Tìm kiếm
 Liên kết Website
Đại học
GIỚI THIỆU CHUNG VỀ NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

1. Nhu cầu của xã hội đối với ngành Công tác xã hội

     Công tác xã hội là một ngành nhằm trợ giúp các cá nhân, nhóm, cộng đồng phục hồi, tăng cường chức năng xã hội, góp phần đảm bảo nền an sinh xã hội. Sứ mạng của ngành công tác xã hội là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu những rào cản, sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội. Với vai trò to lớn như vậy, Công tác xã hội được công nhận là một nghề nhằm thúc đẩy sự thay đổi xã hội, chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn, có hoàn cảnh đặc biệt nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu hơn.

     Ngành Công tác xã hội đã được đào tạo ở nước ta hơn 10 năm, đây là ngành có nhiều tiềm năng, số lượng sinh viên ra trường hiện chỉ đáp ứng 40% nhu cầu. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án số 32 chính thức công nhận Công tác xã hội là 1 nghề ở Việt Nam. Theo đề án, đội ngũ viên chức, nhân viên, cộng tác viên Công tác xã hội trong cả nước, phấn đấu đến năm 2015, tăng khoảng 10%. Mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1-2 viên chức, nhân viên Công tác xã hội thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên.

     Khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng có một vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khu vực này đang đối mặt với nhiều vấn đề làm cản trở sự phát triển bền vững, trong đó có một số vấn đề xã hội đang nảy sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Một trong những chìa khóa then chốt nhằm giải quyết trực tiếp những vấn đề xã hội đó là cần phát triển mạnh mẽ ngành Công tác xã hội nhằm đào tạo một đội ngũ nhân viên xã hội có kiến thức và kỹ năng chuyên nghiệp phục vụ cho các mục tiêu vì cộng đồng. Ngày nay, con người được xem là một nhân tố quyết định, là trung tâm của mọi sự phát triển, nhất là phát triển bền vững. Vì vậy, cần nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực Công tác xã hội như là một giải pháp thực hiện tốt và góp phần thúc đẩy an sinh xã hội, gia tăng năng lực và giảm thiểu rủi ro cho cá nhân, các nhóm yếu thế. Hoạt động Công tác xã hội được xem như một phần quan trọng của sự phát triển cộng đồng, phát triển xã hội mà trong đó các nhân viên xã hội là người trực tiếp thực hiện. Công tác xã hội phát triển mạnh sẽ góp phần phát triển và cải thiện hệ thống an ninh xã hội, trợ giúp con người và cộng đồng giải quyết và đối phó với các khó khăn trong cuộc sống ở khu vực Bắc Trung Bộ nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

2. Những lý do bạn nên chọn ngành Công tác xã hội Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

2.1. Đội ngũ giảng viên

     Với nguồn lực giảng viên uy tín, chất lượng, có thể đáp ứng tốt các chương trình đào tạo hiện bộ môn đang quản lý. Trong đó giảng viên cơ hữu giảng dạy tại bộ môn Công tác xã hội là 15 giảng viên, giảng viên tham gia thỉnh giảng là 20. 100% giảng viên có trình độ trên đại học, nhiều giảng viên là PGS, TS, giảng viên chính. Giảng viên có kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhiều giảng viên của Khoa là những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực thực hành công tác xã hội, lĩnh vực bình đẳng giới, tham vấn công tác xã hội,…

     Quy mô giảng viên hài hòa về tuổi đời, giới tính và trình độ, cập nhật phương pháp giảng dạy hiện đại, thân thiện, lấy người học làm trung tâm của quy trình giáo dục đại học. Hàng năm đảng ủy, lãnh đạo Khoa luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức bồi dưỡng tại chức để nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp và năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên thông qua tập huấn cấp khoa và bộ môn. Tổ chức rút kinh nghiệm về phương pháp giảng bài cho từng đối tượng, phương pháp nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo khoa học. Đáp ứng từng bước nhu cầu dạy và học và luôn lấy người học làm trung tâm trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy. Với chủ trương đúng, quyết tâm cao và có nhiều biện pháp tích cực, đồng bộ, sáng tạo, chất lượng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường sẽ không ngừng được nâng lên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của nhà trường trong những năm tiếp theo.

2.2. Chương trình đào tạo

     Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực giỏi nghiệp vụ, vững kỹ năng. Bộ môn Công tác xã hội luôn coi trọng chương trình đào tạo đại học theo hướng lồng ghép giữa lý luận và thực hành. Chương trình thực hành được thiết kế trong cả 4 năm học một cách chuyên sâu và bài bản. Chính vì vậy mà Khoa Công tác xã hội luôn được các cơ sở tiếp nhận sinh viên thực hành, thực tập đánh giá cao.

     Với khối lượng kiến thức toàn khóa học là 126 tín chỉ (Chưa tính kiến thức giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh), trong đó: Kiến thức giáo dục đại cương là 38 tín chỉ chiếm 30.2% khối lượng kiến thức toàn khóa học. Kiến thức Giáo dục chuyên nghiệp là 88 tín chỉ chiếm 69.8%, bao gồm: kiến thức cơ sở là 24 tín chỉ, kiến thức chuyên ngành 46 tín chỉ; Thực tế và Thực tập tốt nghiệp 18 tín chỉ. Bộ môn đã xây dựng chuẩn đầu ra cho ngành Công tác xã hội với yêu cầu sinh viên ngành Công tác xã hội sau khi tốt nghiệp cần nắm vững kiến thức chuyên ngành công tác xã hội (Công tác xã hội cá nhân, Công tác xã hội nhóm, phát triển cộng đồng, an sinh xã hội); sinh viên có đủ phẩm chất đạo đức của người nhân viên Công tác xã hội và nắm vững các quy điều đạo đức của ngành Công tác xã hội; sinh viên cần có các kỹ năng của nghề Công tác xã hội như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng giải quyết vấn đề... Bên cạnh đó, sinh viên cần có đủ trình độ để xây dựng và quản lý dự án Công tác xã hội, biết sử dụng ngoại ngữ để đọc tài liệu chuyên ngành Công tác xã hội.

     Chương trình đào tạo ngành Công tác xã hội cũng được biên soạn theo hướng tinh giảm số giờ lý thuyết, dành nhiều thời gian cho sinh viên tự nghiên cứu, đọc tài liệu, thảo luận, làm các bài tập và thực hành tại cơ sở. Khối lượng kiến thức của chương trình đã được xác nhận phù hợp với khuôn khổ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cho một chương trình giáo dục đại học 4 năm. Chương trình cũng được biên soạn theo hướng đổi mới các phương pháp dạy và học đại học

2.3. Nghiên cứu khoa học

     Trên tiến trình xây dựng và phát triển thành một đại học lớn mạnh và uy tín, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa nói chung, bộ môn Công tác xã hội nói riêng đã nỗ lực thực hiện rất nhiều hoạt động để thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên. Nhiều giảng viên của bộ môn đã trở thành tác giả uy tín của những tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Nhiều đề tài các cấp cũng đã được triển khai, nghiệm thu và đi vào ứng dụng xã hội trong những năm qua.

     Sinh viên của bộ môn Công tác xã hội cũng đạt được nhiều thành tích cao trong nghiên cứu khoa học của sinh viên. Cụ thể, sinh viên của lớp Công tác xã hội K1 đạt giải khuyến khích cấp Trường năm 2018, nhóm sinh viên của lớp Công tác xã hội K2 đạt giải nhất cấp trường năm 2018.  Ngoài ra, các nhóm nghiên cứu khác đều đạt giải cấp Khoa và cấp Trường.

2.4. Hợp tác quốc tế 

     Bộ môn Công tác xã hội đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế, mời các chuyên gia nước ngoài tập huấn về kiểm huấn viên, nâng cao kiến thức về chuyên môn và phương pháp giảng dạy cho giảng viên. Bộ môn không ngừng đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực: đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên, nghiên cứu khoa học với các đối tác quốc tế: Trường Đại học Zielona Góra - Ba Lan; Trường Đại học MinSCAT - Philippines; Trường Đại học Nakon Phanom  – Thái Lan; đào tạo tiếng Việt, đại học, cao học cho Lưu học sinh và cán bộ của các tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào). Khoa và bộ môn Công tác xã hội hiện nay đang liên kết chuyên sâu với các nước Philippines, Ba Lan, Hàn Quốc...

     Bên cạnh đó, để trở thành một ngành học uy tín, có tầm ảnh hưởng trong quá trình xây dựng và phát triển, bộ môn Công tác xã hội đã kiên định chiến lược hợp tác với các tổ chức, đơn vị để thúc đẩy công tác đào tạo, nghiên cứu và tạo việc làm cho sinh viên. Kỳ vọng vào việc đào tạo ra các thế hệ sinh viên công tác xã hội năng động, toàn tài, có đủ năng lực để làm việc ở nhiều môi trường khác nhau, bộ môn đã liên kết với nhiều đơn vị như: Cục Bảo trợ xã hội, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội; các Ban, đơn vị thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; các trường đào tạo ngành Công tác xã hội trong cả nước.

     Mạng lưới các cơ sở xã hội - nơi thực hành, thực tập của sinh viên ngành công tác xã hội đều là những cơ  sở uy tín, chuyên nghiệp như: Làng Hữu Nghị Việt Nam; Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1; Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2; Làng trẻ em SOS Thanh Hóa; Trung tâm Hội người mù Thanh Hóa; Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Trị; Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đăk Lăk; Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hòa Bình; Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi Thanh Hóa; Phòng Công tác xã hội Bệnh viện 71...

2.5. Các hoạt động ngoại khóa

     Hàng năm, Đoàn Thanh niên, các chi đoàn, chi hội, hội nhóm Công tác xã hội thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa đa dạng, phong phú, sáng tạo, thu hút được sự tham gia đông đảo của sinh viên. Một số chương trình nổi bật như Đông ấm yêu thương, Tình nguyện hè, các chương trình giao lưu văn nghệ, hội thi sinh viên tài năng,… tạo sân chơi lành mạnh cho sinh viên và lưu giữ lại những kỷ niệm sâu sắc của một thời tuổi trẻ.

2.6. Cơ sở vật chất, phòng học, thiết bị

     Ngoài việc thụ hưởng toàn bộ cơ sở vật chất của Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Khoa Văn hóa – Thông tin nói chung và bộ môn Công tác xã hội nói riêng còn có trung tâm tư liệu của khoa phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học chuyên môn của cán bộ và sinh viên, học viên trong chuyên ngành CTXH.

     Ngoài hệ thống giảng đường, Trung tâm Thông tin - Thư viện, ngành CTXH hiện có 20 phòng học lý thuyết, 04 phòng thực hành được trang bị hiện đại, đồng bộ đảm bảo phục vụ thực hành công nghệ cho sinh viên. Có 01 phòng làm việc cho các chuyên gia, giáo sư cộng tác giảng dạy và nghiên cứu, 03 phòng học chuyên đề nâng cao và nhiều thiết bị tân tiến phục vụ hoạt động dạy học. Ngoài ra, bộ môn còn tiến hành cộng tác với các cơ sở lao động xã hội trong toàn tỉnh thiết lập hệ thống cơ sở thực hành kỹ năng thường xuyên như: Hội Bảo trợ trẻ em tàn tật, Hội người mù; Hội người khuyết tật… các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể (Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ…) nhằm giúp sinh viên cọ sát và làm quen với môi trường thực tế. Kỳ vọng của bộ môn là xây dựng một đội ngũ giảng viên giỏi, tâm huyết với nghề, năng động và tích cực tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội, dịch vụ xã hội nghiên cứu thực tế để có thể làm cho chương trình đào tạo được cập nhật sinh động, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người học. Sinh viên sau tốt nghiệp có thể hội nhập ngay được vào thị trường lao động.

2.7. Cơ hội việc làm dành cho sinh viên ngành Công tác xã hội

     Với sự phát triển của kinh tế và khoa học công nghệ, sự nảy sinh của các vấn đề xã hội cũng không ngừng tăng cao dẫn đến sự cần thiết phải tăng cường nguồn nhân lực ngành công tác xã hội. Vì vậy, người học sau khi tốt nghiệp đại học ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa có thể làm việc tại các vị trí việc làm sau: Cán bộ trong các cơ quan của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp từ Trung ương đến địa phương; cán bộ trong các cơ quan của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp từ Trung ương đến địa phương; cán bộ trong các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội của Nhà nước và tư nhân; làm công tác xã hội tại các cơ sở quản lí nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đào tạo, y tế, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế; làm công tác xã hội chuyên nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau như: sức khoẻ, giáo dục, pháp luật, kinh tế, truyền thông, xã hội, văn hoá, môi trường… tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo có liên quan đến công tác xã hội; trở thành chuyên gia độc lập với vai trò là nhân viên xã hội, kiểm huấn viên, nhà nghiên cứu, chuyên gia tư vấn về công tác xã hội; làm việc cho một số các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế trên các lĩnh vực an sinh xã hội; bạn có thể trở thành những người làm công viêc giảng dạy tại các trường Đại hoc, các địa phương, cán bộ nghiên cứu…

2.8. Những điều bạn sẽ học được khi học ngành Công tác xã hội

- Phẩm chất chính trị, đạo đức và và ý thức cá nhân: Trong lối sống và công việc thể hiện được phẩm chất chính trị, đạo đức, ý thức phục vụ nhân dân và đất nước, ý thức và trách nhiệm công dân, sự tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, ý thức về tầm quan trọng của sức khỏe.

Hiểu biết tổng quát về khoa học xã hội: Có kiến thức tổng quát về khoa học xã hội và nhân văn làm cơ sở cho việc tích lũy và phát triển các kiến thức chuyên nghiệp về công tác xã hội.

Giao tiếp và làm việc hiệu quả trong các nhóm chuyên môn và đa ngành: Có kỹ năng giao tiếp ở các dạng khác nhau như lắng nghe, đặt câu hỏi, hội thoại, viết, trình bày một chủ đề trước nhiều người nhằm tăng hiệu quả làm việc của cá nhân và nhóm. Đồng thời có kỹ năng làm việc hợp tác trong các nhóm có cùng chuyên môn hoặc liên ngành.

Kỹ năng sử dụng tiếng Anh: Có kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong các tình huống giao tiếp khác nhau bao gồm nghe, nói, đọc hiểu và viết. Có kỹ năng đọc hiểu các văn bản khoa học thuộc chuyên ngành công tác xã hội.

Có khả năng sử dụng máy tính, mạng internet và các phần mềm thông dụng: Có khả năng sử dụng máy tính và các phần mềm thông dụng vào các công việc giao tiếp đa phương tiện, tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, soạn thảo các văn bản hành chính và học thuật, trình chiếu, thực hiện các tính toán thông dụng và nâng cao phục vụ hiệu quả cho việc học tập, thực hành và nghiên cứu.

- Thể hiện hành vi chuyên nghiệp và đạo đức nghề.

- Ứng xử hiệu quả đối với sự đa dạng và khác biệt trong thực hành.

- Tham gia thực hành dựa trên nghiên cứu và nghiên cứu dựa trên thực hành. Tham gia nghiên cứu khoa học, các chương trình, dự án về công tác xã hội.

- Thu hút sự tham gia của các cá nhân, gia đình, nhóm, các tổ chức và các cộng đồng.

- Can thiệp với cá nhân, gia đình, nhóm, tổ chức và cộng đồng.

- Lượng giá việc thực hành với cá nhân, gia đình, nhóm, tổ chức và cộng đồng.

- Nâng cao quyền con người, công bằng kinh tế và công bằng xã hội.

- Tham gia vào thực hành chính sách.

- Sinh viên có CÓ CƠ HỘI THAM GIA các chương trình thực tập ngắn hạn tại nước ngoài (Philippines, Hàn Quốc, Ba Lan…).

- Môi trường học tập gắn LÝ THUYẾT GẮN VỚI THỰC HÀNH, sinh viên liên tục được tiếp cận với những điều mới mẻ, hiện đại. Sinh viên được tham gia các đợt thực tập, thực hành để trải nghiệm thực tế nghề nghiệp, có cơ hội học tập, giao lưu với sinh viên nước ngoài.

- Tham gia các hoạt động học tập, giao lưu sinh viên tại các trường đại học có uy tín về công tác xã hội.

     Bộ môn Công tác xã hội chúc các sĩ tử 2019 có một mùa thi thật thành công và đầy thắng lợi. Chúc các bạn lựa chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân mình, chào đón các bạn đến với bộ môn Công tác xã hội của Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

3. Điều kiện tuyển sinh:

     Nếu bạn quan tâm, hãy đăng ký theo học ngành Công tác xã hội tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa (TUCST) theo hai hình thức sau:

PHƯƠNG THỨC TUYỂN SINH NĂM 2019
(Mã trường DVD)

MÔN/TỔ HỢP XÉT TUYỂN

Dựa theo kết quả 
kỳ thi THPT Quốc gia

Dựa theo phương thức 
xét tuyển học bạ THPT

 
C15 (Văn + Toán + KHXH)

D01 (Toán + Văn + Tiếng Anh)

A16 (Toán + Văn + KHTN)

C00 (Văn + Sử + Địa)

- Tốt nghiệp THPT;
- Đăng ký nguyện vọng ngay lúc làm hồ sơ thi THPT Quốc gia từ 01/04 - 20/04

- Tốt nghiệp THPT hoặc tương đương
- Điểm trung bình 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên.

4. Thông tin chi tiết xin liên hệ
Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, số 561 đường Quang Trung, phường Đông Vệ, TP.Thanh Hóa

+ Điện thoại CQ: 02373.713. 496

+ Điện thoại DĐ:  0979.283.406 (Thầy Trường -  Phó Trưởng khoa Văn hóa - Thông tin, Trưởng bộ môn Công tác xã hội).

+ Website: http://www.dvtdt.edu.vn

+Fanpage: https://www.facebook.com/khoavanhoathongtinxahoi.dvtdt.edu.vn

MỘT SỐ HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG CỦA SINH VIÊN

BỘ MÔN CÔNG TÁC XÃ HỘI


Sinh viên đi thực tế tại Hội người mù Việt Nam tỉnh Thanh Hóa


Sinh viên Bộ môn CTXH đạt giải nhất đề tài NCKH sinh viên năm 2018


Thực tập phát triển cộng đồng  tại xã Thanh Phong, Như Xuân, Thanh Hóa


Sinh viên đi thực tập tại huyện Như Thanh, Thanh Hóa

Nguồn tin: Khoa Văn hóa - Thông tin
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 GIỚI THIỆU VỀ NGÀNH THANH NHẠC (03/04/19)
 DU LỊCH - NGÀNH HỌC HẤP DẪN DÀNH CHO CÁC BẠN TRẺ NĂNG ĐỘNG (03/04/19)
 THIẾT KẾ THỜI TRANG – CÔNG VIỆC CHO NHỮNG SINH VIÊN ƯA SÁNG TẠO (03/04/19)
 MẪU ĐƠN ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN ĐẠI HỌC CHÍNH QUY NĂM 2019 (02/04/19)
 ĐỀ ÁN TUYỂN SINH NĂM 2019  (11/03/19)
 HƠN 7.000 HỌC SINH CÁC TRƯỜNG THPT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA THAM DỰ NGÀY HỘI TƯ VẤN TUYỂN SINH - HƯỚNG NGHIỆP NĂM 2019 (21/01/19)
 CHƯƠNG TRÌNH TƯ VẤN TUYỂN SINH - HƯỚNG NGHIỆP 2019  (19/01/19)
 THÔNG BÁO TUYỂN SINH BỔ SUNG ĐỢT 1 ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG CHÍNH QUY NĂM 2017 (09/08/17)
 DANH SÁCH THÍ SINH TRÚNG TUYỂN XÉT TUYỂN THPT QUỐC GIA 2017 ĐỢT 1  (03/08/17)
 NHỮNG GIẤY TỜ NHÂP HỌC KHI THÍ SINH TRÚNG TUYỂN ĐẠI HỌC ( ĐỢT 1) (01/08/17)
Hôm nay 30131
Hôm qua 25909
Tuần này 96747
Tháng này 613883
Tất cả 45156051
Browser   (Today) Chi tiết >>
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
Chịu trách nhiệm nội dung: PGS.TS Lê Thanh Hà - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng 
Địa chỉ: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa         Điện thoại: +(84) 2373 953 388    +(84) 2373 857 421
Email: dvtdt@dvtdt.edu.vn - Website: http://www.dvtdt.edu.vn