Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
ĐÔI NÉT VỀ TƯ DUY PHẢN BIỆN ĐỐI VỚI SINH VIÊN NGÀNH LUẬT

Nội san số 03 - Khoa Luật&QLNN

Trong xã hội hiện đại, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, hoạt động chia sẻ và tiếp cận thông tin trở nên thuận lợi hơn, kéo theo đó là sự đa chiều trong các thông tin được tiếp cận. Đối với các bạn sinh viên hiện nay, một bộ phận không nhỏ thường tiếp nhận thông tin thiếu chọn lọc, không đa chiều, đa dạng, thậm chí mang tính phiến diện, chủ quan, chúng ta thường bị tác động theo thiên hướng một chiều và thường xuyên không vận dụng tính khách quan trong quan sát và đánh giá thực chất vấn đề đang bàn luận. Hay nói cách khác, sinh viên đang thiếu đi kỹ năng tìm kiếm, đánh giá thông tin. Để nâng cao kỹ năng này sinh viên cần học cách tư duy phản biện, đặc biệt đối với sinh viên chuyên ngành luật hiện nay, điều này là vô cùng cần thiết.

Trước khi làm rõ những vấn đề liên quan đến tư duy phản biện đối với sinh viên ngành luật, chúng ta cần xác định nội hàm khái niệm về tư duy và tư duy phản biện là gì?

Tư duy là “sản phẩm của một cơ quan vật chất sống có tổ chức cao là bộ óc người và được hình thành trong quá trình hoạt động thực tiễn, là quá trình phản ánh tích cực, chủ động và sáng tạo hiện thực khách quan bởi con người”.[2] Bản chất của tư duy là sản phẩm của bộ óc người. Đặc điểm cơ bản của tư duy là hoạt động riêng có ở con người, là đặc tính bẩm sinh dưới dạng năng lực của con người, là hình thức hoạt động cao nhất, phức tạp nhất, hoàn thiện nhất của bộ óc con người; hình thành từ hoạt động thực tiễn; tư duy cấu thành bởi đối tượng, chủ thể, tri thức nguồn, công cụ ngôn ngữ. Các hình thức cơ bản của tư duy gồm khái niệm, phán đoán, suy luận.

Tư duy phản biện là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề, lập luận rõ ràng, logic, tỉ mỉ và công tâm. Nó cũng được miêu tả là “tư duy về tư duy”. Trong phạm vi bộ khung khái niệm triết học của lý thuyết phản biện xã hội, tư duy phản biện thường được hiểu là sự gắn bó với thực tiễn xã hội và chính trị trong việc tham gia dân chủ, là ước muốn hình dung ra hay mở ra những quan điểm khác mà ta có thể lựa chọn; là ước muốn kết hợp những quan điểm mới hay những quan điểm cũ đã biến cải vào cách tư duy và hành động của chúng ta, cũng như ước muốn thúc đẩy khả năng phản biện nơi người khác. TS. Lê Hồng Vân - Giảng viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh bàn về mục đích rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện từng viết: "...Việc rèn kỹ năng tư duy phản biện... nhằm giúp sinh viên hiểu được bản chất, đặc điểm, yêu cầu và vai trò của tư duy phản biện; liên hệ bản thân để nhận ra được ưu điểm và hạn chế trong tư duy của mình, từ đó hình thành thói quen phản biện: biết nghi ngờ, biết phân tích, suy xét đa chiều, biết đánh giá toàn diện về một vấn đề…, và đặc biệt là sự ý thức sâu sắc về vai trò của tư duy phản biện và kỹ năng tranh luận đối với sự sống còn của nghề Luật, từ đó có ý thức rèn luyện thói quen tư duy phản biện cũng như biết vận dụng kỹ năng tư duy phản biện vào hoạt động phản biện và tranh luận pháp lý..."[3].

Như vậy, tư duy phản biện là loại hình tư duy nhằm đánh giá một kết quả nhận thức; là sự suy nghĩ, xem xét lại một tình huống, một vấn đề để qua đó chủ thể đưa ra sự nhận định, kết luận về chúng theo quan điểm của mình trên cơ sở vận dụng một cách chủ động, sáng tạo những tri thức và phương pháp nhất định. Tư duy phản biện ở đây là tư duy phản biện khoa học, không phải tư duy phản biện có tính tư biện, chủ quan, ngụy biện. Khi nghiên cứu tư duy phản biện, người ta thường đề cập đến mục tiêu, hình thức, sản phẩm, nguyên tắc, yêu cầu, đặc điểm, kỹ năng, yếu tố ảnh hưởng và phương pháp rèn luyện nó.

Nhìn về lịch sử phát triển của tư duy phản biện, bộ khung triết học của tư duy phản biện có cội nguồn từ triết lý phân tích và chủ nghĩa kiến tạo thực dụng từ 2500 năm trước, như trong kinh Phật, chủ yếu là kinh Vệ đà và A-tì-đạt-ma; cũng như trong truyền thống Socrat của Hy Lạp, là những chất vấn nhằm tìm kiếm sự thật, được dùng để xác định xem những kiến thức dựa trên thẩm quyền liệu có thể được đánh giá lại một cách có lý lẽ với sự rõ ràng và nhất quán về logic hay không. Một ý nghĩa của thuật ngữ “phản biện” (critical) có nghĩa là “cốt yếu” (crucial) hay “liên quan tới những tiêu chí cốt lõi” ( related to core criteria) có nguồn gốc từ thuật ngữ “tiêu chí” (kriterion) của người Hy lạp cổ, vốn có nghĩa như “tiêu chuẩn” (standards); một ý nghĩa thứ hai có nguồn gốc từ kriticos, có nghĩa “những nhận định sâu sắc, sáng suốt”(discerning judgment)…Tư duy phản biện trong bộ khung triết học này đã được triết gia Đức Jürgen Habermas đưa vào áp dụng trong thập kỷ 1970 và hiện nay, tư duy phản biện này càng được phát triển và có vai trò quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống chính trị - xã hội, trong đó có việc đào tạo ngành luật.

Việc rèn luyện tư duy phản biện là vô cùng cần thiết đối với sinh viên ngành luật nói riêng và sinh viên nói chung trong việc nâng cao các kỹ năng nghiên cứu, nắm bắt, suy luận, truyền đạt, tranh luận, phản biện thông tin một cách chân thực, hiệu quả và sáng tạo hơn. Việc phát triển tư duy phản biện trong sinh viên tạo nên sự nhạy bén trong việc phát hiện và nhận diện những tình huống có vấn đề; khả năng kết nối vấn đề trong tính tổng thể; nhạy cảm với những dấu hiệu đặc biệt và đơn nhất cũng như các dấu hiệu điển hình; khả năng nhìn thấy và phân biệt được những nét khác biệt trong sự tương đồng; khả năng suy luận để nhìn thấy được mối quan hệ logic bên trong giữa các thông tin, các dữ kiện, tình tiết để không bị nhầm lẫn bởi các dấu hiệu bề ngoài. Năng lực phân tích, tổng hợp, so sánh, đánh giá các tình tiết, sự việc dựa trên sự suy xét vấn đề một cách cẩn trọng, sâu sắc và thấu đáo; năng lực tư duy độc lập, biết đặt các câu hỏi và tìm câu trả lời cần thiết cho mình. Khả năng xem xét vấn đề một cách toàn diện từ nhiều mặt, nhiều chiều, nhiều mối quan hệ, nhiều khía cạnh và góc độ để tìm tòi, khám phá, đặt lại vấn đề theo hướng khác để hiểu được bản chất khách quan sự việc. Khả năng suy luận, lập luận dựa trên cơ sở của chứng cứ và lý lẽ; khả năng phát hiện những sai lầm, thiếu sót trong quan điểm của người khác để phản bác lại; khả năng bảo vệ quan điểm của mình bằng sự lập luận chặt chẽ. Khi đó, sinh viên sẽ chủ động hơn, có sự tương tác hơn đối với giảng viên trong mỗi giờ học, có lập trường riêng của mình và tiếp thu tri thức khoa học một cách có định hướng và đa dạng các góc độ hơn. Hơn nữa, đối với hoạt động công việc sau này tư duy phản biện cũng giúp sinh viên dễ dàng hơn trong việc thuyết phục khách hàng, các đối tác khi hoạt động trong các doanh nghiệp hay dễ dàng hơn trong việc trao đổi, tư vấn các vấn đề pháp lý đối với người dân khi làm việc trong các cơ quan nhà nước…

Thực tiễn hiện nay, trong hơn 20 năm qua, số lượng các trường đại học luật, khoa luật thuộc các trường đại học đa ngành ở Việt Nam vẫn tiếp tục tăng lên; chương trình, nội dung đào tạo đã có những đổi mới theo hướng hiện đại; hình thức đào tạo của các cơ sở này ngày càng đa dạng. Đã có những chuyển biến tích cực trong tiến trình phát triển năng lực tư duy phản biện cho sinh viên thông qua chương trình đào tạo tín chỉ, đi thực tế, sinh hoạt dưới hình thức Câu lạc bộ, hội nhóm, các buổi tranh biện…Tuy nhiên, các trường đại học đào tạo ngành luật hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế và đang đứng trước những thách thức trong phát triển năng lực tư duy phản biện cho sinh viên, nhất là còn bị ảnh hưởng của lối tư duy hình thức, chưa xem trọng đúng mức tư duy biện chứng và tư duy phản biện. Tỷ lệ sinh viên ngành luật hiểu chưa đúng, chưa chính xác về tư duy phản biện, đặc điểm và nguyên tắc của tư duy phản biện còn lớn. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận, phân tích và đánh giá thông tin của sinh viên ngành luật còn thiếu định hướng, phân biệt thông tin còn khó khăn, lúng túng; ý thức chủ động phát hiện vấn đề trong thông tin còn hạn chế; năng lực xây dựng “giả thuyết khoa học” chưa cao; kỹ năng phát hiện vấn đề trong thông tin còn thiếu và yếu; khả năng thiết lập “mối liên hệ giữa cái biết – cái chưa biết” còn thấp; khả năng phán đoán, suy luận, diễn đạt, phản bác thấp; thái độ thực hiện phản biện chưa đúng đắn; tâm lý thực hiện phản biện chưa vững vàng và nhiều khi còn rụt rè, nể nang. Mặt khác, đặc điểm chung của sinh viên ngành luật ở Việt Nam hiện nay có thời gian đào tạo ngắn, khối lượng kiến thức lý thuyết và thực tiễn cần học quá nhiều so với thời gian học thực tế; tuổi đời quá trẻ, thụ động trong các hoạt động xã hội; ý thức tự học và nghiên cứu chưa cao; học nhiều lý thuyết ít thực hành, hạn chế điều kiện và nhu cầu phát triển tư duy phản biện; ngoại ngữ yếu, ít có cơ hội tiếp xúc và so sánh với thế giới.

Chính những hạn chế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển năng lực tư duy phản biện của sinh viên ngành luật. Vì thế, trong phạm vi bài viết Nội san, tác giả đưa ra một số giải pháp khái quát sau:

    - Nhóm giải pháp về đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao khả năng tư duy phản biện cho sinh viên ngành Luật:

Thứ nhất, đổi mới nội dung và chương trình giảng dạy. Theo đó, nội dung bài giảng cần bám sát thực tế đòi hỏi của nghề luật trong nước, trong khu vực và trên thế giới; kết hợp chặt chẽ kiến thức nền tảng, đại cương với kiến thức cơ bản và chuyên sâu của ngành luật; đưa thảo luận sermina vào chương trình đào tại sinh viên ngành luật của một số trường với tư cách là chương trình bắt buộc; thiết kế lại nội dung chương trình giảng dạy kết hợp kiến thức lý luận và kiến thức thực hành trong từng học phần, giảm thời gian dạy kiến thức lý luận trên lớp thay vào đó trao đổi, phản biện vấn đề qua các buổi sermina, đồng thời nâng cao tính tự học, tự đọc cho sinh viên.

Thứ hai, đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên từ truyền thụ kiến thức một chiều sang phát huy tính tích cực và chủ động của sinh viên trong học tập. Thiết kế bài giảng vận dụng tối đa tư duy và ý kiến phản biện của sinh viên; đưa nhiều tình huống thực tiễn cần giải quyết vào các bài giảng; từng bước hình thành và phát triển kỹ năng tranh luận cho sinh viên. Đồng thời, tăng cường sử dụng phương pháp dạy học hiện đại, luôn đa dạng trong các phương pháp dạy học của từng học phần cũng như thắt chặt việc đánh giá, kiểm tra, thi cuối kỳ.

    - Nhóm giải pháp về xây dựng môi trường thuận lợi phát triển năng lực tư duy phản biện cho sinh viên ngành luật. Cụ thể: trong nhà trường, lớp học cần tạo dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, bình đẳng trong học tập, rèn luyện; dân chủ trong trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, cởi mở trong sinh hoạt, tổ chức nhóm, lớp, đoàn thể, ngoại khóa… Ngoài ra, cần tổ chức thường xuyên các buổi sinh hoạt ngoại khóa theo chủ đề liên quan đến các nội dung nghiên cứu khoa học dưới hình thức các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, ngoại khóa toàn khoa, các cuộc thi, các phong trào thi đua, hội nhóm…

    - Nhóm giải pháp về phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của sinh viên ngành luật trong phát triển năng lực tư duy phản biện. Đó là nâng cao nhận thức của sinh viên về tư duy phản biện và năng lực tư duy phản biện là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng đối với hoạt động nghề nghiệp sau này. Đội ngũ giảng viên và nhà quản lý cần thường xuyên quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất, đặc biệt là môi trường học đường để nâng cao kỹ năng của sinh viên về tư duy phản biện; tạo điều kiện nâng cao bản lĩnh (độc lập, sáng tạo, dũng cảm, tự tin) trong tranh luận, thảo luận; tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động thực hành, thực tập chuyên môn, nghề nghiệp. Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức của sinh viên trong học tập, rèn luyện, hoạt động xã hội, nâng cao tinh thần vượt khó, vươn lên trong cuộc sống ở môi trường đào tạo.

Có thể nói, tư duy phản biện là một trong những hình thức tư duy tối quan trọng mà bất kỳ sinh viên luật đều phải rèn dũa và luyện tập thường xuyên, đó là khả năng tư duy nhằm đánh giá một kết quả nhận thức nào đó, xem xét lại một tình huống, một vấn đề pháp luật…để đưa ra sự nhận định và kết luận theo quan điểm, chính kiến của mình trong quá trình học tập. Mặt khác, việc nhận thức đúng và phát triển tư duy phản biện tạo nền tảng vững chắc, trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng toàn diện nhất có thể để phục vụ tốt cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ sau này; tiến tới góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền tư pháp, nền công vụ trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh và từng bước hiện đại.

 

[1] Giảng viên Khoa Luật và QLNN, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

[2] Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phát triển năng lực tư duy phản biện cho sinh viên ngành Luật ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ, Hà Nội, 2018, tr.12.

[3]TS. Lê Thị Hồng Vân , Rèn luyện “kỹ năng mềm” cho sinh viên ngànhluậtqua việc giảng dạy môn kỹ năng nghiên cứu và lập luận, Tham luận nghiên cứu khoa học, Đại học Luật TP HCM, 2014.

 

Tác giả: ThS. Mai Nguyệt Minh
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 HỘI NGHỊ THẨM ĐỊNH ĐỀ TÀI SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP KHOA NĂM HỌC 2018 - 2019 (01/04/19)
 Lịch nghiệm thu Đề tài SV NCKH cấp Khoa năm học 2018 - 2019 (21/03/19)
 TẦM QUAN TRỌNG CỦA HỌC PHẦN VĂN BẢN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI SINH VIÊN NGÀNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC (03/03/19)
 TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGHIÊN CỨU KHOA HỌC (03/03/19)
 QUY HOẠCH QUẢN LÍ ĐÔ THỊ Ở LÀO VỚI QUY HOẠCH QUẢN LÍ ĐÔ THỊ Ở VIỆT NAM  (27/02/19)
 TỪ ĐIỂN CHUYÊN NGÀNH VIỆT – LÀO (Phần 1) (24/02/19)
 MỘT SỐ VĂN BẢN, CHÍNH SÁCH MỚI TRONG THỜI GIAN TỚI (24/02/19)
 Sách “Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển” – những gợi mở cho quá trình xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ ở nước ta hiện nay (23/02/19)
 THÔNG BÁO VỀ KIỂM TRA TIÊN ĐỘ ĐỀ TÀI NCKH SINH VIÊN NĂM HỌC 2018-2019 (13/02/19)
 CÔNG TÁC QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ THÀNH NHÀ HỒ-THANH HÓA (21/01/19)
    Hôm nay 20916
    Hôm qua 25096
    Tuần này 74395
    Tháng này 346251
    Tất cả 7151831
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường