Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA CHẾ ĐỊNH CHỦ TỊCH NƯỚC TRONG HIẾN PHÁP NĂM 2013

Nội san số 02 - Khoa Luật & QLNN

Trong quá trình lập hiến, Việt Nam đã trải qua 5 bản Hiến pháp phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh phát triển của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Trải qua các thời kỳ lịch sử với 5 bản Hiến pháp, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa những chế định cơ bản, quan trọng của Hiến pháp năm 1992 nhưng có những đổi mới, bổ sung mang tính phù hợp để thể hiện Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, thống lĩnh các lực lượng vũ trang của Việt Nam và là nguyên thủ quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ nhất, những điểm mới về nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước

Về bố cục:

Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 2013 được quy định tại Điều 88 còn theo Hiến pháp năm 1992 thì được quy định tại Điều 103. Dễ dàng nhận thấy, so với Điều 103 Hiến pháp năm 1992 thì Điều 88 Hiến pháp năm 2013 có sự thay đổi đáng kể về mặt bố cục. Nếu như Hiến pháp năm 1992 chia tách từng nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Chủ tịch nước tại 12 khoản của Điều 103 thì Hiến pháp năm 2013 gom những nhiệm vụ và quyền hạn đó thành những nhóm, theo từng lĩnh vực, quy định tại 6 khoản của Điều 86. Đó là: Khoản 1 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước trong lĩnh vự lập pháp; Khoản 2 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước trong việc quyết định nhân sự của Chính phủ; Khoản 3 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước trong lĩnh vực tư pháp và quản lý nhân sự của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Khoản 4 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước trong việc khen thưởng, quốc tịch; Khoản 5 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh; Khoản 6 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước về đối ngoại.

Về nội dung:

* Khoản 4 – Điều 103, Hiến pháp năm 1992 quy định Chủ tịch nước có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ phải căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo Hiến pháp năm 2013 thì quyền bổ nhiệm bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ chỉ cần căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội (Khoản 2 – Điều 88).

* Khoản 3 – Điều 88, Hiến pháp năm 2013 có nêu Chủ tịch nước có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức tất cả các Thẩm phán. Mặt khác tại Khoản 8 – Điều 103, Hiến pháp năm 1992 chỉ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Việc đổi mới này đã tái quy định thẩm quyền của người đứng đầu nhà nước trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, pháp lý. Đó là tất cả các Thẩm phán dù ở bất kỳ cấp nào cũng đều nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền tư pháp. Vì vậy, việc Chủ tịch nước thay mặt nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán chính là việc trao hoặc tước quyền nhân danh nhà nước của Thẩm phán. Qua đó góp phần tăng tính độc lập trong hành động xét xử của Thẩm phán, để Thẩm phán thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền công dân, quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

* Về vấn đề quốc tịch, Khoản 4 – Điều 88, Hiến pháp năm 2013 có điểm mới là Chủ tịch nước có thẩm quyền cho “trở lại quốc tịch” Việt Nam đối với người đã mất quốc tịch Việt Nam, khi có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể trở lại quốc tịch Việt Nam nếu thuộc một trong số những trường hợp sau:

+ Xin hồi hương về Việt Nam;

+ Có vợ, chồng, con, cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam;

+ Có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

+ Có lợi cho Nhà nước Việt Nam;

Ngoài ra, người xin trở lại quốc tịch Việt Nam không được trở lại quốc tịch Việt Nam nếu làm phương hại đến lợi ích quốc gia Việt Nam.

Về thẩm quyền mới này của Chủ tịch nước đã cho thấy Việt Nam mở rộng cửa cho phép người mất quốc tịch Việt Nam trở lại quốc tịch Việt Nam mà không hề ngăn cấm, cấm đoán.

* Theo Hiến pháp năm 1992, Chủ tịch nước quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao trong các lực lượng vũ trang nhân dân; hàm, cấp ngoại giao và những hàm cấp Nhà nước khác (Khoản 9 – Điều 103). Để làm rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm này của Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh lực lượng vũ trang thì Khoản 5 – Điều 88 quy định việc phong hàm cấp tướng chỉ giao cho Chủ tịch nước thực hiện. Chủ tịch nước có quyền quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Như vậy, với quy định mới này, Hiến pháp năm 2013 đã phân định quyền “thống lĩnh” của Chủ tịch nước trong công tác quyết định nhân sự chỉ huy cấp cao trong lực lượng vũ trang (cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân, Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước. Tuy nhiên, việc chủ tịch nước quyết định nhân sự chỉ huy cấp cao trong lực lượng vũ trang luôn tuân thủ lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ của lực lượng vũ trang. Vì thế, quy định mới này vừa đảm bảo nguyên tắc lực lượng vũ trang đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là sự thống lĩnh của Chủ tịch nước.

* Về công tác đối ngoại, theo Khoản 6 – Điều 88, Hiến pháp năm 2013 thì Chủ tịch nước quyết định đàm phán, kí điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế khác nhân danh Nhà nước. Trong khi theo Khoản 10 – Điều 103, Hiến pháp năm 1992 thì Chủ tịch nước vẫn đàm phán, kí kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyết định phê chuẩn hoặc tham gia điều ước quốc tế (trừ trường hợp cần trình Quốc hội giải quyết) nhưng đàm phán, kí kết với người đứng đầu Nhà nước khác.

Điểm mới này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hiện nay trong công tác điều ước quốc tế của Chủ tịch nước vì Chủ tịch nước cũng như các nguyên thủ quốc gia khác trên thế giới không trực tiếp tiến hành đàm phán điều ước quốc tế mà thưởng ủy quyền cho cá nhân, cơ quan có thẩm quyền về lĩnh vực đó đàm phán như vậy vừa bất gánh nặng công việc cho Chủ tịch nước, vừa để các cơ quan, cá nhân đó đàm phán, kí kết đúng lĩnh vực sẽ hiệu quả hơn. Vì vậy, Hiến pháp năm 2013 đã quyết định rõ quyền quyết định việc đàm phán, kí kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước của Chủ tịch nước, Chủ tịch nước chịu trách nhiệm trước Quốc hội và nhân dân về đàm phán, kí kết các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước. Ví dụ: Khi Việt Nam muốn đàm phán và kí kết với Nhật Bản để xây dựng cầu Nhật Tân thì không nhất thiết Chủ tịch nước trực tiếp đàm phán mà Chủ tịch nước có thể ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng đi đàm phán thì việc đàm phán sẽ hiệu quả hơn vì Bộ trưởng Bộ Xây dựng am hiểu sâu hơn về lĩnh vực này.

Thứ hai, những điểm mới về Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước làm Chủ tịch

Khoản 2 – Điều 89, Hiến pháp năm 2013 quy định thẩm quyền của Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước làm Chủ tịch được trình Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh, trường hợp Quốc hội không thể họp được thì Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định; thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt do Quốc hội giao trong trường hợp có chiến tranh; quyết định việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Những quy định mới này là để làm rõ và cụ thể hơn thẩm quyền của thiết chế quan trọng này so với Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định trong trường hợp chiến tranh, Quốc hội có thể giao cho Hội đồng quốc phòng và an ninh những nhiệm vụ và quyền hạn đặc biệt (Điều 104 – Hiến pháp năm 1992). Việc Hội đồng quốc phòng và an ninh được bổ sung thêm nhiệm vụ và quyền hạn mới này cho thấy vai trò quan trọng của Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước đứng đầu trong việc bảo vệ hòa bình, an toàn khu vực và trên thế giới, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ Tổ quốc nhất là khi Việt Nam đang bị đe dọa bởi các nước láng giềng và âm mưu phản động trong và ngoài nước.

Thứ ba, những điểm mới về tham dự các phiên họp của Chủ tịch nước

Điều 90 – Hiến pháp năm 2013 quy định: “Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, phiên họp của Chính phủ. Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”. Trong khi theo Điều 105 – Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định khi xét thấy cần thiết, Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ.

Đây là một trong những điểm mới của Hiến pháp năm 2013. Bằng quy định mới này cho thấy thẩm quyền tham dự các phiên họp Chính phủ của Chủ tịch nước được đề cao hơn khi Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn nhưng với điều kiện là vấn đề cần họp bàn phải thực sự cần thiết và phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước. Điểm mới đề cao vai trò của Chủ tịch nước trong việc xem xét quyết định vấn đề lớn trong quản lí điều hành đất nước phù hợp với tình hình đất nước hiện nay có rất nhiều vấn đề lớn gây bức xức trong dư luận như: tham nhũng, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội,… những vấn đề lớn này cần được Chủ tịch nước – người thay mặt cho nhân dân giải quyết trước Chính phủ. Có như vậy, Chủ tịch nước mới xứng đáng là người đứng đầu Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Như vậy, những chế định về Chủ tịch nước trong bản Hiến pháp năm 2013 đã tiến một bước phát triển dài trên con đường hoàn thiện và phát triển. Điều này tạo nền tảng pháp lý cao nhất để Chủ tịch nước thực hiện đầy đủ quyền hạn và nhiệm vụ của mình đưa đất nước thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tác giả: Tập thể lớp Luật K1
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 STARTUP- VẤN ĐỀ KHỞI NGHIỆP CỦA SINH VIÊN (21/01/19)
 Hội nghị Nghiệm thu đề tài cơ sở năm 2018 của ThS. Mai Nguyệt Minh (05/01/19)
 VẤN ĐỀ HOÀN THIỆN KỸ NĂNG GIẢNG DẠY ĐẠI HỌC CỦA GIẢNG VIÊN KHOA LUẬT&QLNN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA (26/11/18)
 Hợp đồng lao động có thời hạn được ký tối đa mấy lần? (29/10/18)
 Di chúc viết tay không người làm chứng có giá trị không? (29/10/18)
 PHÂN BIỆT GIỮA KHIẾU NẠI VÀ TỐ CÁO THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH (29/10/18)
 Một số phương pháp học tập của sinh viên (25/10/18)
 KINH NGHIỆM HỌC TẬP TIẾNG VIỆT CỦA BẢN THÂN ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC THÀNH TÍCH TỐT (25/10/18)
 Kinh nghiệm học tập của sinh viên (25/10/18)
 Thông báo về việc hướng dẫn đăng ký đề tài NCKH của HSSV năm học 2018 - 2019. (26/09/18)
    Hôm nay 11118
    Hôm qua 16057
    Tuần này 75244
    Tháng này 262819
    Tất cả 7068399
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường