Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
THỰC TIỄN VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÍ HỘ TỊCH THEO LUẬT HỘ TỊCH 2014

Nội san số 05 - Khoa Luật&QLNN

  1. Đặt vấn đề

Đăng ký hộ tịch hay nói gọn là hộ tịch là hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (thường là các cơ quan hành pháp, cơ quan quản lý hành chính nhà nước) ghi và lưu lại lại các sự kiện hộ tịch quan trọng của công dân. Hộ tịch được hiểu là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết. Sự kiện quan trọng thường được ghi nhận bao gồm việc khai sinhkhai tửkết hônly hôn, hủy việc kết hôn, ly thân tư pháp, nhận nuôi con nuôihợp pháp hoá lãnh sự.... Ngoài ra, ở một số nước, việc nhập cư, di dân, và bất kỳ thay đổi nơi cư trú, chỗ ở có thể bị yêu cầu phải thông báo đến cơ quan nhà nước.đây là nhiệm vụ quan trọng luôn được các quốc gia quan tâm thực hiện.Hiện nay, vấn đề đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý về hộ tịch đã và đang đặt ra những yêu cầu bức thiết đối với sự phát triển của nền hành chính quốc gia. Bởi chế độ quản lý hộ tịch không chỉ phản ánh trình độ phát triển kinh tế - chính trị - xã hội của mỗi quốc gia trong từng giai đoạn lịch sử mà còn phản ánh mức độ nhất định truyền thống, tập quán trong tổ chức đời sống xã hội về quản lý dân cư ở mỗi quốc gia. Sau khi giành được chính quyền vào tháng 8/1945, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đăng ký, quản lý hộ tịch, các văn bản này thường xuyên được điều chỉnh, sửa đổi, bảo đảm phù hợp với thực tế. Trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hộ tịch 2014 ngày 20/11/2014. Luật Hộ tịch 2014 ra đời là bước hoàn thiện khá căn bản về thể chế đăng ký và quản lý hộ tịch của Việt Nam với nhiều quy định mới, mang tính đột phá. Để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch 2014; Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch 2014; liên Bộ Ngoại giao - Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP ngày 30/6 /2016 hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, bảo đảm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đăng ký, quản lý hộ tịch được đồng bộ, thống nhất.

Thực tiễn cho thấy, mặc dù hoạt động quản lý hộ tịch có nhiều phát triển trong hơn nửa thế kỷ, và đã có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm gần đây. Song bên cạnh đó vẫn tồn tại những yếu tố trì trệ, bất cập của hệ thống pháp luật về quản lý hộ tịch, việc quản lý đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin hộ tịch vẫn là vấn đề khó khăn đối với các cơ quan quản lý.

Do đó, để giải quyết những khó khăn trong công tác quản lý hộ tịch thì vấn đề quan trọng hàng đầu là phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác quản lý hộ tịch trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

  1. Quan điểm về Hộ tịch

 Xét từ góc độ ngôn ngữ học, “hộ tịch” là một từ ghép gốc Hán chính phụ, được ghép bởi hai thành tố có nghĩa độc lập, trong đó “tịch” là thành tố chính, “hộ” là thành tố phụ. Nếu tìm hiểu riêng từng thành tố thì có thể thấy, các từ điển hiện nay khá thống nhất trong cách hiểu từng từ đơn này. Theo đó từ “hộ” có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng trong đó có một nghĩa trực tiếp là “dân cư” hoặc “nhà ở” hiểu rộng ra là “đơn vị để quản lý dân số, gồm những người cùng ăn ở với nhau”. Tương tự từ “tịch” có nghĩa là “sổ sách” hoặc là “ sổ sách đăng ký quan hệ lệ thuộc”. Tuy nhiên việc tổ hợp hai từ đơn này thành danh từ ghép “hộ tịch” lại là một trường hợp rất đặc biệt về mặt ngôn ngữ dẫn đến có nhiều cách giải nghĩa từ “hộ tịch”. Theo quy định của Luật Hộ tịch 2014, tại khoản 1, 2 của Điều 2 xác định “1. Hộ tịch là những sự kiện được quy định tại Điều 3 của Luật này, xác định tình trạng nhân thân của cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết.” và “2. Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư.” Như vậy, có thể hiểu dưới góc độ pháp lý thì  “hộ tịch” chính là các sự kiện cơ bản xảy ra đối với mỗi cá nhân con người từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, các sự kiện cơ bản này cho phép xác định tình trạng nhân thân với các quyền và nghĩa vụ tương ứng với sự kiện hộ tịch cụ thể.

Chính bởi vậy mà hộ tịch vừa là phương tiện, công cụ lưu trữ thông tin cá nhân nhưng đồng thời cũng vừa gắn liền với các quyền và nghĩa vụ pháp lý tương ứng.Theo đó,Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

Xác nhận sự kiện: kết hôn; tử; nuôi con nuôi; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi họ, tên, chữ đệm, cải chính họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;  xác định lại dân tộc; đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn; đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận con nuôi;

Căn cứ vào quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ghi vào sổ đăng ký hộ tịch các việc về ly hôn, xác nhận cha, mẹ, con, thay đổi quốc tịch, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, hủy hôn nhân trái pháp luật, hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc các sự kiện khác do pháp luật quy định.

  1. Thực trạng trong thi hành Luật Hộ tịch 2014 ở các địa phương

Qua hơn 04 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch 2014 và các văn bản quy định chi tiết thi hành, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đã đạt được những kết quả quan trọng. Các cơ quan thực hiện việc đăng ký hộ tịch đã ý thức được trách nhiệm của mình, người dân đã nhận thức tầm quan trọng của giấy tờ hộ tịch nên không tùy tiện sửa chữa, thêm, bớt; tự giác thực hiện đi đăng ký các sự kiện hộ tịch theo đúng thời gian quy định của pháp luật. Công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã đã xác định được tầm quan trọng của công tác này nên đã tuân thủ trình tự, thủ tục của Luật Hộ tịch 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành; thường xuyên tham gia tập huấn, tự nghiên cứu, học hỏi để nâng cao kỹ năng giải quyết công việc với từng tình huống cụ thể, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về hộ tịch góp phần làm giảm đáng kể các vụ việc khiếu nại, tố cáo về hộ tịch. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đăng ký hộ tịch ở địa phương gặp những khó khăn, vướng mắc như sau:

- Thứ nhất, về đăng ký khai sinh: Luật Hộ tịch 2014 không quy định công dân được cấp lại bản chính giấy khai sinh. Qua thực tế, quy định này gây khó khăn cho công dân, nguyên nhân bởi một số cơ quan, đơn vị vẫn yêu cầu có bản chính để đối chiếu. Mặt khác tâm lý của người dân luôn muốn có bản chính giấy khai sinh, do đó nhu cầu cấp lại bản chính giấy khai sinh của người dân là rất cần thiết.

Bên cạnh đó thì xác định nội dung của giấy khai sinh cũng là vấn đề gây lúng túng cho cán bộ Hộ tịch. Theo đó thì tại khoản 1 điều 14 Luật Hộ tịch quy định các nội dung Đăng kí khai sinh bao gồm: Thông tin của người được Đăng kí khai sinh (họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch); thông tin của cha, mẹ người được Đăng kí khai sinh (họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú); số định danh cá nhân. Trong khi đó, tại Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch 2014 quy định về việc xác định họ, tên cho con tại điểm a Khoản 1 Điều 4 thì khi đăng ký khai sinh, họ, chữ đệm, tên của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán.Tuy nhiên, theo quy định này, một số cơ quan ĐKHT, người dân lại hiểu rằng, việc xác định họ cho con theo phong tục tập quán tức là phong tục tập quán như thế nào thì xác định đúng theo như thế mà không phải tuân thủ nguyên tắc nào khác, dẫn đến xác định họ của con có thể không theo họ của mẹ, cũng không theo họ của cha, thậm chí không có họ, chỉ có tên. Thực tế tại một số địa bàn, vẫn tồn tại tình trạng đăng kí khai sinh cho con không mang họ cha, cũng không mang họ mẹ hoặc đăng kí khai sinh cho con “ngoài giá thú” nhưng không mang họ của mẹ. Trường hợp công chức làm công tác hộ tịch từ chối giải quyết yêu cầu đăng kí khai sinh thì người dân phản ứng, bức xúc hoặc phản đối bằng việc không tiếp tục thực hiện đăng kí khai sinh cho con.

- Thứ hai, về đăng ký lại khai sinh: Tại Điểm c Khoản 1 Điều 26 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định “Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh là cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì ngoài các giấy tờ theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này phải có văn bản xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về việc những nội dung khai sinh của người đó gồm họ, chữ đệm, tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha - con, mẹ - con phù hợp với hồ sơ do cơ quan, đơn vị đang quản lý”. Quy định như trên chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang, còn một số đối tượng khác như hưu trí, thương binh hay những người làm việc trong các Công ty, Tổng Công ty thì không được áp dụng quy định nêu trên. Trong khi họ cũng cần thống nhất giữa giấy tờ tùy thân và hồ sơ do cơ quan, đơn vị đang quản lý.

+ Tại Điều 24 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01/01/2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại. Tuy nhiên, Nghị định chưa quy định về điều kiện bản chính vẫn còn nhưng bị hư hỏng, rách nát thì có được đăng ký lại hay không.

+ Theo quy định của Luật Hộ tịch 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì Giấy Đăng ký khai sinh lại được xem như Giấy Đăng ký khai sinh gốc. Nhưng trên thực tế không có Điều, Khoản nào quy định nội dung này nên trong quá trình thực hiện cơ quan Công an không căn cứ vào Giấy Đăng ký khai sinh lại để thay đổi chứng minh nhân dân. Điều này đã gây khó khăn cho các cơ quan đăng ký hộ tịch trong việc giải quyết, hướng dẫn cho người dân thống nhất các nội dung liên quan đến vấn đề nhân thân của bản thân.

+ Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì hồ sơ đăng ký lại khai sinh gồm “Tờ khai theo mẫu quy định, trong đó có cam đoan của người yêu cầu về việc đã đăng ký khai sinh nhưng người đó không lưu giữ được bản chính Giấy khai sinh” nhưng nội dung cam đoan này không có trong mẫu Tờ khai. Việc cam đoan này được thực hiện như thế nào, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về vấn đề này.

- Thứ ba, về đăng ký khai tử: Theo Kkhoản 1 Điều 34 Luật Hộ tịch 2014 quy định: “Người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay thế giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch”. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện việc cấp giấy chứng sinh, giấy báo tử. Tuy nhiên, hiện tại chưa có văn bản quy định cụ thể về mẫu giấy báo tử nên gây lúng túng cho UBND cấp xã trong việc thực hiện cấp giấy báo tử cho người chết trên địa bàn, cũng như trong việc thực hiện đăng ký khai tử.

+ Điều 32 Luật Hộ tịch 2014 quy định “UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì UBND cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử”. Điểm đ  Khoản 2 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định như sau: “Đối với người chết không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d của Khoản này thì UBND cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp Giấy báo tử”.Quy định cấp Giấy báo tử như vậy chỉ phù hợp với trường hợp người chết nằm ngoài địa bàn cư trú, còn trường hợp người chết tại nơi cư trú là không phù hợp vì UBND xã nơi cư trú của người chết vừa cấp giấy báo tử vừa đăng ký khai tử làm tăng thêm thủ tục không cần thiết.

- Thứ tư, về đăng ký nhận cha, mẹ, con: Tại khoản 2 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”; khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định: “Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình”. Tuy nhiên, trên thực tế tại một số địa phương đang tồn tại tình trạng nhiều phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài nhưng cuộc sống không hạnh phúc nên đã bỏ về Việt Nam, cũng có trường hợp không được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho phép sang nước ngoài định cư nên hôn nhân không duy trì được, Ở đây,về mặt pháp lý vẫn tồn tại hôn nhân với người chồng nhưng lại quan hệ chung sống với người đàn ông khác và sinh con. Do con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân vẫn còn tồn tại, nên theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, phải được xác định là con chung của hai vợ chồng (mặc dù người chồng không phải là người cha trên thực tế của đứa trẻ), người mẹ có yêu cầu đăng ký việc nhận cha (người cha trên thực tế) của trẻ em kết hợp với thủ tục đăng kí khai sinh để khai sinh theo đúng thông tin về cha mẹ hoặc đăng kí khai sinh theo diện con chưa xác định được cha thì cơ quan Đăng kí khai sinh không giải quyết được. Việc yêu cầu xác định cha cho con của người mẹ trong trường hợp này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân, không thuộc thẩm quyền của cơ quan đăng kí hộ tịch. Nhưng thực tế, đa phần người dân phản ánh Tòa án có thẩm quyền không thụ lý giải quyết hoặc có tiếp nhận nhưng sau đó đình chỉ việc giải quyết vì cho rằng không có “tranh chấp”, dẫn đến việc trẻ em không được Đăng kí khai sinh kịp thời hoặc Đăng kí khai sinh nhưng với thông tin về người cha không đúng thực tế.

- Thứ năm, xác định tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân: Trong trường hợp xác định tình trạng hôn nhân để đăng kí kết kết hôn bên cạnh những thuận lợi vẫn tồn tại những khó khăn nhất định nhưtrong việc chứng minh tình trạng hôn nhân của công dân trong thời gian cư trú ở nước ngoài nay đã về Việt Nam thường trú. Hầu hết, các trường hợp này không có giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân thời gian cư trú ở nước ngoài (giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp) vì công dân đã về Việt Nam cư trú, không thể trực tiếp tới các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài để làm thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, việc ủy quyền cho người quen, người thân thích ở nước ngoài thực hiện thay cũng khó khả thi. Ngoài ra việc xác định tình trạng hôn nhân trong thực tiễn còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn như  trường hợp bị mất giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sẽ gặp khó khăn khi muốn được cấp lại, do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể;quy định về thời hạn sử dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chưa thực sự khả thi bởithời hạn sử dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, khoản 1 Điều 23 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 06 tháng kể từ ngày cấp. Quy định này cũng đã bộc lộ một số bất cập trên thực tế, vì “tình trạng hôn nhân” là dữ liệu biến động, có thể thay đổi ngay sau khi công dân được cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (từ chưa có vợ/chồng thành đã có vợ/chồng, từ đang có vợ/chồng thành đã ly hôn/vợ/chồng đã chết…), do đó, công dân vẫn sử dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã được cấp để thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính thì không bảo đảm tính xác thực về tình trạng hôn nhân.

Trong trường hợp cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định “Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân”. Trường hợp cấp Giấy Xác nhận tình trạng hôn nhân cho cán bộ chiến sỹ lực lượng công an, bộ đội không đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương nhưng có hộ khẩu tập thể của đơn vị đóng quân được thực hiện như thế nào thì Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định cụ thể.  

- Thứ sáu, về xác minh trong đăng ký hộ tịch: Theo quy định của Luật Hộ tịch 2014 và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì hầu hết các sự kiện hộ tịch đều quy định trường hợp hồ sơ không rõ ràng thì công chức Tư pháp - hộ tịch tham mưu cho UBND các cấp thực hiện xác minh. Tuy nhiên, hiện tại Luật Hộ tịch 2014, Nghị định 123/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xác minh ở các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài như thế nào vì trong thực tế xảy ra rất nhiều trường hợp đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài cần được xác minh.

  1. Đề xuất hoàn thiện

Để góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước, cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực đăng ký hộ tịch, tác giả có một số kiến nghị như sau:

Một là, tổng kết những vấn đề vướng mắc phát sinh từ thực tế trong thực hiện đăng ký hộ tịch nhằm kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để có sự điều chỉnh bổ sung hoặc hướng dẫn kịp thời để đảm bảo các cơ quan chuyên trách thực hiện thống nhất, đồng bộ, đúng quy định của pháp luật.

Hai là, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch đáp ứng yêu cầu thực tế. Theo đó, cần tiêu chuẩn hoá cán bộ tư pháp hộ tịch tương xứng với tính chất công việc, chức năng, nhiệm vụ mà họ đảm nhiệm cũng như yêu cầu, đòi hỏi của xu thế phát triển xã hội. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, quy hoạch tạo nguồn thống nhất trên toàn quốc với chức danh này.

Ba là, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hộ tịch.Việc sử dụng phần mềm quản lý hộ tịch, không chỉ tiện cho công dân, mà còn nhanh gọn cho cán bộ chuyên môn nữa. Với phần mềm quản lý hộ tịch, cán bộ làm công tác hộ tịch có thể cập nhật hoặc sửa đổi, trích xuất tất cả thông tin về hộ tịch, hộ khẩu của mọi người dân trong phạm vi quản lý. Theo đó việcquản lý, tra cứu các sự kiện hộ tịch công dân cũng sẽ khoa học hơn, không tốn thời gian, kết xuất báo cáo nhanh, chính xác.

Bốn là, đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hộ tịch, hướng tới hoạt động đăng ký hộ tịch đạt hiệu quả.Giải pháp này giúp thay đổi nhận thức của cá nhân về vai trò, tầm quan trọng và lợi ích của đăng ký, quản lý hộ tịch. Mục tiêu là trang bị kiến thức, hiểu biết pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn quản lí về pháp luật hộ tịch, ý nghĩa của đăng ký, quản lý nhà nước về hộ tịch.

Với thực trạng và những đòi hỏi của tình hình mới, vấn đề đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý hộ tịch đã và đang đặt ra như một nhu cầu bức xúc đối với sự phát triển của nền hành chính Việt Nam. Giải quyết thực trạng đó cần tâm huyết, công sức và trí tuệ của nhà nghiên cứu cũng như các nhà hoạch định chính sách.Qua nghiên cứu, tác giả đã đề xuất những giải pháp góp phần nâng cao hoạt động quản lý trong lĩnh vực hộ tịch, cũng nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

Tác giả: ThS. Hà Diệu Thu Thảo - Giảng viên Khoa Luật & QLNN
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 ĐẢNG VIÊN TRẺ VỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC CHO THẾ HỆN TRẺ HIỆN NAY (08/05/20)
 BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ TRÊN CƠ SỞ QUY ĐỊNH CỦA HIẾN PHÁP NĂM 2013 (08/05/20)
 SINH CON BẰNG KỸ THUẬT HỖ TRỢ SINH SẢN VÀ XÁC ĐỊNH CHA, MẸ CHO CON TRONG TRƯỜNG HỢP NÀY (17/04/20)
 GIỚI THIỆU VỀ LUẬT AN NINH MẠNG ĐƯỢC QUỐC HỘI THÔNG QUA BAN HÀNH NĂM 2018 (16/02/20)
 GIỜI THIỆU SÁCH “BÀN VỀ QUỐC HỘI VÀ NHỮNG THÁCH THỨC CỦA KHÁI NIỆM” (16/02/20)
 PHÁT TRIỂN DU LỊCH THANH HÓA TRƯỚC THÁCH THỨC  CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 (16/02/20)
 VAI TRÒ CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP TÁC ĐỘNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG DU LỊCH (16/02/20)
 SỰ CẦN THIẾT ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC TUYỂN DỤNG NHÂN SỰ TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC        (10/01/20)
 QUY ĐỊNH MỚI CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH Ở VIỆT NAM (10/01/20)
 GIẢNG VIÊN TRẺ KHOA LUẬT &QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỚI CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC (10/01/20)
    Hôm nay 25766
    Hôm qua 16498
    Tuần này 121702
    Tháng này 405454
    Tất cả 6755774
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường