việc của xeminar và có liên quan với nó về phương diện khoa học - học tập, vì rằng nhiều khi Seminar đi trước việc làm Tiểu luận.

Tiểu luận là một hình thức NCKH đơn giản, ngắn gọn, thời gian vừa phải, có thể áp dụng rộng rãi cho nhiều đối tượng SV. Tiểu luận tiến hành sau khi hoàn thành học phần, bài tập do giáo viên chấm, có giá trị thay thế cho bài kiểm tra hết học phần.

           * Báo cáo tốt nghiệp, khóa luận tốt nghiệp

BCTN/KLTN là hình thức nghiên cứu khoa học cao nhất của SV có giá trị thay thế các môn thi tốt nghiệp (tính bằng 8 tín chỉ). BCTN/KLTN giúp SV củng cố, đào sâu và mở rộng và tổng hợp những tri thức, kỹ năng và kỹ xảo đã được tích lũy được ở nhiều bộ môn.

So với Tiểu luận, BCTN/KLTN có yêu cầu cao hơn nhiều, vì vậy tác dụng của nó đối với nâng cao hiệu quả rèn luyện kỹ năng NCKH cho sinh viên cũng lớn hơn.

SV phải vận dụng kiến thức của nhiều bộ môn và thể hiện được trình độ tổng hợp tốt. Đề tài phải là một công trình nghiên cứu cụ thể do thực tiễn đề ra, kết quả nghiên cứu thường được vận dụng để giải quyết một số vấn đề thực tiễn và có thể được công bố rộng rãi.

           * Đề tài sinh viên

 Đề tài SV là một hoạt động NCKH thường niên của nhà trường, nhằm nâng cao chất lượng học tập, NCKH của các khoa đào tạo. Vào tháng 9 hàng năm, các khoa nhận thông báo từ Phòng Quản lý Khoa học và trực tiếp triển khai cho sinh viên đăng kí đề tài nghiên cứu. Theo quy định, mỗi đề tài sau khi được nhà trường phê duyệt sẽ bắt đầu triển khai thực hiện trong 06 tháng. Như vậy, SV muốn tham gia đề tài, cần phải trải qua các bước: Đăng kí đề tài về Khoa/bộ môn -> Được nhà trường phê duyệt ->Bắt đầu triển khai thực hiện đề tài ->Báo cáo tiến độ thực hiện đề tài ->Nghiệm thu đề tài cấp Khoa/bộ môn->Nghiệm thu đề tài cấp trường -> Nhận kinh phí thực hiện đề tài (2 triệu/ đề tài) ->Tham dự Hội nghị sinh viên NCKH cấp trường (xét chọn giải thưởng).

              * Ngoài ra SV còn có thể tham gia viết bài Nội san, viết bài tham luận cho Hội thảo NCKH cấp Khoa/Trường, viết bài cho các Tạp chí chuyên ngành, cộng tác viên cho các đề tài của giảng viên đang thực hiện (Mỗi một hình thức tham gia đều có quy định về thể thức, nội dung riêng).

  1. Các bước triển khai đề tài NCKH

Giai đoạn 1: Giai đoạn chuẩn bị (Lựa chọn đề tài, xác định tên đề tài nghiên cứu, thu thập tài liệu, xử lí tài liệu; giới hạn phạm vi, mục tiêu nghiên cứu;  xây dựng đề cương...).

Giai đoạn 2: Viết và hoàn thiện công trình (Viết bản nháp theo đề cương chi tiết; Sửa chữa bản thảo theo sự góp ý của người hướng dẫn và các chuyên gia; Sửa chữa theo sự góp ý của bộ môn/ Khoa; Viết hoàn chỉnh văn bản báo cáo tổng kết đề tài, luận án, luận văn, đồng thời viết tóm tắt các văn bản đó).

Giai đoạn 3: Trình bày, báo cáo công trình (Trình bày báo cáo ngắn gọn trước hội đồng bằng cách thiết kế các slides; Trả lời những câu hỏi và ý kiến nhận xét của các phản biện và hội đồng; tiếp thu và chỉnh sửa hoàn thiện).

 (Đọc đây nhưng tin chắc các bạn SV vẫn kêu: KHÓ. Vậy nên không gì hữu ích bằng việc mời các tham gia lớp tập huấn NCKH, thử thực hành nó 1 lần, biết đâu NCKH sẽ trở thành đam mê của các bạn!).

  1. Một số lời khuyên hữu ích

        Bản thân sinh viên cần phải tự nâng cao nhận thức cho bản thân. Trước hết, SV cần phải xác định rõ học tập – thành tích – kiến thức phải gắn liền với hoạt động NCKH. NCKH trong SV không đòi hỏi kết quả nghiên cứu phải cao siêu, có tầm vóc... mà mục tiêu chính là trang bị cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng NCKH độc lập để hỗ trợ cho hoạt động học tập và chuẩn bị các dự án thật sau khi tốt nghiệp.

Theo đó, SV cần phải nghiêm túc trong việc làm bài nghiên cứu không nên làm cho có và không quan tâm chúng có hiệu quả trong thực tiễn hay không. SV cũng cần đặt nhiều trọng tâm vào hoạt động nghiên cứu hay quá trình tiến hành nghiên cứu (phát hiện vấn đề, xây dựng đề cương, tổ chức thực hiện, phương pháp thực hiện, tìm kiếm tài liệu, thu thập thông tin, thí nghiệm, quan sát, phân tích số liệu, thử nghiệm kết quả, viết báo cáo, trình bày báo cáo), không nên đặt nặng vào kết quả nghiên cứu/ sản phẩm cuối cùng.

Sinh viên có thể nâng cao nhận thức về NCKH từ việc tiếp cận với hoạt động NCKH như: Hãy bắt đầu bằng việc đọc các tài liệu liên quan đến lĩnh vực bạn yêu thích hoặc tham dự một buổi hội thảo nghiên cứu hay một loạt chuyên đề. Cố gắng là một người đọc, một người nghe chủ động bằng cách phân tích và tìm hiểu sâu hơn những vấn đề được đề cập. Tự đặt câu hỏi cho mình và xem xét câu hỏi nào chưa có đáp án, bạn có thể bắt đầu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó. Xuất phát điểm của chúng ta có thể nhẹ nhàng như những bài tiểu luận, những bài tập nhóm thầy cô giao cho chúng ta, đó cũng là nghiên cứu khoa học. Các bạn làm tốt thì dần dần các bạn sẽ có những kỹ năng tốt.

 Nghiên cứu các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí hay các nguồn dữ liệu trực tuyến. Bằng cách xem qua tên đề tài mà các tác giả khác đã viết hay danh mục các tài liệu tham khảo liên quan, bạn có thể xác định được vấn đề được quan tâm. Bắt đầu tìm hiểu về vấn đề, bạn sẽ tích cóp được một lượng kiến thức đủ để bắt đầu bài nghiên cứu cho riêng. Hoặc SV có thể bắt đầu với một đề tài đã được tác giả khác nghiên cứu nhưng theo hướng mới, tạo sự khác biệt về không gian, thời gian, môi trường...

Trong quá trình giảng dạy và hướng dẫn NCKH cho SV, nhiều SV chia sẻ khó khăn nhất của họ không phải là nhận thức, kiến thức về NCKH mà là chưa tìm được đề tài cho mình. Lời khuyên của tôi dành cho họ bao giờ cũng là: Xây dựng đề tài từ những vấn đề liên quan đến các học phần chuyên ngành, dựa vào thực tế đang diễn ra, xem xét những vấn đề đang được xã hội quan tâm...  và đừng ngại thảo luận với giảng viên hướng dẫn của bạn. Các thầy cô thường có danh sách một số đề tài mà bạn có thể tham khảo được. Hơn nữa, thầy cô cũng sẽ giúp đỡ bạn trong việc phát triển ý tưởng thành một đề tài NCKH.

Ngoài việc tự nâng cao nhận thức của bản thân mình, SV cũng cần phải nghiêm túc rèn luyện các kĩ năng phục vụ NCKH như: Kỹ năng về tư duy phản biện, Kỹ năng làm việc nhóm, hay kỹ năng quản lý thời gian, Kỹ năng xử lý dữ liệu, hay kỹ năng tìm tài liệu... Và biết đâu đấy chính nó sẽ là thứ giúp ta vượt qua trong những buổi phỏng vấn khi bắt đầu đi làm. Những thứ ấy có lẽ các bạn có thể hoàn toàn nhìn ra lợi ích của nó được.

 

Tác giả: Ths. Nguyễn Thị Hà - Phó phụ trách Khoa Luật & QLNN
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 VẤN ĐỀ VIỆC LÀM CỦA THANH NIÊN VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (09/06/19)
 CÔNG TÁC XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT TẠI THÀNH PHỐ THANH HÓA (09/06/19)
 Khoa Luật&QLNN tham gia Hội nghị thẩm định thuyết mình Đề tài cơ sở năm 2019 (26/05/19)
 HỘI NGHỊ TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM HỌC 2018-2019 (26/05/19)
 BÁO CÁO KẾT QUẢ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA SINH VIÊN NĂM HỌC 2018 - 2019 (26/05/19)
 TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH TĂNG MỨC LƯƠNG CƠ SỞ ĐẾN HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ ĐỜI SỐNG XÃ HỘI (26/05/19)
 Ý NGHĨA CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU KHÁI NIỆM – ĐỊNH NGHĨA ĐỐI VỚI TƯ DUY NGÀNH LUẬT (26/05/19)
 QUYỀN CON NGƯỜI VÀ QUYỀN CÔNG DÂN – NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT DƯỚI GÓC NHÌN CỦA SINH VIÊN NGÀNH LUẬT (26/05/19)
 NGUỒN CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN NAY (26/05/19)
 ĐÔI NÉT VỀ TƯ DUY PHẢN BIỆN ĐỐI VỚI SINH VIÊN NGÀNH LUẬT (26/05/19)
    Hôm nay 17532
    Hôm qua 16498
    Tuần này 113468
    Tháng này 397219
    Tất cả 6747539
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường