Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
KINH NGHIỆM ĐI THỰC TẾ, THỰC TẬP CHO SINH VIÊN NGÀNH LUẬT - QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Nội san sô 03 - Khoa Luật & QLNN

Có nhà lý luận đã nói rằng: “Cuộc đời là trường học mở rộng, thực tiễn là người thầy vĩ đại. Thực tiễn chứa đựng trong đó cả một kho tàng kinh nghiệm quý báu, vô tận cần được khai thác, đúc rút kinh nghiệm và quảng bá để nhân rộng”. Đúng như vậy, học luôn phải đi đôi với hành, ngoài việc học tập, trau dồi những kiến thức chuyên môn thì điều quan trọng hơn cả là sinh viên được đi thực tế, thực tập. Các chuyến đi thực tế, thực tập không chỉ trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên môn bổ ích, hiểu rõ các công việc thực tế mà một cử nhân Luật, Quản lý nhà nước tương lai phải làm mà còn học hỏi được kỹ năng giao tiếp cũng như những kinh nghiệm quý báu.

Nhắc đến thực tập, thực tế, nhiều sinh viên thường cảm thấy lúng túng, lo lắng hay cảm thấy đuối sức khi phải bơi trong cả núi công việc: Lập kế hoạch thực tế, thực tập; Liên hệ nơi thực tế, thực tập; Chọn đề tài cho báo cáo; Lập đề cương; Tìm kiếm tài liệu, văn bản QPPL, số liệu cho đề tài; tìm hiểu thực trạng, đưa ra giải pháp thực tiễn cho vấn đề đang nghiên cứu... Các bạn không biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào để hoàn thành tốt đợt thực tập, thực tế. Bài viết này nhằm giúp các bạn sinh viên hình dung được quá trình thực tập, thực tế và kinh nghiệm viết báo cáo thực tập, thực tế.

Lập kế hoạch thực tập, thực tế

Một đợt thực tập, thực tế thường kéo dài khoảng 5-6 tuần. Khi lập kế hoạch, sinh viên phải xác định được tất cả các công việc phải làm trong 6 tuần: Liên hệ tìm kiếm nơi thực tập, thực tế, Làm quen với một số công việc nơi thực tập; Chọn đề tài cho báo cáo thực tập; Lập đề cương; Tìm kiếm tài liệu viết báo cáo; Liên hệ với Giáo viên hướng dẫn để sửa bài; in ấn, đóng quyển nộp đúng hạn; Xin giấy xác nhận của đơn vị hướng dẫn về quá trình thực tập... Thông thường, ở bước này sinh viên lập kế hoạch nhưng không hình dung hết được tất cả các công việc cần làm trong quá trình thực tập, nhưng trên hết càng hình dung được các công việc cần làm, các bạn sẽ càng chủ động trong công việc. Kế hoạch thực tập phải hoàn thành và nộp về khoa trước khi bắt đầu quá trình thực tập.

Chọn đề tài cho báo cáo thực tập

Chọn đề tài là bước quan trọng có ảnh hưởng lớn tới cả quá trình thực tập của sinh viên. Sinh viên có thể lựa chọn đề tài theo danh sách gợi ý mà khoa đưa ra, hoặc tự chọn đề tài, quan trọng là đề tài phải phù hợp với chương trình học, ngành học mà sinh viên theo học. Đồng thời, các bạn sẽ được cung cấp Danh sách các đề tài sinh viên 2 khóa gần nhất đã làm. Sinh viên dựa theo hai danh sách này để chọn đề tài, sao cho không trùng lặp với các đề tài trước đó. Lưu ý là sinh viên có thể lựa chọn cùng một nơi để thực tập, thậm chí trùng cả đề tài với nhau, nhưng lời khuyên đưa ra là không nên làm vậy. Vì sao? Nếu cùng nơi thực tập, cùng nghiên cứu một vấn đề mà số liệu của hai báo cáo không trùng khớp nhau, các báo cáo sẽ bị rà soát lại về tính trung thực, cũng như tính chính xác của báo cáo. Mặt khác, nếu các đề tài có dấu hiệu sao chép lẫn nhau sẽ đều bị chấm 0 điểm (trừ khi bạn chứng minh được bài của mình bị sao chép) và sinh viên buộc phải thực hiện lại quá trình thực tập với chương trình thực tập của lớp khác, hoặc thậm chí phải thực tập với sinh viên khóa sau.

Đọc kỹ các giấy tờ, biểu mẫu

Các giấy tờ, biểu mẫu liên quan đến quá trình thực tập bao gồm: Kế hoạch thực tập, Mẫu giấy giới thiệu thực tập; Mẫu Sổ nhật ký thực tập; Mẫu kế hoạch thực tập, Quy định về thể thức cho báo cáo; Thời hạn nộp báo cáo. Sinh viên phải sử dụng đúng các mẫu biểu này. Với các biểu mẫu, giáo vụ khoa sẽ cung cấp đầy đủ về cho từng lớp, sinh viên có thể liên hệ với lớp trưởng để nhận. Với kế hoạch thực tập, sinh viên đọc để biết mình thuộc nhóm thực tập nào, do ai làm trưởng nhóm, giáo viên hướng dẫn là ai và thông tin liên lạc của họ. Quan trọng nhất vẫn là Quy định về thể thức trình bày của báo cáo, bao gồm: số trang, font chữ, cỡ chữ, lề giấy, khổ giấy, thứ tự sắp xếp các đề mục... Đừng nghĩ chúng không quan trọng, vì khi đã in và nộp về khoa, các báo cáo sẽ được rà soát về thể thức trình bày, dung lượng bài viết có đảm bảo số trang yêu cầu. Nếu không đúng sẽ bị trả về để chỉnh sửa hoàn thiện lại. Điều này không chỉ là chuyện chúng ta mất công chỉnh sửa và in ấn lại, nếu để quá lâu sẽ bị quá hạn nộp và tất nhiên báo cáo sẽ bị trừ điểm.

Viết báo cáo thực tập

Thông thường, trong tuần 1 của quá trình thực tập, sinh viên sẽ được thông báo về việc đề tài của mình có được chấp nhận, hoặc phải chỉnh sửa lại tên đề tài, thậm chí phải đổi đề tài hay không. Một mẹo nhỏ để giúp bạn chủ động cũng như tiết kiệm được kha khá thời gian đó là tự mình liên hệ trước với giáo viên để xin ý kiến về đề tài của mình. Liên hệ càng sớm càng tốt, khi đó giảng viên sẽ có nhiều thời gian để đọc và góp ý cho chúng ta. Điều này đúng cho cả quá trình chúng ta làm báo cáo thực tập tốt nghiệp.

Ngay sau khi đề tài được duyệt, để kịp tiến độ nộp báo cáo và có một bản báo cáo chất lượng, các bạn nên dành thời gian để soạn đề cương báo cáo để gửi cho thầy cô góp ý. Đây là bước quan trọng để đánh giá một báo cáo có cấu trúc phù hợp với tên đề tài hay không. Như đã nói, gửi càng sớm càng có lợi cho chúng ta. Rất nhiều sinh viên lãng phí cả quá trình thực tập và chỉ dành tuần cuối cùng trước hạn để làm báo cáo, đây gọi là “nước đến chân mới nhảy” và khi đó đừng mong thầy cô hướng dẫn sẽ dành thời gian để đọc cẩn thận bài cho bạn, đơn giản vì khi đó, không phải mình bạn mà cả nhóm đều đã gửi báo cáo xin thầy cô góp ý.

Khi đã soạn được đề cương, chúng ta cần dành thời gian để tìm kiếm tài liệu và bắt tay vào viết báo cáo. Đây là giai đoạn quan trọng và mất nhiều thời gian nhất. Thông thường, thời gian để tập trung viết rơi vào tuần 3-4-5 của quá trình thực tập. Để có được một báo cáo chất lượng, các bạn phải có nguồn tài liệu, số liệu, dẫn chứng thực tế phong phú. Tìm kiếm nó ở đâu? Một, có thể hỏi xin thầy cô hướng dẫn. Hai, giáo sư Google là người bạn đồng hành thông thái. Ba là nơi chúng ta thực tập, nhất là các tài liệu liên quan đến lịch sử hình thành của địa phương, cơ quan nơi thực tập, thực trạng, thực tiễn của vấn đề nghiên cứu, các số liệu qua các năm... Để tìm kiếm thêm tính thực tiễn cho vấn đề đang nghiên cứu, ngoài các tài liệu, báo cáo sẵn có, các bạn có thể chia sử vấn đề với các anh chị đồng nghiệp nơi thực tập, hoặc người dân đến liên hệ tại cơ quan thực tập, có thể chúng ta sẽ có được những thông tin thú vị chưa hề có trong sách vở. Trong tất cả các nội dung của báo cáo, phần viết về thực tiễn, thực trạng bao giờ cũng thu hút được sự quan tâm của các thầy cô. Vì vậy, hãy cố gắng đưa ra được càng nhiều các vấn đề thực tiễn càng tốt.

Trong quá trình viết, nếu cảm thấy vướng mắc ở đâu, đừng ngần ngại, hãy liên hệ với giáo viên hướng dẫn để tìm giải pháp. Sau khi hoàn thành báo cáo, hãy liên hệ để nhờ giáo viên chỉnh sửa. Có thể gửi qua email hoặc in ra giấy để thầy cô đọc. Trong thời gian chờ phản hồi của thầy cô, đừng bỏ quên bản báo cáo của mình, hãy tiếp tục đọc, rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện hơn. Tùy thuộc vào chất lượng báo cáo/ mức độ đầu tư của bạn/ thầy cô hướng dẫn mà bản báo cáo có thể được chỉnh sửa 1-2 lần thậm chí 5-6 lần hoặc hơn nữa. Đừng nản chí, hãy tiếp tục chỉnh sửa lại theo góp ý và gửi lại cho thầy cô. Điều quan trọng, hãy chứng tỏ sự nghiêm túc của mình trong quá trình thực tập, ở tất cả các giai đoạn: chọn đề tài, lập đề cương, tìm kiếm tài liệu, trích dẫn số liệu, chỉnh sửa, mức độ tiếp thu... Khi chúng ta nghiêm túc với công việc, cùng với cách làm đúng đắn, chắc chắn sẽ thu được thành quả xứng đáng.

Một điều nữa cần ghi nhớ đó là khi liên lạc với giáo viên hướng dẫn, chúng ta nên ghi lại đầy đủ họ và tên, lớp/ nhóm thực tập, tên đề tài. Vì sao? Thông thường trong một đợt thực tập, một giáo viên sẽ được phân phụ trách hướng dẫn ít nhất một nhóm với số lượng từ 10-15 sinh viên. Số lượng sinh viên nhiều như vậy, tốt nhất chúng ta nên lưu lại đầy đủ thông tin để tiện liên lạc, nếu giáo viên chưa phản hồi ngay thì chúng ta cũng sẽ không phải lo lắng về việc bị bỏ quên, sót mail...

Thái độ làm việc nơi thực tập

Sáu tuần thực tập là khoảng thời gian để chúng ta làm quen, tìm hiểu, học tập được một số các công việc liên quan đến ngành học, có thể được đơn vị thực tập giao cho một số công việc. Nếu chưa từng trải qua kỳ thực tế trước đó, các bạn đừng nghĩ đơn vị thực tập sẽ giao cho chúng ta một công việc gì đó “hẳn hoi” hay là “ra việc”. Thực tế chúng ta thường được giao một số công việc như pha trà, quét dọn phòng làm việc, sắp xếp tài liệu, photo đánh máy, phụ việc trong các hội nghị... Tất nhiên đó không phải là việc mà chúng ta muốn làm khi đi thực tập. Nhưng để xây được một tòa cao ốc thì cũng phải đặt những viên gạch đầu tiên. Muốn làm được chuyện lớn thì phải bắt đầu bằng những việc đơn giản. Khi các bạn làm tốt những việc nhỏ, tạo được sự tin tưởng thì sẽ dần được giao cho những công việc quan trọng hơn. Mục tiêu cần đạt được đó là: “Làm tốt việc được giao. Lễ phép, khiêm tốn. Làm việc nghiêm túc, cầu thị và học hỏi”. Đồng thời với nó, cần có một cái nhìn tổng thể, liên kết các đầu mối công việc lại, các bạn sẽ rất nhanh hình dung ra chức năng, nhiệm vụ và cách thức làm việc của nơi thực tập. Kết thúc quá trình thực tập, đừng quên việc xin giấy xác nhận về quá trình 6 tuần chúng ta thực tập để nộp về nhà trường.

Hi vọng với những chia sẻ trên đây, các bạn sinh viên sẽ chuẩn bị được cho mình một kỳ thực tế, thực tập tốt nhất./.

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Lan Anh - Giảng viên Khoa Luật và Quản lý nhà nước
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 KINH NGHIỆM THI GIỮA KỲ, CUỐI KỲ (09/06/19)
 SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC – NHỮNG THÔNG TIN HỮU ÍCH CẦN BIẾT (09/06/19)
 VẤN ĐỀ VIỆC LÀM CỦA THANH NIÊN VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (09/06/19)
 CÔNG TÁC XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT TẠI THÀNH PHỐ THANH HÓA (09/06/19)
 Khoa Luật&QLNN tham gia Hội nghị thẩm định thuyết mình Đề tài cơ sở năm 2019 (26/05/19)
 HỘI NGHỊ TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM HỌC 2018-2019 (26/05/19)
 BÁO CÁO KẾT QUẢ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA SINH VIÊN NĂM HỌC 2018 - 2019 (26/05/19)
 TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH TĂNG MỨC LƯƠNG CƠ SỞ ĐẾN HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ ĐỜI SỐNG XÃ HỘI (26/05/19)
 Ý NGHĨA CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU KHÁI NIỆM – ĐỊNH NGHĨA ĐỐI VỚI TƯ DUY NGÀNH LUẬT (26/05/19)
 QUYỀN CON NGƯỜI VÀ QUYỀN CÔNG DÂN – NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT DƯỚI GÓC NHÌN CỦA SINH VIÊN NGÀNH LUẬT (26/05/19)
    Hôm nay 3828
    Hôm qua 16498
    Tuần này 99764
    Tháng này 383515
    Tất cả 6733835
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường