Nghiên cứu khoa học
GẮN LÝ LUẬN VỚI THỰC TIỄN TRONG GIẢNG DẠY CÁC MÔN KHOA HỌC MÁC-LÊNIN Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA – THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA HIỆN NAY

GẮN LÝ LUẬN VỚI THỰC TIỄN TRONG GIẢNG DẠY

CÁC MÔN KHOA HỌC MÁC-LÊNIN
Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA – THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA 
HIỆN NAY

TS Nguyễn Thị Tình[1]

Trong hệ thống chương trình giáo dục đại học, cao đẳng hiện nay, các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ trang bị cho sinh viên những kiến thức   cơ bản  về chủ nghĩ Mác - Lênin, tư tưởng          Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn góp phần hình thành ở sinh viên bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống, định hướng suy nghĩ và hành động; nâng cao ý thức trách nhiệm và thái độ tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Tuy nhiên, trong những năm qua trong giảng dạy và học tập các môn này ở trường Đại học Văn hóa – thể thao và du lịch Thanh Hóa (VH-TT&DL TH) chưa đạt được kết quả như mong muốn. Qua tìm hiểu cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó một trong những nguyên nhân chủ yếu do người dạy chưa gắn được lý luận với thực tiễn trong truyền đạt kiến thức cho người học.

  1. Thực trạng gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy các môn khoa học Mác - Lêninở trường ĐH VH-TT&DL Thanh Hóa

Thống nhất giữa lý    luận  và  thực tiễn  là yêu  cầu  quan trọng trong giảng dạy đại học, cao đẳng, đặc biệt trong giảng dạy các môn
khoa học Mác - Lênin. Vì vậy, gắn lý luận với thực tiễn là linh hồn,
xương sống cho sự thành công, cho việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu các môn khoa học Mác - Lênin ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay.

Trong những năm qua, công tác giảng dạy học tập các môn khoa học Mác - Lênin ở trường Đại học VH-TT&DL Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, việc gắn lý luận với thực tiễn còn hạn chế, làm cho tính thiết thực của lý luận bị giới hạn, tính trừu tượng của lý luận càng cao, làm cho người học khó tiếp thu và khó vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Thực tế, việc giảng dạy các môn lý những năm qua cho thấy lý luận chưa phản ánh kịp những biến đổi của thực tiễn, chưa gắn liền với những sự kiện và những biến đổi của đất nước, địa phương.

Nội  dung, chương trình thường nặng về trình bày những nguyên lý, quy luật, các phạm trù của các môn khoa học Mác - Lênin; phần lớn nội dung liên hệ với thực tiễn thường nặng về thuyết minh, liệt kê chủ trương đường lối của Đảng, chưa chú trọng luận giải khoa học những quan điểm đó; chưa làm rõ được vai trò của các môn khoa học Mác - Lênin với chuyên ngành mà người học đang theo học. Hệ quả là nhiều giờ học trôi qua trong sự nhàm chán, nặng nề bởi bài giảng thiếu sinh động, thiếu hơi thở của cuộc sống. Thậm chí, trong nhiều giờ giảng, giảng viên hầu như chỉ chú ý đọc lại, nhắc lại nội dung có sẵn trong giáo trình, tài liệu. Từ đó, nhiều người cho rằng học các môn khoa học Mác - Lênin khô khan, thiếu sức sống, thiếu sức truyền cảm, không thực tế. Vì thế, nhiều sinh viên đến với các môn khoa học Mác - Lênin với một tâm lý đối phó, niềm đam mê hứng thú hầu như không có, chủ yếu học vẹt, học thuộc lòng, học sao cho miễn là vượt qua kỳ thi, còn bản chất vấn đề thì hầu như không hiểu hoặc không cần hiểu.

Nguyên nhân:

Thứ nhất, về thời lượng,  nội    dung, chương trình  giảng dạy chưa phù hợp.

Trong chương trình học của sinh viên trước đây gồm 3 môn (Triết hoc Mác - Lênin; Kinh tế chính trị học Mác - Lênin; Chủ nghĩa xã hội khoa học) với tổng thời gian là 225 tiết. Hiện nay gộp lại môn Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin với 5 tín chỉ 75 tiết. Nhìn về thời lượng thì rõ ràng đã được cắt giảm và chương trình về hình thức thì gọn nhẹ, nhưng nội dung thì không hề cắt giảm mà chỉ viết ngắn gọn lại, những yêu cầu phải truyền đạt và thi cử hầu như không thay đổi. Vì vậy, lượng kiến thức cần phải nắm của sinh viên quá nặng so với lượng thời gian hạn hẹp. Mặt khác, do thời lượng bị hạn chế nên giảng viên chỉ truyền tải nội dung cơ bản, mà không đủ thời gian để đưa ví dụ, liên hệ vận dụng sâu nội dung đặt ra.

Theo   đó, với  việc  giảm  thời  gian nên   chất  lượng  biên  soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy có nhiều hạn chế, nhiều phần viết quá cô đọng, ngắn gọn, khó hiểu... và chỉ mới dừng lại ở việc cắt xén, lắp ghép cơ học các giáo trình cũ, nội dung biên soạn còn mang tính lý thuyết, xa rời thực tiễn của đất nước và thế giới. Nghị quyết trung ương 5 khóa X của Đảng ta đã đánh giá: “Công tác lý luận còn lạc hậu trên một số mặt, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn đang vận động nhanh chóng, phong phú phức tạp”.“Chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục chính trị trong nhà trường chậm đổi mới, chưa theo kịp trình độ phát triển và yêu cầu xã hội, giảng dạy nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn”[2]. Điều đó, gây nhiều khó khăn cho giảng viên trong việc gắn kết giữa lý luận với thực tiễn trong giảng dạy; và sinh viên gặp nhiều khó khăn trong quá trình tự học, tự nghiên cứu.

Thứ hai, Trường ĐH VH-TT&DL Thanh Hóa là một trường đào tạo đa ngành trên nhiều lĩnh vực như: van hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch. Sinh viên của trường có nhiều đối tượng khác nhau, trong đó một bộ phận không nhỏ sinh viên khối các ngành nghệ thuật thường có thái độ lơ là với các môn đại cương, trong đó có các môn khoa học Mác – Lênin.

Thứ ba, Đội ngũ giảng viên các môn khoa học Mác – lênin được đào tạo bài bản, chính quy. 100% trên đại học nhưng đa số tuổi đời còn trẻ, về vốn sống, kinh nghiệm của một số giảng viên còn ít. Đối với các giảng viên trẻ thì việc thiếu vốn sống, thiếu tư liệu thực tiễn và khả năng vận dụng giữa lý luận và thực tiễn là phổ             biến. Nhiều giảng viên trẻ có phương pháp dạy tốt, có khả năng sư phạm, có khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy,  nhưng bài giảng vẫn thiếu sức thuyết phục, mang tính “lý thuyết suông” bởi thiếu tính thực tiễn. Mặc dù bài  giảng vẫn có nhiều ví dụ minh họa nhưng mang tính chung chung, thiếu những dẫn chứng, những ví dụ sinh động, nóng hổi tính thời sự của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội đang diễn ra hàng ngày hàng giờ liên quan đến những vấn đề mà giảng viên đang trình bày.

Đối với những giảng viên già dặn hơn trong nghề, có vốn sống, kinh nghiệm phong phú sinh động, trong bài giảng của họ hàm lượng thực tiễn nhiều nên bài giảng có sức sống, sức thuyết phục hơn. Tuy nhiên, đối với những giảng viên này lại bắt gặp một tình trạng đáng lo ngại đó là hiện tượng “xơ cứng” trong lấy các ví dụ minh họa thường ít được đổi mới mà bị lặp đi        lặp lại nhiều lần khi giảng bài. Một tình huống thực tiễn có thể được sử dụng cho nhiều bài giảng, minh họa cho nhiều nội dung với nhiều đối tượng khác nhau. 2. Giải pháp nâng cao hiệu quả gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin ở trường ĐH VH-TT&DL Thanh Hóa hiện nay.

                  Để gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy các môn khoa học Mác Lênin trong trường , theo chúng tôi cần thực hiện một số giải giáp sau:

- Thứ nhất, đẩy mạnh đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin thông qua biên soạn chương trình chi tiết và bài giảng của giảng viên. Khoa và bộ môn lý luận chính trị phải quan tâm xây dựng nội dung giảng dạy phù hợp với yêu cầu của thực tiễn sinh viên trong trường; phải mang tính thực tiễn cao, đảm bảo tính hệ thống nhất, tính khách quan, tính chính xác, tính hiện đại, đảm bảo nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong từng bài, từng chương.

Các chủ đề học tập   cần tăng cường mối   liên hệ với thực tiễn xã hội, thực tiễn nghề nghiệp và sự phát triển của thực tiễn cuộc sống. Nội dung, chương trình đào tạo cần bảo đảm tính vừa toàn                  diện, vừa chuyên sâu, thiết thực như     Bác Hồ yêu cầu “cốt thiết thực, chu đáo, hơn tham nhiều”, khắc phục tình trạng nặng về lý luận, chỉ tập trung trình bày những nguyên lý, quy luật, phạm trù... một cách chung chung, còn phần ý nghĩa thực tiễn trình bày sơ lược. Ở phần cuối của bài giảng nên có tổng kết nội dung toàn bài, xây dựng hệ thống câu hỏi nghiên cứu mang tính tìm tòi và phát huy trí tuệ của của sinh viên, giảm bớt những câu hỏi bắt buộc sinh viên lưu giữ thông tin một cách máy móc.

- Thứ hai, tích cực đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin. Đối với các môn khoa học Mác - Lênin có một đặc thù là mang tính trừu tượng và khái quát cao, luôn gắn liền với thực tiễn cuộc sống, cho nên để gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy cần phải chú trọng đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Tùy từng vấn đề, từng nguyên lý, luận điểm ở từng                bài cụ thể mà  sử dụng các phương pháp khác nhau.

Giảng dạy các môn khoa học lý luận trong xu thể hiện nay không nên sử dụng phương pháp “thuyết giảng truyền thống”, mà cần phải đổi mới theo hướng kết hợp cả phương pháp truyền thống và hiện đại, phải làm cho các bài giảng có đầy đủ tính lý luận, tính tư tưởng, tính thực tiễn và tính sáng tạo. Muốn thế, phải đổi mới phương pháp thuyết giảng truyền thống cho phù hợp với yêu cầu giảng dạy mới. Cần kết hợp phương pháp thuyết giảng với các phương pháp dạy học tích cực như phương pháp nêu vấn đề, trao đổi, đối thoại.., kiên quyết khắc phục lối dạy “độc thoại” thông báo thông tin một chiều, nặng về lý thuyết, áp đặt thụ động, máy móc lý luận xa rời thực tiễn không phát huy được tính tích cực sáng tạo của người học. Tăng cường sử dụng các hình thức, phương pháp đối thoại như Xêmina, bài tập tình huống... để cho người học được quyền thảo luận, tranh luận, vận dụng lý luận giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra dưới sự dẫn dắt, định hướng của giảng viên. Qua đó, nắm bắt những vấn đề lý luận, thực tiễn mà sinh viên chưa nắm chắc, chưa hiểu đúng, trên cơ sở đó giúp họ hiểu rõ vấn đề và biết cách vận dụng vào thực tiễn cuộc sống.

- Thứ ba, phát huy vai trò đội ngũ giảng viên - chủ thể trực tiếp của việc gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin. Đội ngũ giảng viên chủ thể trực tiếp của quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong trường. Vì thế, chất lượng hiệu quả của việc gắn kết giữa lý luận với thực tiễn trong quá trình giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin phụ thuộc rất lớn vai trò đội ngũ giảng viên. Để thực hiện có hiệu quả việc gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, giảng viên phải chú ý một số vấn đề cơ bản sau đây.

- Một là, giảng viên phải nắm vững các nội dung lý luận mà mình đang đảm nhiệm, để qua đó có sự lựa chọn liên hệ sát với thực tiễn. Nắm vững lý luận giúp giảng viên cần chọn phần      lý luận của mỗi bài để gắn với thực tiễn; đồng thời cần lựa chọn loại kiến thức thực tiễn nào, ở mức độ nào cho phù hợp. Không phải bất kỳ lý luận nào của bài giảng cũng cần gắn với thực tiễn, mà giảng viên phải biết lựa chọn những vấn đề lý luận quan trọng, khó hiểu, cần thiết phải làm sáng tỏ để lấy ví dụ minh họa làm cho lý luận trở nên dễ hiểu và có sức thuyết phục sinh viên. Mặt khác, một vấn đề lý luận có thể có nhiều vấn đề thực tiễn để liên hệ, phân tích chứng minh; và trong một bài giảng cần gắn lý luận với thực tiễn không chỉ một, hai lần. Do đó, để tránh sự trùng lặp, đơn điệu cũng như để các vấn đề thực tiễn đưa vào bài giảng sát, phù hợp với nội dung lý luận cần làm rõ thì nhất thiết giảng viên phải nắm vững kiến thức lý luận của từng chương mục, từng bài và toàn bộ nội dung bộ môn mà mình đảm nhiệm. Nắm vững tri thức lý luận giúp giảng viên khai thác tối đa ý nghĩa thực tiễn của tri thức, làm cho sinh viên nhận rõ tầm quan trọng của kiến thức lý luận đang lĩnh hội đối với hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của mình.

Hai là, giảng viên phải thường xuyên bám sát thực tiễn để bổ sung những ví dụ mới, thời sự, sinh động mang hơi thở cuộc sống. Chúng ta thấy rằng hệ thống tri thức khoa học Mác - Lênin rất rộng lớn, vừa mang tính trừu tượng, vừa mang tính phổ biến, song nó không xa rời mà luôn gắn liền với thực tiễn đời sống xã hội. Tuy nhiên, đời sống thực tiễn bao  giờ cũng phong phú, rộng lớn, sinh động. Để có được một hình ảnh thực tiễn hấp dẫn, sinh động, mang tính thời sự, tính chính xác cao, phù hợp với lý luận trong bài giảng đòi hỏi giảng viên phải lựa chọn, sàng lọc những ví dụ điển hình. Vì vậy, để gắn lý luận với thực tiễn thì người giảng viên không chỉ nắm chắc lý luận, mà        cần phải         có vốn sống phong phú, thường xuyên xâm nhập thực tế, tích cực khai thác thông tin ở các phương tiện truyền thông để cập nhật tri thức cũng như diễn biến thời sự trong nước và thế giới. Đồng thời, phải tích cực chịu khó nghiên cứu các tài liệu chính thống nhất là tác phẩm kinh điển, các văn kiện Hội nghị, Đại hội Đảng... đây là dạng thực tiễn có độ tin cậy chính xác cao, vừa có tính cụ thể, vừa có tính khái quát.

Ba là, giảng  viên phải    kết  hợp  linh hoạt  các phương   pháp trong giảng dạy. Trong thực tế một chủ đề, bài giảng không chỉ sử dụng một phương pháp, mà có thể sử dụng lồng ghép nhiều phương pháp khác nhau. Nhưng lựa chọn, sử dụng những phương pháp nào tùy thuộc vào đặc điểm của môn học, bậc học, với đối tượng người học, với điều kiện vật chất và phải bảo đảm theo hướng khoa học thiết thực hiện đại, gắn với yêu cầu cuộc sống. Với đặc điểm các môn lý luận Mác - Lênin có tính khái quát và trừu tượng cao, vì thế để gắn lý luận với thực tiễn đạt hiệu quả cao, trong quá trình giảng dạy người giảng viên phải tích cực kết linh hoạt các phương pháp. Phải kết hợp một cách khéo léo, nhuần nhuyễn phương pháp thuyết trình với các phương pháp tích cực khác như nêu vấn đề, trao đổi, đàm thoại...

Bốn là, phải đảm bảo tính khoa học khi đưa các yếu tố thực tiễn vào bài giảng. Đời sống thực tiễn luôn phong phú sinh động, nhưng không phải yếu tố thực tiễn nào cũng đưa vào bài giảng, mà tùy theo nội dung lý luận để lựa chọn loại hình, cấp độ thực tiễn cho phù hợp. Những yếu      tố thực                                tiễn vận dụng vào bài giảng phải có tính điển hình, tính chính xác, phải mang tính thời sự đang được xã hội quan tâm, phù hợp với nội dung lý luận cần được phân tích chứng minh. Mỗi vấn đề thực tiễn đưa ra, giảng viên cần phải phân tích để người học thấy được nội dung thực tiễn đó phù hợp với vấn đề lý luận cần chứng minh làm rõ.

Năm là, giảng viên phải nắm chắc đối tượng sinh viên. Trường ĐH VH_TT&DL Thanh Hóa có nhiều đối tượng sinh viên khác nhau. Mỗi đối tượng có nội dung, phương pháp và hình thức giảng dạy khác nhau. Mặt khác, cùng một nội dung bài học nhưng áp dụng cho các đối tượng khác nhau sẽ có phương pháp khác nhau và sử dụng những kiến thức thực tiễn        cũng có sự tiếp cận luận giải với tính chất, cấp độ khác nhau. Vì thế nắm chắc đối tượng sẽ giúp giảng viên lựa chọn kiến thức thực tiễn hoặc cách khai thác nhấn mạnh khía cạnh nào đó trong cùng một sự kiện để phù hợp với đối tượng.

Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn khoa học Mác - lênin, gắn lý luận với thực tiễn là chúng ta kế thừa, phát huy mặt tích cực, khắc phục mặt hạn chế của phương pháp dạy học truyền thống, sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại vào bài giảng, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của nhà trường. Đây là một phương pháp đã được chứng minh là mang lại hiệu quả cao, tạo động lực kích thích tư duy, khả năng độc lập, sáng tạo của sinh viên cũng như làm cho giảng viên chủ động và tránh được giáo điều trong giảng dạy lý luận. Những ưu điểm trên cũng chính là những điều mà phương pháp này đóng góp vào để nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận ở trường Đại học VH-TT&DL Thanh Hóa trong giai đoạn mới. Giảng viên là người trang bị, phương pháp, phương hướng cho người học, nói cách khác là giảng viên trang bị cho học viên cái cần để họ tự câu lấy cá.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  •  Đảng Cộng sản Việt nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa X, Nxb CTQG, H.2007, tr.19,20
  •  V.I.Lênin, Toàn tập, tập 45 Nxb Tiến bộ M, 1978, tr.30; 428
  • C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H.1995, tr.9 - 10
  • Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.1996, tr.234
  • Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb CTQG, ST.2011, tr.96

 

 

[1] Khoa Giáo dục đại cương – Ngôn ngữ Anh

[2] Đảng Cộng sản Việt nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa X, Nxb CTQG, H.2007, tr.19,20

In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 VĂN HÓA - ĐỐI TƯỢNG ĐẶC BIỆT CỦA KINH TẾ DU LỊCH TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ HIỆN NAY Ths Nguyễn Thị Tình Trường Đại học Văn hóa – Thể thao và du lịch Thanh Hóa (21/12/20)
 Tại sao các bạn trẻ lại theo học ngành ngôn ngữ Anh?  (21/12/20)
 Ngôn ngữ Anh – Học một ngành, cơ hội nhiều nghề  (21/12/20)
 HỌC NGÔN NGỮ ANH RA LÀM GÌ? CÁC CÔNG VIỆC CÓ MỨC LƯƠNG CAO (21/12/20)
 7 CÔNG VIỆC HẤP DẪN VỚI TẤM BẰNG NGÔN NGỮ ANH (21/12/20)
 TẦM QUAN TRỌNG CỦA TIẾNG ANH TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP TOÀN CẦU (30/08/19)
 HỌC NGÀNH NGÔN NGỮ ANH YÊU CẦU NHỮNG GÌ? (30/08/19)
 PHƯƠNG PHÁP DẠY VÀ HỌC TỪ VỰNG TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH HIỆU QUẢ (12/09/18)
 PHƯƠNG PHÁP DẠY KỸ NĂNG PHIÊN DỊCH CHO SINH VIÊN NGÀNH NGÔN NGỮ ANH (20/08/18)
  TIẾNG ANH – GIẢI PHÁP CHO THỜI KỲ HỘI NHẬP QUỐC TẾ (20/08/18)
Hôm nay 293
Hôm qua 1506
Tuần này 5228
Tháng này 27454
Tất cả 1443258
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA NGOẠI NGỮ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường