Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
VẤN ĐỀ HOÀN THIỆN KỸ NĂNG GIẢNG DẠY ĐẠI HỌC CỦA GIẢNG VIÊN KHOA LUẬT&QLNN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

Nội san số 02 - Khoa Luật&QLNN

  1. Đặt vấn đề

Khoa Luật&QLNN có tiền thân là Khoa QLNN&CTXH, được thành lập theo Quyết định số 634/QĐ-ĐVTDT ngày 25 tháng 9 năm 2015 của Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Tuy mới được thành lập chưa đến 3 năm, đến nay, khoa có 03 đã ngành đào tạo: Luật, Quản lý Nhà nước và Công tác xã hội với quy mô gần 1000 sinh viên, loại hình đào tạo phong phú, đa dạng (chính quy, liên thông chính quy, liên thông vừa học vừa làm). Tuy nhiên, hiện nay khoa mới chỉ có 12 CBGV cơ hữu (trong đó có 01 cán bộ hành chính, 11 giảng viên), đội ngũ giảng dạy được bổ sung thêm từ các phòng, ban, khoa khác, có chuyên môn phù hợp với ngành học tại khoa.

Sự phát triển nhanh chóng về quy mô của khoa có được là do sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo nhà trường, sự ủng hộ của các đơn vị trong trường và sự cố gắng của toàn thể cán bộ giảng viên khoa. Tuy nhiên, khoa mới, lại đào tạo những lĩnh vực mới đối với nhà trường, đội ngũ còn thiếu thốn là những thách thức to lớn mà khoa cần phải khắc phục để đảm bảo chất lượng đào tạo. Trong đó, yếu tố trọng tâm là nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên. Vấn đề hoàn thiện kỹ năng dạy học của giảng viên sẽ phần nào góp phần giải quyết thách thức nêu trên.

Kỹ năng giảng dạy đại học là biểu hiện năng lực toàn diện của một giảng viên về trình độ chuyên môn, kiến thức và kỹ năng sư phạm, năng lực thực hành nghề nghiệp. Ở mỗi lĩnh vực giảng dạy, thậm chí ở mỗi môn học, biểu hiện của các yếu tố trên khác nhau, biểu hiện sinh động qua quá trình tương tác giữa giảng viên và sinh viên.

Theo Dự thảo Luật Giáo dục đại học, giáo dục đại học bao gồm bậc đào tạo trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học (thạc sĩ và tiến sĩ). Trong một trường đại học, có giảng viên tham gia tất cả các cấp độ đào tạo trên, nhưng có giảng viên chỉ tham gia một cấp bậc cụ thể.

Trình độ chuyên môn, kiến thức và kỹ năng sư phạm, năng lực thực hành nghề nghiệp của giảng viên được xây dựng theo chuẩn ở các bậc học khác nhau. Ở một số trường đại học còn đưa ra chuẩn riêng của mình. Giảng viên giỏi là tài sản quý giá đặc biệt của mỗi nhà trường, một trường có đội ngũ giảng viên giỏi, có uy tín là đã có trong tay yếu tố cơ bản làm nên thương hiệu của nhà trường. Chính vì vậy, trường đại học nào cũng phải xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ của mình trên nền tảng đội ngũ hiện có, mục tiêu của trường ở mỗi năm, mỗi giai đoạn mà nhà trường đó có nguồn lực thực hiện nhiệm vụ giảng dạy theo chương trình đặt ra.

Theo Luật Giáo dục đại học, ngoài quy định về phẩm chất, sức khỏe và lí lịch, giảng viên đại học phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, có bằng thạc sĩ trở lên đối với giảng viên giảng dạy các môn lý thuyết của chương trình đào tạo đại học; có bằng tiến sĩ đối với giảng viên giảng dạy và hướng dẫn chuyên đề, luận văn, luận án trong các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; có trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu công việc. Mỗi giảng viên đại học phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn trên, đồng thời, trong quá trình giảng dạy đại học, mỗi giảng viên đều phải không ngừng học tập, rèn luyện. Quá trình hình thành và phát triển kỹ năng giảng dạy đại học của một giảng viên theo 3 hướng:

  1. Quá trình tích lũy, nâng cao kiến thức chuyên môn

Không phải không có lý khi ví von nghề dạy học là nghề "gõ đầu trẻ" bởi người thầy phải "cao" hơn học sinh của mình. Sẽ không quá phức tạp nếu một giáo viên cấp 1, 2, 3 "gõ" đầu một đứa trẻ nhỏ "thấp" hơn mình. Tuy nhiên, người giảng viên đại học không phải là "gõ đầu trẻ" mà "gõ đầu thanh niên" - những người đã hoàn toàn trưởng thành về mặt sinh lý và nhận thức. Mặt khác, trong bối cảnh phát triển như vũ bảo của công nghệ thông tin, các kênh tiếp cận tri thức của sinh viên không chỉ từ người thầy hay từ một vài quyển sách như trước kia mà vô cùng phong phú, đặc biệt từ Internet, thậm chí sinh viên còn được tiếp cận với nhiều quan điểm khác nhau về một vấn đề khoa học, sẵn sàng phản biện lại thầy dạy của mình. Chính vì vậy, người giảng viên đại học phải thật sự "cao lớn" trước hết về mặt chuyên môn so với sinh viên, có đủ tư cách và khả năng dẫn dắt sinh viên trong quá trình chiếm lĩnh tri thức khoa học. Đó cũng là lý do trong quy định về giáo dục của Nhà nước luôn có những tiêu chuẩn nhất định về bằng cấp của giảng viên đại học và quy định về đội ngũ giảng viên của một ngành học.

Để nâng cao kiến thức chuyên môn, người giảng viên đại học không có con đường nào khác ngoài việc nỗ lực tự học suốt đời. Tất nhiên đối với các bậc học khác, những công việc khác điều này vẫn cần thiết, nhưng đối với người giảng viên đại học, kiến thức chuyên môn không chỉ là nắm bắt những kiến thức phổ thông theo chương trình cố định, chung toàn quốc mà phải có những sáng tạo, phát hiện mới, thậm chí phải thuộc trong số những người am hiểu nhất về một lĩnh vực chuyên ngành ở với trong nước và quốc tế. Do vậy, người giảng viên cần phải liên tục học hỏi, đào sâu và mở rộng kiến thức chuyên môn, tìm kiếm, nghiên cứu những khía cạnh mới liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ của mình. Học không chỉ từ sách vở, tài liệu chuyên ngành mà còn là từ chính các sinh viên, bạn bè, gia đình và xã hội.

Thêm vào đó, mỗi giảng viên phải có năng lực tự kiểm soát kiến thức chuyên môn, đối chiếu những gì mình đã có với cái cần có để đề ra mục tiêu, lộ trình nâng cao kiến thức chuyên môn (ví dụ đang ở trình độ đại học nhưng đối chiếu với yêu cầu giảng dạy ở nhà trường mà đặt ra lộ trình học lên Thạc sĩ, Tiến sĩ để đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuy nhiên tránh tình trạng chạy theo bằng cấp mà phải hướng đến việc nâng cao thực chất năng lực chuyên môn, bằng cấp chỉ là khung pháp lý để xác nhận trình độ trước pháp luật, còn những hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực giảng dạy mới là công cụ hữu dụng nhất của giảng viên trong quá trình giảng dạy.

Chính vì vậy, ở trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa và nhiều trường đại học khác, một trong những tiêu chuẩn lựa chọn giảng viên dạy đại học là có trình độ chuyên môn từ Thạc sĩ trở lên đúng với chuyên ngành được đào tạo từ bậc đại học và phải có công trình nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực giảng dạy.

Hầu hết các giảng viên của khoa đã rất nỗ lực nâng cao kiến thức chuyên môn, đặc biệt qua các đợt biên soạn ĐCCT. Thực tế đội ngũ giảng viên của khoa còn mỏng (cả về số lượng và chất lượng), có nhiều giảng viên tham gia giảng dạy trên 3 môn học, có nhiều môn học mới nên giảng viên gặp nhiều khó khăn trong chuyên môn. Nhưng vấn đề ngày chắc chắn sẽ được khắc phục khi kết thúc thời kỳ quá độ trong quá trình đào tạo đại học nếu giảng viên của khoa thực sự quyết tâm.

  1. Quá trình hoàn thiện kiến thức và năng lực sư phạm

Trong Luật Giáo dục đại học quy định giảng viên đại học phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên, những kiến thức và năng lực sư phạm mà giảng viên có được trong quá trình đào tạo trường quy chắc chắn không đầy đủ. Điều này xuất phát từ việc khối lượng tri thức khoa học mà loài người đạt được ngày càng đồ sộ, tốc độ phát triển không phải theo cấp số cộng, cấp số nhân mà theo cấp số lũy thừa, nếu không có những cách tiếp cận mới, phương pháp sư phạm tiên tiến thì không thể hướng dẫn sinh viên chiếm lĩnh và làm chủ tri thức. Hơn nữa, nếu kiến thức lý luận sư phạm không qua thực tiễn thì không được kiểm nghiệm và không thể hoàn thiện. Vì vậy, mỗi giảng viên đại học, ngoài việc xác định lộ trình nâng cao kiến thức chuyên môn cần phải xác định thêm cho mình lộ trình hoàn thiện năng lực sư phạm (có thể tự học từ sách báo, đồng nghiệp, có thể tham gia các lớp đào tạo). Một trong những tiêu chí lựa chọn giảng viên giảng dạy đại học ở trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa là có thâm niên giảng dạy học.

Thực tế cho thấy, năng lực sư phạm gần như là một năng khiếu nhưng không phải không thể rèn luyện. Điều cốt yếu không phải là nói thế nào để truyền đạt cho sinh viên dễ nghe, dễ hiểu mà quan trọng nhất là bằng cách nào dẫn dắt sinh viên tự tìm kiếm và làm chủ tri thức. Thậm chí, có khi từ sinh viên, chính người thầy lại học hỏi được nhiều điều. Vì vậy việc từ bỏ lối dạy học truyền thống theo kiểu truyền đạt một chiều, chỉ có giảng viên độc thoại trên lớp là cần thiết. Thay vào đó là sự chia sẻ kiến thức với sinh viên, tổ chức cho sinh viên được tham gia nhiều hơn vào các tình huống thảo luận, làm bài tập nhóm và học thông qua các trò chơi mô phỏng. Tuy nhiên, cần tránh hiện tượng do chưa thật sự hiểu sâu sắc vấn đề mà có giảng viên quá lạm dụng hình thức thảo luận, tổ chức thảo luận liên tục mà không có sự hướng dẫn lý thuyết và kết luận, nâng cao lý thuyết sau khi thảo luận.

Nếu làm được điều đó, mỗi giảng viên đại học với tư cách là một nhà khoa học, một chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy sẽ không chỉ truyền dạy tri thức cho sinh viên, không chỉ hướng dẫn cho sinh viên cách thức nghiên cứu khoa học mà còn trao truyền cả sự say mê học tập, nghiên cứu khoa học. Lúc này, mỗi học phần trong chương trình sẽ trở thành một vấn đề nghiên cứu của sinh viên chứ không phải là chương trình trả bài thuần túy "hiểu và nhớ" kiến thức. Đương nhiên, vấn đề nghiên cứu còn rõ nét hơn ở các học phần thực hành như một quá trình thử nghiệm kiến thức, khoa học.

  1. Quá trình hoàn thiện kỹ năng thực hành nghề nghiệp

Quá trình này liên quan mật thiết với quá trình nâng cao kiến thức chuyên môn của giảng viên. Xuất phát từ yêu cầu học đi đôi với hành, mỗi giảng viên đại học phải thật sự là chuyên gia trong lĩnh vực mình giảng dạy, đặc biệt đối với các giảng viên dạy chuyên ngành.

Giảng viên dạy ngành Luật cần là những người am hiểu luật phát, có khả năng phân tích, tư vấn pháp luật và thực hành nghề nghiệp trong thực tiễn xã hội.

Giảng viên dạy ngành Quản lý nhà nước phải là người am hiểu thực tiễn từng lĩnh vực quản lý, có khả năng tư vấn chính sách và hướng dẫn quy trình làm việc.

Giảng viên dạy ngành Công tác xã phội phải có kinh nghiệm thực tế, phải là người đã và đang tham gia các chương trình, dự án công tác xã hội thực thụ.

Cách tốt nhất để giảng viên trở thành chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy của mình đó là trực tiếp tham gia thực hành và làm việc ngoài xã hội (cộng tác với các cơ quan, doanh nghiệp liên quan).

  1. Kết luận

Xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng cao vừa là mục tiêu, vừa là động lực và được coi là một trong các yếu tố quan trọng nhất để xây dựng và phát triển trường đại học đạt chuẩn quốc gia, quốc tế.

Vấn đề thách thức, khó khăn đối với Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa nói chung, Khoa Luật&QLNN nói riêng hiện nay có rất nhiều: kinh phí cho CSVC, phát triển đội ngũ, đảm bảo chất lượng đào tạo… Nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng đội ngũ GV. Đây là khâu đột phá để giải quyết các khó khăn khác.

Qua những phân tích trên cho thấy để trở thành một người giảng viên đại học thực sự cần sự phấn đấu nỗ lực của từng CBGV nhà trường. Đồng thời, việc  thu hút GV giỏi,  đặc biệt các GS, PGS là rất quan trọng, không chỉ mang lại hình ảnh đẹp, niềm tin cho người học; mà còn là sự tác động, thúc đẩy  GV cơ hữu của trường được học tập, nâng cao trình độ./.

Nguồn tin: Nội san số 02 - Khoa Luật&QLNN,   Tác giả: TS. Lê Thị Thảo
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 Hợp đồng lao động có thời hạn được ký tối đa mấy lần? (29/10/18)
 Di chúc viết tay không người làm chứng có giá trị không? (29/10/18)
 PHÂN BIỆT GIỮA KHIẾU NẠI VÀ TỐ CÁO THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH (29/10/18)
 Một số phương pháp học tập của sinh viên (25/10/18)
 KINH NGHIỆM HỌC TẬP TIẾNG VIỆT CỦA BẢN THÂN ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC THÀNH TÍCH TỐT (25/10/18)
 Kinh nghiệm học tập của sinh viên (25/10/18)
 Thông báo về việc hướng dẫn đăng ký đề tài NCKH của HSSV năm học 2018 - 2019. (26/09/18)
 NGƯỜI ĐI BỘ VI PHẠM LUẬT GIAO THÔNG BỊ XỬ PHẠT THẾ NÀO? (16/09/18)
 Nhà đất hiện nay đang “gánh” bao nhiêu loại thuế, phí? (16/09/18)
 Bàn luận về phương pháp học tập (25/08/18)
    Hôm nay 9068
    Hôm qua 16498
    Tuần này 105004
    Tháng này 388755
    Tất cả 6739075
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường