Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
XÓA BỎ HÀNG RÀO THUẾ QUAN VÀ PHI THUẾ QUAN: XU THẾ TẤT YẾU CỦA QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP

(Tài chính) Việt Nam đã, đang và sẽ hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Trong quá trình hội nhập, việc xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan là một tất yếu khách quan. Đứng trước xu thế tất yếu khách quan đó, các nước đã ứng xử như thế nào và Việt Nam cần ứng xử như thế nào để phát huy lợi thế và giảm bớt những bất lợi của hội nhập là những vấn đề được bàn luận trong bài viết này.

  1. Khái quát chung về hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan

Hàng rào thuế quan

Thuế quan là tên gọi chung chỉ các sắc thuế đánh vào hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Thuế quan ra đời với 2 mục đích chính là: (i) Góp phần đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước; và (ii) Bảo hộ sản xuất trong nước. Bằng cách đánh thuế cao vào hàng hóa nhập khẩu, nhà nước tạo áp lực tăng giá bán của hàng hóa nhập khẩu, qua đó, giúp các nhà sản xuất trong nước có lợi thế trong cạnh tranh về giá với hàng hóa nhập khẩu. Như vậy, thuế quan chính là hàng rào mang tính chất kinh tế đối với hàng hóa nhập khẩu.

Hàng rào phi thuế quan

Bên cạnh hàng rào thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia này vào quốc gia khác còn có thể phải đối mặt với các hàng rào phi thuế quan. Hàng rào phi thuế quan được hiểu là các cách thức ngăn chặn hoặc gây trở ngại cho hàng hóa nhập khẩu nhưng không phải là đánh thuế nhập khẩu. Hàng rào phi thuế quan có 2 nhóm chính là: (i) Hàng rào hành chính; (ii) Rào cản kỹ thuật.

Thứ nhất, hàng rào hành chính là các quy định có tính chất mệnh lệnh hành chính nhà nước nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu. Hàng rào hành chính bao gồm các quy định pháp luật về cấm nhập, cấm xuất, giấy phép, hạn ngạch (quota), hạn chế xuất khẩu tự nguyện, tỷ lệ nội địa hóa bắt buộc.

Thứ hai, rào cản kỹ thuật bản thân nó chỉ là những quy chuẩn kỹ thuật do một quốc gia quy định đối với hàng hóa. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp nó lại được sử dụng như là một cách thức để cản trở hàng hóa nhập khẩu vào thị trường nội địa. Bởi vậy, những quy chuẩn kỹ thuật này được gọi là rào cản kỹ thuật.

Ngoài hai nhóm hàng rào phi thuế quan có tính chất chính thống nêu trên, còn có những rào cản phi thuế quan không chính thống khác như sự nhũng nhiễu của công chức hải quan, sự không rõ ràng của các quy định về xuất xứ hàng hóa, sự chậm trễ trong thực hiện các thủ tục thông quan…

  1. Xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan: Nguyên tắc cơ bản của hội nhập

Hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng thì quá trình tự do hóa thương mại và đầu tư càng mạnh mẽ. Quá trình tự do hóa thương mại được thực hiện trên cơ sở các hiệp định song phương và đa phương, ở phạm vi khu vực và trên thế giới. Điển hình cho các thỏa thuận ở phạm vi khu vực là: EU, NAFTA, AFTA… và toàn cầu là WTO. Bởi vậy, khi bàn về hội nhập quốc tế không thể không đề cập đến những quy định có tính nguyên tắc của WTO. Các nước thành viên WTO phải thống nhất thực hiện những nguyên tắc cơ bản nhằm xóa bỏ hoặc giảm bớt những rào cản của thương mại quốc tế. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, ràng buộc về thuế quan. Các nước đều được thúc giục, ở đâu có thể thì loại bỏ bảo hộ sản xuất trong nước bằng cách giảm thuế nhập khẩu trong đàm phán thương mại đa biên. Thuế nhập khẩu được cắt giảm như trên bị buộc không được tăng lên nữa bằng cách bị liệt kê vào trong danh mục cam kết quốc gia của mỗi nước.

Thứ hai, bảo hộ các ngành sản xuất trong nước thông qua thuế quan. Mặc dù WTO được sinh ra là để thúc đẩy tự do hóa thương mại, song WTO thừa nhận rằng, các nước thành viên có thể sẽ phải bảo vệ sản xuất trong nước chống lại cạnh tranh nước ngoài. Tuy vậy, WTO yêu cầu các nước phải tiến hành sự bảo hộ đó thông qua thuế quan.

Thứ ba, xóa bỏ các rào cản phi thuế quan. WTO quy định các nước thành viên phải xóa bỏ các rào cản phi thuế quan, bao gồm cả các rào cản có tính chất hành chính như hạn ngạch, giấy phép, hạn chế xuất khẩu tự nguyện và quy định bắt buộc về tỷ lệ nội địa hóa để được tiêu thụ trong nước. Các quốc gia thành viên WTO cũng không được áp dụng biện pháp cấm nhập trừ trường hợp những hàng hóa ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, quốc phòng và đời sống con người. WTO cũng ngăn cản các quốc gia sử dụng các rào cản kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước bằng Hiệp định về rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) và Hiệp định về các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS). Hai hiệp định này quy định những nguyên tắc và các công cụ để đảm bảo rằng các quy chuẩn kỹ thuật của một quốc gia không tạo ra rào cản đối với tự do hóa thương mại giữa các quốc gia.

Như vậy, có thể thấy, trong quá trình hội nhập, việc xóa bỏ hàng rào thuế quan và các rào cản phi thuế quan là tất yếu khách quan do sự ràng buộc mà các quốc gia đã cam kết với nhau trong một định chế thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu là WTO cùng với các cam kết khác khi các quốc gia ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Căn nguyên quan trọng để các quốc gia đi đến cam kết và thực hiện các cam kết này chính là những lợi ích của tự do hóa thương mại mang lại lớn hơn những bất lợi mà nó gây ra.

Tuy vậy, quá trình cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan của các nước thành viên WTO với tư cách là một điều tất yếu khách quan cũng không phải chỉ diễn ra trên những con đường rải đầy hoa hồng. Quá trình ấy cũng gặp không ít khó khăn trở ngại. Đó chính là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ. Thất bại của vòng đàm phán Doha trong suốt hơn một thập kỷ từ 2001 đến 2012 là minh chứng cho nhận định này.

  1. Điều chỉnh chính sách bảo hộ của các nước khi xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan

Mặc dù tự do hóa thương mại mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia tham gia vào quá trình này với những mức độ khác nhau, song các quốc gia vẫn muốn bảo hộ nền sản xuất của mình trước sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu. Quá trình điều chỉnh chính sách bảo hộ của các nước trong thời gian qua thường diễn ra theo 3 xu hướng cơ bản:

Hoàn thiện các công cụ để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh theo đúng cam kết

Trong quá trình đàm phán và sau khi đã đạt được các thỏa thuận về tự do hóa thương mại, các nước đều nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước theo hướng tận dụng tối đa các công cụ mà WTO và các bên trong các thỏa thuận khu vực chấp nhận để bảo hộ sản xuất trong nước.

Lợi dụng những thỏa thuận mà WTO cho phép để bảo hộ

Một số nước đã lợi dụng các thỏa thuận phù hợp với quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước. Các cách thức lợi dụng chủ yếu gồm có:

Thứ nhất, một số nước lợi dụng các quy định của các hiệp định TBT và SPS để tạo ra rào cản đối với hàng hóa nhập khẩu mà biện pháp chủ yếu là áp dụng hàng rào kỹ thuật mới lạ, khó đáp ứng, tiêu biểu là Mỹ, Nhật Bản và các nước thuộc EU.

Thứ hai, lạm dụng pháp luật về thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp để ngăn cản hàng hóa nhập khẩu từ những nước đang phát triển

Thứ ba, trợ cấp xuất khẩu qua tín dụng. Đây là cách thức mà một số nước lách quy định cấm trợ cấp xuất khẩu của WTO. Theo đó, mặc dù điều kiện để hỗ trợ tín dụng không quy định điều kiện dành cho sản phẩm xuất khẩu nhưng trên thực tế những sản phẩm này chỉ sản xuất ra để xuất khẩu. Có hàng chục nước áp dụng biện pháp này, trong đó có EU, Mỹ, Trung Quốc, Thụy Sỹ…

Không thực hiện đúng cam kết

Trong thời gian qua, chủ nghĩa bảo hộ mới trỗi dậy khá mạnh, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế các nước gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế. Điển hình cho những trường hợp xé bỏ cam kết để bảo hộ sản xuất trong nước là các trường hợp sau: (i) Các nước Agerntina, Hàn Quốc, Ecuador, Ấn Độ đã có một số lần tăng thuế nhập khẩu vượt mức trần cam kết; (ii) Agerntina đã tái áp đặt giấy phép nhập khẩu; Ấn Độ và Indonesia đã tái áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu với một số mặt hàng nhất định. Tất nhiên, khi các nước này không thực hiện đúng cam kết đã gây ra phản ứng dây chuyền tất yếu là các nước khác áp dụng các biện pháp trả đũa và đương nhiên điều này đã tác động tiêu cực đến thương mại quốc tế.

  1. Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam

Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, đã có hơn 6 năm là thành viên WTO. Nhiều vấn đề đặt ra trong khi cắt giảm thuế quan và xóa bỏ hàng rào phi thuế quan đã dần dần được xử lý. Đó là các vấn đề hoàn thiện quy định pháp luật về thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế chống phân biệt đối xử; tích cực đổi mới thể chế để hướng đến mục tiêu nền kinh tế Việt Nam được các nước WTO thừa nhận là nền kinh tế thị trường; tích cực trao đổi thông tin hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) thích ứng với các biện pháp mà các nước áp dụng để thích ứng với quá trình xóa bỏ hàng rào thuế quan và các rào cản phi thuế… Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề đặt ra mà Việt Nam cần giải quyết trong thời gian tới. Đó là:

Thứ nhất, hiện nay hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam rất mạnh do việc chúng ta thực hiện các biện pháp xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan theo cam kết, không chỉ sản phẩm công nghiệp, mà cả sản phẩm nông nghiệp – lĩnh vực mà chúng ta được cho là có thế mạnh. Quá trình này có hai mặt, nó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước vươn lên; mặt khác, có thể gây khó khăn cho nông nghiệp và nông dân Việt Nam. Bởi vậy, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm dịch động thực vật nhằm góp phần hạn chế sự tấn công của hàng hóa nhập khẩu từ các nước phát triển. Thêm vào đó, cần có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước đổi mới công nghệ, cải tiến quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, mặc dù chúng ta đã có quy định pháp luật về thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế chống phân biệt đối xử nhưng cho đến nay, chưa có trường hợp nào được áp dụng các khoản thuế này. Trong khi đó, thực tế đã có những trường hợp cần được áp dụng. Bởi vậy, tiếp tục hoàn thiện pháp luật và nâng cao năng lực thực thi của các cơ quan bảo vệ pháp luật là cần thiết để bảo vệ nền sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nhập khẩu, nhất là hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bán phá giá trên thị trường Việt Nam.

Thứ ba, nhiều DN Việt Nam còn thiếu hiểu biết hoặc lúng túng trước các quy chuẩn kỹ thuật khắt khe cũng như pháp luật của các nước phát triển đối tác. Do vậy, cần áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp để nâng cao nhận thức cho các DN về các biện pháp mà các nước phát triển đang áp dụng để bảo hộ sản xuất trong nước, đặc biệt là các quy chuẩn kỹ thuật và kiểm dịch động, thực vật. Đồng thời, có sự trợ giúp tích cực để các DN Việt Nam đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất nhằm đáp ứng các đòi hỏi đó. Việc trợ giúp pháp lý để các DN làm việc với các cơ quan tố tụng nước ngoài khi đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá cũng rất cần thiết nhằm hạn chế bị xử ép trong những trường hợp này.

Thứ tư, cần chủ động và có biện pháp đáp trả kịp thời phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế trong trường hợp các nước đối tác có hành vi không thực hiện đúng những cam kết với WTO hoặc các thỏa thuận thương mại khác đã ký kết với Việt Nam.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Bernard Hoekman (2001): The World Trade Organization;
  2. Cletus Couphlin, Geoffrey E. Wood: An Introduction to Non – Tariff Barriers to Trade;
  3. TS. Lê Đăng Doanh (2014): “Sau thỏa thuận Bali: Chưa thể quá lạc quan”, Tạp chí Tia sáng điện tử, 6/1/2014;
  4. http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao doi-binh-luan/xoa-bo-hang-rao-thue-quan-va-phi-thue-quan-xu-the-tat-yeu-cua-qua-trinh-hoi-nhap-86311.html

Tác giả: ThS. Mai Nguyệt Minh – Giảng viên Khoa Luật và Quản lý nhà nước
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 XÂY DỰNG KẾ HOẠCH ĐỂ VỪA HỌC – VỪA LÀM CÓ HIỆU QUẢ (30/05/20)
 THỰC TIỄN VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÍ HỘ TỊCH THEO LUẬT HỘ TỊCH 2014 (30/05/20)
 ĐẢNG VIÊN TRẺ VỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC CHO THẾ HỆN TRẺ HIỆN NAY (08/05/20)
 BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ TRÊN CƠ SỞ QUY ĐỊNH CỦA HIẾN PHÁP NĂM 2013 (08/05/20)
 SINH CON BẰNG KỸ THUẬT HỖ TRỢ SINH SẢN VÀ XÁC ĐỊNH CHA, MẸ CHO CON TRONG TRƯỜNG HỢP NÀY (17/04/20)
 GIỚI THIỆU VỀ LUẬT AN NINH MẠNG ĐƯỢC QUỐC HỘI THÔNG QUA BAN HÀNH NĂM 2018 (16/02/20)
 GIỜI THIỆU SÁCH “BÀN VỀ QUỐC HỘI VÀ NHỮNG THÁCH THỨC CỦA KHÁI NIỆM” (16/02/20)
 PHÁT TRIỂN DU LỊCH THANH HÓA TRƯỚC THÁCH THỨC  CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 (16/02/20)
 VAI TRÒ CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP TÁC ĐỘNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG DU LỊCH (16/02/20)
 SỰ CẦN THIẾT ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC TUYỂN DỤNG NHÂN SỰ TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC        (10/01/20)
    Hôm nay 8563
    Hôm qua 20103
    Tuần này 88001
    Tháng này 371752
    Tất cả 6722072
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường