Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
PHÁT TRIỂN DU LỊCH THANH HÓA TRƯỚC THÁCH THỨC  CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

Nội san số 05 - Khoa Luật&QLNN

 

  1. Những thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với du lịch Thanh Hóa

Nếu cách mạng công nghiệp lần thứ nhất về sản xuất cơ khí dựa vào động cơ hơi nước, cách mạng công nghiệp lần thứ hai về sản xuất hàng loạt dựa vào năng lượng điện, cách mạng công nghiệp lần thứ ba về sản xuất tự động với máy tính điện tử, thì cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0 - Industrie 4.0)về sản xuất tự động nhờ các đột phá của công nghệ số[2]. Tuy nhiên, công nghệ 4.0 thời gian gần đây không chỉ gói gọn trong lĩnh vực sản xuất mà mở rộng sang các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong đó có dịch vụ du lịch. Bản chất của công nghiệp 4.0 là dựa vào nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất, cung ứng dịch vụ.

Với những thành tựu vượt bậc của công nghệ thông tin, du lịch có cơ hội tối ưu hóa hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá và mở rộng thị trường, đẩy mạnh phát triển du lịch trực tuyến (khám phá điểm đến bằng công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường), thuận tiện trong đặt tuor du lịch và các dịch vụ đi kèm... Thay vì phải đăng ký tuor du lịch trực tiếp tại văn phòng đại diện, hiện nay khách du lịch có thể đăng ký tuor, đặt phòng khách sạn, nhà hàng trực tuyến và nhận hỗ trợ tư vấn, phản hồi chất lượng phục vụ du lịch thông qua các website uy tín như: https://www.ivivu.com, http://mytour.vn, https://travel.com.vn... Đây là những tiện ích đem đến nguồn khách du lịch dồi dào cho du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Thanh Hóa nói riêng.

Tuy nhiên, cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Toàn cầu hóa du lịch không chỉ có nghĩa là du lịch toàn cầu mà còn có nghĩa là phát triển du lịch theo những tiêu chuẩn toàn cầu. Tiêu chuẩn toàn cầu thể hiện ở cung cách phục vụ, tiêu chuẩn phòng ốc, chất lượng ẩm thực, và hiện nay là cả các dịch vụ tiên ích thông minh. Do đó, thách thức hàng đầu đối với du lịch Thanh Hóa trong bối cảnh công nghiệp 4.0 hiện nay đó chính là vấn đề bắt kịp với nhịp độ phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin; đổi mới phương thức đặt tuor du lịch, nhà hàng, khách sạn thông qua phần mềm công nghệ cao. Hầu hết các công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn ở Thanh Hóa hiện nay đều là những công ty có quy mô nhỏ, nguồn vốn và kinh nghiệm trong đầu tư công nghệ thông tin rất hạn chế. Trong khi việc thiết kế các website trực tuyến để quảng bá, đặt tuor du lịch đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về tiền bạc, trí tuệ, thời gian, kinh nghiệm... Đó là chưa kể những dự án phát triển du lịch khám phá điểm đến bằng công nghệ thực tế ảo hiện nay ở Thanh Hóa gần như chưa có công ty, tổ chức du lịch nào triển khai áp dụng.

Trong khi đó, các tỉnh bạn trong khu vực Nam Sông Hồng, Bắc Trung Bộ như Ninh Bình đã chính thức khai trương Cổng thông tin du lịch (visitninhbinh.vn) và Ứng  dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động (Ninh Bình Tourism) nhằm tạo thuận lợi cho du khách tìm kiếm thông tin chính xác về du lịch Ninh Bình; Huế cũng đưa vào khai thác hệ thống thuyết minh tự động tại Hoàng thành Huế; Hà Nội đã xây dựng bản đồ số về du lịch Hà Nội theo công nghệ GIS, xây dựng Cổng thông tin điện tử du lịch Hà Nội, phủ wifi miễn phí ở nhiều địa điểm công cộng như khu vực hồ Hoàn Kiếm, sân bay quốc tế Nội Bài… Nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực tế, du lịch Thanh Hóa chắc chắn sẽ dần tụt hậu so với các địa phương trong nước.

  1. Một sốgiải pháp phát triển du lịch Thanh Hóa trước thách thức cách mạng công nghiệp 4.0

2.1. Nhóm giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa xứ Thanh trong phát triển du lịch

Trong môi trường công nghệ số hiện nay, du khách không cần đến tận nơi vẫn có thể ngắm nhìn được những cảnh quan tự nhiên thông qua tranh ảnh, video hoặc công nghệ thực tế ảo. Do đó, chỉ có bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong phát triển du lịch mới có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh, thu hút du khách đến trải nghiệm văn hóa, ẩm thực thực tế tại điểm du lịch, khu du lịch. Muốn vậy, Thanh Hóa cần triển khai các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Du lịch cộng đồng là hình thức du lịch có sự tham gia của cộng đồng dân cư tại khu du lịch, du khách được trải nghiệm các sinh hoạt thực tế tại cộng đồng du lịch đó. Khi xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, người dân tại khu du lịch sẽ nhận thức được giá trị tinh thần, giá trị kinh tế mà bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư mình, từ đó hình thành ý thức bảo vệ phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng. Thời gian vừa qua, việc tỉnh Thanh Hóa mở khu du lịch Làng cổ Đông Sơn (thành phố Thanh Hóa) và liên kết cùng tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào mở tour du lịch cộng đồng Quan Sơn – Viêng Xaylà bước đi hết sức đúng đắn.Tuy nhiên, cần có sự nghiên cứu để cung cấp các dịch vụ du lịch trải nghiệm sinh hoạt, thưởng thức văn hóa, ẩm thực được sinh động, phong phú và chuyên nghiệp hơn; đồng thời nhân rộng mô hình này tại những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.

Thứ hai, các khu du lịch cần nghiên cứu để giới thiệu những sản phẩm du lịch,những yếu tố văn hóa đặc trưng. Ví dụ, cũng là du lịch biển, Sầm Sơn có đặc trưng mà ít nơi nào có như sóng to, bãi cát vàng trải dài, có các địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, lại là nơi có lịch sử ngành du lịch từ lâu đời, từng được Bác Hồ về thăm. Vậy biển Hải Tiến có gì khác với Sầm Sơn? Hải Tiến có lợi thế là vẫn giữ được vẻ hoang sơ, do đó, có thể lấy các dịch vụ du lịch trải nghiệm thực tế với bà con ngư dân làm đặc trưng, như đi kéo lưới, đánh cá gần bờ, đốt lửa trại qua đêm...

Đối với các khu du du lịch về nguồn là di tích lịch sử như Lam Kinh, thành nhà Hồ cũng có những đặc trưng riêng khác với các khu di tích khác. Nếu so sánh tượng đá tại các khu lăng mộ trong Lam Kinh, ta sẽ thấy điểm đặc biệt là kích thức khá nhỏ, thường chỉ bằng một phần ba so với kích thước thông thường tại các khu lăng mộ khác. Đó là bởi ảnh hưởng yếu tố văn hóa Mường thời kỳ đầu Lê Sơ (vua Lê Lợi có gốc gác Mường, cộng đồng dân cư tại Thọ Xuân cũng có nhiều người Mường sinh sống). Đặc biệt, với những yếu tố tâm linh tại các khu du lịch như: cây ổi cười tại khu di tích Lam Kinh, vết đá lõm được cho của nàng Bình Khương đập đầu vào tường thành tại khu di tích thành nhà Hồ, sự huyền bí của đàn cá thần tại khu du lịch suối cá Cẩm Lương... Đôi khi đây lại chính là những yếu tố đặc trưng thu hút du khách mà các khu du lịch cần quảng bá đến khách tham quan.

Thứ ba, phát huy giá trị của làng nghề, đặc sản truyền thống tại các khu du lịch. Được tự mình trải nghiệm làm các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, được thưởng thức các món ăn truyền thống do người dân địa phương trực tiếp chế biến chính là yếu tố thu hút du khách đến với khu du lịch. Hiện nay, sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa đã nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đặc sản ẩm thực Thanh Hóa phục vụ phát triển du lịch” do tập thể nhóm tác giả Lê Thị Lệ, Hoàng Thị Thanh Bình, Trịnh Xuân Phương nghiên cứu.[3]Đây là công trình giới thiệu đặc sản ẩm thực của tất cả 27 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Công trình này cần được các cơ quan quản lý, khu du lịch nghiên cứu ứng dụng để quảng bá và phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách.

Cùng với đó, cần đầu tư xây dựng các khu ăn uống, khu vui chơi đi kèm. Khách du lịch không chỉ đến tham quan mà còn được tận hưởng các dịch vụ tiện nghi ở đây sau những ngày làm việc căng thẳng. Việc đầu tư các khu ăn uống, khu vui chơi sẽ hỗ trợ cho các nông sản, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, đặc sản ẩm thực được tiêu thụ và đây mới là nguồn thu lớn nhất mà du lịch mang lại cho địa phương.

2.2. Nhóm giải pháp đầy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch Thanh Hóa

Thứ nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch trước, trong và sau chuyến đi. Thanh Hóa cần nhanh chóng hoàn thành việc số hóa toàn bộ các thông tin về khu du lịch, doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên du lịch, cơ sở lưu trú... tiến tới xây dựng Cổng thông tin du lịch Thanh Hóa để đẩy mạnh quảng bá du lịch và thuận tiện cho việc tra cứu thông tin của du khách. Trong quá trình xây dựng có thể cử cán bộ đi học hỏi tại một số địa phương đã triển khai xây dựng như Ninh Bình, Hà Nội... Hiện nay, sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa đã phê duyệt đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về “Xây dựng Cơ sở dữ liệu các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” do Tiến sỹ Hà Đình Hùng (trường Đại học Văn hóa, thể thao và du lịch Thanh Hóa) làm chủ nhiệm đề tài. Đây là đề tài có tính ứng dụng cao, cần có sự khảo cứu thực tế kỹ lưỡng, toàn diện và nghiên cứu triển khai áp dụng ngay sau khi được nghiệm thu.

Thanh Hóa cũng cần đặt hàng với các công ty công nghệ thiết kế các phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động để hỗ trợ khách du lịch trong chuyến đi tại các địa bàn du lịch trọng điểm. Các ứng dụng phần mềm này không chỉ cung cấp các thông tin chi tiết về điểm du lịch, mà còn hỗ trợ khách du lịch có khả năng theo dõi hành trình du lịch, trả lời các thắc mắc của du khách, cảnh báo an toàn, hỗ trợ khẩn cấp, liên kết với các ngân hàng để thanh toán trực tuyến, tích điểm thanh toán...Đồng thời, cần phủ sóng wifi miễn phí tại các điểm du lịch để người dân thuận tiện truy cập vào ứng dụng trên thiết bị di động.

Trên cồng thông tin điện tử du lịch của tỉnh và phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động cần có tính năng nhận phản hồi, đánh giá từ du khách sau chuyến đi để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, thiếu sót. Các điểm du lịch cần khuyến khích khách du lịch gửi phản hồi thông qua hình thức tích điểm ưu đãi và trao quà cho những phản hồi thực sự chân thành, mang tính xây dựng.

Thứ hai, đa dạng hóa các hình thức du lịch, dịch vụ du lịch, đặc biệt là dịch vụ lịch thông minh. Thanh Hóa cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và các công nghệ tiên tiến khác để du khách có cơ hội chiêm ngưỡng không gian du lịch thông qua không gian mạng, từ đó hấp dẫn du khách đến với điểm du lịch để trải nghiệm không gian cảnh quan, không gian văn hóa, không gian ẩm thực thực tế.

Cùng với đó, cần ứng dụng thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến tại các điểm du lịch. Các ứng dụng thuyết minh tự động không hề làm giảm vai trò của các hướng dẫn viên du lịch. Bởi lẽ, thuyết minh tự động chỉ giúp bổ trợ cho thuyết minh truyền thống, sự hướng dẫn của hướng dẫn viên du lịch khi cùng du khách đến từng điểm tham quan luôn tạo ra sự hấp dẫn hơn đối với người nghe. Ngược lại, các thuyết minh tự động giúp du khách nắm chắc được những thông tin cơ bản nhất, hướng dẫn viên sẽ có thêm thời gian để tập trung vào những nội dung thuyết minh trọng tâm, đặc sắc nhất.  

Thứ ba, tuyên truyền, bồi dưỡng về ý thức, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Hiệu quả của mọi chính sách đều xuất phát từ ý thức, năng lực, hành vi của con người. Do đó, nếu không đổi mới cách tư duy làm du lịch theo công nghệ số thì Thanh Hóa sẽ rất khó có một nền du lịch thông minh.

Những đối tượng cần được tuyên truyền, bồi dưỡng không chỉ bao gồm các nhà quản lý, doanh nghiệp, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên khách sạn mà còn cả cộng đồng dân cư làm du lịch tại điểm du lịch, khu du lịch. Nội dung tuyên truyền, bồi dưỡng tập trung vào vai trò của công nghệ thông tin đối với phát triển du lịch hiện nay, các phương thức áp dụng công nghệ thông tin trong du lịch cho từng đối tượng. Đối với cộng đồng dân cư làm du lịch, cần tuyên truyền để họ nhận thấy lợi ích của dịch vụ chất lượng cao cũng như thiệt hại của việc làm ăn “chụp giựt”, “chặt chém”  khiến du khách không muốn quay trở lại, thậm chí có những phát tán trên không gian mạng. Đối với các nhà quản lý, cần tổ chức các lớp bồi dưỡng thực tế tại các địa phương, quốc gia có nhiều thành tựu trong phát triển du lịch thông minh để đổi mới tư duy quản lý trong du lịch. Đặc biệt, cần lồng ghép các nội dung ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong các chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.

Thứ tư, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch. Thanh Hóa cần tạo diễn đàn trao đổi, hợp tác giữa các doanh nghiệp, cộng đồng du lịch với doanh nghiệp công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch nhằm tăng cường chia sẻ thông tin, đề xuất ý tưởng hợp tác, giải quyết các vấn đề trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch và phát triển du lịch thông minh.

Khi triển khai các ý tưởng này trên thực tế cần nguồn vốn không hề nhỏ, trong khi các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh đa phần ở mức độ vừa và nhỏ. Do đó, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ để kết nối các dự án khởi nghiệp sáng tạo, có tính khả thi về du lịch thông minh với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

 

[1]Giảng viên Khoa Luật và Quản lý nhà nước

[2] Minh Khoa, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là gì?, Cổng thông tin điện tử Học viện Cảnh sát nhân dân, truy cập ngày 02/10/2018 <http://hvcsnd.edu.vn/nghien-cuu-trao-doi/dai-hoc-40/cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0-la-gi-4319>.

[3] Lê Thị Lệ, Hoàng Thị Thanh Bình, Trịnh Xuân Phương (2018), Nghiên cứu đặc sản ẩm thực Thanh Hóa phục vụ phát triển du lịch, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh năm 2018, Thanh Hóa.

Tác giả: ThS. Nguyễn Như Sơn - Giảng viên Khoa Luật và Quản lý nhà nước
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 VAI TRÒ CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP TÁC ĐỘNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG DU LỊCH (16/02/20)
 SỰ CẦN THIẾT ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC TUYỂN DỤNG NHÂN SỰ TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC        (10/01/20)
 QUY ĐỊNH MỚI CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH Ở VIỆT NAM (10/01/20)
 GIẢNG VIÊN TRẺ KHOA LUẬT &QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỚI CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC (10/01/20)
 Nghiệm thu Đề tài cơ sở năm 2019: chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Lan Anh (18/12/19)
 DANH SÁCH 28 DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN LĨNH VỰC BẢO HIỂM (14/12/19)
 Điểm mới của Luật sửa đổi Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức (14/12/19)
 Tổng hợp toàn bộ điểm mới của Bộ luật Lao động 2019 (14/12/19)
 Cập nhật toàn bộ 11 Luật mới vừa được Quốc hội thông qua (14/12/19)
 HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ DI SẢN VĂN HÓA HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DU LỊCH (12/12/19)
    Hôm nay 9073
    Hôm qua 14082
    Tuần này 23155
    Tháng này 210730
    Tất cả 7016310
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường