Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ DI SẢN VĂN HÓA HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DU LỊCH

Nội san số 04 - Khoa Luật&QLNN

  1. Di sản văn hóa và vai trò của di sản văn hóa đối với phát triển bền vững du lịch

1.1. Quan niệm về di sản văn hóa

Theo quan niệm của tổ chức Văn hóa, Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đưa ra, di sản văn hóa được hiểu là “di sản của các hiện vật vật lý và các thuộc tính phi vật thể của một nhóm hay xã hội được kế thừa từ các thế hệ trước, đã duy trì đến hiện nay và dành cho các thế hệ mai sau[1].

Trên cơ sở quan niệm về di sản văn hóa mà UNESCO, Luật Di sản văn hóa Việt Nam năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đưa ra định nghĩa: “Di sản văn hoá là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể” [2].

Trong đó, di sản văn hoá vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Di tích lịch sử - văn hoá là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học. Danh lam thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học. Di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học. Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên. Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học.

Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi năm 2009) không liệt kê các hình thức của di sản văn hóa phi vật thể như một số quốc gia khác trên thế giới. Việc chi tiết, cụ thể hóa được thể hiện trong Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật di sản văn hóa. Theo đó, có 7 hình thức biểu hiện của di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: (i) tiếng nói chữ viết; (ii) ngữ văn dân gian; (iii) nghệ thuật trình diễn dân gian, (iv) tập quán xã hội và tín ngưỡng; (v) lễ hội truyền thống, (vi) nghề thủ công truyền thống; (vii) tri thức dân gian.

1.2. Vai trò của di sản văn hóa đối với phát triển bền vững du lịch

Thứ nhất, di sản tạo bản sắc du lịch. Có những di sản là đặc trưng duy nhất của một vùn du lịch nào đó. Chẳng hạn, nhắc đến di sản nhã nhạc cung đình, mọi người nghĩ ngày đến du lịch xứ Huế; nhắc đến di sản hát xoan là nhắc đến bản sắc du lịch Phú Thọ... Do đó, các di sản văn hóa, đặc biệt là những di sản văn hóa phi vật thể là yếu tố giúp phân biệt sản phẩm du lịch giữa các vùng, miền, quốc gia.

Thứ hai, di sản tạo động lực thu hút khách cho du lịch. Thực tế minh chứng di sản văn hóa tạo sức hấp dẫn vô cùng tận cho điểm đến du lịch. Di sản là điểm nhấn của bất kỳ khu du lịch nào. Do đó, di sản văn hóa sẽ là duyên cớ thôi thúc du khách đến tham quan, trải nghiệm. Khi đến trải nghiệm, du khách sẽ tham sử dụng các dịch vụ ăn uống, vui chơi đi kèm quanh khu du lịch. Qua đó, thúc đẩy dịch vụ du lịch phát triển.

Thứ ba, di sản tạo động lực thu hút đầu tư cho du lịch. Cũng chính nhờ sức hút đó của di sản, các nhà đầu tư sẽ dễ dàng nhìn thấy tiềm năng kinh kế và tạo nên những làn sóng đầu tư vào khu du lịch, thúc đẩy cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng phát triển.

Thứ tư, là công cụ hữu hiệu để xây dựng khối gắn kết cộng đồng làm du lịch, cộng đồng dân cư địa phương. Thông qua việc sinh hoạt, bảo tồn di sản văn hóa, cộng đồng người làm du lịch sẽ có thêm cơ hội để giao lưu, trao đổi cùng nhau, qua đó xây dựng cộng đồng dân cư du lịch gắn kết, hiểu biết và chuyên nghiệp trong du lịch.

Thứ năm, di sản tạo ra nhiều việc làm trong lịch vực du lịch, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Các ngành nghề thủ công truyền thống tại khu vực di sản và xung quanh khu vực di sản cũng có cơ hội được phục hồi, mở rộng.

Ngược lại, du lịch di sản hướng thu hút khách tìm đến những giá trị về nguồn, tìm hiểu, tương tác, trải nghiệm để thẩm thấu những giá trị di sản văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc, các tộc người, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây chính là mối quan hệ biện chứng hai chiều giữa di sản và du lịch, hướng đến phát triển du lịch bền vững.

  1. Một số bất cập trong pháp luật di sản văn hóa Việt Nam

2.1. Bất cập trong pháp luật về di sản văn hóa vật thể

- Thứ nhất, kinh nghiệm quốc tế cho thấy có bốn cách ứng xử đối với công trình di sản đó là: bảo tồn di sản, cải tạo di sản, phục hồi di sản, tái thiết di sản. Việc quản lý di sản hiện nay chủ yếu chỉ dựa vào Luật Di sản Văn hóa, trong khi luật này chỉ tập trung vào lĩnh vực bảo tồn di tích đã được xếp hạng, xem nhẹ việc xây dựng pháp lý cho các giải pháp cải tạo di sản, phục hồi di sản và tái thiết di sản. Điều này dẫn đến hệ lụy là nhiều công trình có giá trị lịch sử, chỉ vì chưa được xếp hạng di tích nên không được bảo vệ thông qua cơ sở pháp lý, có nguy cơ bị hư hại hoặc bị phá bỏ để làm dự án. Trên thực tế, tại các đô thị có bề dày lịch sử trên thế giới, di tích được xếp hạng cũng thường chỉ chiếm một phần nhỏ của di sản quy hoạch kiến trúc, trong khi phần quan trọng chiếm số lượng lớn nhất trong đô thị di sản thường thuộc vào thể loại cải tạo di sản - cho phép sửa chữa, nâng cấp và bổ sung thêm cho các công trình di sản, nhưng vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc tạo lập nên bản sắc lịch sử của công trình.

- Thứ hai, thiếu sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật về bảo tồn di sản. Xét trường hợp tại di tích Thành nhà Hồ, khu vực 1 của vùng di sản này là vùng bất khả xâm phạm. Vướng mắc ở đây là Trung tâm Bảo tồn chỉ có thể áp dụng các biện pháp quản lý theo quy định của Luật Di sản, trong khi các hoạt động dân sinh lại dựa trên các quy định của Luật Đất đai và Luật Xây dựng. Các hộ dân tại khu vực của di tích có “sổ đỏ” nên họ có quyền sử dụng đất đai và xây dựng nhà ở (dưới ba tầng) không cần phải xin giấy phép. Việc người dân địa phương canh tác nông nghiệp trong khu vực bảo vệ đặc biệt đã làm bật lộ các kiến trúc dưới đất, ảnh hưởng nghiêm trọng tới di sản. Ban quản lý di sản Thành nhà Hồ không có đủ quyền hạn để xử lý các vi phạm như vậy. Hậu quả, di sản Thành nhà Hồ vẫn tiếp tục bị xâm phạm trong sự bất lực của chính quyền sở tại cũng như các cơ quan chức năng.

- Thứ ba, theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, muốn tu bổ công trình di tích cấp tỉnh phải lấy thẩm định của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, muốn tu bổ công trình di tích quốc gia phải lấy thẩm định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đối với một số di sản, ví dụ như Phố cổ Hội An – nơi mà 90% di sản thuộc sở hữu tư nhân, đa phần là các công trình dân sinh, quy định này một mặt hạn chế tình trạng tu sửa tùy tiện, làm mất mỹ quan và giá trị của di sản, nhưng mặt khác cũng gây không ít khó khăn cho các hộ dân sống trong vùng di sản. Đa phần các công trình này đều đã được xây dựng từ lâu đời, vật liệu dễ hư hỏng, cần thường xuyên được tu sửa. Tuy nhiên, để người dân ra bộ để xin thẩm định tu bổ là một điều khá khó khăn. Thậm chí khi người dân ra xin thẩm định, bộ có thể vào Hội An để hậu kiểm một cách nhanh chóng được không? Một số hộ dân muôn được tu bổ nhà ở thì chưa đến lượt, có nhà được tu bổ nhưng lại không muốn tu bổ do chưa thống nhất một số hạng theo phê duyệt.

- Thứ tư, bất cập trong phân cấp quản lý di sản vật thể, điển hình như quy định về phân cấp thẩm quyền quản lý di sản tư liệu. Đó có thể là những bài học làm người trong sách giáo của mộc bản trường Phúc Giang, triết lý sử dụng nhân tài trên bia tiến sĩ Văn Miếu, hay bài thuốc dân gian trong mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm...Hiện tại các ban quản lý chỉ là đơn vị sự nghiệp, không có chức năng của cơ quan quản lý nhà nước. Điều này gây hạn chế trong công tác kiểm tra, thi hành luật tại địa điểm bảo vệ di sản, quyết định tái phân bổ thu nhập từ di sản. Ban quản lý chỉ có thể báo cáo và chuyển giao cho các cơ quan quản lý nhà nước khác để xử lý vi phạm. Trong khi đó, kết nối giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và ban quản lý di sản vẫn còn rất lỏng lẻo. Điều này gây chậm trễ trong công tác xử lý vi phạm, bảo tồn di sản.

2.2. Bất cập trong pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể

- Thứ nhất, chưa có quy định chi tiết hướng dẫn xác định di sản văn hóa phi vật thể. So với Luật di sản văn hóa phi vật thể năm 2001, Luật sửa đổi bổ sung năm 2009 đã có sự thay đổi căn bản trong việc đưa ra khái niệm về di sản văn hóa phi vật thể. Theo đó “di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”. Tuy nhiên cách xác định này cũng còn nhiều điều cần xem xét thêm.

 Một trong những tiêu chí để xác định di sản văn hóa phi vật thể đó là “không ngừng được tái tạo”. Tiêu chí này đã thể hiện rõ đặc điểm của di sản văn hóa phi vật thể là di sản “sống”, gắn liền với đời sống của cộng đồng, hiện hữu không chỉ ở quá khứ mà cả trong cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên hiểu thế nào cho đúng nghĩa của “tái tạo”, giới hạn của sự tái tạo ấy đến đâu? Xét trường hợp vào tháng 7/2009, tỉnh Hà Nam đã thực hiện dự án nâng cấp lễ hội đền Lảnh Giang (huyện Duy Tiên). Lễ hội được phục dựng theo hướng bên cạnh những yếu tố truyền thống còn có thêm các yếu tố mới của nghệ thuật biểu diễn đương đại như âm thanh, hiệu ứng, kĩ thuật. Sự kiện này đã nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng đó là lai căng, làm mất đi tính chất truyền thống của lễ hội. Tuy nhiên, ban tổ chức lễ hội thì cho rằng việc tái hiện lễ hội Lảnh Giang trong một hình thức mới hơn và đầy đủ hơn là một hướng thử nghiệm phục hồi và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Ví dụ này đã cho thấy quan điểm phát triển di sản văn hóa phi vật thể chưa được nhận thức một cách thống nhất.

Về tiêu chí di sản văn hóa phi vật thể “được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Tuy nhiên chuyển giao qua bao nhiêu thế hệ thì sẽ được coi là phù hợp với tiêu chí này. Như chúng ta cũng biết sự xác định tiêu chí chuyển giao qua các thế hệ phần lớn được nghiên cứu dựa trên kí ức của những nghệ nhân, những người lưu giữ và truyền tải di sản, do đó nó cũng chỉ có tính chất tương đối bởi trí nhớ con người không phải bao giờ cũng chính xác. Trên thực tế, việc nhận diện các di sản văn hóa phi vật thể là khá khó khăn (đặc biệt là lễ hội dân gian). Theo thống kê, chúng ta có khoảng 500 nghìn lễ hội lớn nhỏ trải dài từ Bắc đến Nam nhưng không phải lễ hội nào cũng là di sản văn hóa phi vật thể. Để tìm ra những lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể thì phải đáp ứng tiêu chí về giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa, thể hiện bản sắc dân tộc. Các tiêu chí này cần được xây dựng dựa trên những yếu tố cụ thể nào để có thể thấy được sự khác biệt nổi trội của lễ hội đó so với các lễ hội khác là điều không đơn giản.

- Thứ hai, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật di sản văn hóa có chỉ ra những hành vi được coi là gây nguy cơ hủy hoại và làm giảm giá trị di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có “tùy tiện đưa những yếu tố không phù hợp làm giảm giá trị di sản” (Khoản 2 Điều 4). Tuy nhiên Nghị định này không quy định chủ thể nào sẽ là người đánh giá hành vi đó làm giảm giá trị của di sản? Đây là một vấn đề khá nhạy cảm, bởi cộng đồng là chủ thể có quyền quyết định đến sự tồn tại, thay đổi của di sản văn hóa phi vật thể. Cơ quan quản lý khó có thể can thiệp dựa trên sự đánh giá của chính họ về việc các yếu tố đã làm giảm giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Trường hợp quy định cộng đồng dân cư là chủ thể có quyền quyết định thì ai sẽ là người đại diện có quyền quyết định, quy trình chọn người đại diện và lấy ý kiến như thế nào?...Tất cả những điều này chưa được quy định trong pháp luật di sản văn hóa.

  1. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa hướng đến mục tiêu phát triển du lịch

Trên cơ sở quan điểm định hướng của Đảng và những bất cập thực tế nêu trên, Nhà nước cần tiến hành một số giải pháp hoàn thiện pháp về di sản văn hóa cụ thể như sau:

- Thứ nhất, ngoài các quy định về bảo tồn di sản, cần bổ sung các quy định về cải tạo di sản, phục hồi di sản và tái thiết di sản. Luật di sản văn hóa cần được gấp rút bổ sung các điều khoản sâu rộng hơn để tạo nền tảng pháp lý cho bốn loại ứng xử với di sản như trên, không theo hướng “bảo tàng hóa” toàn bộ số lượng di sản, mà chỉ bảo tồn nguyên trạng một số di tích tiêu biểu nhất, còn lại thì phải hướng dẫn việc cải tạo và mở rộng số lượng lớn các thể loại di sản khác, nghĩa là cần quy định rõ phần nào phải giữ lại, phần nào có thể cho phép cải tạo theo quy định hướng dẫn để đưa vào phục vụ đời sống văn hóa và phát triển du lịch. Đồng thời, cần bổ sung các nghĩa vụ pháp lý để các nhà quản lý không thể lấy lý do hành chính (chậm làm thủ tục, chưa được đưa vào danh sách di tích,…) để bỏ qua trách nhiệm bảo tồn các công trình di sản chưa được xếp hạng.

- Thứ hai, chi tiết hóa các quy định về thủ tục tu bổ di tích, nhất là những di tích là khu vực dân sinh (như phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm...). Rõ ràng chỉ chú ý bảo tồn đơn thuần di sản thì không thể phát triển, mà đưa phát triển vào thì dễ dẫn tới việc giảm giá trị bảo tồn của di tích. Bài toán này chưa bao giờ dễ, đối với mỗi di sản khác nhau cần những lời giải khác nhau, rất khó để đưa ra quy định chung. Do đó, với những di tích là khu vực dân sinh, pháp luật cần có quy định đặc thù, cho phép ban quản lý dự án ban hành một quy chế riêng về các yếu tố, hạng mục được phép và không được phép tu bổ. Quy chế này cần có sự thỏa thuận với đại diện các hộ dân và sự phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp trên. Đây là một giải pháp mở, một mặt vừa đảm bảo tính nguyên tắc chung trong quản lý nhà nước, mặt khác thể hiện tính linh hoạt trong quản lý di sản. Trường hợp không cho phép tu bổ (ví dụ không được cơi nới thêm nhà ở), nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tái định cư thỏa đáng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân khi nhân khẩu tăng lên.

- Thứ ba, cần đồng bộ hóa các văn bản luật (như luật đất đai, luật đầu tư, luật dân sự...) về nghĩa vụ bảo tồn di tích, trách nhiệm pháp lý khi vi phạm. Đồng thời, cần tăng thẩm quyền xử phạt hành chính cho ban quản lý di tích về những vi phạm trong bảo tồn di sản. Trường hợp đối tượng vi phạm không chấp hành, ban quản lý dự án mới cần báo cáo lên cơ quan quản lý nhà nước cấp trên để tiếp tục xử lý. Song hành với việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, cần tuyên truyền để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và trách nhiệm giám sát cộng đồng của người dân đối với chính hoạt động của ban quản lý di tích. Các trung tâm nghiên cứu, các đề án bảo tồn, phục dựng di sản văn hóa được đẩy mạnh triển khai ở nhiều địa phương với sự đầu tư nhân lực, vật lực vô cùng to lớn.

- Thứ tư, điều chỉnh Luật Đầu tư công (trong đó quy định dự án tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt đều thuộc dự án nhóm A) để giảm bớt thủ tục phiền hà không cần thiết. Chẳng hạn, có những công trình thuộc di tích quốc gia đặc biệt có quy mô chỉ vài mét vuông xây dựng (như nhà bia, phương đình…) mà vẫn coi là dự án nhóm A, kéo theo thời gian xét duyệt rất dài, dẫn đến nguy cơ phá hủy di tích do không trùng tu kịp.

- Thứ năm, bổ sung các quy định chi tiết để “định lượng” các yếu tố xác định “di sản văn hóa phi vật thể” như: đã được lưu truyền trong khoản thời gian bao lâu, giới hạn của sự “tái tạo” sản phẩm tinh thần đó (đôi khi sự tái tạo có thể dẫn đến một loại hình tinh thần khác, ví dụ như loại hình cải lương có nguồn gốc hình thành dựa trên đờn ca tài tử và dân ca nam bộ), “các hình thức biểu diễn khác” ở đây là gì?...

 

[1] https://ich.unesco.org/en/what-is-intangible-heritage-00003

[2] Theo Điều 2, Điều 4 - Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)

Tác giả: ThS. Nguyễn Như Sơn - Giảng viên Khoa Luật và Quản lý nhà nước
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 CÂU CHUYỆN VỀ MỘT SINH VIÊN: BÀI LUẬN BỊ ĐIỂM KÉM VÀ HÀNH TRÌNH LÀM THAY ĐỔI HIẾN PHÁP MỸ (25/10/19)
 CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 VÀ NHỮNG THÁCH THỨC ĐẶT RA ĐỐI VỚI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM (01/09/19)
 NHỮNG MÓN ĂN VẶT NGON BẤT CHẤP DÀNH CHO SINH VIÊN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ THANH HÓA (11/07/19)
 NHỮNG LỢI ÍCH TUYỆT VỜI TỪ VIỆC ĐỌC SÁCH (11/07/19)
 CHIA SẺ KINH NGHIỆM  NGHIÊN CỨU KHOA HỌC (11/07/19)
 KINH NGHIỆM ĐI THỰC TẾ, THỰC TẬP CHO SINH VIÊN NGÀNH LUẬT - QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC (09/06/19)
 KINH NGHIỆM THI GIỮA KỲ, CUỐI KỲ (09/06/19)
 SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC – NHỮNG THÔNG TIN HỮU ÍCH CẦN BIẾT (09/06/19)
 VẤN ĐỀ VIỆC LÀM CỦA THANH NIÊN VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (09/06/19)
 CÔNG TÁC XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT TẠI THÀNH PHỐ THANH HÓA (09/06/19)
    Hôm nay 3034
    Hôm qua 16498
    Tuần này 98970
    Tháng này 382721
    Tất cả 6733041
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường