Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
CÔNG TÁC QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ THÀNH NHÀ HỒ-THANH HÓA

Nội san số 02 - Khoa Luật & QLNN

     Thanh Hóa nằm ở Bắc Trung Bộ và được biết đến như cửa ngõ nối liền miền Bắc và miền Trung. Thanh Hóa bao gồm 7 dân tộc anh em cùng sinh sống như Kinh, Mường,Thái, H'mông ... nên đời sống văn hóa vô cùng phong phú.

      Ngoài ra, Thanh Hóa còn được biết đến với những cảnh thiên nhiên, núi non hùng vĩ và nhiều bãi biển đẹp. Thanh Hóa một trong những vùng đất có nền văn hóa và truyền thống lịch sử phong phú và đa dạng. Bởi vậy, Thanh Hóa luôn có những nét hấp dẫn đặc biệt khiến nhiều du khách muốn tìm đến để khám phá vẻ đẹp của vùng đất xứ Thanh.

       Thành nhà Hồ hay còn gọi là Thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai là kinh đô nước Đại Ngu ( quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ ), nằm trên địa phận nay thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Thành được xây dựng trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 3 tháng ( từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397 ) và cho đến nay, dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng một số đoạn của tòa thành này còn tương đối nguyên vẹn.

      Thành Tây Đô được xây vào năm 1937 dưới triều Trần do quyền thần Hồ Quý Ly chỉ huy, người không lâu sau lập ra nhà Hồ (1400 ). Theo sử sách, thành bắt đầu xây dựng vào mùa xuân tháng 1 năm Đinh Sửu niên hiệu Quang Thái thứ 10 đời vua Thuận Tông của vương triều Trần. Người quyết định chủ trương xây dựng là Hồ Quý Ly, lúc bấy giờ giữ chức Nhập nội Phụ chính Thái sư Bình chương quân quốc trọng sự, tước Tuyên Trung Vệ quốc Đại vương, cương vị Tể tướng, nắm giữ mọi quyền lực của triều đình. Người trực tiếp tổ chức và điều hành công việc kiến tạo là Thượng thư bộ Lại Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh ( có sách chép Mẫn ). Hồ Quý Ly xây thành mới ở động An Tôn ( nay thuộc địa phận các xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa ), làm kinh đô mới với tên Tây Đô, nhằm buộc triều Trần dời đô vào đấy với mục tiêu chuẩn bị phế bỏ vương triều Trần. Tháng 3 năm Canh Thân ( 26-3 đến 24-4-1400 ) vương triều Hồ thành lập ( 1400 - 1407 ) và Tây Đô là kinh thành của vương triều mới, thành Thăng Long đổi tên là Đông Đô vẫn giữ vai trò quan trọng của đất  nước. Vì vậy thành Tây Đô được dân gian quen gọi là Thành nhà Hồ. Thành đá được xây dựng trong một thời gian kỷ lục, chỉ chừng 3 tháng. Các cấu trúc khác như các cung điện, rồi La Thành phòng vệ bên ngoài, đàn Nam Giao ... còn được tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cho đến năm 1402.

       Theo chính sử, thành được xây dựng rất khẩn trương, chỉ trong 3 tháng. Thành Tây Đô ở vào địa thế khá hiểm trở, có lợi thế về phòng ngự quân sự hơn là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa. Vị trí xây thành đặc biệt hiểm yếu, có sông nước bao quanh, có núi non hiểm trở, vừa có ý nghĩa chiến lược phòng thủ, vừa phát huy được ưu thế giao thông thủy bộ. Như mọi thành quách bấy giờ, thành bao gồm thành nội và thành ngoại. Thành ngoại được đắp bằng đất với khối lượng gần 100.000 mét khối, trên trồng tre gai dày đặc cùng với một vùng hào sâu có bề mặt rộng gần tới 50 m bao quanh.

Bên trong thành ngoại là thành nội có mặt bằng hình chữ nhật chiều Bắc - Nam dài 870,5m, chiều Đông - Tây dài 883,5m. Mặt ngoài của thành nội ghép thẳng đứng bằng đá khối kích thước trung bình 2 m x 1 m x 0,70 m, mặt trong đắp đất. Bốn cổng thành theo chính hướng Nam - Bắc - Tây - Đông gọi là các cổng tiền - hậu - tả - hữu (Cửa Tiền hay còn gọi là Cửa Nam, Cửa Hậu còn gọi là Cửa Bắc, cửa Đông Môn và cửa Tây Giai). Các cổng đều xây kiểu vòm cuốn, đá xếp múi bưởi, trong đó to nhất là cửa chính Nam, gồm 3 cửa cuốn dài 33,8 m, cao 9,5 m, rộng 15,17 m. Các phiến đá xây đặc biệt lớn (dài tới 7 m, cao 1,5 m, nặng chừng 15 tấn).

Các cung điện, dinh thự trong khu vực thành đã bị phá huỷ, di tích còn lại hiện nay là 4 cổng thành bằng đá cuốn vòm, tường thành và đặc biệt là Di tích Đàn tế Nam Giao còn khá nguyên vẹn. Trong các phế tích đáng chú ý có nền chính điện chạm một đối  tượng rồng đá rất đẹp dài 3,62 m.

Thành Tây Đô thể hiện một trình độ rất cao về kĩ thuật xây vòm đá thời bấy giờ. Những phiến đá nặng từ 10 đến 20 tấn được nâng lên cao, ghép với nhau một cách tự nhiên, hoàn toàn không có bất cứ một chất kết dính nào. Trải qua hơn 600 năm, những bức tường thành vẫn đứng vững.

Được xây dựng và gắn chặt với một giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam, với những cải cách của vương triều Hồ và tư tưởng chủ động bảo vệ nền độc lập dân tộc, Thành Nhà Hồ còn là dấu ấn văn hóa nổi bật của một nền văn minh tồn tại tuy không dài, nhưng luôn được sử sách đánh giá cao. Thành hình gần vuông, mỗi cạnh trên dưới 800m và chu vi trên 3,5 km. Thành phía ngoài xây bằng đá, bên trong xây bằng đất đầm nện chắc, mở bốn cửa theo bốn hướng Nam, Bắc, Đông, Tây. Tường thành đá bên ngoài xây bằng những khối đá nặng trung bình 10-16 tấn, có khối nặng đến trên 26 tấn, được đẽo gọt khá vuông vắn và lắp ghép theo hình chữ công (I) tạo nên sự liên kết kiên cố. Đất đắp bên trong thoai thoải dần. Thành qua thời gian trên 6 thế kỷ đã bị bào mòn và có chỗ bị sạt lở, nhưng di tích tường thành chỗ còn lại vẫn dày khoảng 4-6m, chân thành rộng khoảng trên 20m. Bốn cửa thành xây theo kiểu vòm cuốn, bằng đá, riêng cửa Nam là cửa chính có ba cổng ra vào, dài trên 34m, cao hơn 10m. Hào bao quanh thành cho đến nay vẫn còn có đoạn rộng khoảng 10-20m và La thành bảo vệ vòng ngoài. Theo sử liệu, trên thành còn xây tường bằng gạch mà khảo cổ học đã phát hiện khá nhiều, trên nhiều viên gạch còn khắc tên đơn vị các làng xã được điều động về xây thành. Ngoài ra còn nhiều kiến trúc khác, trong đó đàn Nam Giao xây trên sườn phía Tây Nam núi Đốn Sơn bằng đá quy mô khá lớn. Hiện các kiến trúc cung điện, tường gạch bên trên thành cùng các bộ phận bằng gạch, gỗ bị sụp đổ, hủy hoại và tòa thành cũng không tránh khỏi có phần bị sạt lở, nhưng gần như tổng thể kiến trúc bằng đá vẫn tồn tại.

     Thành nhà Hồ đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1962. Mặc dù có nhiều dự án tôn tạo nhưng vẫn chưa được triển khai và thiếu công tác nghiên cứu cơ bản, các cổ vật đang bị phân tán và tòa thành bị tôn tạo "không đúng cách".

       Tháng 6 năm 2011, thành Tây Đô đã được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây là Di sản văn hóa thế giới thứ năm của Việt Nam sau phố cổ Hội Ancố đô Huếthánh địa Mỹ Sơn, và Hoàng thành Thăng Long.

       Là Di sản văn hóa thế giới tồn tại hơn 600 năm, được UNESCO công nhận và xếp hạng, di tích Thành nhà Hồ là niềm tự hào không chỉ của người dân huyện Vĩnh Lộc mà còn của nhân dân tỉnh Thanh Hóa và cả nước. Thế nhưng, hiện nay trong việc khai thác điểm du lịch lịch sử, văn hóa này vẫn còn bộc lộ nhiều điều bất cập cần sớm khắc phục kịp thời.

       Để tạo sức hút đối với du khách, đầu năm 2012, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư gần 22 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch ở di sản này. Cùng với đó, các cơ quan chức năng đã tiến hành khai quật nhiều công trình kiến trúc đá độc đáo, tìm thấy hàng ngàn di vật cổ có giá trị như: Đàn tế Nam Giao, con đường Hoa Nhai, công trường khai thác đá cổ ở núi An Tôn, các di vật gạch cổ đời Đường, đồ gốm sứ và nhiều viên đạn đá của súng thần công ... Chính vì vậy, khu di tích lịch sử, văn hóa này ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế về thăm. Theo số liệu thống kê, tính từ tháng 1 dến tháng 5 - 2013, đã có 27 nghìn lượt du khách đến thăm thành nhà Hồ, trong đó 10 nghìn lượt người là khách nội tỉnh và gần 17 nghìn lượt người là khách ngoại tỉnh và quốc tế. Trong đó có không ít đoàn khách quốc tế là các nhà khảo cổ, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Đến thăm Thành nhà Hồ, du khách được chiêm ngưỡng nét đẹp văn hóa cổ kính của Kinh đô nước Đại Ngu.

       Tuy nhiên, ở khu di tích lịch sử này vẫn còn khá nhiều " hạt sạn " cần được chấn chỉnh kịp thời. Ví dụ, hệ thống giao thông  khu di tích này chưa được mở rộng đúng tầm, nên việc đi lại của du khách vẫn còn gặp không ít khó khăn. Đã thế, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn manh mún, dịch vụ nghèo nàn, chưa có các khu vui chơi, nghỉ ngơi níu chân du khách ở lại dài ngày. Bên cạnh đó, hiện tại một số hộ dân trên địa bàn vẫn ngang nhiên xây dựng, cơi nới trái phép, lấn chiếm đất đai trong khu vực bảo vệ. Tình trạng người dân địa phương cấy lúa, trồng hoa màu và chăn thả trâu bò tự do trong khu di tích vẫn khá phổ biến. Ngoài ra,vào những buổi chiều hằng ngày, các em học sinh trong vùng kéo đến tham quan, chơi đùa nhưng chưa có ý thức bảo vệ. Tuy nhiên, trong thời gian tham quan không hề có bóng dáng của lực lượng bảo vệ đi tuần tra, nhắc nhở, xử lí những hành vi vi phạm.

       Di sản văn hóa không chỉ được coi là tài sản có giá trị giáo dục truyền thống, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ, mà còn là một nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Di sản văn hóa là một lĩnh vực được quan tâm đặc biệt, huy động được nhiều sự đóng góp của nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị. Nhà nước ta từ trung ương đến địa phương đã ban hành các văn bản về quản lý di sản. Nhiều đề tài khoa học,nhiều dự án quy hoạch được thực hiện, nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian được khôi phục, bảo tồn, khai thác và phát huy; một số di sản văn hóa phi vật thể nằm ở tầng sâu của văn hóa dân gian đã được nghiên cứu, khôi phục và trở thành di sản văn hóa thế giới.

      Hiện nay, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng còn nhiều bất cập. Nguy cơ thất truyền, mai một của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể và sự xuống cấp của các di tích lịch sử vẫn còn ở mức báo động; việc phát huy giá trị các lễ hội truyền thống còn nhiều hạn chế, hiện tượng thương mại hóa trong lễ hội chưa được ngăn chặn một cách có hiệu quả; sự hạn hẹp về kinh phí để bổ sung hiện vật cho bảo tàng; nạn trộm cắp, buôn bán cổ vật vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng lấn chiếm di tích, danh lam thắng cảnh; hiện tượng xây dựng trái phép, tu bổ di tích sai nguyên tắc chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời .....

       Trong cuộc sống xã hội ngày càng sôi động, thì không gian dành cho các loại hình văn hóa truyền thống ngày càng thu hẹp hoặc bị thay đổi. Giới trẻ hiện nay số đông không hiểu hết giá trị các di sản văn hóa, mà có xu hướng ưa chuộng những hình thức nghệ thuật mới,hiện đại, ít quan tâm tìm hiểu cái hay,cái đẹp của nghệ thuật dân tộc.

        Thực tiễn đã chứng minh không có ai có thể giữ gìn di sản văn hóa tốt hơn, hiệu quả hơn chính chủ nhân của các loại hình di sản văn hóa ấy. Di sản văn hóa không thể đứng ngoài sinh hoạt của cộng đồng dân cư, hoặc đứng ngoài không gian văn hóa của nó. Để có thể duy trì sức sống cho di sản văn hóa vốn đã được nhân loại tôn vinh, thì trước hết, các di sản văn hóa ấy phải được bảo tồn như nó vốn có, phải được sống ,được tôn vinh, được thừa nhận ngay trong chính đời sống của cộng đồng. Cho nên, cần ứng xử với di sản văn hóa bằng lòng tự hào dân tộc, bằng hiểu biết và niềm đam mê cái đẹp, bằng cái cảm sự tinh túy các di sản văn hóa.

         Muốn có được điều ấy, chúng ta cần tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục sự hiểu biết các tri thức văn hóa nói chung và di sản văn hóa dân tộc nói riêng, từ đó khơi dậy và nhân lên niềm đam mê, ý thức bảo vệ di sản trong thế hệ trẻ. Phương thức giáo dục của chúng ta từ xưa đến nay là gắn lý thuyết với thực hành, gắn nhà trường với địa phương. Nội dung các môn học đều có đề cập đến giáo dục giá trị truyền thống ( hay giáo dục di sản ). Trong chương trình xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, có 2 nội dung liên quan đến bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa: Tổ chức đời sống văn hóa tinh thần trong nhà trường gắn với việc khai thác văn hóa dân gian; chăm sóc di sản gắn với tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa. Có nghĩa là bao gồm cả việc giáo dục di sản và giáo dục thông qua di sản, làm cho học sinh hiểu biết về di sản, từ đó có tình cảm, đạo đức, niềm tự hào về các giá trị truyền thống của dân tộc đất nước.

         Những hoạt động giáo dục di sản cho thế hệ trẻ cũng đã được ngành giáo dục và toàn xã hội quan tâm, tuy nhiên phải thừa nhận rằng, hoạt động giáo dục di sản chưa thu hút được sự quan tâm đầy đủ của các cấp quản lý, của các ngành, các nhà trường và toàn xã hội. Năng lực tổ chức hoạt động giáo dục di sản cũng như các điều kiện dành cho nó ( kinh phí, thời gian, nhân lực ... ) chưa được đầu tư đúng mức. Các nội dung giáo dục di sản cũng chưa được vận dụng linh hoạt vào đặc điểm của từng địa phương, chưa khai thác sâu và rộng, nói cách khác là tiềm năng của di sản chưa được phát huy. Các hoạt động vẫn chỉ mang tính phong trào, vận động. Việc phối hợp các lực lượng giáo dục di sản cũng chưa chặt chẽ, cơ chế và sự vận hành phối hợp chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, để việc giáo dục di sản cho thế hệ trẻ phát huy hết hiệu quả của nó, cần phải có chỉ đạo hướng dẫn và tạo điều kiện đầy đủ của các cơ quan chức năng.

      Trước hết cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa của giáo dục di sản. Các hoạt động giáo dục di sản văn hóa rất phù hợp với tâm lý lứa tuổi các em học sinh là ham tìm tòi, khám phá, trải nghiệm; giảm thiểu sự hàn lâm hóa kiến thức trong dạy học. Chính việc giáo dục di sản sẽ làm tăng thêm vốn hiểu biết của học sinh về văn hóa, xã hội, bồi đắp thêm lòng yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về truyền thống của dân tộc. Cũng thông qua giáo dục di sản, sẽ huy động mọi lực lượng trong xã hội cùng tham gia vào bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa.

      Các ngành liên quan cần phối hợp xây dựng và ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về giáo dục di sản, như hướng dẫn tổ chức học tập ở các bảo tàng, di tích, thư viện, danh lam thắng cảnh; biên soạn tài liệu giới thiệu di sản vật thể và phi vật thể một cách hoàn chỉnh; lập website về di sản; tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý về giáo dục di sản; từng bước đưa nội dung giáo dục di sản vào đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm,trường văn hóa nghệ thuật.

       Cần nâng cao chất lượng phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Khuyến khích các địa phương tiếp tục chủ động, sáng tạo những mô hình mới, sáng kiến mới trong giáo dục di sản và tổ chức tổng kết,phổ biến các kinh nghiệm hay, lời nói phải ...

       Vẫn biết rằng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là nhiệm vụ của toàn dân, toàn xã hội song ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và hội Di sản văn hóa các cấp sẽ có vai trò to lớn trong việc phổ biến, giáo dục khoa học nâng cao trách nhiệm của nhân dân và huy động nguồn lực trong cộng đồng tham gia sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Bằng các giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ như : Kiểm kê phổ thông di sản văn hóa, lựa chọn, lập hồ sơ xếp hạng di sản văn hóa; khai quật các di tích khảo cổ học; trùng tu, tôn tạo, khôi phục di tích lịch sử; nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng các sưu tập hiện vật trưng bày trong bảo tàng; nghiên cứu giá trị khoa học các di sản; tổ chức lễ hội truyền thống; tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa; nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục, truyền dạy và phổ biến; lập quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử ... nhằm đưa tài nguyên di sản văn hóa thành những sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo của nhân dân;đồng thời đưa tiềm năng giá trị di sản văn hóa thành những sản phẩm du lịch độc đáo.đặc trưng thực sự hấp dẫn du khách, làm cho những di sản văn hóa không  những chỉ là tài sản vô giá của dân tộc mà còn trở thành tài nguyên để phát triển du lịch bền vững, đồng nghĩa với việc phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

       Di sản văn hóa là một bộ phận rất quan trọng của nề văn hóa dân tộc;là chứng tích cho sự phát triển của cộng đồng. Nhân dân lao động vừa là chủ nhân,vừa là lực lượng nòng cốt để xây dựng nên kho tàng di sản văn hóa ấy. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm của toàn dân và toàn xã hội . Thế hệ trẻ là chủ nhân của đất nước, là người sở hữu các di sản văn hóa. Giáo dục di sản văn hóa và giáo dục thông qua các di sản văn hóa cho thế hệ trẻ là góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tác giả: Sinh viên Lê Thị Thu Hương - Lớp QLNN K2
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA CHẾ ĐỊNH CHỦ TỊCH NƯỚC TRONG HIẾN PHÁP NĂM 2013 (21/01/19)
 STARTUP- VẤN ĐỀ KHỞI NGHIỆP CỦA SINH VIÊN (21/01/19)
 Hội nghị Nghiệm thu đề tài cơ sở năm 2018 của ThS. Mai Nguyệt Minh (05/01/19)
 VẤN ĐỀ HOÀN THIỆN KỸ NĂNG GIẢNG DẠY ĐẠI HỌC CỦA GIẢNG VIÊN KHOA LUẬT&QLNN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA (26/11/18)
 Hợp đồng lao động có thời hạn được ký tối đa mấy lần? (29/10/18)
 Di chúc viết tay không người làm chứng có giá trị không? (29/10/18)
 PHÂN BIỆT GIỮA KHIẾU NẠI VÀ TỐ CÁO THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH (29/10/18)
 Một số phương pháp học tập của sinh viên (25/10/18)
 KINH NGHIỆM HỌC TẬP TIẾNG VIỆT CỦA BẢN THÂN ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC THÀNH TÍCH TỐT (25/10/18)
 Kinh nghiệm học tập của sinh viên (25/10/18)
    Hôm nay 5206
    Hôm qua 16498
    Tuần này 101142
    Tháng này 384893
    Tất cả 6735213
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường