Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
SINH CON BẰNG KỸ THUẬT HỖ TRỢ SINH SẢN VÀ XÁC ĐỊNH CHA, MẸ CHO CON TRONG TRƯỜNG HỢP NÀY

Nội san số 5 - Khoa Luật & QLNN

 

 

  1. Các phương pháp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (KTHTSS) đã không còn quá xa lạ đối với xã hội hiện đại khi mà tỉ lệ những cặp vợ chồng không thể có con ngày càng cao. Tuy nhiên, với việc sử dụng những tiến bộ khoa học về lĩnh vực y học đã cho phép các cặp vợ chồng vô sinh, người phụ nữ độc thân có thể có con. Các phương pháp hỗ trợ sinh sản bao gồm 2 phương pháp chính đó là: thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo.

Thụ tinh trong ống nghiệm là sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng trong ống nghiệm để tạo thành phôi. Phương pháp này trứng được thụ tinh bằng tinh trùng bên ngoài cơ thể của người phụ nữ. Những cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân  có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Vì bất kỳ lý do gì đó, tinh trùng không thể thụ tinh cho trứng bằng phương pháp tự nhiên. Trải qua nhiều bước thực hiện: Chiết xuất trứng lấy trứng này đem thụ tinh với tinh trùng khỏe mạnh trong phòng thí nghiệm cho ra phôi thai dùng phôi thai cấy vào tử cung người nữ. Số phôi dư sẽ được cất giữ trong điều kiện bắt buộc.

Thụ tinh nhân tạo là thủ thuật bơm tinh trùng của chồng hoặc của người cho tinh trùng vào tử cung của người phụ nữ có nhu cầu sinh con để tạo phôi.Trường hợp này khác thụ tinh trong ống nghiệm đó là trứng của người phụ nữ và tinh trùng của người đàn ông tạo thành phôi xảy ra trong tử cung của người phụ nữ. Về mặt sinh học muốn thụ tinh nhân tạo, người vợ phải đáp ứng yêu cầu có ít nhất 1 vòi trứng thông tốt, chu kỳ phải có trứng rụng mới đảm bảo có thể thực hiện thụ tinh nhân tạo. Phương pháp này áp dụng cho cặp chồng vô sinh và áp dụng cho phụ nữ sống độc thân có nhu cầu sinh con bằng phương pháp này.

  1. Các quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và xác định cha, mẹ cho con trong trường hợp này

2.1. Các quy định về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

Hiện nay vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào đưa ra định nghĩa như thế nào là sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mà chỉ liệt kê ra 2 phương pháp: Sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm như khoản 21 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2014. Tại Nghị định 10/2015 NĐ - CPQuy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạođã giải thích rõ, “thụ tinh trong ống nghiệm” như sau: “là sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng trong ống nghiệm để tạo thành phôi”[2]. Để hiểu rõ ràng hơn về các quy định của pháp luật về vấn đề này ta cần chú ý những vấn đề như sau:

Thứ nhất, sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản chỉ được áp dụng cho hai đối tượng: cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân. Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan mà người phụ nữ không thể lập gia đình hoặc họ lập gia đình rồi nhưng chồng chết hay ly hôn nhưng họ vẫn muốn có con; hoặc cặp vợ chồng vô sinh không thể sinh con theo phương pháp tự nhiên được nên pháp luật đã có những quy định tạo hành lang pháp lý cho họ có thể thực hiện quyền làm mẹ để thoả mong ước được làm cha, mẹ của mình.

Thứ hai, sinh con bằng KTHTSS phải tuân thủ nghiêm ngặt về các nguyên tắc khi áp dụng được quy định cụ thể tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 3 Nghị định 10/2015 NĐ - CP:

“2. Vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ, trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.

  1. Việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận; tinh trùng, phôi của người cho phải được mã hóa để bảo đảm bí mật nhưng vẫn phải ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc.”

Theo quy định trên, nguyên tắc bí mật là một trong những nguyên tắc mà các chủ thể khi tham gia phải tuân thủ. Việc quy định nguyên tắc này để tránh được trường hợp người cho tinh trùng, trứng, phôi và người nhận biết nhau sẽ gây nên những rắc rối về mặt tình cảm, nhiều khi dẫn đến những phiền phức về mặt xã hội, vì khi biết được đứa trẻ mang “dòng máu” của mình thì sẽ nảy sinh quan hệ tình cảm và gây ra những tình huống khó xử như xin lại “con”. Việc sinh con theo phương pháp hỗ trợ sinh sản phải dựa trên sự tự nguyện của các bên. Tự nguyện được hiểu là tự mình muốn làm, không bị thúc ép, đe doạ bởi bất kì chủ thể nào. Khi áp dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản khi sinh con, các chủ thể tham gia phải đối mặt với những khó khăn nhất định như chi phí phải chi khi áp dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản rất cao, người phụ nữ khi thực hiện phương pháp này có thể phải chịu những rủi ro như thai hỏng, đa thai, mang thai ngoài tử cung…chính vì thế, sự tự nguyện của các bên sẽ tránh được việc xảy ra những tranh chấp không đáng có. Tinh trùng, noãn, phôi chỉ được sử dụng cho một người. Việc quy định nguyên tắc này để tránh tối đa được những đứa trẻ cùng huyết thống nhưng lại được sinh ra ở những gia đình khác nhau. Nếu để chúng gặp nhau, kết hôn và sinh con sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi sau này.

Thứ ba, nghiêm cấm các hành vi mang thai hộ với mục đích thương mại, sinh sản vô tính. Khoản 22 Điều 3 Luật HN& GĐ năm 2014 quy định: “ Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”.

Pháp luật nước ta chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, ngoài ra các trường hợp khác pháp luật đều không cho phép. Quy định như vậy để có thể ngăn chặn được những hành vi trái pháp luật, kiểm soát được tình trạng “đẻ thuê”, “đẻ mướn” đang xảy ra phổ biến hiện nay.

2.2. Các quy định về việc xác định cha, mẹ cho con trong trường hợp này

Việc sinh con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản là cả quá trình dài không hề đơn giản đối với những cặp vợ chồng vô sinh, phụ nữ độc thân bởi còn vướng bận khá nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến sự kiện sinh con và cách xác định cha mẹ cho con trong trường hợp này. Do đó, hiểu được vấn đề dựa trên cơ sở pháp lý các điều luật quy định về vấn đề xác định cha mẹ cho con của luật hôn nhân, gia đình Việt Nam 2014 kết hợp với Nghị định số 10/2015 NĐ- CP Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì có thể đưa ra một số căn cứ để xác định cha mẹ cho con trường hợp sinh con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản như sau:

Về vấn đề xác định cha mẹ cho con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hộ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiệm.

Tại các Khoản 1,2,3 Điều 93 Luật HN & GĐ năm 2014 cũng đã quy định rõ :

“1. Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 của Luật này.

  1. Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹthuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra.

3.Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra”.

Theo đó về cơ bản các cặp vợ chồng được áp dụng biện pháp hỗ trợ sinh con bằng kỹ thuật sinh sản mà xác định được tinh trùng được cấy vào tử cung của người vợ để tạo thành bào thai là của người chồng thì khi đứa con được vợ sinh ra qua sự kiện sinh đẻ thì đứa con đó sẻ được xác định cha mẹ theo Điều 88 luật này. Căn cứ theo điều 88 :

“1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

  1. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì có chứng cứ và phải được tòa xác định” .

Vì vậy việc xác định con do vợ sinh con nhờ áp dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản sẽ là con chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và nếu ly hôn trong thời hạn 300 ngày đứa con được sinh ra vẫn là con chung của vợ chồng đó trong thời kỳ hôn nhân, đến khoản 2 giả sử người chồng không nhận con thì vẫn được chứng minh tuy nhiên khả năng rất thấp.

Còn đối với Khoản 2,3 Điều 93 xác định cha mẹ cho con thì người phụ nữ độc thân khi có con bằng biện pháp hỗ trợ sinh sản đương nhiên sẽ là mẹ của đứa trẻ được sinh ra và việc sinh con bằng phương pháp này sẽ không làm phát sinh quan hệ cha- mẹ- con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra như vậy tức là: trong trường hợp người phụ nữ độc thân sinh con bằng phương pháp áp dụng kỹ thuật sinh sản chỉ phát sinh quan hệ mẹ con mà không được xác định cha và đối với những trường hợp mà người cho trứng, noãn, tinh trùng, phôi không làm phát sinh quan hệ, cha - mẹ - con mặc dù về lý thuyết đứa con đó là của họ.

Về vấn đề xác định cha mẹ cho con khi sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Căn cứ theo những quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam về xác định cha mẹ cho con trong trường hợp mang thai vì mục đích nhân đạo kết hợp với Nghị định 10/2015/NĐ - CP Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì trong những điều kiện ngặt nghèo mà pháp luật quy định, để được phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đứa con được sinh ra nhờ phương pháp ấy sẽ được quy định tại Điều 94 luật hôn nhân và gia đình 2014, Điều 94 quy định: “con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm đứa con được sinh ra”.

Như vậy luật xác định đứa con được sinh ra bằng sự kiện sinh đẻ của người sinh con trong mang thai hộ vì mục đích nhân đạo sẽ không phải là mẹ của đứa trẻ kể từ khi nó được sinh ra, đồng thời không làm phát sinh quan hệ cha - mẹ - con giữa cặp vợ chồng mang thai hộ kể từ khi sinh ra, mà chính thức kể từ khi đứa bé chào đời thì sẽ làm phát sinh quan hệ cha - mẹ - con của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ.

  1. Thực tiễn áp dụng và một số kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và xác định cha, mẹ cho con trong trường hợp này

3.1. Thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và  xác định cha, mẹ cho con trong trường hợp này

Kĩ thuật hỗ trợ sinh sản bắt đầu phát triển ở Việt Nam từ năm 1997. Sau 22 năm thực hiện (1997-2019) lĩnh vực hỗ trợ sinh sản của Việt Nam đã có những bước tiến nhanh và vững chắc.

Đến năm 2019 trên cả nước có 14 cơ sở đủ điều kiện thực hiện KTHTSS được Bộ Y tế ra quyết định công nhận gồm: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh; Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương; Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn; Bệnh viện Vạn Hạnh, Bệnh viện phụ sản Hải Phòng, Bệnh viện phụ sản bán công Bình Dương, Bệnh viện Quân Y 103, Bệnh viện phụ sản Thanh Hóa; Bệnh viện Đa khoa tư nhân An Sinh; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu-Cần Thơ. Trong đó, TPHCM- địa phương có nhiều cơ sở thực hiện KTHTSS nhất trong cả nước (5 cơ sở), thành phố Hà Nội đứng thứ hai (3 cơ sở) và TP Cần Thơ đứng thứ ba (2 cơ sở). Còn lại, các cơ sở đủ điều kiện thực hiện KTHTSS nằm rải rác ở một số tỉnh Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Dương, Huế.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được kể trên thì hiện nay trong quá trình triển khai thực hiện việc sinh con bằng KTHTSS vẫn còn tồn tại một số bất cập cơ bản sau:

Thứ nhất, hiện nay nước ta đã có một hệ thống các cơ sở thực hiện các KTHTSS với 14 cơ sở phân bố ở 7 tỉnh, thành phố.Tuy nhiên, sự phân bổ này là không đồng đều giữa các vùng lãnh thổ, dẫn đến tình trạng, nơi thì có quá nhiều cơ sở hỗ trợ sinh sản (như TPHCM) ngược lại có những nơi lại không có kĩ thuật này, làm cho những người có nhu cầu thực hiện kĩ thuật này phải đi lại tốn kém, quá tải cho một số bệnh viện.

Thứ hai, có nên cho phép những người bị nhiễm HIV được thực hiện KTHTSS hay không? Trên thực tế có rất nhiều cặp vợ chồng nhiễm HIV bày tỏ mong muốn có con. Đây là quyền cơ bản của con người nói chung và người nhiễm HIV nói riêng. Đến nay, có nhiều bệnh viện đã áp dụng được kĩ thuật “lọc rửa tinh trùng”.Đây là kĩ thuật nhằm “làm sạch” tinh trùng trước khi bơm vào buồng tử cung hoặc thụ tinh trong ống nghiệm. Với phương  pháp này, tinh trùng được cho vào một hóa chất có sẵn (cũng là môi trường nuôi cấy tinh trùng) rồi đưa vào máy quay li tâm. Lực li tâm sẽ tách tinh trùng khỏe về một phía, các tinh trùng chết, yếu, dị dạng và tinh tương về phía bên kia. Phương pháp quay li tâm có thể loại bỏ các mầm bệnh, độc tố khác có trong tinh tương vè nếu tồn tại Virus HIV thì chúng cũng sẽ bị tách ra khỏi tinh trùng[3]. Thời gian gần đây, một số người có HIV đã tìm đến các cơ sở y tế tìm hiểu và xin được áp dụng KTHTSS với sự giúp đỡ của kĩ thuật này.Tuy nhiên, những trường hợp này đều bị các bệnh viện từ chối vì vướng phải “rào cản” của Nghị định số 10/2015/NĐ-CP.

Thứ ba, quy định không tìm hiểu tên, tuổi, địa chỉ, hình ảnh của người nhận, người cho tinh trùng, phôi dường như không mang tính khả thi, bởi hiện nay nguồn tinh trùng, phôi là rất thiếu. Việc “xếp hàng” đăng kí xin tinh trùng, phôi tại các cơ sở lưu trữ gây nên tâm lý sốt ruột cho các đối tượng có nhu cầu.Để “cứu mình”, các đối tượng sẽ tự liên hệ, thỏa thuận và cam kết trực tiếp với nhau để thực hiện.Vì vậy, điều kiện giữ bí mật các thông tin về tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho, người nhận là chưa được đảm bảo.

Với nhu cầu xin tinh trùng rất lớn như hiện nay trong khi nguồn dự trữ tinh trùng lại rất thiếu, điều này dễ làm phát sinh tiêu cực như “mua bán tinh trùng”, “cò tinh trùng”. Tuy pháp luật đã có những điểu khoản ngăn cấm nhưng thực trạng này vẫn diễn ra công khai, ngày càng tinh vi. Người có tinh trùng rao bán trên mạng, qua hệ thống “cò” với đủ mọi hình thức.

Ngoài ra, việc nhận tinh trùng trực tiếp hoặc bơm tinh trùng tươi tại các cơ sở y tế chưa được Bộ Y tế cấp phép chưa đựng rất nhiều rủi ro và đáng bị lên án. Hiến, bán tinh trùng tại các phòng khám không được cấp phép có thể xảy ra nguy cơ đồng huyết, rủi ro “con giống” không đạt chuẩn hoặc “nguồn giống” có vấn đề. Hơn nữa, nhiều trường hợp nhận thức của người mua lẫn người bán đều kém.Người mua chỉ muốn giải quyết nhu cầu tức thời, muốn có con mà không lường hậu quả và những tranh chấp pháp lí về sau.

Thứ tư, hiện nay không thể kiểm soát được một người đã hiến tặng tinh trùng ở nhiều cơ sở y tế khác nhau trong toàn quốc và cũng không thể biết được một người phụ nữ đã “thỏa thuận” cho noãn với bao nhiêu cặp vợ chồng. Thực tế, một người đàn ông có thể hiến tinh trùng ở TPHCM, xong lại ra Đà Nẵng, rồi ra Hà Nội tiếp tục cho. Rõ ràng quy định tinh trùng, noãn của người cho chỉ sử dụng cho một người theo quy định khoản 4 Điều 4 Nghị định 10/2015 không mang tính thực thi. Chúng ta chưa có cơ chế, biện pháp nào nhằm bảo đảm thực hiện quy định này.Vì vậy, luật thì cấm nhưng khi có vi phạm thì không biết phải giải quyết thế nào.

3.2. Một số kiến nghị về vấn đề sinh con bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản và xác định cha, mẹ cho con trong trường hợp này

Thứ nhất, việc duy trì hình thức “vô danh” có thể dẫn đến kết quả là những đứa trẻ cùng huyết thống kết hôn với nhau. Để giải quyết được vấn đề này, thiết nghĩ pháp luật cần quy định bổ sung điều kiện bắt buộc đối với hai bên kết hôn (có thể là một trong hai người hoặc cả hai người được sinh ra theo phương pháp khoa học) trước khi tiến tới hôn nhân phải kiểm tra gen. Giấy xét nghiệm ADN là một trong những giấy tờ quan trọng mà họ phải xuất trình khi tiến hành thủ tục đăng kí kết hôn trước cơ quan Nhà nước.

Thứ hai, nhu cầu có con của người nhiễm HIV là tương đương và có khi còn bức thiết hơn cả người bình thường. Với nhiều phụ nữ nhiễm HIV, việc mang thai và có con giúp họ cảm nhận được thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ là được làm mẹ. Nếu không chấp nhận cho họ được thụ thai nhờ KTHTSS thì rất có thể họ sẽ thụ thai tự nhiên và khi đó khả năng đứa trẻ sinh ra bị nhiễm HIV là rất lớn. Vẫn biết rằng “rủi ro” khi cho phép người nhiễm HIV được áp dụng KTHTSS có thể xảy ra. Nhưng với kĩ thuật tiên tiến mà chúng ta hiện có và tiếp tục phát triển thì những đứa trẻ khỏe mạnh được chào đời là điều mà chúng ta hoàn toàn có thể đạt được.

Thứ ba, để đảm bảo thực hiện đúng quy định tinh trùng, noãn của người cho chỉ sử dụng cho một người, các trung tâm thực hiện KTHTSS phải liên kết với nhau xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu chung để quản lí các trường hợp đến cho tinh trùng, cho noãn. Có thể quản lí theo “dấu vân tay” hoặc bằng cách xét nghiệm ADN, điều này vừa đảm bảo được bí mật về thông tin của người cho lại vừa giúp các cơ sở y tế có thể kiểm soát được tình trạng một người hiến tặng ở nhiều nơi như hiện nay.

 

[2]Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 10/2015 NĐ - CP.

[3]https://khoahoc.tv/loc-tinh-trung-de-sinh-con-cho-nguoi-co-hiv-8961, truy cập ngày 21/10/2019.

Tác giả: Hoàng Thị Huyền - ]Giảng viên Khoa Luật và Quản lý nhà nước.
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 GIỚI THIỆU VỀ LUẬT AN NINH MẠNG ĐƯỢC QUỐC HỘI THÔNG QUA BAN HÀNH NĂM 2018 (16/02/20)
 GIỜI THIỆU SÁCH “BÀN VỀ QUỐC HỘI VÀ NHỮNG THÁCH THỨC CỦA KHÁI NIỆM” (16/02/20)
 PHÁT TRIỂN DU LỊCH THANH HÓA TRƯỚC THÁCH THỨC  CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 (16/02/20)
 VAI TRÒ CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP TÁC ĐỘNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG DU LỊCH (16/02/20)
 SỰ CẦN THIẾT ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC TUYỂN DỤNG NHÂN SỰ TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC        (10/01/20)
 QUY ĐỊNH MỚI CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH Ở VIỆT NAM (10/01/20)
 GIẢNG VIÊN TRẺ KHOA LUẬT &QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỚI CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC (10/01/20)
 Nghiệm thu Đề tài cơ sở năm 2019: chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Lan Anh (18/12/19)
 DANH SÁCH 28 DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN LĨNH VỰC BẢO HIỂM (14/12/19)
 Điểm mới của Luật sửa đổi Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức (14/12/19)
    Hôm nay 5399
    Hôm qua 16057
    Tuần này 69525
    Tháng này 257100
    Tất cả 7062680
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường