Tin tức sự kiện
VAI TRÒ CỦA TRANH CỔ ĐỘNG TRONG ĐỜI SỐNG VIỆT NAM

Tranh Cổ động là thể loại tranh được phát triển trên cơ sở Áp – phích (Affiche) – là loại tranh trước kia thường bị bó hép trong phạm vi quảng cáo phục vụ kinh doanh, thương mại – tranh cổ động ngày nay thực sự đã trở thành một loại hình nghệ thuật mà cả nội dung cùng hình thức đều được nâng cao và mở rộng rất phong phú. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau thảo luận một số vấn đề về vai trò của tranh cổ động trong đời sống Việt Nam.

   Từ khóa: Tranh cổ động, mục đích, vai trò, tuyên truyền, cổ vũ, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước...

Đặt vấn đề

   Từ cách mạng tháng Tám thành công đến nay, tranh cổ động luôn luôn được phát huy tính nhạy bén, kịp thời, đã phục vụ có hiệu quả công cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc, song song với công cuộc kiến thiết đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tranh Cổ động hội tụ hai yếu tố chính: sáng tác và cổ động, hai yếu tố này tác động qua lại bổ trợ cho nhau nêu mục đích tuyên truyền rõ nét. Tranh cổ động chủ yếu nhằm vận động nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, cụ thể trên những nhiệm vụ chính trị trước mắt, từng giai đoạn hay lâu dài. Do đó tranh cổ động luôn phải “chào đón” số người xem vừa rất lớn vừa tản mạn, không chỉ ở trong các triển lãm mà chính là trên các đường phố và những nơi tập trung đông người, từ thành thị đến thôn quê. Người xem không phải mất nhiều thì giờ, chỉ cần thoáng qua là hiểu được ý nghĩa đồng thời cảm thụ được nghệ thuật của tranh. Để đạt được yêu cầu ấy, họa sỹ vẽ tranh cổ động đã sử dụng cách thể hiện nổi bật bằng hình tượng cường điệu, màu sắc rực rỡ, ý tứ cô đúc để gieo nhanh vào tâm trí người xem những ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc.

   Nhận rõ tác dụng to lớn của loại tranh cổ động cùng với ngôn ngữ nghệ thuật mới lạ, nhiều sáng tạo, Đảng và Nhà nước đã trao nhiệm vụ cho các cơ quan, ban ngành như Xưởng tranh cổ động thuộc Tổng cục Thông tin của Bộ Văn hóa, Cục văn hóa Cơ sở, hội Mỹ thuật Việt Nam, hội Văn học Nghệ thuật, Trung tâm Triển lãm các tỉnh ... phát động và triển khai rộng khắp đến các họa sĩ chuyên và không chuyên cả nước tất cả các nội dung đề tài phục vụ cuộc sống, kháng chiến, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đấu tranh giành độc lập, tuyên truyền giáo dục, lạc quan trong lao động sản xuất, ... đáp ứng yêu cầu và mục đích bám sát phục vụ chính trị bởi tác phẩm nghệ thuật luôn dễ đi vào và cảm hóa lòng người đồng thời gia tăng sức mạnh, sự đoàn kết của nhân dân hơn mọi hình thức tuyên truyền khác. Các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm tranh cổ động luôn được thẩm định và trao giải bởi các Hội đồng nghệ thuật các cấp, sau đó được lưu trữ và sử dụng, nhằm góp phần vào sự nghiệp giáo dục chủ nghĩa yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, xây dựng ý chí Cách mạng kiên định, giáo dục đạo đức Cách mạng cho thế hệ mai sau. Sự ghi nhận đó luôn là nguồn động viên tinh thần sáng tác của đông đảo họa sỹ, nhằm khích lệ họ hăng hái tham gia vẽ tranh cổ động.

Một số lời bình…

    Tranh cổ động cách mạng Việt Nam đã thuộc về quá khứ nhưng thông điệp của nó thì vượt mọi thời gian. Ví dụ bức tranh “Tuổi xanh nhịp bước theo chân Bác” của tác giả Đỗ Hữu Huề sáng tác năm 1973, hình tượng bác Hồ được diễn tả tập trung như ánh mặt trời chói lọi như cánh chim hòa bình mang ý nghĩa thật giản dị, tác phẩm như  niềm hi vọng vô bờ rằng chiến tranh sẽ chấm dứt. Đây bản gốc do các họa sĩ vẽ tay trước khi đem đi in lưới hàng loạt bằng phương pháp thủ công. Khi nhìn gần, người xem có thể thấy trên tranh có những đường kẻ, vẽ, dựng hình của tác giả.

   Sau năm 1975, tranh cổ động vẫn tiếp tục phát triển và lan tỏa đến tất cả các địa phương, với lực lượng sáng tác từ cơ sở, tiếp tục làm công tác cổ động trực quan phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước và của từng địa phương.

   Sau năm 2000, các triển lãm tranh cổ động ngày càng được tổ chức rầm rộ. Triển lãm online ngày 4/12/2019 đề tài “Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động” (1969 - 2011). Triển lãm giới thiệu tới công chúng 60 tác phẩm tranh cổ động, chủ yếu là tác phẩm gốc, được sáng tác và phát hành sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Với bút pháp, đồ họa phong phú, ngôn ngữ khúc chiết, khắc họa chân dung Hồ Chủ tịch giản dị, là tấm gương cho các thế hệ trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước.

Thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015, ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ VH, TT&DL tổ chức lễ trao giải cuộc thi “Sáng tác tranh cổ động về bình đẳng giới”. Các tác phẩm dự thi được đánh giá đạt chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, trong đó, các thông điệp về bình đẳng giới được truyền tải rõ nét, phong phú qua các bức vẽ ấn tượng. Ban tổ chức cho biết 54 bức tranh chất lượng nhất, thể hiện rõ mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và đạt hiệu quả nghẹ thuật cao. Tại buổi lễ này họa sỹ Lê Thị Thanh (Thanh Hóa) đã nhận được giải Ba với tác phẩm:  “Quà tặng của hạnh phúc, hãy bảo vệ dù trai hay gái”.

   Ngày 10/5/2016, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH, TT&DL) phối hợp với Sở Văn hóa, TT&DL tỉnh Sơn La đã tổ chức Khai mạc Triển lãm Tranh cổ động toàn quốc và ra quân tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021. Các tác phẩm triển lãm đã thể hiện rõ nội dung, đáp ứng yêu cầu về mỹ thuật.  Bằng hình thức tuyên truyền trực quan, thông qua tranh cổ động, tuyên truyền nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về ý nghĩa của cuộc bầu cử.

                        

 “Tuổi xanh nhịp bước theo chân Bác” của tác giả Đỗ Hữu Huề , 1973

“Bác Hồ là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta” của họa sỹ Nguyễn Vinh, bột màu, 1980.

          

“Quà tặng của hạnh phúc, hãy bảo vệ dù trai hay gái”của họa sỹ Lê Thị Thanh (Thanh Hóa), giải Nhì Đoàn viên thanh niên Thành phố Sơn La xem Triển lãm Tranh cổ động tuyên truyền bầu cử.  


   Sáng 27/4/2018, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tổng kết “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2017” của lực lượng Công an nhân dân. Triển lãm tạo được bước chuyển biến tích cực đối với cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng Công an nhân dân trong quan hệ hợp tác với Bộ An ninh Lào; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Ban Tổ chức đã trao 02 giải Nhất; 03 giải Nhì; 08 giải Bacho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Trong đó Họa sĩ Lê Thị Thanh (Thanh Hóa) đã đoạt giải Ba tại cuộc thi này với tác phẩm: “Việt – Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

   Sáng 29-8/2019, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH, TT&DL) phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức triển lãm và trao giải thưởng tranh cổ động tuyên truyền 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019). Các tác phẩm đặc biệt thể hiện sống động cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện phẩm chất đạo đức sáng ngời suốt đời vì cách mạng, vì Tổ quốc và nhân dân của Người, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Tại triển lãm này họa sỹ Lê Thị Thanh (Thanh Hóa) đã nhận được giải Nhì với tác phẩm “Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”

   Sáng 21/03/2020, Thứ trưởng VH, TT&DL Lê Quang Tùng đã trao giải thưởng cho các tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi sáng tác tranh cổ động về Tuyên truyền - Văn hóa Năm Chủ tịch ASEAN 2020 nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về ASEAN và năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Theo quyết định có 3 giải Nhì, 3 giải Ba; 10 giải Khuyến khích và 1 giải phong trào. Trong đó họa sỹ Lê Thị Thanh (Thanh Hóa) đã nhận được giải Khuyến khích của cuộc vận động này.

   Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vừa qua Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH, TT&DL) đã gửi thông điệp đến các họa sĩ vẽ tranh cổ động, khuyến khích họ đóng góp tác phẩm của mình vào việc phục vụ tuyên truyền để phòng, chống dịch. Ban Tổ chức ấn hành bốn mẫu tranh, sản xuất 1.000 đĩa tranh cổ động gửi đến các địa phương trên cả nước. Các tranh cổ động này đã treo tại các Trung tâm văn hóa, thể thao quận, huyện, thị xã và địa bàn dân cư thuộc 10.732 xã, phường, nhằm hướng dẫn người dân nắm bắt cách thức chủ động phòng, chống dịch Covid-19.

   Ngày 27/8/2020, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã công bố kết quả cuộc thi Sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội (1010-2020). Theo BTC, các tác phẩm đã khẳng định truyền thống lịch sử văn hóa của 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, truyền tải những nét đẹp văn hóa, lịch sử của Thủ đô nghìn năm văn hiến; khơi dậy, phát huy truyền thống văn hóa trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp CNH – HĐH và trong tiến trình hội nhập quốc tế; tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của Hà Nội nghìn năm văn hiến, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”…

                         

“Việt – Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” của họa sỹ Lê Thị Thanh (Thanh Hóa) giải Ba “Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư” của họa sỹ Lê Thị Thanh (Thanh Hóa), giải Nhì

                         

“ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” của họa sỹ Lê Thị Thanh (Thanh Hóa), giải Khuyến khích “1010 năm Thăng Long – Hà Nội” của tác giả Hà Thành (Nam Định) giải Nhất 

       Triển lãm tranh cổ động tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chiều 22/1/2021 tại Sở VH&TT tỉnh Bình Định giới thiệu 65 tác phẩm của các họa sĩ chuyên và không chuyên trong toàn quốc được tuyển chọn từ cuộc thi sáng tác tranh cổ động do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức. Các tác phẩm đã truyền tải đến người xem thông điệp về quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đất nước, con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Với nội dung phong phú, cách thể hiện nghệ thuật đồ họa độc đáo triển lãm đã tạo ra một không gian sinh động, nhiều gam màu ấn tượng, tô điểm cho thành phố biển Quy Nhơn.

   Nhằm mục đích tuyên truyền sâu rộng, tạo sự đồng thuận trong xã hội để tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đạt kết quả cao, trung tâm Triển lãm tỉnh Thanh Hóa đã có cuộc vận động sáng tác tranh cổ động phục vụ các yêu cầu trên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, nhiều họa sĩ đã miệt mài vẽ hàng chục bức tranh với các nội dung tuyên truyền khác nhau để tham gia đợt vận động này với kết quả thu được lại hơn cả mong đợi. Theo Ban Tổ chức, đây là những bức tranh có cách thể hiện xuất sắc những thông tin thiết yếu nhất trong công tác tuyên truyền bầu cử góp phần tích cực vào việc cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Triển lãm các tranh cổ động đề tài Chào mừng đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra bảo đảm chất lượng chuyên môn, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương, hình thức; tạo không khí phấn khởi trong nhân dân; gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ của đất nước, bộ, ngành, địa phương, đơn vị và Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

                                   

“SOS Covid19” của họa sỹ Lê Thuận Long (Quảng Bình), giải Nhì Một số tác phẩm tại Triển lãm tranh cổ động tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tại Bình Định

                Một số tác phẩm tại Triển lãm tranh cổ động tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tại Thanh Hóa

Thay lời kết

   Nhớ những lời trong bức thư gửi các họa sĩ, Bác hồ đã viết “Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận; anh, chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Có thể nói tranh cổ động đã trở thành một thể loại tranh đồ họa đặc sắc, độc đáo trong Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam.

    Những năm gần đây, phong trào sáng tác tranh cổ động càng ngày càng lớn đi song hành với vô cùng nhiều các đợt phát động phong trào của Cục văn hóa Cơ sở, cá nhân tác giả bài viết đã liên tục nhận được các Email, điện thoại mời tham gia sáng tác và luôn hưởng ứng vì vậy đã nhận được 1 số thành tích kể trên, bên cạnh đó tác giả bài viết luôn chia sẻ các thông tin về nội dung những thư mời này đến tất cả anh em họa sỹ trong tỉnh Thanh Hóa thông qua các trang thông tin của nhóm, nhằm khuấy động phong trào sáng tác tranh cổ động phục vụ việc tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

    Qua việc trình bày một số nét khái quát về các tác phẩm kể trên, tác giả bài viết hy vọng phần nào giúp bạn đọc có thêm hiểu biết về phong cách nghệ thuật cùng những giá trị lịch sử, văn hóa của đồ họa tuyên truyền Việt Nam.

    Các họa sĩ tranh cổ động Việt Nam nhiều thế hệ kế tiếp đã, đang và sẽ liên tục sáng tạo trong ngôn ngữ đồ họa, tạo cho tranh cổ đổng những biểu hiện ngày càng cô đọng, súc tích có tính biểu tượng, gần gũi và dễ hiểu. Tranh cổ động Việt Nam đã vượt qua nhiệm vụ tuyên truyền cổ động trực quan để trở thành nghệ thuật đồ họa độc đáo có phong cách riêng của người Việt và vai trò của nó là đưa các đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đi sâu, đi sát vào đời sống thường ngày của quần chúng nhân dân để các tư tưởng chỉ đạo không còn xa vời, khô cứng và khó hiểu mà mềm dẻo, linh hoạt, thấm đẫm các yếu tố nhân văn mà vẫn gần gũi bình dị và dễ đi vào lòng người. Vì vậy, nghệ thuật này sẽ tồn tại, phát triển lâu dài và độc đáo cho đến mai sau.

Nguồn tin: Khoa SPNT,   Tác giả: Lê Thanh
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 Họa sĩ Giảng viên Lê Thị Thanh Khoa Sư phạm Nghẹ thuật đạt giải thưởng tại triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 (01/12/20)
 GIẢNG VIÊN THS.LÊ THỊ THANH ĐẠT GIẢI KHUYẾN KHÍCH HỘI GIẢNG CẤP TRƯỜNG NĂM HỌC 2020 - 2021 (19/11/20)
 Sinh viên Khoa sư phạm Nghệ thuật tham gia giải bóng đá chào mừng ngày 20-11-2020 (13/11/20)
 Triển lãm Mỹ thuật học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hoá nghệ thuật toàn quốc (11/11/20)
 Nhóm sinh viên lớp ĐH SPMT K6 đạt giải khuyến khích nghiên cứu khoa học của sinh viên năm học 2020-2021 (21/08/20)
 MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG BUỔI BÁO CÁO THỰC HÀNH SƯ PHẠM ÂM NHẠC TỔNG HỢP NĂM 2020 (09/07/20)
 MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG BUỔI BÁO CÁO THỰC HÀNH SƯ PHẠM MỸ THUẬT TỔNG HỢP NĂM 2020 (09/07/20)
 GIẢNG VIÊN, HOẠ SỸ LÊ THỊ THANH LỌT VÀO TRIỂN LÃM ĐỒ HOẠ CÁC NƯỚC ASEAN 2020 (22/06/20)
 CHƯƠNG TRÌNH TỌA ĐÀM CHÀO MỪNG NGÀY 20/11 CỦA KHOA SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT (02/12/19)
 Triển lãm mỹ thuật “Những con đường của cuộc sống - 2019” (08/11/19)
Hôm nay 395
Hôm qua 363
Tuần này 2185
Tháng này 9361
Tất cả 1365640
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường