Đào tạo
Chỉ thị số 36 về công tác thể dục thể thao trong giai đoạn mới

Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 24-3-1994 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác thể dục thể thao trong giai đoạn mới.

Những năm gần đây, công tác thể dục thể thao đã có tiến bộ: phong trào thể dục thể thao từng bước được mở rộng với nhiều hình thức, nhiều môn thể thao dân tộc được khôi phục và phát triển; một số môn thể thao đạt thành tích đáng khích lệ; cơ sở vật chất, kỹ thuật thể dục thể thao ở một số địa phương và ngành đã được chú ý đầu tư nâng cấp, xây dựng mới. Đạt được những tiến bộ là do sự quan tâm của Nhà nước, của các đoàn thể, do sự cố gắng của đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên và sự tham gia của nhân dân trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.

Tuy nhiên, thể dục thể thao của nước ta còn ở trình độ rất thấp.

Số người thường xuyên tập luyện thể dục thể thao còn rất ít, đặc biệt là thanh niên chưa tích cực tham gia tập luyện. Hiệu quả giáo dục thể chất trong trường học và trong các lực lượng vũ trang còn thấp.

Thành tích các môn thể thao còn thua kém xa so với nhiều nước trong khu vực. Lực lượng vận động viên trẻ kế cận còn rất mỏng. Còn nhiều biểu hiện tiêu cực trong các hoạt động thể thao. Đội ngũ cán bộ thể dục thể thao còn rất thiếu và yếu về nhiều mặt.

Tổ chức của ngành thể dục thể thao trong nhiều năm không ổn định, có lúc còn bị thu hẹp, hoạt động kém hiệu lực. Các tổ chức xã hội về thể dục thể thao còn yếu kém.

Cơ sở vật chất và khoa học kỹ thuật của thể dục thể thao vừa thiếu, vừa lạc hậu, ngay cả ở các thành phố lớn, các địa bàn tập trung dân cư, các trường học và các cơ sở của lực lượng vũ trang. Nhiều sân bãi, cơ sở tập luyện bị lấn chiếm, sử dụng vào việc khác.

Nguyên nhân chủ yếu của những yếu kém trên là:

Nhiều cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và còn xem nhẹ vai trò của thể dục thể thao trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, chưa thực sự coi thể dục thể thao là một bộ phận trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Ngành thể dục thể thao và các ngành, các đoàn thể nhân dân chưa phối hợp chặt chẽ trong công tác thể dục thể thao.

Nhà nước chưa kịp thời bổ sung, sửa đổi các chính sách, chế độ phù hợp với yêu cầu phát triển thể dục thể thao. Đầu tư cho lĩnh vực thể dục thể thao còn rất hạn chế.

Quản lý ngành thể dục thể thao còn kém hiệu quả, chưa có cơ chế thích hợp để phát huy những nhân tố mới, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân nhằm phát triển thể dục thể thao.

Trước tình hình mới, sự nghiệp thể dục thể thao cần được phát triển đúng hướng theo những quan điểm sau đây:

- Phát triển thể dục thể thao là một bộ phận quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế- xã hội của Đảng và Nhà nước nhằm bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người; công tác thể dục thể thao phải góp phần tích cực nâng cao sức khoẻ, thể lực; giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh; làm phong phú đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân; nâng cao năng suất lao động xã hội và sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang.

- Xây dựng nền thể dục thể thao có tính chất dân tộc, khoa học và nhân dân. Giữ gìn, phát huy bản sắc và truyền thống dân tộc, đồng thời nhanh chóng tiếp thu có chọn lọc những thành tựu hiện đại. Phát triển rộng rãi phong trào thể dục thể thao quần chúng với khẩu hiệu: “Khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Từng bước xây dựng lực lượng thể thao chuyên nghiệp đỉnh cao.

- Phát triển thể dục thể thao là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội, là nhiệm vụ của toàn xã hội, trong đó ngành thể dục thể thao giữ vai trò nòng cốt. Xã hội hoá tổ chức, hoạt động thể dục thể thao dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước.

- Mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế về thể dục thể thao phục vụ cho sự phát triển thể dục thể thao của đất nước, tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân ta và nhân dân các nước.

Mục tiêu cơ bản, lâu dài của công tác thể dục thể thao là hình thành nền thể dục thể thao phát triển và tiến bộ, góp phần nâng cao sức khoẻ, thể lực, đáp ứng nhu cầu văn hoá, tinh thần của nhân dân và phấn đấu đạt được vị trí xứng đáng trong các hoạt động thể thao quốc tế, trước hết là ở khu vực Đông Nam Á.

Trước mắt, từ nay đến năm 2000, phấn đấu đạt được các mục tiêu sau đây:

- Thực hiện giáo dục thể chất trong tất cả các trường học. Làm cho việc tập luyện thể dục thể thao trở thành nếp sống hàng ngày của hầu hết học sinh, sinh viên, thanh niên, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, cán bộ, công nhân viên, công nhân viên chức và một bộ phận nhân dân.

- Hình thành hệ thống đào tạo tài năng thể thao quốc gia. Đào tạo được một lực lượng vận động viên trẻ có khả năng nhanh chóng tiếp cận các thành tựu thể thao tiên tiến của thế giới. Tham gia và đạt kết quả ngày càng cao trong các hoạt động thể thao khu vực, châu Á và thế giới, trước hết ở các môn thể thao mà ta có nhiều khả năng.

- Kiện toàn hệ thống đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, huấn luyện viên, giáo viên thể dục thể thao. Kiện toàn tổ chức ngành thể dục thể thao các cấp. Nâng cấp, xây dựng mới và hiện đại hoá một số cơ sở vật chất, kỹ thuật thể dục thể thao; hình thành các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học, y học thể dục thể thao; tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ nền thể thao Việt Nam vào đầu thế kỷ XXI.

Để thực hiện các mục tiêu trên, các cấp uỷ, các tổ chức đảng cần chỉ đạo thực hiện các việc dưới đây:

1- Tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác thể dục thể thao; công tác xây dựng đảng và các đoàn thể trong ngành thể dục thể thao. Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền về công tác thể dục thể thao trong toàn xã hội. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, trước hết là cán bộ lãnh đạo các cấp, cần gương mẫu luyện tập thể dục thể thao.

2- Đề nghị các cơ quan Nhà nước ban hành các văn bản pháp quy về công tác thể dục thể thao; quy định chế độ tập luyện thể dục thể thao trong trường học, lực lượng vũ trang, cơ quan, xí nghiệp. Trong quy hoạch xây dựng, cải tạo, mở rộng các đô thị, xã, phường, trường học, cơ quan, xí nghiệp phải ghi rõ các cơ sở thể dục thể thao; ban hành các chính sách, chế độ khuyến khích mở rộng phong trào và nâng cao thành tích thể thao. Đầu tư tập trung hoàn thành các công trình thể thao trọng điểm của quốc gia và ở một số địa phương; từng bước hiện đại hoá các cơ sở đào tạo cán bộ, đào tạo vận động viên, nghiên cứu ứng dụng và thông tin khoa học thể dục thể thao. Mở rộng sản xuất các thiết bị, dụng cụ thể dục thể thao.

Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về thể dục thể thao, hình thành hệ thống tổ chức xã hội thể dục thể thao. Tăng cường tổ chức thể dục thể thao trong các ngành giáo dục - đào tạo, quân đội, công an nhân dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

3- Chỉ đạo ngành thể dục thể thao cải tiến quản lý, phối hợp với các ngành, các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội để hướng dẫn, tổ chức phong trào thể dục thể thao phù hợp với từng đối tượng và địa bàn. Trước mắt, chỉ đạo tổ chức có kết quả Đại hội thể dục thể thao các cấp và Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ III chào mừng các ngày lịch sử lớn của đất nước trong hai năm 1994-1995. Xây dựng hệ thống đào tạo vận động viên chuyên nghiệp bao gồm các trung tâm đào tạo vận động viên quốc gia, các cơ sở đào tạo vận động viên ở một số tỉnh, thành phố, nghành.

Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thể dục thể thao, coi trọng chất lượng, cả về chính trị, đạo đức và chuyên môn. Nâng cao ý thức trách nhiệm, tổ chức kỷ luật, lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên và trọng tài; chống biểu hiện tiêu cực và những xu hướng lệch lạc trong hoạt động thể thao.

4- Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục - Đào tạo và Ban cán sự Đảng Tổng cục Thể dục thể thao phối hợp chỉ đạo tổng kết công tác giáo dục thể chất, cải tiến chương trình giảng dạy, tiêu chuẩn rèn luyện thân thể, đào tạo giáo viên thể dục thể thao cho trường học các cấp; tạo những điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất để thực hiện chế độ giáo dục thể chất bắt buộc ở tất cả các trường học.

5- Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương và Ban cán sự Đảng Tổng cục Thể dục thể thao phối hợp chỉ đạo cải tiến việc huấn luyện thể lực và phát triển thể thao trong các lực lương vũ trang, dân quân tự vệ; phát triển một số môn thể thao kỹ thuật và ứng dụng quân sự. Xây dựng lực lượng vận động viên đỉnh cao, đóng góp cho đội tuyển quốc gia.

6- Đảng đoàn Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cùng với Ban cán sự Đảng Tổng cục Thể dục thể thao chỉ đạo xây dựng và đề nghị với Chính phủ quy chế bảo đảm việc tập luyện thể dục thể thao cho công nhân, viên chức trong các cơ quan, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để tăng cường sức khoẻ, nâng cao năng suất lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp.

7- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ động tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, coi đó là một trong những nội dung sinh hoạt, rèn luyện của đoàn viên thanh niên, là một trong những biện pháp vận động, giáo dục đoàn viên và thanh thiếu niên.

8- Các Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Tổng cục Thể dục thể thao phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và các ngành liên quan chỉ đạo phong trào thể dục - vệ sinh trong các tầng lớp nhân dân, mở rộng các hoạt động chăm sóc và rèn luyện sức khoẻ cho mọi người.

9- Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh- truyền hình và Tổng cục Thể dục thể thao tiến hành công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương của Đảng, các chính sách của Nhà nước về thể dục thể thao; hướng dẫn các hình thức, phương pháp tập luyện thể dục thể thao, nêu gương người tốt việc tốt, chống biểu hiện tiêu cực trong thể thao.

Các tỉnh uỷ, thành uỷ, các tổ chức Đảng ở các ngành, các cấp, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội quán triệt chỉ thị này để thực hiện tốt công tác thể dục thể thao trong giai đoạn mới.

Ban Khoa giáo Trung ương, Ban Cán sự Đảng Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm giúp Ban Bí thư hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.  

Nguồn tin: Khoa TDTT,   Tác giả: Admin
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 Phương pháp kiểm tra một số test chuyên môn trong tuyển chọn VĐV Bóng đá trẻ (28/12/18)
 Phương pháp kiểm tra sư phạm, cách thức thực hiện một số test đánh giá thể lực chung (28/12/18)
 Đặc điểm sinh lý của lứa tuổi 12 – 13. (28/12/18)
 Đặc điểm tâm lý của lứa tuổi 12 -13.  (28/12/18)
 Cơ sở của việc lựa chọn các chỉ tiêu, test tuyển chọn VĐV Bóng đá giai đoạn tuyển chọn ban đầu (28/12/18)
 Một số hình thức tuyển chọn VĐV Bóng đá tại các Trung tâm đào tạo Bóng đá trẻ trong nước hiện nay (28/12/18)
 Đặc điểm, xu thế phát triển môn bóng đá hiện đại (28/12/18)
 Những quy luật phát triển thành tích thể thao - cơ sở dự báo triển vọng của VĐV (28/12/18)
 Năng khiếu và tài năng thể thao (28/12/18)
 Hệ thống tuyển chọn VĐV trẻ (28/12/18)
Hôm nay 184
Hôm qua 1776
Tuần này 9076
Tháng này 53106
Tất cả 2315863
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA THỂ DỤC THỂ THAO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

 

 @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Địa chỉ: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường