Tin mới
Đào tạo
Hệ thống tuyển chọn VĐV trẻ

Tuyển chọn thể thao – là hệ thống các biện pháp về tổ chức và phương pháp có tính đồng bộ về y sinh học, tâm lý học, xã hội học và giáo dục học, nhằm phát hiện những tư chất và năng lực của nhi đồng, thiếu niên, nam nữ thanh niên để chuyên môn hoá môn thể thao nhất định.

Hệ thống tuyển chọn những VĐV trẻ có triển vọng với hiệu quả cao có vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo lực lượng kế cận.

Hiện nay, những cơ sở về tổ chức và phương pháp của hệ thống tuyển chọn thiếu niên và nhi đồng vào các trường thể thao thanh thiếu niên cơ bản đã được xây dựng hoàn chỉnh. Cần xác định những khái niệm cơ bản trong tuyển chọn VĐV là tuyển chọn thể thao và định hướng thể thao.

Tuyển chọn thể thao – là hệ thống các biện pháp về tổ chức và phương pháp có tính đồng bộ về y sinh học, tâm lý học, xã hội học và giáo dục học, nhằm phát hiện những tư chất và năng lực của nhi đồng, thiếu niên, nam nữ thanh niên để chuyên môn hoá môn thể thao nhất định.

Nhiệm vụ cơ bản của tuyển chọn thể thao là nghiên cứu toàn diện và phát hiện những tư chất bẩm sinh và năng lực tương đối phù hợp với những đòi hỏi của môn thể thao nhất định.

Định hướng thể thao là hệ thống các biện pháp về tổ chức và phương pháp, có tính đồng bộ, nhằm xác định chuyên môn thể thao hẹp của từng người trong một môn thể thao.Ví dụ: chọn cự ly chạy hay bơi, vị trí trong bóng đá, bóng rổ.

Tuyển chọn thể thao là một quá trình nhiều năm, qua nhiều thang bậc. Trên cơ sở nghiên cứu toàn diện năng lực của VĐV, tuyển chọn thể thao tạo nên tiền đề thuận lợi để hình thành và hoàn thiện những năng lực ấy trong môn thể thao đã chọn.

Vì có nhiều môn thể thao nên phạm vi lựa chọn môn thể thao thích hợp đối với từng người rất rộng. Một VĐV có thể không thích hợp với môn thể thao này, nhưng lại đạt thành tích cao ở môn thể thao khác. Xuất phát từ luận điểm chung đó, có thể dự báo những tài năng thể thao cho một môn hoặc nhóm môn thể thao.

Tài năng thể thao tuỳ thuộc vào những tư chất di truyền có tính chất ổn định và bảo tồn cao. Bởi vậy, khi dự báo tài năng thể thao trước hết cần chú ý những đặc điểm ít biến đổi có liên quan trực tiếp đến thể thao tương lai.

Cùng với việc nghiên cứu những đặc điểm có tính bảo tồn nói trên, dự báo tài năng thể thao cần phải phát hiện những chỉ số có thể biến đổi do giáo dục tập luyện. Do đó để nâng cao độ chuẩn xác của dự báo, cần chú ý đến nhịp độ phát triển của các chỉ số so với những số liệu thu thập ban đầu.

Do sự phát triển những chức phận cơ thể riêng biệt và những đặc điểm của các tố chất không đồng thời với nhau, nên có sự khác biệt trong việc biểu hiện tài năng của VĐV trong các thời kỳ tuổi khác nhau. Những sự khác biệt đó thể hiện rất rõ ở VĐV môn thể thao đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, trong những môn này các VĐV ở tuổi thiếu niên đã có thể đạt thành tích thể thao cao. Như vậy, toàn bộ quá trình đào tạo từ lúc bắt đầu đến khi đạt trình độ kiện tướng quốc tế diễn ra trong thời kỳ VĐV trẻ.

Vấn đề tuyển chọn VĐV trẻ cần được giải quyết một cách đồng bộ bằng các biện pháp sư phạm, y – sinh ,tâm lý và xã hội học .

- Các phương pháp sư phạm cho phép đánh giá mức độ phát triển các tố chất vận động, năng lực phối hợp và trình độ kỹ thuật thể thao của VĐV trẻ.

- Các phương pháp y – sinh phát hiện được những đặc điểm hình thái, chức phận, mức độ phát triển thể lực, trạng thái hệ thống các cơ  quan phân tích và sức khoẻ VĐV.

- Các phương pháp tâm lý xác định được những đặc điểm tâm lý của VĐV có ảnh hưởng đến việc thực hiện những nhiệm vụ của cá nhân hoặc đồng đội trong tập luyện và thi đấu thể thao. Ngoài ra còn đánh giá trình độ phối hợp ăn ý giữa các VĐV trong thực hiện nhiệm vụ của đội thể thao.

- Những phương pháp nghiên cứu xã hội học cho phép thu thập những thông tin về hứng thú, ham thích của VĐV, phát hiện những mối liên hệ nhân - quả giữa việc hình thành động cơ tập luyện và thi đấu thể thao với những thành tích thể thao đạt được .

Quá trình tuyển chọn VĐV trẻ vào trường hay câu lạc bộ thể thao chia làm ba giai đoạn chủ yếu (bảng 1.1).

- Những nhiệm vụ cơ bản của giai đoạn thứ I là lôi cuốn nhi đồng, thiếu niên có năng khiếu thể thao tập luyện càng nhiều càng tốt; kiểm tra sơ bộ và tổ chức tập luyện bước đầu.

Bảng 1. Hệ thống tuyển chọn vào trường thể thao

Giai đoạn tuyển chọn

Những nhiệm vụ

của từng giai đoạn tuyển chọn

Những phương pháp

tuyển chọn cơ bản

I

Tuyển chọn sơ bộ nhi đồng, thiếu niên vào trường lớp hoặc câu lạc bộ thể thao.

1. Quan sát sư phạm

2. Thử nghiệm kiểm tra (test)

3. Quan sát thi đấu các môn thể thao

4. Nghiên cứu xã hội học

5. Kiểm tra y học.

II

Kiểm tra kỹ càng các em đã được chọn sơ bộ xem có đáp ứng được với những đòi hỏi của môn thể thao dự định. Ghi nhận các em được chọn vào trường thể thao.

1. Quan sát sư phạm

2. Thử nghiệm kiểm tra(test)

3. Thi đấu và trò chơi kiểm tra

4. Nghiên cứu tâm lý

5. Nghiên cứu y – sinh học.

III

Nghiên cứu một cách hệ thống,nhiều năm từng VĐV với mục đích xác định lần cuối môn thể thao chuyên môn hoá cho từng VĐV (giai đoạn định hướng thể thao)

1. Quan sát sư phạm

2. Thử nghiệm kiểm tra(test)

3. Thi đấu và trò chơi kiểm tra

4. Nghiên cứu tâm lý .

5. Nghiên cứu y – sinh học.

Những tiêu chuẩn để xác định mức thích hợp cho các em vào tập phần lớn các môn thể thao là chiều cao, cân nặng, đặc điểm thể hình. Điều này có ý nghĩa quan trọng để chọn đúng là sự quan sát của HLV và giáo viên TDTT qua các buổi tập luyện trong câu lạc bộ, ngoại khoá ở trường, các cuộc kiểm tra thi đấu ở nhiều cấp. Có thể huấn luyện sơ bộ ngay trong giờ TDTT nội, ngoại khoá. Có thể ảnh huởng đến việc hình thành thiên hướng tập luyện môn thể thao này hoặc môn thể thao khác trong các em bằng những bài tập chuyên môn, từ đó mà định hướng môn thể thao sau này.

Thực tiễn thể thao chứng tỏ giai đoạn tuyển chọn ban đầu không thể phát hiện được mẫu người lý tưởng với những đặc điểm hình thái, chức phận và phẩm chất tâm lý cần thiết chuyên môn hoá một môn thể thao xác định trong tương lai, bởi sự phát triển sinh học của từng cá thể còn có nhiều sự khác biệt đáng kể. Cho nên những số liệu thu thập trong giai đoạn tuyển chọn ban đầu chỉ là tham khảo trong định hướng mà thôi.

Tất cả nhi đồng và thiếu niên được tuyển chọn ban đầu cần phải kiểm tra y học và không có bệnh tật. Cần lưu ý đến điều kiện đi lại để tập luyện của các em, thái độ của cha mẹ đối với tập luyện thể thao, kết quả học tập trong trường phổ thông.

Cuối giai đoạn I, cần tổ chức thi đấu kiểm tra theo các môn thể thao, thường vào cuối năm học hoặc sau tập huấn hè. Để phát hiện được chuẩn xác hơn những tiềm năng của các em nên lấy số liệu ban đầu và xem xét nhịp đọ phát triển của các chỉ số đó. Các buổi kiểm tra tuyển chọn ban đầu không phải chỉ nhằm xem cách thực hiện bài tập, mà chủ yếu là phát hiện năng lực giải quyết các nhiệm vụ vận động trong tương lai, tìm hiểu năng lực sáng tạo và biết xử lý các tình huống trong vận động. Kiểm tra một lần chỉ nói lên hiện trạng, chứ không xác định được tiềm năng có triển vọng trong tương lai. Thành tích thể thao tiềm ẩn của VĐV tuỳ thuộc không những mức độ phát triển ban đầu của các tố chất vận động, mà còn phụ thuộc vào nhịp độ phát triển các tố chất ấy trong quá trình tập luyện chuyên môn.

Sự phát triển thể chất của các em được đánh giá bằng hàng loạt các chỉ số sau đây: chiều cao, cân nặng, tỷ lệ thân thể, hình dạng cột sống và thân thể, hình dạng cột sống và lồng ngực, cấu tạo hông và chân, kích thước bàn chân. Sau đó là các năng lực vận động. Bảng 1.1 trình bày những bài tập kiểm tra và tiêu chuẩn để đánh giá các tố chất vận động, làm cơ sở để tuyển chọn các em vào tập luyện.

Vào giai đoạn II, thực hiện kiểm tra kỹ các em đã được chọn sơ bộ xem có đáp ứng được đối với những đòi hỏi để huấn luyện đạt thành tích trong môn thể thao được chọn. Trong giai đoạn này, cần sử dụng các phương pháp quan sát sư phạm, thử nghiệm kiểm tra, nghiên cứu y – sinh và tâm lý. HLV cần đặc biệt lưu ý những phẩm chất thể hiện ở các em như tính tự chủ, tính kiên quyết, kiên định mục tiêu và khả năng huy động tiềm lực trong thi đấu, tính tích cực và nhẫn nại trong thi đấu, năng lực cố gắng tối đa khi về đích.v.v…Cũng cần lưu ý đến tính cần cù chịu khó và ham thích tập luyện môn thể thao được chọn. Cần phải nghiên cứu một cách toàn diện từng VĐV, chứ không nên chỉ dừng lại ở từng năng lực riêng biệt của em ấy. Vì vậy cần đánh giá những năng lực ấy trong điều kiện hoạt động khác nhau như thi đấu, tập luyện và cả trong phòng thí nghiệm.

Cuối gia đoạn II, hội đồng tuyển chọn của trường hoặc câu lạc bộ thể thao bắt đầu xem xét các đơn phụ huynh, hồ sơ của VĐV và giải quyết vấn đề thu nhận vào trường, lớp hay câu lạc bộ TDTT. Những kết quả thi đấu kiểm tra, thực nghiệm, nhận xét của HLV và kết luận của bác sĩ thể thao là những yếu tố quyết định để xét tuyển nhi đồng, thiếu niên vào trường lớp hoặc câu lạc bộ thể thao. Hệ thống tuyển chọn này không nên loại trừ các em tuy không tham gia hai giai đoạn tuyển chọn nói trên, nhưng có thành tích thể thao tốt.

Nhiệm vụ của giai đoạn tuyển chọn thứ III (giai đoạn định hướng thể thao) là nghiên cứu một cách hệ thống, liên tục nhiều năm từng VĐV của trường hoặc câu lạc bộ nhằm khẳng định lần chót về chuyên sâu thể thao của từng VĐV. Nghiên cứu cẩn thận và lâu dài sẽ nâng cao độ tin cậy trong việc xác định chuyên sâu thể thao của VĐV.

Trong giai đoạn này, vẫn thực hiện quan sát sư phạm, thực nghiệm kiểm tra, nghiên cứu y – sinh, tâm lý và xã hội học với mục đích tiếp tục xác định các mặt mạnh, yếu về trình độ tập luyện của VĐV. Cuối cùng, định hướng chuyên môn hẹp thể thao của VĐV được quyết định. Khi nghiên cứu số liệu về nhân trắc, cần so sánh thể hình của đối tượng tuyển với những VĐV xuất sắc của môn thể thao. Các bài tập kiểm tra như chạy 30m, lực lưng, lực tay vẫn còn nguyên giá trị để đánh giá tố chất chuyên môn nhanh, mạnh,v.v…

Quá trình tuyển chọn gắn liền với các giai đoạn huấn luyện thể thao và những đặc điểm của các môn thể thao. Căn cứ vào những đặc điểm chung trong tiêu chuẩn tuyển chọn, chúng ta quy tụ thành 5 nhóm môn thể thao sau đây:

  1. Nhóm các môn thể thao sức mạnh - tốc độ.
  2. Nhóm các môn thể thao có chu kỳ.
  3. Nhóm các môn thể thao có kỹ thuật phức tạp.
  4. Nhóm các môn thể thao cá nhân đối kháng.

Nhóm các môn bóng.

Nguồn tin: Khoa TDTT,   Tác giả: admin
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 Kỹ thuật giật bóng thuận tay trong Bóng bàn (30/11/18)
 Kỹ thuật vụt nhanh trái tay (Đôi công trái tay) trong Bóng bàn (30/11/18)
 Kỹ thuật vụt nhanh thuận tay trong Bóng bàn (30/11/18)
 Dự giờ môn Giáo dục thể chất cho trẻ mầm non của giảng viên Trịnh Ngọc Trung (27/10/18)
 Dự giờ môn Giải Phẩu của giảng viên Nguyễn Thành Trung (25/09/18)
 Dự giờ môn Đá cầu của giảng viên Nguyễn Công Thành (25/09/18)
 Dự giờ môn Bóng bàn của giảng viên Đỗ Đức Đạt (25/09/18)
 Dự giờ môn Aerobic của giảng viên Dương Đình Tiến (21/09/18)
 Dự giờ môn Tâm lý học TDTT của giảng viên Mai Thị Thanh Vân (21/09/18)
 Thao giảng, dự giờ đánh giá giờ dạy môn Sinh Hóa TDTT đối với giảng viên Phạm Thị Hải Yến – Khoa TDTT (24/08/18)
Hôm nay 1470
Hôm qua 2496
Tuần này 18667
Tháng này 14626
Tất cả 2335925
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA THỂ DỤC THỂ THAO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

 

 @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Địa chỉ: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường