Đào tạo
Đặc điểm của phương pháp giảng dạy động tác đối với học sinh tiểu học

Đối với học sinh tiểu học, giáo viên giảng dạy thể dục thể thao cần kiên trì nhẫn nại, khéo léo dìu dắt, uốn nắn tư thế, giáo dục cho các em những đức tính cần thiết, tạo thói quen rèn luyện thân thể nhằm phát triển thể chất cân đối. Trong từng giờ học thể dục thể thao, cần nêu rõ mục đích, yêu cầu và thông qua những gương sáng về người thật việc thật của trường, lớp để động viên, phát huy tính tự giác, tích cực trong tập luyện của học sinh đồng thời thông qua những hành động cụ thể để giáo dục bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất và những đức tính tốt. Cần phải nghiêm khắc yêu cầu học sinh tôn trọng thực hiện nội quy học tập và sinh hoạt của lớp, của trường.

Nội dung giảng dạy cần được sắp xếp hợp lý và toàn diện, đảm bảo chặt chẽ nguyên tắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Mức độ tác động của các bài tập lên các bộ phận cơ thể, việc phát triển các tố chất thể lực cần được xen kẽ nhau, nhằm đảm bảo cho học sinh tập một cách toàn diện và duy trì được sự hăng say tập luyện. Nội dung giảng dạy trên lớp cần được liên hệ với mọi hoạt động học tập, sinh họat của các em, giáo viên cần lấy những hoạt động cụ thể hàng ngày để liên hệ với bài, dạy cho học sinh những tư thế cơ bản chính xác về đi, chạy, nhảy, đứng... bồi dưỡng tác phong nhanh nhẹn, khẩn trương trong học tập cũng như trong sinh hoạt. Có như vậy mới gây cho học sinh ham thích tập luyện thể dục thể thao. Nếu không chú ý giáo dục đầy đủ thì ngay từ nhỏ học sinh đã hình thành những tư thế không chính xác, những tác phong không tốt. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bình thường của cơ thể và những thói quen khó sửa chữa trong sinh hoạt sau này của các em.

Đối với học sinh tiểu học, vốn kỹ năng kỹ xảo vận động và kinh nghiệm vận động còn ít. Điều đó cũng là những khó khăn cho việc tiếp thu những kỹ năng kỹ xảo vận động mới nên cần phải lựa chọn các bài tập sao cho các em có thể học được những dạng vận động mới bằng con đường ngắn nhất dựa trên cơ sở chuyển tốt kỹ xảo vận động và loại trừ sự chuyển xấu. Do vậy, tính tuần tự của việc giảng dạy kỹ thuật động tác đối với học sinh phổ thông tiểu học phần lớn được xác định bởi vốn kỹ năng kỹ xảo đã thu được trong thời kỳ trước đó.

Đối với lứa tuổi này, phương pháp trực quan chiếm ưu thế lớn trong giờ học thể dục thể thao và vai trò của ngôn ngữ trong việc giảng giải, phân tích của giáo viên tăng lên từ năm này đến năm khác. Các em ở lứa tuổi này thường dễ bắt chước những động tác cụ thể, dễ hiểu, đơn giản, cho nên khi giảng dạy giáo viên cần làm mẫu để xây dựng biểu tượng động tác, kết hợp với giảng giải có âm điệu gợi cảm, khẩu lệnh rõ ràng, phân tích động tác ngắn gọn đầy đủ. Khi làm mẫu, giáo viên phải làm chậm, rõ ràng chính xác. Căn cứ vào tình hình học tập của học sinh mà làm mẫu có trọng điểm từng bộ phận hoặc toàn bộ động tác.

Để giúp các em dễ thực hiện được động tác cần áp dụng những thủ pháp “vật điều khiển” và “vật giới hạn”. Các thủ pháp này giúp cho học sinh dễ nhận ra động tác của mình có được thực hiện chính xác hay không.

Phương pháp hoàn chỉnh thường được sử dụng khi dạy động tác cho các em lứa tuổi nhỏ; lúc đầu thường làm đơn giản động tác bằng cách bỏ bớt những chi tiết thứ yếu (thực hiện bơi chậm hơn, sử dụng những dụng cụ bổ trợ, giúp thêm sức....)

Do đặc điểm hiếu động, tự do, tản mạn, của học sinh nên công tác tổ chức giảng dạy cần tỉ mỉ, cụ thể. Công tác tổ chức giảng dạy có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giảng dạy và học tập. Giáo viên cần tìm hiểu tình hình học sinh và điều kiện học tập cụ thể mà suy nghĩ, xây dựng cách tổ chức lên lớp, có dự phòng những trường hợp trở ngại về thời tiết nhằm đảm bảo cho buổi học được tiến hành thuận lợi và việc tập luyện được liên tục với lượng vận động thích hợp.

Cần bố trí nhiệm vụ tập luyện một cách cụ thể, sắp xếp nội dung trước sau thích hợp, quy định vị trí tập luyện cho từng tổ, có dự định cụ thể về thời gian và số lần tập luyện của từng nội dung v.v....

Đảm bảo cho học sinh được tập luyện với lượng vận động thích hợp là rất cần thiết. Có thể phải qua nhiều lần lặp lại học sinh mới thực hiện được động tác chính xác và có tác dụng nâng cao sức khoẻ. Khối lượng vận động trong mỗi tiết học phải đảm bảo từ nhỏ đến lớn theo nguyên tắc của quá trình giáo dục thể chất; khối lượng vận động thường lớn nhất vào gần cuối phần trọng động. Cho học sinh tập những động tác nhẹ nhàng, thả lỏng sau mỗi lần vận động với khối lượng vận động tương đối lớn. Đối với lớp nhỏ, khi cần thiết có thể bố trí thời gian nghỉ ngắn ở giữa. Nâng cao mật độ vận động cũng làm ột trong những phương pháp nâng cao chất lượng giảng dạy.

Cùng với việc phát triển các tố chất thể lực, kích thước cơ thể gia tăng một cách đáng kể và phần lớn các kỹ xảo vận động tiếp thu ở lứa tuổi nhỏ sẽ là những hình thức chuyển tiếp thành các kỹ năng kỹ xảo vận động ở các lứa tuổi khác. Từ đó nảy sinh vấn đề là phải liên kết phương pháp tập luyện lặp lại ổn định với phương pháp tập luyện thay đổi để đảm bảo hoàn thiện những thuộc tính của kỹ năng kỹ xảo vận động ở trẻ em.

Vai trò của phương pháp thi đấu ngày càng tăng, cùng với lứa tuổi và quá trình tích luỹ kinh nghiệm vận động. Đầu tiên nó chỉ mang tính chất trò  chơi là chủ yếu sau đó là học tập để nâng cao chất lượng thực hiện động tác đã học và sau nữa là thi đấu để giành được những kết quả định lượng.

Hình thức tổ chức tập luyện luôn thay đổi là rất thích hợp với đặc tính chưa ổn định của lứa tuổi học sinh tiểu học; nó tạo sự hưng phấn và tăng cường sự tập trung chú ý, gây hứng thú trong tập luyện. Phương pháp trò chơi cũng được sử dụng nhiều trong giảng dạy. Ngoài ra các biện pháp thực hiện cũng cần thay đổi, như đội hình tập luyện được sắp xếp theo nhiều cách (hàng ngang, hàng dọc, vòng tròn lớn, vòng tròn nhỏ, hình vòng cung, hình cánh quạt ...) dụng cụ tập luyện được sử dụng cũng cần có nhiều loại, nhiều màu sắc khác nhau.

Học sinh trai, gái ở lứa tuổi tiểu học tuy chưa có nhiều phân biệt về giới tính rõ rệt (nhất là các lớp nhỏ) nhưng trong giảng dạy cũng cần chú ý đến đặc điểm riêng của các em. Các em gái thường thích tập luyện những động tác nhẹ nhàng, mềm dẻo, có tính nhịp điệu hơn các em trai. Ở các lớp lớn hơn (lớp 4,5) nên chia các em thành những nhóm riêng để tiện cho việc giảng dạy và nâng cao được hiệu quả của buổi học.

Nguồn tin: Khoa TDTT,   Tác giả: Admin
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 Mục đích, nhiệm vụ của giáo dục thể chất trong trường Tiểu học và THCS (15/02/19)
 Mối quan hệ giữa Thể dục thể thao và giáo dục thể chất (15/02/19)
 Giáo dục thể chất (15/02/19)
 Sự phát triển thể chất con người là quá trình tự nhiên - xã hội (15/02/19)
 Thể dục thể thao theo quan điểm hiện đại về văn hoá (15/02/19)
 Quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 nội dung về Giáo dục thể chất và phát triển thể dục, thể thao trong nhà trường (15/02/19)
 Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020 (15/02/19)
 Nội dung về Giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường  (15/02/19)
 Nghị quyết 08-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020 (15/02/19)
 Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ X  (15/02/19)
Hôm nay 1299
Hôm qua 8743
Tuần này 20805
Tháng này 57041
Tất cả 2259711
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA THỂ DỤC THỂ THAO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

 

 @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Địa chỉ: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường