Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Tuyển sinh
MỘT SỐ GIẢI PHÁP THU HÚT NGƯỜI HỌC NGÀNH LUẬT TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

Nội san số 04 - Khoa Luật & QLNN

 Tóm tắt: Người học đóng vai trò rất quan trọng, quyết định sự “sống, còn” của ngành học. Để thu hút người học ngành Luật tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đã đánh giá thực trạng thu hút người học ngành Luật tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa thời gian qua, nguyên nhân khách quan và chủ quan của thực trạng này. Trên cơ sở đó, chúng tôi đưa ra các nhóm giải pháp thu hút người học ngành Luật tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa trong thời gian tới.

Từ khóa: giải pháp, người học, thu hút, ngành Luật.

  1. Thực trạng thu hút người học ngành Luật tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa thời gian qua và nguyên nhân của thực trạng này

Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa là trường Đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực (hiện nay Nhà trường đào tạo 17 mã ngành đại học và 1 mã ngành sau đại học). Những năm gần đây số lượng thí sinh theo học tại trường ngày càng tăng, riêng đối với ngành Luật, Nhà trường và Khoa Luật - Quản lý nhà nước đã nỗ lực không ngừng trong công tác thu hút người học, tuyển sinh đầu vào song số lượng thí sinh vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. So với chỉ tiêu tuyển sinh của Trường thì chỉ đạt tỷ lệ rất thấp (10/100 = 10%).

Nguyên nhân của thực trạng thu hút người học ngành Luật tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chưa cao cbao gồm nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Cụ thể:

Nguyên nhân khách quan là:

Thứ nhất, vì tên trường là Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, cho nên, người học không nắm được thông tin có mã ngành Luật đào tạo tại Nhà trường. Vì vậy, số lượng người học nộp hồ sơ vào ngành Luật tại Nhà trường trong năm 2017, 2018 còn rất hạn chế.

Thứ hai, kết quả công tác tuyển sinh những năm qua cho thấy, người học còn e ngại, chưa tin tưởng vào chất lượng đào tạo ngành Luật của Nhà trường so với các trường khác như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Khoa luật tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa luật Đại học Vinh và một số khoa luật tại các trường đại học khác.

Thứ ba, xu hướng tâm lý người học đã thay đổi. Nếu như trước đây bất cứ gia đình nào cũng mong muốn có con theo học đại học và cố gắng để cho con em mình dự thi đại học nhưng nay xu hướng lựa chọn học đại học đã dịch chuyển sang xu hướng học nghề vì tình trạng thất nghiệp sau khi học đại học đã tác động không nhỏ đến định hướng nghề nghiệp của các em sau khi tốt nghiệp, giáo dục đại học không còn là lựa chọn duy nhất của thí sinh.

Nguyên nhân chủ quan của thực trạng này là:

Thứ nhất, ngành Luật là ngành mới đào tạo của Nhà trường (chỉ từ năm 2017 đến nay), vì vậy, chất lượng và uy tín của ngành Luật chưa được khẳng định, chưa được lan tỏa.

Thứ hai, đội ngũ làm công tác tuyển sinh vừa ít vừa không chuyên nghiệp và thay đổi hằng năm nên chất lượng tư vấn tuyển sinh còn hạn chế. Về bản chất, người tư vấn tuyển sinh chưa nắm rõ được chương trình đào tạo, định hướng nghề nghiệp, một số chuyên môn thuộc chuyên ngành nên đã gặp không ít khó khăn trong việc tuyển sinh.

Thứ ba, hoạt động quảng bá, tư vấn tuyển sinh chỉ theo mùa vụ, chỉ đến mùa tuyển sinh Nhà trường mới chỉ đạo Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và giới thiệu việc làm lập ra các nhóm tuyển sinh tại các địa phương trong tỉnh và một số địa phương ngoài tỉnh hoặc phối hợp với Thành Đoàn Thanh Hóa để quảng bá các ngành nghề đào tạo, thời gian còn lại trong năm chủ yếu là đội ngũ cán bộ, chuyên viên của trung tâm Tư vấn tuyến sinh và Giới thiệu việc làm thực hiện công việc chuyên trách của mình tại trụ sở.

Thứ tư, mặc dù Nhà trường hàng năm đã giao chỉ tiêu tuyển sinh về các khoa nhưng do thiếu chế tài và thiếu cơ chế, chính sách cụ thể cho nên, phần lớn cán bộ, viên chức, người lao động Nhà trường chưa quan tâm hỗ trợ công tác tuyển sinh, thậm chí còn xem công tác tuyển sinh không phải là nhiệm vụ của mình nên chỉ làm mang tính chất đối phó.

  1. Giải pháp thu hút người học ngành Luật tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa trong thời gian tới

Để thu hút người học ngành Luật tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong thời gian tới, Nhà trường cần chú trọng thực hiện những giải pháp sau đây:

Thứ nhất, xây dựng công tác tự chủ trong tuyển sinh tại Khoa Luật - Quản lý nhà nước: Với tinh thần chỉ đạo của Ban Giám hiệu “Mỗi cán bộ, giáo viên là một cán bộ tuyển sinh, cả hệ thống chính trị của Nhà trường đều phải thực hiện công tác tuyển sinh”, công tác tuyển sinh không thuộc trách nhiệm riêng của đơn vị chuyên biệt nào mà là trách nhiệm tất cả cán bộ, giáo viên, người lao động và cả tập thể Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

Để tự chủ trong công tác tuyển sinh, Khoa Luật - Quản lý nhà nước cần xây dựng đội ngũ tuyển sinh từ chính cán bộ, giáo viên trong Khoa. Mặc dù Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và giới thiệu việc làm đã mang lại hiệu quả nhất định trong công tác tuyển sinh cho Nhà trường, nhưng cho dù công tác tuyển sinh có tốt và mang lại hiệu quả cũng không quyết định được số lượng người học giữa các ngành vì việc lựa chọn ngành học của thí sinh phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như: Đầu ra của ngành học; vị trí, vai trò ngành học trong xã hội... Những yếu tố này chỉ cán bộ, giáo viên của Khoa Luật - Quản lý nhà nước mới là người giúp thí sinh hiểu được rõ nhất và đầy đủ nhất. Mặc khác, tự chủ trong công tác tuyển sinh của Khoa Luật - Quản lý nhà nước sẽ gắn trách nhiệm công tác tuyển sinh với từng cán bộ, giáo viên trong Khoa. Thông qua công tác tuyển sinh, cán bộ, giáo viên của Khoa sẽ thấu hiểu sự khó khăn, vất vả trong việc thu hút người học và khi có được người học rồi sẽ thấy chân quý người học hơn, tạo tình cảm gắn kết giữa người học và người dạy, từ đó sẽ có động lực và tâm huyết với nghề.

Huy động lực lượng học sinh, sinh viên tham gia công tác tuyển sinh cũng là giải pháp quan trọng thu hút người học ngành Luật. Muốn vậy, Khoa Luật - Quản lý nhà nước phải tổ chức các buổi tập huấn về công tác tuyển sinh cho học sinh, sinh viên trong trường, dưới hình thức tuyên truyền miệng và các hình thức thông tin khác như thông qua trang thông tin cá nhân của các bạn trên Facebook và zalo... Bên cạnh đó, Khoa Luật - Quản lý nhà nước phải xây dựng Tờ thông tin tuyển sinh với đầy đủ thông tin về ngành Luật và thông tin của thí sinh.

Nhà trường xây dựng một cơ chế, chính sách phù hợp đối với người làm công tác tuyển sinh. Bên cạnh những biện pháp động viên, khích lệ như: Khoán chỉ tiêu tuyển sinh cho Khoa, ngành đào tạo; khen thưởng hàng tháng, hàng quý, Nhà trường cần có biện pháp xử lý kỷ luật đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ tuyển sinh. Có như vậy mới bảo đảm công bằng, tạo không khí thi đua, phấn đấu của mỗi cán bộ, viên chức trong công tác tuyển sinh.

Thứ hai, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức quảng bá, tư vấn tuyển sinh: Quảng bá, tư vấn là một trong những biện pháp nhằm đưa thông tin trực tiếp hay gián tiếp đến với đối tuợng người học và những người có liên quan. Muốn vậy, việc quảng bá, tư vấn phải được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và thường xuyên để người học nắm được thông tin cụ thể về ngành học tại Nhà trường.

Hiện nay, Khoa Luật - Quản lý nhà nước định kỳ đăng tải các bài viết giới thiệu về ngành Luật, chương trình đào tạo, các hoạt động trong công tác đào tạo tại website của khoa và Nhà trường. Đây là một trong những gải pháp hiểu hiệu khi chúng ta biết dựa vào lợi thế của công nghệ tạo sức lan tỏa đối với việc truyền thông tin cho người học.

Để kênh quảng bá thông tin này ngày một mang lại hiệu quả trong công tác tuyển sinh cũng cần phải luôn đổi mới, hạn chế lặp lại những thông tin đã cũ. Ngoài ra, cần tăng cường các kênh thông tin khác như tuyên truyền trên các kênh phát thanh, truyền hình; thông quan pa-nô, áp -phích và đặc biệt là đưa các thông tin trực tiếp đến các đối tượng qua việc tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua email của cán bộ, giáo viên, sinh viên Khoa Luật - Quản lý nhà nước.

Tổ chức các phiên tòa giả định và phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhất là Tòa án tổ chức xét xử lưu động tại trường cũng là hình thức quảng bá, nhằm thu hút người học ngành Luật của Nhà trường.

Thứ ba, đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo: Chương trình đào tạo chính là phần “lõi” trong phần nội dung của quá trình đào tạo, bao gồm điều kiện, cách thức, quy trình tổ chức, đánh giá các hoạt động đào tạo để đạt được mục tiêu đào tạo. Chương trình đào tạo vừa là công cụ, vừa là thước đo trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khoa học - kỹ thuật của mỗi quốc gia cũng như của mỗi Nhà trường. Việc xây dựng chương trình đào tạo phụ thuộc vào tầm nhìn và sứ mệnh của cơ sở giáo dục trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Chất lượng chương trình đào tạo là một trong những yếu tố quan trọng để làm nên chất lượng giáo dục và thương hiệu ngành học của cơ sở giáo dục đào tạo đại học, vì vậy, để chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng phải từng bước hoàn thiện và đổi mới phù hợp xu thế chung xã hội.

Hiện nay, chương trình đào tạo ngành Luật tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã đi vào hoạt động được ba kỳ học, bước đầu đảm bảo cho hoạt động đào tạo của ngành. Tuy nhiên để hoàn thiện và nâng cao chất lượng đào tạo, tạo môi trường giao dục chuyên nghiệp cần phải đảm bảo chất lượng, thời gian khung chương trình đào tạo.

Khung chương trình (Chương trình khung) là cấu trúc nội dung kiến thức (cốt lõi, bắt buộc), mang tính khuôn mẫu và có liên hệ mật thiết đến cấu trúc hệ thống danh mục chương trình đào tạo, nhằm định hướng mục tiêu, quy định thời gian đào tạo cũng như đảm bảo sự liên thông, chuyển đổi giữa các bậc học, liên ngành đào tạo, có sự phân biệt đối với các chương trình khóa học cụ thể. Các khóa học là chương trình đào tạo cho đối tượng cụ thể với mục tiêu được xác định. Trên cơ sở một chương trình đào tạo, người ta có thể thực hiện các khóa học khác nhau.

Giảm thiếu số tín chỉ các học phần lý thuyết tăng số lượng học phần thực hành. Bỏ xây dựng khung theo mô hình kiến thức chuyên ngành vì thực tế khi xây dựng chuẩn kiến thức đầu ra mục tiêu người học ngành Luật có thể đáp ứng được nhu cầu công việc của mọi nhà tuyển dụng nếu vẫn xây dựng khung chương trình theo mô hình kiến thức chuyên ngành như vậy sẽ vô hình chung làm hạn chế kiến thức người học và tạo áp lực cho người học khi tìm kiếm công việc phù hợp trong thị trường lao động có tính quốc tế hóa cao như hiện nay.

Mở rộng sự lựa chọn cho người học tránh xây dựng mô hình học tập mang tính áp đặt và giải quyết áp lực về nguồn giảng viên ngành Luật còn mỏng nên tăng cường các học phần tự chọn cả ở khối kiến thức cơ sở ngành và khối kiến thức ngành một cách phù hợp.

Thực hiện lồng ghép chương trình rèn luyện kỹ năng và nội dung từng môn học ví dụ như các môn học: Luật tố tụng hành chính, Luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hình sự, Luật khiếu nại, tố cáo, Công chứng, chứng thực, Pháp luật về thị trường chứng khoán, Thi hành án dân sự, Thi hành án hình sự... đưa thêm các môn học về kỹ năng nghề nghiệp vào chương trình đào tạo phần kiến thức ngành (nhất là kỹ năng luật sư, kiểm sát, xét xử, thi hành án, công chứng, chứng thực...

Thứ tư, chú trọng công tác tổ chức dạy và học: Để làm tốt nhiệm vụ này, bản thân giảng viên phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, vừa sâu, vừa rộng, có phương pháp giảng dạy tốt và nhất thiết giảng viên phải am hiểu sâu sắc thực tiễn thì mới có thể gắn lý luận với thực tiễn, như thế bài giảng của mình mới thuyết phục được người học, gợi niềm say mê hứng thú cho người học - người học mới thật sự cảm thấy việc học tập, nghiên cứu lý luận ở trường là thật sự bổ ích vì những kiến thức học được ở trường có thể ứng dụng được vào quá trình công tác của mình. Làm như vậy sẽ khích thích được ý thức cầu thị kiến thức, lòng say mê học hỏi nắm bắt cái mới ở người học - dẫn đến tính tự giác trong học tập.

Đổi mới cách đánh giá chất lượng đối với sinh viên cũng là một biện pháp để quản lý tốt sinh viên. Việc tổ chức bài kiểm tra điều kiện, thi hết môn, thi tốt nghiệp là căn cứ để đánh giá chất lượng giảng dạy và học tập. Theo chúng tôi đề thi cho đối tượng này cần thiết phải là loại đề có tính chất yêu cầu người học phải hiểu bài và đòi hỏi liên hệ thực tiễn thật cụ thể và sâu sắc; hoặc tổ chức cho sinh viên được viết tiểu luận môn học, làm luận văn tốt nghiệp cuối khóa. Điều ấy giúp sinh viên có điều kiện thể hiện được chiều sâu và chiều rộng của quá trình nhận thức và làm như thế buộc sinh viên phải tự giác đến lớp nghe giảng không dám tùy tiện bỏ học. Đây chính là cơ sở giúp giảng viên đánh giá đúng năng lực, trình độ của sinh viên và Nhà trường đánh giá đúng chất lượng của quá trình dạy và học.

Tăng cường giảng dạy theo những tình huống có vấn đề, buộc sinh viên phải động não tìm ra phương án để giải quyết các tình huống đó. Quan tâm hướng dẫn sinh viên nghiên cứu tự học và chú ý kiểm tra sự chuẩn bị của sinh viên. Giảng viên thực sự chỉ là người hướng dẫn để sinh viên tư duy, học tập. Tăng cường hoạt động đối thoại, hỏi đáp giữa giảng viên và sinh viên trong giảng dạy nhằm khơi dậy tư duy nghiên cứu, tìm tòi và khả năng tự học của sinh viên. Hiện nay Nhà trường đã tổ chức nối mạng nội bộ đến từng phòng học, phòng ở của sinh viên. Cho nên, mỗi giảng viên và các khoa, bộ môn cần khai thác triệt để mạng nội bộ để tăng cường trao đổi, đối thoại, giải đáp chuyên môn giữa thầy và trò. Cần xây dựng các hộp thư của Tổ bộ môn, của từng giảng viên để thầy trò trao đổi thông tin, giải đáp thắc mắc và đối thoại với sinh viên về chuyên môn. Hàng ngày, trực ban đơn vị và các tổ của khoa, bộ môn phải thường xuyên mở hộp thư để báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền nghiên cứu, giải đáp và đáp ứng yêu cầu của sinh viên. Bảo đảm mạng nội bộ thực sự là phương tiện, cầu nối giữa giảng viên và sinh viên.

Thứ năm, bảo đảm cơ sở vật chất - kỹ thuật: Cơ sở vật chất mà đặc biệt là máy móc, thiết bị dạy thực hành đóng vai trò hết sức quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo. Đối với sinh viên ngành Luật, việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống phòng học thực hành, phòng diễn án phục vụ nhu cầu của sinh viên; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp, các tổ chức tư vấn pháp luật, văn phòng luật sư, công chứng... đưa sinh viên đến thực tập, tìm hiểu thực tế về hoạt động xét xử, hoạt động tư vấn pháp luật; quay video những phiên tòa, chiếu những bộ phim liên quan đến pháp luật, diễn các vở kịch về pháp luật...; khai thác các phương tiện khoa học kỹ thuật phục vụ giảng dạy như sử dụng máy tính để mô hình hóa giáo án, xây dựng biểu đồ, sơ đồ; minh họa bằng hình ảnh; làm video clip các tình huống nghiệp vụ, tình huống có vấn đề, sưu tầm, biên tập phim minh họa cho bài giảng... làm tăng khả năng tư duy, sáng tạo của sinh viên là những giải pháp quan trọng bảo đảm cơ sở vật chất - kỹ thuật cho sinh viên ngành Luật.

Thứ sáu, gắn kết đào tạo với tạo việc làm cho sinh viên ngành Luật: Ngành Luật có vị trí vệc làm rất đa dạng, phong phú, từ chuyên môn, hành chính đến nhân sự, quản lý, chỉ đạo, điều hành. Vì vậy, Nhà trường và Khoa Luật - Quản lý nhà nước cần phải là cầu nối giữa sinh viên Luật với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là các cơ quan tư pháp (như Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án...), các tổ chức xã hội- nghề nghiệp (như Luật sư, Công chứng, Đấu giá, Giám định...) để hỗ trợ tuyển sinh; tham gia xây dựng chương trình, giáo trình; tham gia đánh giá kết quả học tập của học sinh khi tốt nghiệp và điều quan trọng là họ sẵn sàng tiếp nhận những học sinh của Nhà trường sau khi tốt nghiệp, góp phần thu hút người học ngành Luật tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa trong thời gian tới hiệu quả hơn.

  1. Kết luận

Công tác tuyển sinh là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của ngành học nói riêng và của Nhà trường nói chung. Những nội dung trên chỉ mới là một trong những giải pháp cơ bản trong chiến lược thu hút đầu vào của ngành học. Để công tác tuyển sinh thật sự có hiệu quả và chất lượng thì nhiệm vụ tuyển sinh không chỉ là nhiệm vụ của ngành Luật, của Nhà trường mà phải là sứ mệnh của tập thể cán bộ, giáo viên trường Đại học Văm hóa, thể thao và Du lịch Thanh Hóa trước xu thế cạnh tranh hướng tới công tác tự chủ trong giáo dục hiện nay.

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thu Trang - Phó Trưởng bộ môn Luật & QLNN
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 ƯU THẾ TRONG ĐÀO TẠO NGÀNH LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA (01/09/19)
 THÔNG BÁO TUYỂN SINH BỔ SUNG ĐỢT 1 ĐẠI HỌC CHÍNH QUY NĂM 2019 (01/09/19)
 NGÀNH LUẬT - CƠ HỘI VIỆC LÀM ĐA DẠNG (06/08/19)
 NGÀNH QLNN - SỰ LỰA CHỌN SÁNG SUỐT (06/08/19)
 KHOA LUẬT & QLNN - VỮNG PHÁP LÝ, CHẮC TƯƠNG LAI (04/08/19)
 Nhập học năm 2019 tân sinh viên cần chuẩn bị những gì? (01/08/19)
 TỪ NGÀY 6- 8/8/2019 CÁC TRƯỜNG ĐH SẼ TIẾN HÀNH LỌC ẢO TRÊN TOÀN QUỐC (01/08/19)
 TỔNG HỢP NHỮNG NỖI SỢ TRÊN ĐẠI HỌC MÀ TẤT CẢ CÁC SINH VIÊN ĐỀU PHẢI TRẢI QUA (01/08/19)
 17H NGÀY 8/8/2019 CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC SẼ CÔNG BỐ ĐIỂM CHUẨN   (01/08/19)
 Thí sinh điều chỉnh tổ hợp xét tuyển trong mùa tuyển sinh 2019 (01/08/19)
    Hôm nay 11763
    Hôm qua 20103
    Tuần này 91201
    Tháng này 374952
    Tất cả 6725272
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường