Điểm nhấn
DIỄN VĂN LỄ KỶ NIỆM 34 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11 VÀ 5 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA 2011-2016

DIỄN VĂN

 LỄ KỶ NIỆM 34 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11

VÀ 5 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA 2011-2016

 

                                                                    PGS.TS Trần Văn Thức

                                                                   Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng Trường ĐH VH,TT&DL TH

 

- Kính thưa Tiến sĩ Đỗ Trọng Hưng – PBT Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh!

- Kính thưa Tiến sĩ Nguyễn Văn Phát, UV BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy!

- Kính thưa đồng chí Lại Thế Nguyên – UV BTV, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy!

- Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phi – UV BTV, Bí thư thành ủy Thành phố Thanh Hóa!

- Kính thưa Tiến sĩ Phạm Đăng Quyền – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh!

- Kính thưa các quí vị đại biểu, các vị khách quí!

- Kính thưa các thầy giáo, cô giáo, CBVC của Nhà trường!

- Thưa toàn thể các em học sinh, sinh viên, học viên thân mến!

 

     Trong không khí nồng ấm của những ngày đất nước ta đang tôn vinh nghề dạy học cao quí, hôm nay, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 34 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và 5 năm thành lập trường (2011-2016). Trước hết, thay mặt Đảng ủy, Ban Giám hiệu và tập thể Nhà trường, tôi nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn các quí vị đại biểu đã tới dự Lễ kỷ niệm và dành những tình cảm tốt đẹp cho Nhà trường. Tôi cũng nồng nhiệt chúc mừng các thế hệ nhà giáo, CBVC và các em học sinh, sinh viên, học viên nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam và kỷ niệm 5 năm thành lập Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa thân yêu của chúng ta. (Vỗ tay)

     Kính thưa các quí vị đại biểu!

     Thưa các đồng chí và các bạn!

     Truyền thống “hiếu học”, “tôn sư trọng đạo” đã trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc ta. Nghề dạy học luôn được xã hội trọng vọng là “nghề cao quí – tấm lòng vàng”. Theo đó, năm 1982, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày Nhà giáo Việt Nam. Kể từ đây, ngày 20/11 hàng năm không chỉ trở thành ngày hội lớn của các thầy giáo, cô giáo mà còn là ngày hội văn hóa tinh thần mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và cao đẹp của toàn xã hội nhằm tôn vinh và tri ân các nhà giáo. Vào những ngày này, các bậc phụ huynh và học trò bằng nhiều hình thức khác nhau có điều kiện được thể hiện tình cảm, tri ân thầy cô. Đồng thời, đây còn là dịp để các cấp, các ngành và toàn xã hội vừa ghi nhận, đánh giá vai trò, vị trí quan trọng của ngành giáo dục, vừa đặt trọn niềm tin và sự kỳ vọng vào đội ngũ các thầy cô giáo hãy luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, giàu nhiệt huyết và đam mê, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người cao quí.

     Kính thưa các quí vị !

     Xứ Thanh được biết đến là hình ảnh thu nhỏ của cả nước, nổi tiếng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày lịch sử - văn hóa và truyền thống hiếu học rất đáng tự hào. Trải qua bao thời đại, người dân nơi đây đã tạo dựng nên một mạch nguồn văn hóa nghệ thuật có bản sắc đậm nét.  Bởi thế, vào đầu năm 1968, giữa lúc tỉnh nhà và cả nước đang trong giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trường Sơ cấp Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa đã được ra đời. Trải qua một chặng đường dài xây dựng và phấn đấu, năm 1978, Trường được nâng cấp thành Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và năm 2004, vươn lên trở thành Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật. Trước sự phát triển toàn diện của xứ Thanh và các tỉnh lân cận trong công cuộc đổi mới của đất nước và nhất là sự chuyển biến của Nhà trường, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật. Từ đây, Nhà trường đã gia nhập hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, là trường đại học công lập trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa, chịu sự quản lý chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được quy hoạch cho cả vùng Nam sông Hồng và Bắc Trung Bộ.

     Khởi phát từ một trường Sơ cấp, từng bước phát triển lên bậc Trung cấp, Cao đẳng và vươn lên trở thành trường Đại học, Nhà trường luôn là cái nôi đào tạo, ươm mầm và chắp cánh cho những tài năng văn hóa nghệ thuật của xứ Thanh và đất nước. 48 năm qua, các thế hệ giảng viên, cán bộ viên chức của Nhà trường đã bền bỉ dạy chữ, rèn người, lao động nghệ thuật đam mê và sáng tạo, đã đào tạo và cung cấp cho xã hội hàng vạn học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường. Hầu hết trong số đó đã và đang công tác và cống hiến gắn liền với chuyên môn được đào tạo; nhiều cán bộ, giảng viên của Nhà trường đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà và đất nước như:, Nhạc sĩ Nguyễn Trọng, NGND.PGS.TS Lê Văn Tạo, NGƯT.NS Nguyễn Liên,… Nhiều học sinh, sinh viên của Nhà trường đã thành danh, trở thành những tên tuổi nghệ sĩ được công chúng mến mộ như: NSND Hàn Hải, NSND Thanh Tâm, NSƯT Huy Phước, các nghệ sĩ Anh Thơ, Phương Linh, Hồ Quang Tám…

     Những thành tích trên đã đưa Trường Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa trở nên có vị thế, uy tín và là cơ sở để được Thủ tướng phê duyệt nâng cấp thành Trường đại học với nền tảng là văn hóa – nghệ thuật và được mở rộng thêm các lĩnh vực thể dục thể thao và du lịch. Có thể nói, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa ra đời trong bối cảnh hàng loạt trường đại học ở Việt Nam được thành lập trong khoảng thời gian trước đó. Đây cũng là thời điểm công tác tuyển sinh bắt đầu khó khăn và trở nên cạnh tranh đối với các trường đại học và nhất là ở bậc Cao đẳng. Thực tế cho thấy, việc nâng cấp từ Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật trở thành Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa vào thời điểm năm 2011 là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Phát triển nhanh từ một trường Cao đẳng trở thành trường đại học, và đây cũng là thời điểm giáo dục đại học Việt Nam bắt buộc triển khai phương thức đào tạo mới – đào tạo theo hệ thống tín chỉ theo xu thế hội nhập giáo dục đại học thế giới. Có thể nói, lúc bấy giờ Nhà trường đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức về đội ngũ, về cơ sở vật chất, về mở ngành đào tạo, về quản trị bậc đại học, về tuyển sinh… Nhưng nhờ có quyết tâm chính trị cao của cả tập thể Nhà trường, được sự quan tâm và tạo điều kiện của Tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường từng bước vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận.

     Nhìn lại 5 năm nâng cấp trở thành trường đại học, Nhà trường đã đạt được những bước tiến dài về mọi mặt. Đội ngũ CBVC từ 110 người nay đã lên tới 212, trong đó có nhiều người là PGS, TS và hơn 85% cán bộ có trình độ sau đại học; 26 người đang được Nhà trường cử đi đào tạo NCS trong và ngoài nước. Để nâng cao chất lượng đào tạo, hàng năm Nhà trường còn mời hàng chục GS, PGS, TS, chuyên gia tham gia thỉnh giảng. Từ được giao quản lý đào tạo 5 ngành Trung cấp, 8 ngành Cao đẳng trước đó, 5 năm qua với sự nỗ lực cố gắng phi thường, Nhà trường đã được Tỉnh và Bộ Giáo dục & Đào tạo cấp phép đào tạo 16 ngành đại học. Cụ thể là: Năm 2011 mở 6 ngành: Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Quản lí văn hóa, Việt Nam học (Chuyên ngành Du lịch), Hội họa, Đồ họa; Năm 2012 mở 3 ngành: Thanh nhạc, Thông tin học, Thiết kế Thời trang; Năm 2013 mở 2 ngành: Quản lí TDTT và Quản trị khách sạn; Năm 2015 mở 5 ngành: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, CTXH, Ngôn ngữ Anh, QLNN và SPMN. Đặc biệt, cuối tháng 8/2016, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chính thức cho phép Nhà trường được đào tạo Cao học chuyên ngành Quản lí văn hóa. Sự kiện này đánh dấu Nhà trường chính danh tham gia vào tốp các cơ sở giáo dục được đào tạo Sau đại học, góp phần nâng cao vị thế của Nhà trường. Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng đã quyết định cho Nhà trường được đào tạo cấp chứng chỉ Hướng dẫn viên du lịch đạt chuẩn Quốc gia. Những ngành đào tạo trên không chỉ là lợi thế chuyên môn của Nhà trường, mà còn đáp ứng nhu cầu của xã hội. Xác định hoạt động đào tạo là xương sống, Nhà trường đã xây dựng chương trình cập nhật và tiên tiến, chăm lo cho người học, bổ sung học liệu, đổi mới phương pháp dạy – học, gắn lí thuyết với thực hành, thực tế… Nhờ đó, công tác tuyển sinh từ năm 2011 đến năm 2014 mỗi năm đạt 400-500 chỉ tiêu, thì đến năm 2015 Nhà trường tuyển sinh 1.700 chỉ tiêu, năm 2016 đến thời điểm hiện tại đã tuyển sinh 1.150 chỉ tiêu. Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều HS, SV, HV đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước và LHS Lào đã lựa chọn Nhà trường làm nơi học tập và rèn luyện.

     Cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, Nhà trường cũng đẩy mạnh hoạt động NCKH và mở rộng HTQT. 5 năm qua, Nhà trường đã triển khai, nghiệm thu hàng chục đề tài NCKH cấp tỉnh, gần 115 đề tài NCKH cấp cơ sở. Tổ chức 03 Hội thảo Khoa học Quốc tế, hàng chục Hội thảo khoa học cấp trường và cấp Quốc gia. Các giảng viên của Nhà trường đã chủ trì biên soạn và xuất bản hàng chục giáo trình, tài liệu tham khảo, công bố hàng trăm bài báo trên các Tạp chí khoa học Trung ương và địa phương. Tập san Thông tin khoa học của Nhà trường xuất bản định kì mỗi quí 01 số, đảm bảo chất lượng. Bước đầu, Nhà trường cũng đã thúc đẩy hoạt động NCKH trong SV, HV. Có thể nói, hoạt động NCKH vừa thiết thực phục vụ hoạt động đào tạo của Nhà trường vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ khi nâng cấp lên đại học, Nhà trường đã thúc đẩy hợp tác quốc tế với Trường Đại học MINSCAT - Philippine, Đại học Zielona Gora - Ba Lan, Đại học Nakhon Phanom - Thái Lan… để trao đổi Giảng viên, SV, HV. Với việc ký kết hợp tác với Sở Giáo dục & Thể thao Hủa Phăn, Xiêng Khoảng đã đưa lại bức tranh khởi sắc về đào tạo LHS Lào cho Nhà trường. Mỗi năm có hàng trăm LHS Lào đã đăng kí học tập các ngành đào tạo do Nhà trường quản lí. Chính hoạt động hợp tác quốc tế đã thúc đẩy Nhà trường bắt kịp xu hướng hội nhập với giáo dục đại học của một số nước trong khu vực và trên thế giới.

     Bên cạnh đó, những năm gần đây, Nhà trường cũng xúc tiến việc kí kết hợp tác toàn diện với các cơ sở giáo dục đại học có uy tín của Việt Nam như: Đại học Thái Nguyên, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Vinh, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Đại học Thương mại… Và vào đầu tháng 11/2016, Nhà trường đã kí kết chương trình phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Đây là cơ sở pháp lý để Nhà trường triển khai việc hỗ trợ, liên kết các hoạt động đào tạo, NCKH và chia sẻ kinh nghiệm quản trị Nhà trường được tốt hơn.

     Trước sự phát triển trên, những năm qua, Tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để đảm bảo cơ bản các hoạt động của Nhà trường. Đến nay, việc đầu tư giai đoạn 1 ở cơ sở mới đã hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng. 1/3 hoạt động của Nhà trường vẫn đang được bố trí trên cơ sở cũ. Giai đoạn 2 của Nhà trường cũng đã được Tỉnh thẩm định, phê duyệt và đang được xúc tiến triển khai. Cùng với việc chuyển 2/3 hoạt động của Trường xuống làm việc tại cơ sở mới, Nhà trường cũng được thụ hưởng dự án trang bị các thiết bị cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động đào tạo và NCKH tương đối cơ bản và đồng bộ.

     Những năm gần đây, với phương châm làm việc “Nuôi dưỡng đam mê, khuyến khích sáng tạo, tôn trọng khác biệt, hài hòa phát triển”, Ban Giám hiệu và Đảng ủy chủ trương xây dựng một môi trường làm việc thông thoáng, đồng thuận để CBVC có thể phát huy năng lực của mình, góp phần vào sự phát triển chung của Nhà trường. Với tất cả sự nỗ lực không ngơi nghỉ của cả hệ thống, Nhà trường đã có được một diện mạo mới tươi sáng và có triển vọng hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của CBGV ngày càng được cải thiện. Dẫu còn hết sức khiêm tốn, nhưng chúng ta có quyền tự hào về Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa thân yêu của chúng ta đã có những đóng góp xứng đáng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quê hương và đất nước. Tại diễn đàn trang trọng này, thay mặt lãnh đạo Nhà trường, tôi trân trọng ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương và xin được chia sẻ với hết thảy các thế hệ nhà giáo, CBVC của Nhà trường suốt 48 năm qua đã bền bỉ, tiếp nối nhau như những chuyến đò chở nặng phù sa “vì lợi ích trăm năm trồng người” cao cả. Và hôm nay, mỗi chúng ta, ai có điều kiện đã về dự hội trường, nhiều người vì những lí do khách quan mà không thể về dự được, cũng có những CBVC và cựu học sinh, sinh viên đã vĩnh viễn đi xa. Xin được lắng lại lòng mình trong giây lát để tưởng nhớ những cán bộ, sinh viên đã yên nghỉ ngàn thu và chúng tôi cũng tin tưởng rằng ở đâu đó trên khắp mọi miền của Tổ quốc, cựu CBCC và HS, SV của Nhà trường giờ phút này đây cũng đang hướng về nơi mà mình đã từng công tác, học tập, gắn bó với biết bao kỷ niệm để cùng chia sẻ và chung vui trước sự phát triển của Nhà trường.

     Kính thưa các quí vị đại biểu!

     Thưa các đồng chí và các bạn!

     Giáo dục đại học Việt Nam hiện nay chưa chuyển biến theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Là trường Đại học non trẻ và đặc thù về các lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, thể thao và du lịch, Trường chúng ta đang đứng trước cơ hội, thuận lợi thì ít mà khó khăn, thách thức thì nhiều. Đội ngũ cán bộ còn non yếu và mỏng, cán bộ đầu ngành rất ít, cơ sở vật chất còn thiếu nhiều và chưa đồng bộ, công tác tuyển sinh ngày càng khó khăn… Trong khi đó, vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh đã chủ trương sát nhập Trường Cao đẳng Thể dục Thể thao vào trường ta và sẽ thực hiện ngay vào thời điểm cuối năm 2016. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, Nhà trường cần tranh thủ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự tạo điều kiện thuận lợi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, đồng thời tập thể CBVC, HS, SV, HV Nhà trường phải nêu cao ý thức trách nhiệm, nỗ lực cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Định hướng của Nhà trường là: Ổn định các ngành đào tạo hiện có; tập trung cho nâng cao chất lượng đào tạo để tạo nên thương hiệu và uy tín của Nhà trường; thúc đẩy hoạt động NCKH trong cả GV và SV, HV; từng bước mở rộng hợp tác quốc tế đem lại hiệu quả thiết thực cho Trường; ưu tiên cho đầu tư cơ sở vật chất nhằm đảm bảo các hoạt động của Nhà trường trong mọi điều kiện; và trên hết là tạo dựng được một tập thể đồng thuận, chung sức chung lòng cùng lấy sự phát triển của Nhà trường gắn với công ăn việc làm và thu nhập của mỗi chúng ta; kiến tạo nên một môi trường làm việc lành mạnh, chuyên nghiệp, động viên, khích lệ được hết thảy thầy và trò làm việc, học tập hăng hái thì nhất định Trường chúng ta sẽ đạt được sự phát triển nhanh và bền vững hơn.

     Nhân dịp kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, 48 năm xây dựng trưởng thành và 5 năm thành lập Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, thay mặt lãnh đạo Nhà trường, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cũng như Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đối tác của Nhà trường. Chúng tôi mong muốn và cũng tin tưởng rằng, trong thời gian tới, Nhà trường vẫn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của Tỉnh, TƯ và các đối tác để thêm động lực vững bước tiến lên.

     Với tất cả niềm tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Nhà trường, một lần nữa, xin kính chúc các quí vị đại biểu, các thầy cô giáo, các em HS, SV, HV luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công hơn trong công tác cũng như trong cuộc sống!

                               Xin trân trọng cảm ơn!

In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 Lễ ký kết chương trình phối hợp hoạt động giữa Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa với Trung đoàn 3, sư đoàn 324, Quân khu IV. (14/11/16)
 Cán bộ Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tham gia khóa Bồi dưỡng kiến thức Quản lý Nhà nước và Nghiệp vụ báo chí (14/11/16)
 Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa với Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020 (10/11/16)
 Hội thảo khoa học quốc tế “Giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN” (07/11/16)
 Làm việc với đoàn cán bộ quản lý trường Đại học Nông nghiệp và Kỹ thuật Mindoro (MinSCAT)- Philippines (07/11/16)
 Tọa đàm, giao lưu với Ban liên lạc văn nghệ sĩ, báo chí Thanh Hóa đang sinh sống, công tác tại Hà Nội (28/10/16)
 Lễ ký kết hợp tác giữa trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa với trường Đại học Nakhon Phanom Thái Lan (28/10/16)
 Hội nghị học tập, quán triệt triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (26/10/16)
 Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử” (26/10/16)
 Lễ khai giảng năm học 2016 – 2017 (05/10/16)
Hôm nay 9397
Hôm qua 35448
Tuần này 69233
Tháng này 590123
Tất cả 45873316
Browser   (Today) Chi tiết >>
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
Chịu trách nhiệm nội dung: PGS.TS Lê Thanh Hà - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng 
Địa chỉ: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa         Điện thoại: +(84) 2373 953 388    +(84) 2373 857 421
Email: dvtdt@dvtdt.edu.vn - Website: http://www.dvtdt.edu.vn