Tin mới
Đào tạo
Đặc điểm của phương pháp giảng dạy động tác đối với học sinh Trung học cơ sở

Đối với học sinh trung học cơ sở, khả năng vận động được phát triển nhanh. Nhưng theo đặc điểm tâm - sinh lý lứa tuổi, đây là giai đoạn dậy thì (vào những năm cuối cấp học) nên có thể dẫn đến những dao động tạm thời trong họat động của hệ tim mạch và giảm sút khả năng phối hợp vận động (đặc biệt đối với nữ). Ở các em nam thường thể hiện khuynh hướng tiêu biểu là đánh giá khả năng của mình quá cao trong họat động thể lực. Về mặt tâm lý, học sinh trung học cơ sở có đặc điểm nổi bật là thường không ổn định. Cho nên khi đề ra nhiệm vụ học tập vận động cần tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc của giáo dục thể chất, đặc biệt là nguyên tắc vừa sức và đối đãi cá biệt.

Phương pháp dạy học động tác cho học sinh tiểu học thường dùng là phương pháp toàn vẹn. Nhưng đối với học sinh trung học cơ sở thì phương pháp phân chia, hợp nhất chiếm ưu thế. Phương pháp phân chia - hợp nhất là chia động tác ra nhiều phần rồi tiến hành theo một trình tự nhất định, sau đó hợp nhất chúng lại. Nếu động tác hoặc tổ hợp các động tác cần học có thể chia ra thành các yếu lĩnh (thành phần động tác) tương đối độc lập mà không làm giảm sút đáng kể tính chất của chúng thì mới tiến hành giảng dạy theo cách này. Ưu điểm của phương pháp là học sinh dễ nắm bắt được kỹ thuật động tác, tiết kiệm được thời gian. Nhưng nếu sử dụng không tốt phương pháp này thì học sinh khó nắm được hệ thống của động tác hoặc xây dựng định hình của động tác không chính xác. Phương pháp này thường dùng khi giảng dạy kỹ thuật động tác khó (nhảy cao, nhảy xa, bơi...). Vì vậy khi sử dụng phương pháp phân chai - hợp nhất cần chú ý:

- Thận trọng trong việc phân chia động tác; việc chia cần đảm bảo mối quan hệ giữa các bộ phận động tác để không bị phá vỡ cấu trúc kỹ thuật động tác khi thực hiện hợp nhất.

- Phân tích cho học sinh biết được vị trí của từng bộ phận động tác và mối quan hệ của chúng trong toàn bộ cấu trúc kỹ thuật động tác.

- Không nên để cho học sinh thực hiện quá thuần thục các bộ phận của kỹ thuật động tác rồi mới tiến hành  hợp nhất, có nghĩa là phải xác định thời gian thích hợp để thực hiện hoàn chỉnh kỹ thuật động tác.

Phương pháp tập luyện nguyên vẹn là phương pháp thực hiện toàn bộ động tác trọn vẹn từ đầu tới cuối, không phân chai thành các giai đoạn hoặc từng bộ phận động tác. Giảng dạy theo phương pháp nguyên vẹn tạo cho học sinh nắm vững động tác một cách liên tục, không tách rời mối liên hệ chặt chẽ giữa các bộ phận của động tác. Phương pháp này thích hợp với những động tác đơn giản hoặc những động tác khó nhưng không thể tiến hành phân chia được, nếu phân chia sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc kỹ thuật động tác. Thực tế cho thấy trong quá trình giảng dạy có những động tác khó vẫn phải sử dụng phương pháp tập luyện nguyên vẹn. Khi dùng phương pháp tập luyện nguyên vẹn đối với những động tác khó, phức tạp, phải chú ý nhấn mạnh vào những phần chính của kỹ thuật động tác, hạ thấp yêu cầu như rút ngắn cự ly, giảm bớt khối lượng, hạ thấp độ cao... để học sinh có thể hoàn thành được động tác. Sau đó nâng dần yêu cầu và độ khó của động tác. Ngoài ra quá trình giảng dạy cần có sự kết hợp với các bài tập bổ trợ hoặc bài tập dẫn dắt để tạo điều kiện cho học sinh nắm vững kỹ thụât động tác một cách nhanh chóng.

Trong quá trình giảng dạy kỹ thuật động tác đối với học sinh trung học cơ sở, cần kết hợp phương pháp giảng giải và phương pháp trực quan. Vì đó là phương pháp cơ bản để xây dựng những khái niệm ban đầu về động tác cho học sinh.

Phương pháp giảng giải là giáo viên dùng lời nói phân tích mục đích, yêu cầu, yếu lĩnh kỹ thuật động tác, trọng tâm, điểm khó v.v.. của động tác, có nghĩa là phân tích mối liên hệ bên trong của động tác. Nhưng giảng giải phải đảm bảo các yêu cầu: nội dung phải chính xác, trình bày phải logic và khoa học, lời lẽ phải ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, diễn đạt phải sinh động, sôi nổi, nhiệt tình. Như vậy, học sinh mới tiếp thu được dễ dàng, nhanh chóng hình thành được khái niệm động tác và thúc đẩy sự nhiệt tình trong học tập, tập trung tư tưởng, cuối cùng là giờ học đạt hiệu quả cao.

Phương pháp trực quan thường được sử dụng là trực quan trực tiếp (làm mẫu). Sử dụng phương pháp trực quan đối với học sinh phổ thông trung học cơ sở cần đảm bảo các yêu cầu: động tác phải chính xác, đẹp, phải căn cứ vào tình hình và đặc điểm cụ thể để lựa chọn hình thức tiến hành cho thích hợp. Có thể làm mẫu toàn bộ động tác hoặc một phần của động tác, làm nhanh hoặc chậm, di động hoặc tại chỗ, làm mẫu cả động tác đúng và động tác sai. Vị trí và góc nhìn khi làm mẫu phải hợp lý. Giáo viên phải căn cứ vào đội hình, số lượng học sinh, tính chất của động tác, điều kiện thực hiện động tác v.v.. để chọn phương hướng, cự ly, vị trí làm mẫu sao cho tất cả các học sinh đều quan sát một cách rõ ràng. Làm mẫu phải kết hợp với giảng giải tạo cho các em có được khái niệm đúng và tiếp thu nhanh kỹ thuật động tác, đồng thời tăng được sự hứng thú trong học tập của học sinh.

Phương pháp tập luyện là một trong những vấn đề có vai trò quan tọng để học sinh tiếp thu và hoàn thiện các kỹ năng kỹ xảo vận động và phát triển các tố chất thể lực. Đối với học sinh trung học cơ sở, người ta thường quan tâm đến ba loại phương pháp đó là: phương pháp tập luyện lặp lại, biến đổi, phương pháp trò chơi và phương pháp thi đấu. Khi sử dụng các phương pháp tập luyện cần chú ý một số đặc điểm: lượng vận động phải thích hợp, hình thức tập luyện phải phong phú và đảm bảo an toàn.

Phương pháp tập luyện lặp lại là phương pháp được tiến hành lặp đi lặp lại nhiều lần một động tác hoặc bài tập nhất định. Đặc điểm của phương pháp này là hình thức kết cấu của động tác thường không thay đổi. Học sinh chỉ căn cứ theo động tác quy định mà tập luyện . Khi vận dụng phương pháp này cần căn cứ voà nhiệm vụ, nội dung bài học, điều kiện sân bãi dụng cụ,đặc điểm của học sinh mà quy định số lần lặp lại, cự ly, trọng lượng và thời gian nghỉ giữa quãng. Phương pháp tập luyện lặp lại giúp học sinh củng cố hoàn thiện kỹ thuật động tác, sưã chữa những động tác sai và phát triển thể lực. Trong tập luyện, giáo viên cần căn cứ vào tình hình nắm vững động tác của học sinh mà thay đổi yêu cầu, tăng độ khó để nâng cao dần chất lượng thực hiện động tác.

Trong điều kiện nào đó, giáo viên có thể thay đổi số lần lặp lại, cự ly, quãng nghỉ, cường độ vận động, trọng lượng và yêu cầu tập luyện để giảm nhẹ hoặc tăng thêm sức chịu đựng của học sinh nhằm làm cho học sinh có thể nắm vững và hoàn thiện động tác một cách nhanh chóng hoặc nhằm phát triển thể chất, thể lực. Phương pháp tập luyện thay đổi phải có mục đích, nhiệm vụ rõ ràng và thay đổi một cách thích hợp để động viên học sinh tích cực học tập. Tránh hiện tượng thay đổi quá nhiều làm cho việc tổ chức phức tạp, tốn nhiều thời gian không cần thiết.

Phương pháp trò chơi. Sử dụng phương pháp trò chơi để tập luyện trong giờ học thể dục thể thao sẽ gây hào hứng sôi nổi, động viên được tinh thần học tập tích cực hăng say luyện tập của học sinh. Tuỳ theo nhiệm vụ, tính chất bài học mà chọn nội dung chơi thích hợp, tránh hiện tượng dùng trò chơi để mua vui cho học sinh.

Phương pháp thi đấu. Thi đấu là hình thức tập luyện sinh động và phức tạp. Trong giờ giảng dạy kỹ thuật, có thể tổ chức thi đấu dưới những hình thức đơn giản, ngắn gọn. Có nhiều hình thức thi đấu có thể được tổ chức: thi đấu giữa các lớp, giữa các tổ, thi đấu giữa các em cá biệt (khá hoặc kém). Do điều kiện thi đấu có sự ganh đua căng thẳng và phức tạp, nên nếu việc tổ chức không hợp lý thì kỹ thuật động tác mà các em tiếp thu được dễ bị phá vỡ khi định hình động tác chưa vững chắc. Do vậy, nên tổ chức thi đấu sau khi các em đã nắm kiếnt hức và kỹ thụât động tác. Những điều kiện khó khăn mà các em vượt qua khi thi đấu có ý nghĩa giáo dục tư tưởng, ý chí, tình cảm, tinh thần đoàn kết và đặc biệt là có tác dụng tốt cho sự phát triển các tố chất thể lực và hoàn thiện kỹ thụât động tác.

Một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm trong quá tình giáo dục thể chất cho học sinh trung học cơ sở là giáo dục tư tưởng trong giảng dạy thể dục thể thao. Giáo dục tư tưởng cho học sinh được tiến hành thông qua nội dung chương trình giảng dạy, thông qua việc quan sát, phát hiện và xử lý kịp thời mọi biểu hiện trên lớp và thông qua lời nói. Yếu tố quan trọng là còn phải giáo dục cả bằng hành động thực tế của bản thân giáo viên. Bởi vì mỗi hành động, cử chỉ  của giáo viên đều ảnh hưởng lớn đến tư tưởng học sinh trung học cơ sở. Lứa tuổi này các em đang trong thời kỳ hăng say đi tìm cái mới, thích bắt chước những hoạt động của những người mà các em yêu thích. Vì vậy bản thân giáo viên phải hết sức gương mẫu, phải chú ý từng hành động, lời nói để học sinh noi theo và giáo viên phải là tấm gươngmẫu mực để học sinh học tập.

Để giáo dục tốt công tác chính trị tư tưởng cho học sinh, giáo viên phải giáo dục tốt ngay chính bản thân mình, luôn luôn rèn luyện, trau dồi kiến thức chuyên môn, nâng cao trình độ chính trị tư tưởng, đạo đức tác phong để trở thành người giáo viên giỏi về chính trị, vững về chuyên môn. Trong khi lên lớp phải biết quan sát để phát hiện và giải quyết kịp thời mọi biểu hiện của học sinh, phải phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, sát đối tượng, đúng bản chất. Tránh tình trạng qua loa đại khái, chỉ xem xét bề ngoài, giải quyết đồng loạt hoặc thành kiến với học sinh. Giáo viên phải nhẫn nại, thương yêu học sinh. Đối với học sinh mắc khuyết điểm, một mặt cần nghiêm khắc, nhưng mặt khác phải nhẹ nhàng khuyên nhủ, động viên để các em phấn khởi, tự nguyện tự giác sửa chữa những sai lầm, không được cưỡng ép, hắt hủi, mắng nhiếc, trừng phạt thể xác của học sinh. Đối với ưu điểm cần kịp thởi biểu dương, phát huy, lấy đó là điển hình để động viên tập thể noi theo, bồi dưỡng và phát triển những suy nghĩ và hành động tốt đẹp của học sinh. Giáo viên thể dục thể thao cần liên hệ chặt chẽ với gia đình, Đoàn, Đội, giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên văn hoá khác để cùng phối hợp tranh thủ mọi cơ hội tiến hành giáo dục tư tưởng cho học sinh.

Nguồn tin: Khoa TDTT,   Tác giả: Admin
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 Đặc điểm của phương pháp giảng dạy động tác đối với học sinh tiểu học (15/02/19)
 Mục đích, nhiệm vụ của giáo dục thể chất trong trường Tiểu học và THCS (15/02/19)
 Mối quan hệ giữa Thể dục thể thao và giáo dục thể chất (15/02/19)
 Giáo dục thể chất (15/02/19)
 Sự phát triển thể chất con người là quá trình tự nhiên - xã hội (15/02/19)
 Thể dục thể thao theo quan điểm hiện đại về văn hoá (15/02/19)
 Quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 nội dung về Giáo dục thể chất và phát triển thể dục, thể thao trong nhà trường (15/02/19)
 Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020 (15/02/19)
 Nội dung về Giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường  (15/02/19)
 Nghị quyết 08-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020 (15/02/19)
Hôm nay 475
Hôm qua 8743
Tuần này 19981
Tháng này 56217
Tất cả 2258887
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA THỂ DỤC THỂ THAO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

 

 @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Địa chỉ: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường