Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
Ý NGHĨA CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU KHÁI NIỆM – ĐỊNH NGHĨA ĐỐI VỚI TƯ DUY NGÀNH LUẬT

Nội san số 03 - Khoa Luật&QLNN

 

Tóm tắt: Trong quá trình học và nghiên cứu các môn học thuộc ngành luật, chúng ta đều phải làm việc thông qua bộ não, trải qua quá trình tư duy để thu thập và lưu trữ thông tin, tài liệu. Đặc biệt, đối với ngành luật – ngành học mang tính lý luận và khoa học cao, càng đòi hỏi nhiều hơn sự tư duy của người học, người nghiên cứu. Việc tư duy trong nghiên cứu luật học là một yếu tố trừu tượng, tuy nhiên nó lại là cơ sở nền tảng cho việc nghiên cứu luật học, đòi hỏi sự suy luận logic và khoa học. Có thể thấy rằng, khi nghiên cứu về một vấn đề hay chủ đề nào đó, người nghiên cứu trước tiên phải lý giải và lập luận từ các khái niệm và định nghĩa có liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Vậy tại sao, việc nghiên cứu và đưa ra các khái niệm, định nghĩa lại là cơ sở, tạo ra phương hướng triển khai vấn đề nghiên cứu, quyết định kết quả nghiên cứu của người nghiên cứu? Và việc nghiên cứu khái niệm, định nghĩa có quan hệ mật thiết như thế nào với tư duy ngành luật?Bài viết sẽ lý giải những câu hỏi này nhằm làm rõ ý nghĩa của việc nghiên cứu khái niệm – định nghĩa đối với tư duy ngành luật.

Từ khóa: ý nghĩa, nghiên cứu, khái niệm – định nghĩa, tư duy, ngành luật.

  1. Khái quát về tư duy ngành luật

Tư duy là một hoạt động nhận thức của con người, tư duy ngành luật có thể được nhận định bao gồm tư duy pháp lý và tư duy khoa học.

  • Tư duy pháp lý là một loại hình của tư duy ngành luật. Theo đó, tư duy pháp lý luôn gắn liền với hoạt động của mỗi chủ thể, đặt trong bối cảnh, hoàn cảnh, thời điểm xác định, vì vậy nó còn chịu tác động và nằm trong mối liên hệ qua lại với thực tại xã hội. Nó đa dạng và biến đổi, phát triển không ngừng. Tư duy pháp lý là nhìn nhận, sắp đặt sự việc thành một chuỗi logic rồi tìm ra giải pháp giải quyết, và nếu như không tìm được, thì phải tạo ra nó.

Theo đó, cần hiểu rằng tư duy pháp lý là cách thức suy nghĩ của Luật gia (hay bất kì những người nào làm việc trong ngành Luật) để tìm ra giải pháp cho một vụ việc với Luật lệ. Trên thực tế, đó có thể là một vụ án tranh chấp, vụ án hình sự, hay một vấn đề về Luật lệ cần phải giải quyết hay yêu cầu xác nhận… Tư duy pháp lý thể hiện rõ nhất và điển hình nhất qua việc đặt ra hệ thống câu hỏi liên quan đến vụ án, vụ việc. Phải liên tục đặt câu hỏi để có được giải pháp, và chúng ta thống nhất gọi đó là “Câu hỏi pháp lý”. Ví dụ, một vụ hối lộ được đem ra xét xử thì vấn đề pháp lý của nó là: quà biếu được đưa trước hay sau khi có giấy phép ? Và giá trị món quà là bao nhiêu?

  • Tư duy khoa học là giai đoạn cao, trình độ cao của quá trình nhận thức, được thực hiện thông qua một hệ thống các thao tác tư duy nhất định trong đầu óc của các nhà khoa học (hoặc những người đang sử dụng các tri thức khoa học và vận dụng đúng đắn những yêu cầu của tư duy khoa học) với sự giúp đỡ của một hệ thống “công cụ” tư duy khoa học (như ngôn ngữ và hình thức của tư duy khoa học) nhằm nhào nặn các tri thức tiền đề, xây dựng thành những tri thức khoa học mới, dưới dạng những khái niệm, phán đoán, suy luận mới hoặc giả thuyết, lý thuyết, lý luận khoa học mới, phản ánh các khách thể nhận thức một các chính xác hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, chân thực hơn.

Các yếu tố hợp thành của tư duy khoa học, đó là:

+ Phương pháp luận của tư duy khoa học.

Vai trò của phương pháp luận giúp cho chủ thể tư duy có định hướng nhất định trong hoạt động nhận thức. Nó biểu hiện một cách tiếp cận nhất định đối với khách thể nhận thức. Chẳng hạn, tư duy biện chứng và tư duy siêu hình hay phương pháp luận biện chứng và phương pháp luận siêu hình có giá trị định hướng, gợi mở khác nhau trong hoạt động của chủ thể. Các loại hình phương pháp luận này sẽ định hướng cho hoạt động nhận thức của con người khi tiếp cận với đối tượng. Ngoài ra, phương pháp luận cũng gợi mở, chỉ dẫn cho chủ thể lựa chọn và vận dụng các phương pháp (biểu hiện các thao tác tư duy) trong hoạt động nhận thức. Với khoa học hiện đại, phương pháp luận biện chứng duy vật là phương pháp luận đúng đắn, khoa học nhất của thời đại ngày nay. Chính vì vậy, để có phương pháp tư duy khoa học, trước hết hoạt động nhận thức của chủ thể phải dựa trên cơ sở phương pháp luận biện chứng duy vật.

Tư duy lôgíc là giai đoạn nhận thức lý tính, sử dụng các hình thức cơ bản, như khái niệm, phán đoán, suy luận cùng các thao tác lôgíc xác định của chủ thể, nhằm sản xuất các tri thức mới với mục đích phản ánh ngày càng sâu sắc hơn, chính xác hơn, đầy đủ hơn về hiện thực khách quan. Tư duy lôgíc được lôgíc học (hình thức) nghiên cứu. Nó xây dựng các quy luật, quy tắc chi phối quá trình nhận được tri thức suy diễn (tri thức nhận được bằng con đường gián tiếp). Các thao tác tư duy được lôgíc học khái quát thành các phương pháp (cụ thể) của tư duy, như quy nạp, diễn dịch, phân tích, tổng hợp... Vì vậy, có thể nói một cách khái quát, tư duy lôgíc là nhận thức lý tính tuân thủ các quy luật, quy tắc, phương pháp,... được lôgíc học nghiên cứu. Để có được tư duy lôgíc, cần phải nắm bắt và thực hiện nhuần nhuyễn các phương pháp nhận thức, các phương pháp tư duy khoa học; đồng thời, tự giác vận dụng đúng đắn các phương pháp trong quá trình  nhận thức một cách phù hợp với nhiệm vụ đặt ra.

+ Khả năng vận dụng, tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận. Việc nhận thức, phát hiện tri thức mới cũng như sự vận dụng các tri thức đã có vào thực tiễn đòi hỏi chủ thể phải có khả năng tổng kết thực tiễn, khái quát về mặt lý luận. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn mà đánh giá tri thức, lý luận đã có, kịp thời điều chỉnh hành vi của chủ thể. Những sự không phù hợp giữa lý thuyết với thực tiễn có thể là do hai nguyên nhân: 1) do sự vận dụng chưa đúng, 2) do lý thuyết không hợp lý. Trên cơ sở kết quả phân tích về sự không phù hợp ấy mà chủ thể (cá nhân, tập thể) có thể điều chỉnh hoạt động, cải biến cách thức vận dụng của mình, hoặc cũng có thể phải sửa đổi, bổ sung, phát triển lý thuyết. Hơn nữa, với sự biến động của thực tiễn, chủ thể cần phải có năng lực tổng kết thực tiễn mới để xây dựng được lý thuyết phù hợp với thực tiễn mới.

Bên cạnh việc phân tích trên, một số quan điểm cho rằng, thực chất của tư duy khoa học chính là sự thống nhất của tư duy biện chứng và tư duy lôgíc. Trong đó, tư duy biện chứng là phương pháp luận chỉ đạo, còn tư duy lôgíc là tổng hợp các thao tác lôgíc, vốn là những hoạt động khách quan của tư duy đang nhận thức nhằm nắm bắt nội dung cụ thể của đối tượng được nhận thức. Tư duy logic là một bộ phận hợp thành của tư duy khoa học. Nói cách khác, về thực chất, tư duy khoa học chính là sự thống nhất giữa tư duy biện chứng và tư duy logic; trong đó, tư duy biện chứng là phương pháp luận chỉ đạo, còn tư duy lôgíc là tổng hợp các thao tác logic. Trên cơ sở luận chứng vai trò to lớn của tư duy lôgíc trong tư duy khoa học, tác giả khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc học tập logic học - giúp con người không những nắm vững, mà còn rèn luyện các kỹ năng, kỹ xảo tư duy, nâng cao khả năng vận dụng các quy luật, quy tắc của lôgíc học vào hoạt động nhận thức cũng như vận dụng các tri thức vào hoạt động thực tiễn.

Dù đưa ra quan điểm khác nhau, tuy nhiên, có một khẳng định chung của các nhà nghiên cứu đó là, tư duy logic là một bộ phận quan trọng cơ bản quyết định nên tư duy khoa học.

Như vậy, có thể thấy rằng, tư duy luật học là một khái niệm khá rộng, tuy nhiên, nó thể hiện sự logic, khoa học, chặt chẽ cao. Đó cũng là yếu tố tạo nên tầm vóc, cách suy nghĩ và tư duy của nhà luật học cũng như người học luật.

  1. Nghiên cứu “Khái niệm - định nghĩa” là nền tảng của nghiên cứu Luật học

Qua thực tiễn, có thể thấy rằng, bất cứ quá trình tư duy nào trong nghiên cứu luật học cũng phải sử dụng, cũng phải đụng chạm đến các “định nghĩa - khái niệm”. Một lập luận, một chứng minh, một bác bỏ, một kết quả nhận thức có được từ một suy luận bất kỳ có tin cậy được hay không, con người ta có thể nhất trí với nhau về một vấn đề nào đó hay họ bất đồng về chúng… cốt yếu phụ thuộc vào việc phân tích và đưa ra các “khái niệm” tham gia vào các quá trình này. 

Tuy nhiên, sự không giống nhau trong nhận thức về các khái niệm, sự dị biệt trong việc sử dụng ngôn từ để cố định và chuyển tải các khái niệm… dẫn đến nhiều khó khăn cho hoạt động tư duy, làm cho tốc độ, chất lượng tư duy bị giảm sút và trong không ít trường học người học và nghiên cứu luật cảm thấy bị rối loạn, dẫn đến bế tắc. Để hạn chế những bất lợi này cho hoạt động tư duy, đặc biệt là trong những lĩnh vực đòi hỏi có độ chính xác cao, quy mô tác động và điều chỉnh lớn như ngành luật từ lâu con người đã nghĩ tới một thao tác tư duy cực kỳ quan trọng và hữu ích, đó là tạo ra, nghiên cứu và phát triển các định nghĩa - khái niệm. Ngay từ thời Hi Lạp cổ, trong nhiều tác phẩm, bài viết, các học giả đã tìm ra các định nghĩa, khái niệm trong các lĩnh vực toán học, lý học, sinh vật học, thiên văn học,… để ngày nay, các thế hệ sau có được những nền tảng kiến thức nhất định, phục vụ cho việc phát triển và bảo vệ đất nước.

Hiện nay, có thể thấy rằng, trong lịch sử phát triển của nền văn minh nhân loại và suy cho cùng cũng là lịch sử phát triển của tư duy thì ở bất cứ lĩnh vực khoa học nào, từ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội – nhân văn đến khoa học thực nghiệm cũng đều có và cũng cần đến hệ thống các định nghĩa - khái niệm làm cơ sở lý luận hay cơ sở nghiên cứu. Trên thực tế, khó có một ngành khoa học nào đó có thể tồn tại và phát triển mà ở đó không có các định nghĩa - khái niệm, hoặc có quá nhiều các định nghĩa không chuẩn xác. Theo đó, ngành luật chú trọng cả lý luận cả thực tế, từ thực trạng thức tế, các nhà làm luật lý luận hóa các chủ đề thực tiễn một cách khái quát nhất, giúp cho việc học, nghiên cứu trở nên dễ dàng hơn. Thật vậy, trong toán học ta bắt gặp các định nghĩa như: đạo hàm, tích phân, giai thừa… Trong sinh vật học có các định nghĩa về di truyền, biến dị…Trong hóa học có các định nghĩa về axít, bazơ, chất xúc tác, bão hoà…Trong ngôn ngữ học có các định nghĩa về danh từ, tính từ, câu đơn, câu phức…Vậy trong luật học có định nghĩa về nhà nước, bộ máy nhà nước, pháp luật, quy phạm pháp luật, vi phạm pháp luật, tội phạm, hình phạt, tố tụng… Điều này phần nào cho thấy, định nghĩa - khái niệm tồn tại phổ biến và không thể phủ nhận trong hoạt động nhận thức, hoạt động lý luận và hoạt động thực tiễn của ngành luật và trong đời sống hàng ngày. 

Trong nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu luật học nói riêng, các nhà nghiên cứu có thể tham khảo và chọn ra các khái niệm – định nghĩa từ khác nguồn tài liệu hoặc chính bản thân các nhà nghiên cứu trong quá trình nghiên cứu cũng tự đưa ra các khái niệm – định nghĩa nhằm bao quát đối tượng nghiên cứu hướng đến. Có thể thấy rằng, trong các văn bản Luật từ Hiến pháp – đạo luật cao nhất của nước ta đến các Bộ luật, Luật, Nghị Định, Nghị Quyết,… đều có các điều luật quy định về các khái niệm liên quan đến chế định văn bản luật điều chỉnh. Bởi vì, để tìm hiểu các khía cạnh của đối tượng nghiên cứu thì phải hiểu tổng quát về đối tượng nghiên cứu đó, sau khi đã khái quát được đối tượng, đi sâu vào nghiên cứu chi tiết đối tượng như đặc trưng, nhiệm vụ, chức năng, vị trí, vai trò, ý nghĩa… của đối tượng nghiên cứu nhằm làm rõ hơn đối tượng mà mình muốn nghiên cứu. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, nếu đưa ra một “khái niệm – định nghĩa” không phù hợp thì chắc chắn, hướng nghiên cứu hay quá trình nghiên cứu đó sẽ không còn đúng đắn và thực dụng. Để thực hiện được điều này thì chắc hẳn người nghiên cứu phải có tư duy pháp lý và tư duy khoa học tốt.

Định nghĩa - khái niệm là hình thức phản ánh hịên thực khách quan, do đó, một mặt nó là sản phẩm của hoạt động nhận thức, mặt khác, đến lượt mình, nó trở thành công cụ của nhận thức. Có định nghĩa đúng, chuẩn mực, nhất quán sẽ giúp con người hiểu thấu đáo, rõ ràng, chính xác và thống nhât các đối tượng và lĩnh vực ngành luật. Tuy nhiên, cũng cần thấy việc định nghĩa - khái niệm trong khoa học, đặc biệt là ngành luật vẫn là một việc làm rất khó khăn, rất phức tạp. Từ những nhận thức này, chúng ta – những người học và nghiên cứu luật cần nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc đưa ra các định nghĩa – khái niệm. Thông qua đó, càng trau dồi hơn về tư duy, sự logic và mạch lạc khi hoạt động cả trên khía cạnh lý luận cả khía cạnh thực tiễn.

  1. Ý nghĩa của việc nghiên cứu “Khái niệm – Định nghĩa” đối với tư duy ngành luật
  • Trong nghiên cứu ngành luật, việc đưa ra các khái niệm, định nghĩa là để trả lời cho câu hỏi Tôi đang nghiên cứu cái gì? Nhằm xác định rõ, đúng đối tượng cần nghiên cứu hoặc lựa chọn nghiên cứu.
  • Việc nghiên cứu “khái niệm – định nghĩa” nhằm giúp người nghiên cứu xác định được hướng nghiên cứu phù hợp, vì, có đưa ra được các khái niệm, định nghĩa đúng vấn đề thì khi triển khai vấn đề sẽ đúng trọng tâm và chính xác hơn. Bên cạnh đó, ngành luật là ngành học yêu cầu độ chính xác cao, nghiên cứu nhiều văn bản pháp luật, nên việc đưa ra “khái niệm – định nghĩa” đúng cũng sẽ giúp việc chọn lựa văn bản pháp luật trở nên dễ dàng hơn và chính xác hơn. Điều này cũng thể hiện rõ tư duy ngành luật.
  • Khái niệm, định nghĩa chuẩn, thể hiện được sự tư duy của người nghiên cứu, việc xác định khái niệm, định nghĩa có đúng hay không thể hiện được khả năng tư duy, nhận biết nhạy bén của người nghiên cứu. Sự logic, khoa học trong nghiên cứu luật học.
  • Với sự đặc thù của chuyên ngành, phải nghiên cứu, tìm hiểu số lượng văn bản pháp lý rất lớn, người nghiên cứu phải xác định được đối tượng nghiên cứu là gì, đồng thời, chọn ra các khái niệm, định nghĩa cần tìm khi nghiên cứu vấn đề nào đó. Trong khi đó, các khái niệm và định nghĩa chuyên ngành của ngành luật khá khó và phức tạp, theo đó, trong nhiều trường hợp, việc xác định đúng các khái niệm, định nghĩa là không hề dễ dàng, ranh giới của các khái niệm, định nghĩa nhiều khi khá “mong manh” nên dễ gây nhầm lẫn. Chính vì lẽ đó, việc nghiên cứu “khái niệm – định nghĩa” còn giúp các nhà nghiên cứu rèn luyện tư duy, sự logic và khoa học cũng như khả năng lập luận, đưa ra các lỹ lẽ mang tính thuyết phục cao.
  1. Kết luận

Tóm lại, qua sự phân tích khái quát trên, có thể thấy rõ tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của việc nghiên cứu “khái niệm – định nghĩa” đối với tư duy của ngành luật. Nó là mầm mống, là yếu tố quyết định đến kết quả nghiên cứu của nhà nghiên cứu luật học. Nó giúp rèn giữ, trau dồi, phát triển khả năng tư duy của người nghiên cứu. Giúp hệ thống hóa kiến thức và khả năng lý luận. Chính vì vậy, việc nghiên cứu các khái niệm, định nghĩa giống như “trái tim” của quá trình nghiên cứu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Vũ Cao Đàm, Phương pháp luận nghiên cứu khoa học. Nxb Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 1996, tr. 10.
  2. Vũ Văn Viên, Tư duy lôgíc - Bộ phận hợp thành của tư duy khoa học, Tạp chí Triết học, số 12 (187), tháng 12 – 2006.
  3. Cuốn sách “Tư duy pháp lý của luật sư” – Tác giả Luật sư Nguyễn Ngọc Bích.

 

 

Tác giả: ThS. Bùi Đặng Thu Thủy - Giảng viên Khoa Luật và Quản lý nhà nước.
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 QUYỀN CON NGƯỜI VÀ QUYỀN CÔNG DÂN – NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT DƯỚI GÓC NHÌN CỦA SINH VIÊN NGÀNH LUẬT (26/05/19)
 NGUỒN CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN NAY (26/05/19)
 ĐÔI NÉT VỀ TƯ DUY PHẢN BIỆN ĐỐI VỚI SINH VIÊN NGÀNH LUẬT (26/05/19)
 HỘI NGHỊ THẨM ĐỊNH ĐỀ TÀI SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP KHOA NĂM HỌC 2018 - 2019 (01/04/19)
 Lịch nghiệm thu Đề tài SV NCKH cấp Khoa năm học 2018 - 2019 (21/03/19)
 TẦM QUAN TRỌNG CỦA HỌC PHẦN VĂN BẢN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI SINH VIÊN NGÀNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC (03/03/19)
 TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGHIÊN CỨU KHOA HỌC (03/03/19)
 QUY HOẠCH QUẢN LÍ ĐÔ THỊ Ở LÀO VỚI QUY HOẠCH QUẢN LÍ ĐÔ THỊ Ở VIỆT NAM  (27/02/19)
 TỪ ĐIỂN CHUYÊN NGÀNH VIỆT – LÀO (Phần 1) (24/02/19)
 MỘT SỐ VĂN BẢN, CHÍNH SÁCH MỚI TRONG THỜI GIAN TỚI (24/02/19)
    Hôm nay 6193
    Hôm qua 16057
    Tuần này 70319
    Tháng này 257894
    Tất cả 7063474
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường