Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
MỘT SỐ KINH NGHIỆM HỌC TIẾNG VIỆT CHUYÊN NGÀNH CHO SINH VIÊN LÀO TẠI KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Nội san số 4 – Khoa Luật&QLNN

 

Tóm tắt: Khoa Luật & QLNN là một trong những khoa hiện tại đang thu hút và có số lượng sinh viên Lào theo học đông đảo thứ hai tại trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Với số lượng sinh viên Lào đông đảo như vậy, Khoa Luật & QLNN luôn trăn trở trong việc đảm bảo chất lượng học tập của các bạn sinh viên Lào. Tuy nhiên, cũng như thực trạng của sinh viên Lào trong nhà trường nói chung, sinh viên Lào tại Khoa Luật & QLNN hiện nay đa số các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và hiểu thông thạo tiếng Việt vẫn chưa đủ đáp ứng quá trình học tập các học phần chuyên ngành. Do đó, để nâng cao hơn nữa khả năng học tiếng Việt chuyên ngành cho sinh viên Lào tạo Khoa, tôi chia sẻ một số kinh nghiệm cơ bản sau:

Từ khóa: Kinh nghiệm, tiếng Việt chuyên ngành, sinh viên Lào, Khoa Luật & QLNN.

  1. Yêu tiếng Việt và xác định được đúng mục tiêu học tập

Có thể mỗi bạn sinh viên khi học tiếng Việt với những mục đích khác nhau nhưng khi đã học bất kì một ngoại ngữ nào đó các bạn cũng cần phải yêu nó. Hãy luôn nghĩ về tiếng Việt và thực hành nó mọi lúc, mọi nơi, giống như là đang đi cùng với người yêu bạn vậy. Tiếng Việt rất dễ nhưng cũng rất khó bởi vì nó đòi hỏi người học phải nhiệt tình và kiên nhẫn. Nếu bạn vượt qua được khó khăn ban đầu ở hai, ba bài học về phát âm cũng như hệ thống chữ cái tiếng Việt thì từ buổi thứ 3 trở đi chắc chắn tình yêu của bạn dành cho tiếng Việt có thể duy trì được 70% rồi.

Đồng thời, các bạn sinh viên cần xác định rõ mục tiêu học tiếng Việt để phục vụ lâu dài hơn cho quá trình học tập các môn chuyên ngành, đặc biệt là chuyên ngành Luật và chuyên ngành Quản lý nhà nước với những từ tiếng Việt đặc thù, ngữ nghĩa phức tạp và các tình huống pháp lý, tình huống quản lý hành chính đa dạng. Vì vậy cần thiết các bạn phải có vốn từ tiếng Việt cơ bản và chuyên sâu.

  1. Học thành thạo tiếng Việt cơ bản trước khi học các từ tiếng Việt chuyên ngành

Không giống như các ngành khoa học xã hội khác, ngành Quản lý nhà nước là ngành có đối tượng nghiên cứu trên bình diện rộng lớn, gắn liền với hoạt động của các cơ quan nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; do đó đòi hỏi vốn từ tiếng Việt khi học chuyên ngành này cũng cần đa dạng, phong phú. Ví dụ: lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, lĩnh vực quản lý nhà nước về văn hóa, lĩnh vực quản lý nhà nước về du lịch…ở mỗi lĩnh vực sẽ có những từ chuyên ngành đa dạng mang tính đặc thù và khi học quản lý nhà nước có nghĩa sinh viên sẽ cần biết và nắm rõ tất cả những hoạt động này. Do đó, vốn tiếng Việt đa dạng chính là cơ sở để sinh viên học tập các môn chuyên ngành Quản lý nhà nước.

Đối với chuyên ngành Luật, đây là một ngành chuyên sâu, đòi hỏi mức độ am hiểu các thuật ngữ pháp lý khó mà không chỉ các bạn sinh viên nước ngoài nói chung, sinh viên Lào nói riêng mà ngay cả sinh viên Việt Nam nếu chưa qua đào tạo cũng chưa có khả năng hiểu hết được các thuật ngữ pháp lý chuyên ngành. Mặt khác, với đặc trưng của ngành Luật phải sử dụng chính xác từ ngữ và yêu cầu cao về thuật ngữ chuyên ngành trong từng học phần cụ thể. Mỗi học phần của chuyên ngành Luật là một nhóm những từ tiếng Việt khó và mang tính đặc thù cao, ví dụ như thuật ngữ “tội phạm”, “hình phạt”…trong học phần Luật Hình sự; thuật ngữ “tích sản”, “tiêu sản”, “tài sản”…trong học phần Luật Dân sự…Do đó, đối với sinh viên Lào khi học tập chuyên ngành Luật cần nỗ lực nhiều trong việc học tiếng Việt cơ bản, để hiểu và sử dụng thành thạo các từ tiếng Việt cơ bản này; từ đó mới có đủ vốn kiến thức và từ ngữ linh hoạt để giải nghĩa các thuật ngữ và cụm từ pháp lý chuyên ngành luật trong từng học phần khác nhau.

Muốn được như vậy, trước tiên các bạn sinh viên cần phải trau dồi thêm vốn từ tiếng Việt cơ bản thông qua nhiều kênh học khác nhau, có thể là xem film Việt Nam hoặc các film có phụ đề tiếng Việt; nghe nhạc Việt; xem youtube…Theo chia sẻ của bạn Aok Xaysombath – sinh viên lớp Luật K2, một trong những phương pháp học tiếng Việt bạn thấy hiệu quả đó là học qua các bản nhạc Việt Nam mà bạn yêu thích. Bạn nghe thường xuyên vào mỗi buổi tối, vừa giúp bạn thư giãn sau mỗi giờ học căng thẳng, vừa giúp bạn “thấm tiếng Việt” dễ dàng hơn.

3. Đừng quên luyện kỹ năng đọc và hãy tập thành thói quen

Trước tiên các bạn cần phải đọc và làm quen dần với các thuật ngữ chuyên ngành tại các giáo trình, các văn bản pháp luật. Có thể thời gian đầu các bạn chưa hiểu hết các từ ngữ tại các tài liệu đó, tuy nhiên đây là bước cơ bản đầu tiền để các bạn tiếp xúc với các mặt chữ chuyên ngành.

Về sau cần nâng cấp quá trình đọc tiếng Việt chuyên ngành sang việc đọc hiểu. Ở giai đoạn này, đọc không phải là mở từng luật, từng nghị định ra đọc, cũng không phải mở các giáo trình ngành luật hay ngành quản lý nhà nước ra đọc từ theo thứ tự từ đầu đến cuối nữa; thay vào đó, bạn hãy cố gắng đọc những tạp chí ngành luật, tạp chí chuyên ngành quản lý nhà nước của các trường đại học, tìm đến những diễn đàn Luật trên các trang mạng để tham khảo và trao đổi như Diễn đàn Học Luật, Dân Luât hay LawNet… Đây là nơi những người học luật, những người hành nghề luật thậm chí là những người làm luật thường xuyên tham gia và thảo luận rất bổ ích. Ngoài ra hãy tìm hiểu kiến thức xã hội, lịch sử và chính trị chính thống của những nhà xuất bản uy tín để đọc và trau dồi kiến thức. Đặc biệt đối với việc học luật, và sau này làm nghề luật, đòi hỏi bạn phải có một nền tảng kiến thức rộng, không nên nghĩ rằng học luật thì biết luật là được rồi. Giả sử, bạn nhận tranh tụng một vụ án tranh chấp đồ cổ, mà bạn không biết một chút gì về đồ cổ, cổ vật hay lịch sử… thì bạn chịu thiệt thòi so với đối phương rồi. Cho nên hãy cố gắng tiếp thu kiến thức bổ ích càng nhiều càng tốt, càng dày càng tốt.

4. Kết hợp nhiều loại từ điển

Đối với sinh viên chuyên ngành Luật và chuyên ngành QLNN thì việc sử dụng từ điển chuyên ngành là việc không thể thiếu. Tuy nhiên, đối với các bạn sinh viên Lào đang học tập tại Khoa, ngoài từ điển chuyên ngành với các thuật ngữ pháp lý đòi hỏi cần có sự nghiên cứu chuyên sâu thì các bạn nên kết hợp sử dụng cả từ điển tiếng Việt thông thường để hỗ trợ về mặt ngữ nghĩa cơ bản, đồng thời sử dụng những từ điển online và các trang có cung cấp từ điển chuyên ngành do sinh viên, cựu sinh viên…tập hợp lại trong quá trình học tập và nghiên cứu. Những hình thức từ điển khác nhau này sẽ hỗ trợ sinh viên Lào tốt hơn trong việc hiểu và giải nghĩa đúng đắn những cụm từ pháp lý chuyên ngành phù hợp với từng tình huống cụ thể.

5. Tích cực lên lớp nghe giảng

Thực tế cho thấy việc học trên lớp sẽ rút ngắn thời gian đọc giáo trình và tự học ở nhà của sinh viên rất nhiều, bởi lẽ những kiến thức thầy cô giảng dạy trên lớp cho sinh viên chính là những phần kiến thức cơ bản, mang tính định hướng và cũng là trọng tâm của môn học. Vì vậy, các bạn sinh viên Lào khi lên lớp là một trong những cách nhanh nhất để cận kiến thức chuyên ngành. Hơn nữa, khoảng thời gian lên lớp sẽ là khoảng thời gian vô cùng hữu ích cho các bạn sinh viên Lào có thể hỏi và trao đổi trực tiếp với giảng viên về những từ ngữ chuyên ngành, những nội dung còn chưa hiểu chính xác và đầy đủ.

Tuy nhiên, kết hợp với quá trình lên lớp cũng cần thiết phải nâng cao ý thức tự học của sinh viên ở nhà để ôn lại bài đã học và bổ sung thêm những phần kiến thức còn thiếu hụt.

6. Tham gia các CLB và các chương trình do Khoa, trường tổ chức

Các phong trảo hoạt động Đoàn, Hội, các chương trình do Khoa và nhà trường tổ chức chính là cơ hội để sinh viên Lào tăng thêm khả tăng giao tiếp tiếng Việt, tăng cơ hội giao lưu với các anh chị, bạn bè cùng Khoa, trong trường cũng như ngoài trường. Đặc biệt, tại Khoa Luật & QLNN đã thành lập CLB sinh viên Khoa Luật & QLNN với mục đích chủ yếu hỗ trợ các bạn sinh viên Lào trong khoa học tập và nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt. Từ khi hoạt động cho đến này, CLB đã có nhiều hoạt động tích cực theo nhiều chủ điểm đa dạng, vừa kết hợp giữa hoạt động xã hội lẫn hoạt động học tập chuyên ngành. Có thể nói, đây là sân chơi bổ ích để các bạn sinh viên Lào đang học tập tại Khoa Luật & QLNN có cơ hội được trau dồi vốn tiếng Việt cơ bản cũng như tiếng Việt chuyên ngành một cách có hiệu quả.

Và cuối cùng, học tiếng Việt là một quá trình lâu dài, đặc biệt là tiếng Việt chuyên ngành Luật và chuyên ngành QLNN cần có sự kiên trì và nỗ lực hơn nữa của các bạn sinh viên Lào. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp các bạn sinh viên Lào có thêm động lực và những thông tin hữu ích để định hướng học tập thật tốt.

Tác giả: ThS. Mai Nguyệt Minh – Giảng viên Khoa Luật và Quản lý nhà nước
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO (07/11/19)
 TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC RÈN LUYỆN  “KỸ NĂNG MỀM” ĐỐI VỚI SINH VIÊN NGÀNH LUẬT (07/11/19)
 990 NĂM DANH XƯNG THANH HÓA VỚI TƯ CÁCH LÀ ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG (25/10/19)
 HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ DI SẢN VĂN HÓA HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DU LỊCH (25/10/19)
 CÂU CHUYỆN VỀ MỘT SINH VIÊN: BÀI LUẬN BỊ ĐIỂM KÉM VÀ HÀNH TRÌNH LÀM THAY ĐỔI HIẾN PHÁP MỸ (25/10/19)
 CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 VÀ NHỮNG THÁCH THỨC ĐẶT RA ĐỐI VỚI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM (01/09/19)
 NHỮNG MÓN ĂN VẶT NGON BẤT CHẤP DÀNH CHO SINH VIÊN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ THANH HÓA (11/07/19)
 NHỮNG LỢI ÍCH TUYỆT VỜI TỪ VIỆC ĐỌC SÁCH (11/07/19)
 CHIA SẺ KINH NGHIỆM  NGHIÊN CỨU KHOA HỌC (11/07/19)
 KINH NGHIỆM ĐI THỰC TẾ, THỰC TẬP CHO SINH VIÊN NGÀNH LUẬT - QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC (09/06/19)
    Hôm nay 11707
    Hôm qua 20103
    Tuần này 91145
    Tháng này 374896
    Tất cả 6725216
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường