Nghiên cứu khoa học
VĂN HÓA - ĐỐI TƯỢNG ĐẶC BIỆT CỦA KINH TẾ DU LỊCH TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ HIỆN NAY Ths Nguyễn Thị Tình Trường Đại học Văn hóa – Thể thao và du lịch Thanh Hóa

VĂN HÓA - ĐỐI TƯỢNG ĐẶC BIỆT CỦA KINH TẾ DU LỊCH TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ HIỆN NAY

 

Ths Nguyễn Thị Tình

Trường Đại học Văn hóa – Thể thao và du lịch Thnah Hóa

 

Văn hóa từ trước đến nay thường được quan niệm là lĩnh vực phi kinh tế, nhưng trong bối cảnh hội nhập hiện nay thì văn hóa đã trở thành một đối tượng đặc biệt của kinh tế, góp phần không nhỏ trong sự đóng góp vào GDP của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, cần có sự quan tâm đầu tư hợp lý cho lĩnh vực này trong giai đoạn phát triển mới nhằm đem lại sự phát triển chung cho nền kinh tế - xã hội.

Sinh thời Bác Hồ đã từng nói: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội”[1]. Như vậy có thể thấy được vai trò quan trọng của văn hóa đối với kinh tế, đặc biệt là sự gắn bó chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa. Trong tổng thể xã hội, cả bốn hệ thống văn minh kinh tế, chính trị, văn hóa, sinh thái phải nằm trong một chỉnh thể hữu cơ gắn bó, thúc đẩy lẫn nhau, không thể tách rời vì sự biệt lập từng bộ phận sẽ kéo lùi phát triển. Chỉ có sự phát triển nhịp nhàng giữa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và tạo ra sự phát triển hài hòa giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần mới bảo đảm cho sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội.

Văn hóa phản ánh gương mặt tinh thần của nhân dân và trình độ văn minh của dân tộc, là lực lượng tinh thần và nhân tố trí lực có tác dụng thúc đẩy phát triển toàn diện xã hội. Sự phát triển văn hóa trong việc thỏa mãn nhu cầu văn hóa ngày một tăng cao của nhân dân, nâng cao tinh thần yêu nước, tố chất văn hóa khoa học và tố chất đạo đức tư tưởng của toàn dân tộc, hình thành lý tưởng và khát vọng chung của tất cả mọi thành viên trong xã hội, thực sự là nền tảng tinh thần và trụ cột tinh thần quan trọng không gì thay thế được.

Có một thời gian dài nhiều người quan niệm văn hoá là lĩnh vực hoạt động phi kinh tế; nghĩa là trong lĩnh vực này, các quá trình lao động không tạo ra giá trị và giá trị thặng dư. Khi nền kinh tế của đất nước đã chuyển đổi sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN thì thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực văn hoá cũng biến động rất nhanh và có rất nhiều vấn đề đặt ra. Trong bối cảnh quá trình toàn cầu hoá ngày càng gia tăng, kinh tế và văn hoá có thể được xem là hai nguồn lực lớn nhất quy định hành vi của con người.  Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hoá cũng như văn hoá và phát triển không chỉ thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu mà còn của nhiều chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Hơn thế nữa, trong những năm gần đây văn hóa, các giá trị văn hóa đã trở thành một nguồn lực cho phát triển kinh tế, trước hết là vai trò thu hút khách du lịch của văn hóa, nghệ thuật. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự chọn lựa tất nhiên để phát triển sức sản xuất xã hội nhằm tiến tới hiện đại hóa đất nước. Do đó, phát triển văn hóa tiên tiến song song với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực chất là để giải phóng và phát triển sức sản xuất xã hội, nhằm thỏa mãn nhu cầu văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Nó thống nhất một cách nội tại trong thực tiễn xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Bởi vậy, cần nắm chắc quan điểm chỉ đạo cơ bản: Chăm lo văn hóa là chăm lo xây dựng, củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh thì không có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và dù tiện nghi vật chất dồi dào, xã hội cũng không tránh khỏi nguy cơ suy thoái, biến chất. Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện.

Văn hóa không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực của sự phát triển kinh tế. Trong thời đại ngày nay, nguồn gốc của sự giàu có không chỉ là tài nguyên thiên nhiên, vốn, kỹ thuật mà yếu tố ngày càng quan trọng và quyết định là nguồn lực con người, là tiềm năng sáng tạo của con người. Tiềm năng này nằm trong văn hóa, trong trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, nhân cách, lối sống, ý chí, nghị lực, tài năng và sự thành thạo công việc của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Chung quy lại, tài nguyên quý nhất, cái vốn quý nhất là con người, là văn hóa, là nguồn lao động chất lượng cao, là nhân tài trong kinh tế tri thức, trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa đất nước. Không ít quốc gia có nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng rất nghèo đói, trái lại có quốc gia tài nguyên thiên nhiên rất nghèo nhưng kinh tế lại rất giàu chính là nhờ coi trọng nâng cao dân trí, hun đúc dân khí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nghĩa là rất coi trọng văn hóa.

Xét cho cùng, tài nguyên quý nhất, vốn quý nhất là con người. Con người Việt Nam là sự kết tinh nền văn hóa Việt Nam, vì vậy quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam cũng chính là quá trình thực hiện chiến lược con người, xây dựng và phát huy nguồn lực con người - nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển.    

Đây là khâu trung tâm của sự nghiệp xây dựng nền tảng tinh thần, tiềm lực văn hóa xã hội chủ nghĩa của đất nước ta. Tăng trưởng kinh tế là cực kỳ quan trọng đối với nước ta do điểm xuất phát rất thấp. Nếu kinh tế không tăng, đời sống vật chất nghèo nàn thì nói gì đến văn hóa. Nhưng xã hội phát triển không chỉ cần tăng trưởng kinh tế mà còn phải phát triển văn hóa, công bằng xã hội, lối sống lành mạnh, nền tảng tinh thần xã hội vững chắc và cao.

Ngày nay, trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày càng có nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa được đưa vào lưu thông trên thị trường. Cơ cấu ngành của lĩnh vực văn hóa ngày một phức tạp hơn. Văn hóa ngày nay không còn là một “thứ trang sức” tốn kém, mà đã trở thành một ngành kinh tế công nghiệp đặc biệt, có khả năng tự trang trải và tạo ra lợi nhuận. Hoạt động du lịch trở thành một hoạt động có bản chất đôi: vừa là hoạt động văn hóa , vừa là hoạt động kinh tế. Là hoạt động kinh tế, du lịch làm chức năng xuất khẩu tại chỗ, thu ngoại tệ, có thể đóng góp hơn 6 - 7 % cho GDP đất nước. Là hoạt động văn hóa, du lịch thực hiện chức năng giáo dục các giá trị văn hóa dân tộc cho nhân dân, truyền bá các giá trị văn hóa đó ra thế giới. Chính vì vậy có thể thấy trong hoạt động du lịch thể hiện rõ nguyên ly: trong văn hóa có kinh tế - trong kinh tế có văn hóa.

Việc lĩnh vực văn hóa trở thành ngành sản xuất - kinh doanh mang tính công nghiệp, chủ yếu là do sự tăng nhanh những nhu cầu tinh thần của con người, và sự tác động của văn hóa tới chất lượng nguồn vốn con người;  từ đó văn hóa tác động đến tăng trưởng kinh tế, chất lượng sống và môi trường sống.

Hiện nay, các lĩnh vực hoạt động du lịch cũng đã góp phần nâng cao các giá trị kinh tế trong văn hóa, đưa Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập mạnh mẽ vào thế giới, đặc biệt là trong các hoạt động phát triển du lịch hiện nay. Nếu trước đây, các nhu cầu về du lịch cũng như những hoạt động cung cấp sản phẩm du lịch chỉ mang tính chất thuần túy, phục vụ nhu cầu giản đơn của khách du lịch thì ngày nay dưới tác động của nền kinh tế thị trường, bối cảnh hội nhập quốc tế đã góp phần thúc đẩy, phát triển các hoạt động du lịch, các dịch vụ được thương mại hóa hoàn toàn đem lại giá trị kinh tế vô cùng to lớn, thúc đẩy sự phát triển của các khu du lịch nói riêng và nền kinh tế của đất nước nói chung.

Khi xã hội phát triển, đời sống vật chất đầy đủ thì sẽ là nhu cầu tất yếu về nâng cao đời sống tinh thần, điều đó tạo nên nhu cầu du lịch hiện nay phong phú. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc giao lưu, tìm hiểu khám phá các nền văn hóa, các địa danh văn hóa của con người ở các quốc gia khác nhau đang dần trở thành xu thế. Các nhu cầu cũng ngày một đa dạng hơn từ nhu cầu tham quan các danh lam thắng cảnh thiên nhiên và lịch sử văn hóa, các viện bảo tàng đến các hình thức vận động thể thao, giải trí, học tập và chữa bệnh, kể cả du lịch kết hợp với công việc (hội thảo khoa học, tư vấn, tiếp cận thị trường...). Nhất là trong vài năm trở lại đây, khi xác định được những giá trị phát triển văn hóa, kinh tế thông qua phát triển du lịch thì Việt Nam cũng đang dần có những chiến lược đầu tư và phát triển những tiềm năng du lịch vốn có. Nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực, chất lượng cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động du lịch cũng góp phần đem lại những giá trị kinh tế mới. Mặt khác, việc tạo nên những liên kết du lịch các vùng miền, phát huy triệt để những lợi thế về mặt tài nguyên du lịch cũng nhằm đem lại những giá trị kinh tế và văn hóa vô cùng to lớn cho đất nước.

Với những lợi thế về mặt tự nhiên như: Việt Nam có bờ biển dài, có sự đa dạng văn hóa vùng (miền) v.v... để phát triển văn hóa du lịch. Hay một số cụm, khu vực lân cận có chung về đặc điểm về sinh thái, khí hậu đã tạo nên những nét đặc trưng riêng trong việc liên kết các tuyến điểm du lịch, tạo sự phát triển đồng đều, triệt để những tiềm năng thế mạnh của từng địa phương. Điều này cho thấy những lợi nhuận về kinh tế do văn hóa đem lại là vô cùng to lớn, cần có những chiến lược đầu tư phát triển phù hợp để phát huy triệt để những nguồn lực văn hóa này.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, các hoạt động văn hóa nghệ thuật ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Dù nhiều hay ít trong bất cứ lĩnh vực nào cũng không thể thiếu sự góp mặt của các yếu tố văn hóa, các hoạt động thương mại hóa các sản phẩm văn hóa hiện nay đều mang chung cả mục đích văn hóa và kinh tế. Du lịch cũng không nằm ngoại lệ, thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật đó mà du lịch phát triển - mối quan hệ cộng sinh tất yếu.

Các hoạt động như việc trao đổi sản phẩm văn hóa nghệ thuật với nước ngoài được đẩy mạnh,chẳng hạn thông qua các Festival quốc tế như Festival pháo hoa quốc tế; theo lời mời của các đối tác, các nhà tài trợ; tham gia các cuộc thi âm nhạc quốc tế; những ngày văn hóa Việt Nam tại các nước hay những ngày văn hóa nước ngoài tại Việt Nam (Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Mỹ, Italia...).Việt Nam đã phối hợp với một số nước để tạo ra một số sản phẩm văn hóa nghệ thuật chung, thí dụ các vở kịch chung giữa nghệ sĩ Việt Nam với nghệ sĩ Mỹ, Pháp; tác phẩm điện ảnh chung giữa Việt Nam với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật. Đặc biệt việc khai thác một số loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc, như rối nước, đã mang lại giá trị giao lưu văn hóa và kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế. Thông qua những hoạt động đó đã thu hút được rất nhiều khách du lịch tham quan trong và ngoài nước tham dự vào những sự kiện này, điều đó mang tính tất yếu sẽ thu được nhiều lợi nhuận kinh tế thông qua hoạt động văn hóa bằng việc cung ứng tất cả các dịch vụ đi kèm trong suốt quá trình diễn ra các sự kiện. Các dịch vụ văn hóa du lịch hiện nay ngày một hiện đại, khoa học và mang tính thương mại hóa cao đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về số lượng và chất lượng của khách du lịch. Đây cũng chính là yếu tố góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, phát huy tiềm năng của từng khu du lịch.

 Tất cả các hoạt động mang tính du lịch trên đã thu hút những lượng khách và lượng đầu tư không nhỏ cả trong và ngoài nước, đem lại doanh thu về kinh tế không nhỏ. Một mặt, quảng bá được nền văn hóa, nét đặc trưng dân tộc mình cho bạn bè năm châu, mặt khác lại có được những khoản doanh thu khổng lồ. Điều này càng minh chứng rõ nét về văn hóa – là đối tượng đặc biệt của kinh tế nhìn ở góc độ phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Ban T­ư tưởng Văn hoá Trung ương (1994), Một số quan điểm và giải pháp khi chuyển sang kinh tế thị trường theo định hư­ớng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội
  2. Nguyễn Duy Bắc (2004) , Văn hóa và phát triển ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn.
  3. Huntington (1995), Sự đụng độ của  các nền văn minh, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội,.
  4. Phạm Xuân Nam (chủ biên) (2008),Triết lý phát triển ở Việt Nam, mấy vấn đề cốt yếu, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  5. TS. Mai Hải Oanh (2011), Quan hệ giữa xây dựng văn hóa và phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay, Nxb Chính trị - Hành chính.
  6. TS. Mai Hải Oanh ( 2001), Văn hóa Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa, Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số 6.

 

 

 

[1] Hồ Chí Minh toàn tâp, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 146

In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 Tại sao các bạn trẻ lại theo học ngành ngôn ngữ Anh?  (21/12/20)
 Ngôn ngữ Anh – Học một ngành, cơ hội nhiều nghề  (21/12/20)
 HỌC NGÔN NGỮ ANH RA LÀM GÌ? CÁC CÔNG VIỆC CÓ MỨC LƯƠNG CAO (21/12/20)
 7 CÔNG VIỆC HẤP DẪN VỚI TẤM BẰNG NGÔN NGỮ ANH (21/12/20)
 TẦM QUAN TRỌNG CỦA TIẾNG ANH TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP TOÀN CẦU (30/08/19)
 HỌC NGÀNH NGÔN NGỮ ANH YÊU CẦU NHỮNG GÌ? (30/08/19)
 PHƯƠNG PHÁP DẠY VÀ HỌC TỪ VỰNG TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH HIỆU QUẢ (12/09/18)
 PHƯƠNG PHÁP DẠY KỸ NĂNG PHIÊN DỊCH CHO SINH VIÊN NGÀNH NGÔN NGỮ ANH (20/08/18)
  TIẾNG ANH – GIẢI PHÁP CHO THỜI KỲ HỘI NHẬP QUỐC TẾ (20/08/18)
 PHƯƠNG PHÁP LUYỆN TỪ VỰNG TIẾNG ANH (31/07/18)
Hôm nay 550
Hôm qua 896
Tuần này 2183
Tháng này 24409
Tất cả 1440213
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA NGOẠI NGỮ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường