NCKH Giảng viên
ĐÀO TẠO HƯỚNG DẪN DU LỊCH TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

 Tóm tắt: Bài viết giới thiệu về công tác đào tạo chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch tại Khoa Du lịch, trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Mặc dù, là một chuyên ngành đào tạo có bề dày lịch sử nhưng để đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay, Khoa và Nhà trường đã có những thay đổi và hướng đi mới trong đào tạo để tiếp tục khẳng định vị thế của mình. Những kết quả đạt được trong thời gian qua sẽ là động lực để giảng viên và sinh viên chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch tiếp tục thực hiện con đường mình đã chọn.

1. Đặt vấn đề

Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 1221/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa. Nhiệm vụ hàng đầu của nhà trường là đào tạo và cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Trước nhiệm vụ được giao, ngay sau khi có quyết định nâng cấp lên trường đại học, nhà trường đã xúc tiến mở các mã ngành đào tạo đại học. Đến đầu năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định cho phép trường đào tạo 4 ngành đại học, trong đó có ngành Việt Nam học. Có thể nói đây đây là sự kiện lớn, đánh dấu bước chuyển mình về chất trong công tác đào tạo của nhà trường.

       Dù năm 2012 nhà trường mới đào tạo bậc đại học ngành Việt Nam học, chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch nhưng trước đó, từ năm 2005 khi còn là trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật, khoa Du lịch đã đào tạo được 7  khóa hệ cao đẳng chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch đạt chất lượng, sau khi tốt nghiệp làm việc tại nhiều doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh. Vì vậy, thương hiệu đào tạo chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch của Nhà trường đã được khẳng định, tạo được niềm tin đối với người học và các doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn. Hiện nay, ngoài chương trình đào tạo bậc đại học và cao đẳng hệ chính quy, nhà trường còn tuyển sinh đào tạo hệ liên thông từ trung cấp lên đại học và từ cao đẳng lên đại học hệ chính quy ngành Việt Nam học, chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch.

2. Những thuận lợi trong đào tạo ngành Việt Nam học, chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa      

Chất lượng đội ngũ giảng viên

Là ngành có bề dày lịch sử đào tạo tại trường, đội ngũ giảng viên ngành Việt Nam học chuyên ngành Hướng dẫn du lịch có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy, được chuẩn hóa theo đúng Điều lệ Trường đại học. Hiện nay, đội ngũ giảng viên giảng dạy tại ngành đạt tỉ lệ 70% trình độ Thạc sĩ và 30% trình độ Tiến sĩ. Nhiều giảng viên có chuyên môn và kỹ năng nghề vững vàng, đã khẳng định được năng lực công tác tại các doanh nghiệp lữ hành trước khi về trường công tác. Khoa và nhà trường cũng thường xuyên mời các GS, PGS, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực Du lịch về giảng dạy các chuyên đề bổ sung và nâng cao cho sinh viên.

Ngoài ra, Nhà trường luôn tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các lớp học tập huấn do dự án EU tài trợ, các lớp tập huấn do Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Đặc biệt, các giảng viên giảng dạy chuyên ngành sâu khi vào kỳ nghỉ hè đều tham gia thực tập tại các doanh nghiệp lữ hành, các khu, điểm du lịch,... để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, cập nhật thông tin mới của ngành nghề,... Nhờ thế, đội ngũ giảng viên không những phát triển về lượng mà đặc biệt có sự thay đổi mang tính phát triển sâu sắc về chất đáp ứng tốt nhu cầu của người học và xã hội.

Về xây dựng khung chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo ngành Việt Nam học, chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch được xây dựng linh hoạt theo hướng đảm bảo phần cứng quy định chương trình khung đào tạo của Bộ Giáo dục và đào tạo; còn lại nhà trường chủ trương xây dựng chương trình phù hợp yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường, đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng, có sự liên thông giữa các chương trình, các bậc học, mang tính hiện đại, cập nhật, khả thi về thời lượng và nội dung; cấu trúc học phần theo hướng giảm thời lượng lý thuyết, tăng thời lượng thực hành. Hiện nay, chương trình đào tạo chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch gồm 126 tín chỉ, đảm bảo tỉ lệ 40% các tín chỉ, học phần thực hành và 60% tín chỉ, học phần lý thuyết. Mặt khác, bên cạnh các học phần bắt buộc, chương trình đào tạo còn chú trọng đến các học phần tự chọn với mục tiêu làm linh hoạt hóa, tăng hiệu quả đào tạo để sinh viên có điều kiện học văn bằng 2, mở rộng cơ hội việc làm thông qua việc chuyển đổi ngành nghề đào tạo. Cụ thể, ở khối kiến thức chuyên ngành, người học được chủ động lựa chọn các học phần theo hướng mở rộng kiến thức, kỹ năng và phù hợp với nhu cầu. Theo đó, sinh viên có thể học thêm chứng chỉ Phục vụ nhà hàng, Kỹ thuật chế biến món ăn, Nghiệp vụ Lễ tân, hoặc văn bằng 2 các ngành Ngôn ngữ Anh, Quản trị khách sạn...

Cơ sở vật chất, điều kiện dạy học

Sau một thời gian xây dựng, đến nay cơ sở chính của nhà trường đã cơ bản hoàn thiện với đầy đủ các hạng mục công trình phục vụ cho việc dạy và học của giảng viên và sinh viên nhà trường. Các phòng học xây dựng đạt tiêu chuẩn về diện tích, ánh sáng, chỗ ngồi theo quy định. Ngoài ra, để phục vụ cho đào tạo thực hành tại khoa Du lịch, nhà trường chú trọng đầu tư trang thiết bị với 1 trung tâm thực hành Du lịch có đầy đủ các phòng học theo từng nghiệp vụ như phòng Lễ tân; nhà hàng; phòng chế biến món ăn; phòng thực hành thuyết minh, hướng dẫn; phòng sinh hoạt câu lạc bộ,...

Các phòng học lý thuyết của nhà trường được trang bị đầy đủ hệ thống máy tính kết nối máy chiếu đa năng, hệ thống âm thanh đảm bảo cho giảng viên thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy.

Thư viện nhà trường có phòng đọc, hệ thống phần mềm và các trang thiết bị phục vụ việc mượn, tra cứu tài liệu; có đủ nguồn thông tin tư liệu: sách, giáo trình, bài giảng của các học phần, các tài liệu tham khảo có liên quan, có các loại tạp chí trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập ở các học phần trong chương trình đào tạo chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch.

Đặc biệt, với một số môn học chuyên ngành sâu, sau khi kết thúc nội dung lý thuyết, sinh viên được thực hành kỹ năng ngay tại doanh nghiệp lữ hành. Đây là bước đi đột phá trong quá trình liên kết với các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Việc kết nối với các doanh nghiệp vừa tạo điều kiện cho sinh viên thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết trên giảng đường với yêu cầu thực tế của nghề nghiệp, vừa giúp Nhà trường tận dụng cở sở vật chất, thiết bị thực hành tại các doanh nghiệp.

3. Một số đổi mới trong đào tạo chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch tại trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Tăng thời lượng thực hành và các chương trình học tập thực tế cho sinh viên

- Bên cạnh việc xây dựng khung chương trình phù hợp với tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Khoa và Bộ môn thường xuyên tổ chức các chương trình học tập thực tế định kỳ cho sinh viên. Hiện nay, trong toàn bộ khóa học, nhà trường tổ chức 02 chương trình học tập thực tế chia đều cho 4 năm học. Các chương trình học tập thực tế này được thiết kế theo hướng tăng dần thời lượng các chuyến đi và đảm bảo di chuyển từ Bắc vào Nam. Trong các chuyến đi này, dưới sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên được chủ động xây dựng chương trình thực tế; liên hệ các dịch vụ ăn, ngủ, tham quan đảm bảo có được mức giá ưu đãi nhất cho chuyến đi của mình. Cùng với việc tiết kiệm tối đa chi phí, một tiêu chí được đặt lên hàng đầu đó là đảm bảo hiệu quả học tập, cụ thể: phải đa dạng các điểm đến, tuyến điểm, các cung đường, các loại hình du lịch, các cơ sở cung cấp dịch vụ,... để người học có cơ hội cọ xát và thực hành kỹ năng cũng như nắm bắt được các tuyến du lịch đang khai thác hiện nay. Cụ thể, trước các chuyến đi, sinh viên được giao nhiệm vụ nghiên cứu cung đường, điểm, tuyến du lịch và chuẩn bị bài thuyết minh. Trong quá trình thực hiện chuyến thực tế, các nhóm thực hành thuyết minh theo các tuyến, điểm đã chuẩn bị trước đó. Sau đó, các nhóm khác và giảng viên cùng nhận xét, đánh giá và cho điểm. Có thể nói, các chương trình học tập thực tế tại các điểm, tuyến du lịch là cơ hội để người học cọ xát thực tế, thực hành kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn đảm bảo chuẩn đầu ra ngành học.

Mặt khác, ở học kỳ cuối của khóa học, nhà trường còn tổ chức chương trình thực tập nghề nghiệp tại các doanh nghiệp lữ hành, du lịch trong thời gian 2 tháng. Đây là chương trình học tập thực tế cuối cùng và cũng là cơ hội để người học củng có kiến thức, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp ở môi trường thực tế. Đối với chương trình thực tập này, nhà trường luôn có sẵn các đối tác đào tạo là các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh để người học thực tập. Tuy nhiên, để tạo tính chủ động trong thực tập và công việc sau này, nhà trường luôn khuyến khích người học chủ động liên hệ và tìm các cơ sở thực tập cho mình. Tại các doanh nghiệp lữ hành, người học được trực tiếp thực hiện các công việc cụ thể như xây dựng, định giá chương trình du lịch, xúc tiến bán tour, tư vấn cho khách hàng về các dịch vụ trong tour. Ngoài các công việc tại văn phòng, sinh viên thực tập còn được giao nhiệm vụ đi hướng dẫn các tour. Bước đầu là các chương trình ngắn ngày, chương trình đơn giản, sau đó sẽ được giao hướng dẫn các chương trình dài ngày hơn, chương trình phức tạp, yêu cầu cao hơn về kiến thức và nghiệp vụ như chương trình du lịch lễ hội, chương trình du lịch xuyên việt. Với phương châm nhà trường và xã hội cùng đánh giá nên sau đợt thực tập, mỗi sinh viên đều có 1 bản nhận xét của doanh nghiệp. Qua tổng hợp số liệu các khóa học, có thể thấy sinh viên của khoa được đánh giá rất cao, cụ thể 90% sinh viên được các doanh nghiệp đánh giá tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 10% hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thành lập câu lạc bộ Hướng dẫn viên, tạo môi trường trao đổi, hỏi hỏi kinh nghiệm

Để hỗ trợ các bạn sinh viên nâng cao trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ và hoạt động nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên nghế nhà trường, khoa Du lịch đã chủ trương thành lập câu lạc bộ Hướng dẫn viên (tourguide club) để tạo điều kiện cho các bạn sinh viên chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cho bản thân. Các cựu sinh viên là hướng dẫn viên sẽ có cơ hội tham gia, chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm thức tế cho các em sinh viên khóa dưới. Câu lạc bộ luôn có những hoạt động phong phú, phù hợp với nhu cầu, lợi ích của các thành viên, tạo điều kiện cho các bạn giao tiếp, ứng xử, bày tỏ quan điểm, tâm tư nguyện vọng, đồng thời hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong học tập,... Cụ thể như, câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế trong và ngoài tỉnh để nâng cao kiến thức về điểm đến; mời các anh chị hướng dẫn viên có kinh nghiệm đến nói chuyện và chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các chủ đề để cùng nhau thảo luận và chia sẻ kiến thức;.... Ngoài ra, các bạn sinh viên còn được các anh chị hướng dẫn viên đưa đi thực tế trên các tour để có thể trực tiếp quan sát và hỏi hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp,...

Thường niên tổ chức các hội thi, hoạt động ngoại khóa tạo sân chơi cho người học nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ

Cùng với chương trình học tập, khoa đã quan tâm tổ chức các hội thi nghiệp vụ du lịch, thuyết minh du lịch tạo sân chơi bổ ích cho các bạn sinh viên chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch.Mục đích tổ chức hội thi giúp bổ sung, nâng cao kiến thức văn hóa - lịch sử và ngoại ngữ chuyên ngành cho sinh viên. Thông qua cuộc thi cũng nhằm nâng cao kỹ năng thực hành, thực tế cho sinh viên, cập nhật tình hình hoạt động du lịch đang diễn ra trong xã hội, gắn Nhà trường với các doanh nghiệp… Để cuộc thi đảm bảo tính minh bạch và có chất lượng cao, thành phần Ban Giám khảo không chỉ có các thày cô giáo trong Khoa Du lịch, mà khoa còn liên hệ mời các Giám đốc doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thanh Hóa cùng tham gia để tăng tính công bằng và cũng là cơ hội để sinh viên nhà trường khẳng định năng lực, đam mê nghề nghiệp với người sử dụng lao động.

Các hội thi trở thành hoạt động thường niên của khoa Du lịch để sinh viên có cơ hội thể hiện và khẳng định mình; chứng tỏ khả năng, kiến thức trước các thầy cô giáo, các cơ quan quản lý trong ngành du lịch; trước các nhà tuyển dụng là doanh nghiệp khách mời; và còn trau dồi bản lĩnh để tự tin hơn khi đi làm trong thực tế.

Trong những năm qua, với mục tiêu tạo cơ hội để giảng viên, học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo được giao lưu, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, khả năng thi đấu, kỹ năng nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành tổ chức Hội thi “Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường Văn hóa nghệ thuật, Thể dục thể thao và Du lịch” trên toàn quốc. Năm nay, hội thi diễn ra từ ngày 24 đến ngày 28/6 tại thành phố Huế. Tham gia hội thi lần này, khoa Du lịch đăng kí 03 sinh viên dự thi nội dung kỹ năng nghề Hướng dẫn du lịch và đạt được những thành tích cao. Cụ thể, sinh viên Mai Thị Hoa (lớp ĐH VNH K1) đạt huy chương bạc và 02 huy chương đồng của sinh viên Lê Thị Thanh (lớp ĐH VNH K1) và Đoàn Hữu Ngọ (lớp ĐH LT VNH K3).

Bên cạnh đó, sinh viên chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch được tạo điều kiện tham gia các hoạt động, các phong trào chung do Đoàn trường và Hội sinh viên nhà trường tổ chức như: phong trào tình nguyện tiếp sức mùa thi, hiến máu nhân đạo, các hội thi thể thao,... Đây cũng là cơ hội để sinh viên giao lưu học hỏi với các bạn sinh viên trong trường, nhằm nâng cao kỹ năng sống.

4. Kết luận

Có thể nói, Hướng dẫn Du lịch là một nghề đòi hỏi cao về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ, vì vậy ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, ngoài việc phải tích lũy cho mình một lượng kiến thức vừa đủ thì việc trau dồi, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp là không thể thiếu đối với các bạn sinh viên. Đứng trước yêu cầu mới của xã hội về nhân lực du lịch lĩnh vực hướng dẫn, Khoa Du lịch đã có những thay đổi căn bản và đột phá để người học sau khi tốt nghiệp đáp ứng tốt yêu cầu của người sử dụng lao động, đảm bảo 100% sinh viên có việc làm. Đó cũng là mục tiêu cuối cùng mà khoa và nhà trường đề ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2005), Chương trình khung giáo dục đại học, ngành Việt Nam học.

2. Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa (2014), Đề án quản lý ngành đào tạo Việt Nam học, chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch.

Nguồn tin: Tập san TTKH số 11, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa,   Tác giả: NCS. Vũ Văn Tuyến
In tin    Gửi email    Phản hồi
Hôm nay 279
Hôm qua 1034
Tuần này 1989
Tháng này 22213
Tất cả 1916964
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA DU LỊCH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường