Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
990 NĂM DANH XƯNG THANH HÓA VỚI TƯ CÁCH LÀ ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Nội san số 04 - Khoa Luật&QLNN

Danh xưng là tên gọi của một quốc gia dân tộc hay của một con người cụ thể. Tên của một người đã là điều đương nhiên phải có, tên của một dân tộc một quốc gia càng không thể thiếu. Việc xác định danh xưng chính là việc làm để định danh mốc thời gian ra đời, góp phần khẳng định bề dày truyền thống, sự tồn tại phát triển của quốc gia hay con người đó trong tiến trình thời gian.

Thanh Hóa tự hào là vùng đất khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ, đất "thang mộc" của các dòng chúa Nguyễn, chúa Trịnh. Trên địa bàn Thanh Hóa từng diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, được ghi chép khá đầy đủ trong chính sử. Nhiều vấn đề về lịch sử Thanh Hóa trong tiến trình lịch sử dân tộc đã được nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và sáng tỏ. Tuy nhiên, gần một thập niên qua, việc khảo cứu, xác minh sự xuất hiện của Danh xưng Thanh Hóa đã trở thành nhiệm vụ khoa học hết sức quan trọng. Đến ngày 23/5, Hội thảo khoa học "Danh xưng Thanh Hóa có từ bao giờ và những cứ liệu lịch sử" do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa phối hợp tổ chức đã kết luận thời điểm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là năm 1029.

Trong lịch sử đất nước ta, Thanh Hóa là tỉnh dân số đông nhất, cũng là tỉnh nhiều tên gọi nhất. Tên gọi đầu tiên tỉnh ta là bộ Cửu Chân. Các sử sách xưa đều chép: “Hùng Vương lập quốc chia nước làm 15 bộ”. Bộ thời ấy là một đơn vị hành chính thuộc Trung ương. Trong 15 bộ này có tên bộ Cửu Chân. Đầu thế kỷ XV, Nguyễn Trãi soạn sách Dư địa chí cũng ghi 15 bộ như vậy nhưng Nguyễn Thiên Túng chú giải không khỏi bị lúng túng và hai bộ Bình Văn, Cửu Đức không rõ ở đâu? Thời cận đại, một số học giả tỏ ý nghi ngờ tên 15 bộ không có cơ sở chắc chắn. Riêng tên bộ Cửu Chân, chúng ta tin hoàn toàn chính xác là vùng đất Thanh Hóa.

Năm 257 trước Công nguyên, An Dương vương đánh thắng vua Hùng thứ 18, sáp nhập hai nước Âu Việt và Lạc Việt thành quốc gia Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa. Không có tài liệu nào nói An Dương vương sắp đặt lại các bộ. Chỉ biết nước Âu Lạc tồn tại được 79 năm, năm 179 TCN bị Triệu Đà xâm lược, bỏ đơn vị “bộ” lập đơn vị quận và 15 bộ chỉ còn hai quận: Giao Chỉ gồm 14 bộ (vùng đất Bắc bộ), Cửu Chân vẫn là Cửu Chân tức Thanh Hóa. 68 năm sau, Triệu Đà lại đem hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân dâng vua nhà Hán. Sự kiện này được Sử ký của Tư Mã Thiên, một bộ cổ sử lớn rất nổi tiếng của Trung Quốc đã chép. Tổng số dân 2 quận thời Hán theo tài liệu điều tra hộ khẩu bấy giờ.

Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán Triều Nguyễn) quyển tỉnh Thanh Hóa, mục “Dựng đặt và diên cách” viết: Thanh Hóa xưa là bộ Cửu Chân, (...) đời Triệu (Triệu Đà) là quận Cửu Chân; đời Hán vẫn giữ tên quận như cũ (...); đời Đông Ngô năm Nguyên Hưng thứ 1, chia quận Cửu Chân, đặt thêm quận Cửu Đức; đời Tấn, đời Tống cũng theo như thế. Vũ đế nhà Lương (502 - 507) lấy quận Cửu Chân làm Châu Ái (tên Ái Châu bắt đầu từ đây). Đầu đời Tùy (590 - 618) bỏ quận Cửu Chân, chỉ gọi là Châu Ái, sau lại đổi Châu Ái làm quận Cửu Chân; đời Đường (618 - 907) gọi là Châu Ái.

Từ sau đời Đường, nước ta đấu tranh giành quyền độc lập, tự chủ, các đời Khúc Hạo, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền cho đến nhà Đinh, nhà Tiền Lê vẫn gọi là Châu Ái theo như trước.

Đời Lý năm Thuận Thiên thứ I (1010) đổi Châu Ái làm trại tức “trại Ái Châu”. Đến năm  1029 sau đổi làm phủ Thanh Hóa, danh xưng Thanh Hóa bắt đầu từ đây.

Đời Trần năm Thiên Ứng Chính bình thứ 11 (1258) đổi làm lộ Thanh Hóa; năm Nguyên Phong thứ 3 (1260) lại đổi làm trại; khoảng đời Thiệu Phong lại gọi là lộ, lãnh 3 phủ Thanh Hóa, Cửu Chân và Ái Châu, sau gọi là trấn. Năm Quang Thái thứ 10 đời Trần Thuận tông (1389) đổi làm trấn Thanh Đô.

Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, lập nên nhà Hồ (năm 1400). Năm 1403, Hồ Hán Thương đổi phủ Thanh Hóa thành phủ Thiên Xương. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: "Phủ này (tức phủ Thiên Xương) cùng Cửu Chân và Ái Châu làm "tam phủ" gọi là "Tây Ðô".

Năm 1407, nhà Minh đổi phủ Thiên Xương trở lại làm phủ Thanh Hóa như cũ, đặt thêm hai huyện: Lôi Dương, Thụy Nguyên. Về địa giới vẫn không đổi. Sách "Ðại Nam nhất thống chí" cũng ghi: "Thời thuộc Minh lại làm phủ Thanh Hóa, lãnh 4 châu là Cửu Chân, ái Châu, Thanh Hóa, Quỳ Châu và 11 huyện". Trong đó, 11 huyện là Yên Ðịnh, Nông Cống, Vĩnh Ninh, Tống Giang, Cổ Ðằng, Nga Lạc, Lương Giang, Lỗi Giang, Ðông Sơn, Yên Lạc, Cổ Lôi.Đời Lê, năm Thuận Thiên thứ 1 (1428) Thanh Hóa thuộc đạo Hải Tây; năm Quang Thuận thứ 7, đặt Thanh Hóa làm thừa tuyên, năm thứ 10 đổi làm Thanh Hoa thừa tuyên (1469).

Thời Hậu Lê, Năm 1242, vua Trần Nhân Tông đổi 24 lộ đời Lý thành 12 lộ, trong đó có Thanh Hóa phủ lộ.

Đến triều Nguyễn, năm Gia Long thứ nhất (1802) gọi là trấn Thanh Hoa. Năm Triệu Trị thứ 1 (năm 1841), đổi tỉnh Thanh Hoa thành tỉnh Thanh Hóa do kị húy hoàng thái hậu Hồ Thị Hoa. Tên Thanh Hóa không đổi từ đó cho tới ngày nay.

Là một người thuộc thế hệ trẻ, là sinh viên, đoàn viên thanh niên, con em Thanh Hóa, tôi nhận thấy mình có trách nhiệm trong viêc góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu. Có rất nhiều cách để thể hiện lòng yêu quê hương đất nước chân chính của mình: Cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt, hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình; tự giác thực hiện chính sách, pháp luật, tôn trọng kỷ cương.

Có thể góp phần xây dựng quê hương từ những việc nhỏ như không vứt rác bừa bãi, không tàn phá môi trường, không hủy diệt muông thú. Và thậm chí, nói một câu tiếng Việt đúng ngữ pháp, văn cảnh, thể hiện sự tự tôn với ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc mình, cũng là biểu hiện của lòng yêu nước. Những việc làm không chỉ thể hiện ý thức công dân của mỗi người, mà còn là trách nhiệm xã hội, và thông qua đó, thế hệ trẻ chúng ta thể hiện lòng yêu quê hương, xứ sở của mình một cách sinh động nhất, hiệu quả nhất. Trên thực tế, đã có không ít thanh niên nghĩ rằng phải làm một việc gì thật "to lớn" cho Tổ quốc mới là yêu nước. Nhưng thực sự là lòng yêu quê hương, đất nước cần biểu hiện ra trong từng lời nói, từng việc làm lặng lẽ âm thầm tưởng như hết sức bình thường.

Tác giả: SV. Phạm Thanh Kỳ - Lớp ĐH Luật K2
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ DI SẢN VĂN HÓA HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DU LỊCH (25/10/19)
 CÂU CHUYỆN VỀ MỘT SINH VIÊN: BÀI LUẬN BỊ ĐIỂM KÉM VÀ HÀNH TRÌNH LÀM THAY ĐỔI HIẾN PHÁP MỸ (25/10/19)
 CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 VÀ NHỮNG THÁCH THỨC ĐẶT RA ĐỐI VỚI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM (01/09/19)
 NHỮNG MÓN ĂN VẶT NGON BẤT CHẤP DÀNH CHO SINH VIÊN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ THANH HÓA (11/07/19)
 NHỮNG LỢI ÍCH TUYỆT VỜI TỪ VIỆC ĐỌC SÁCH (11/07/19)
 CHIA SẺ KINH NGHIỆM  NGHIÊN CỨU KHOA HỌC (11/07/19)
 KINH NGHIỆM ĐI THỰC TẾ, THỰC TẬP CHO SINH VIÊN NGÀNH LUẬT - QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC (09/06/19)
 KINH NGHIỆM THI GIỮA KỲ, CUỐI KỲ (09/06/19)
 SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC – NHỮNG THÔNG TIN HỮU ÍCH CẦN BIẾT (09/06/19)
 VẤN ĐỀ VIỆC LÀM CỦA THANH NIÊN VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (09/06/19)
    Hôm nay 17651
    Hôm qua 16498
    Tuần này 113587
    Tháng này 397338
    Tất cả 6747658
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường