Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ TRÊN CƠ SỞ QUY ĐỊNH CỦA HIẾN PHÁP NĂM 2013

Có thể nói trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, việc nghiên cứu hoàn thiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) liên quan đến bảo đảm quyền con người, đánh giá việc thực hiện các quy định đó trên thực tế để từ đó đưa ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động tố tụng là một trong những nội dung quan trọng của việc nghiên cứu bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự hiện nay. Từ khóa: Quyền con người; tố tụng hình sự; Hiến pháp năm 2013

 

  1. Quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người

Có thể nói rằng, cụ thể hóa quyền con người và có những biện pháp bảo đảm quyền con người được thực thi là một trong những thành tựu quan trọng của hoạt động lập hiến ở nước ta. Các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được đưa lên Chương 2 của Hiến pháp sau Chương về hệ thống chính trị. Ngoài các quy định về quyền con người, Hiến pháp cũng có những quy định để bảo đảm thực hiện quyền con người. Có thể khái quát nội dung Hiến pháp về quyền con người và bảo đảm quyền con người trong các điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, Hiến pháp ghi nhận các quyền con người đồng thời quy định các bảo đảm cũng như trách nhiệm của Nhà nước để các quyền đó được thực hiện. Đó là quyền sống, tính mạng con người được pháp luật bảo hộ, không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật; quyền được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; quyền bất khả xâm phạm về thân thể, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm...

Thứ hai, Hiến pháp quy định rõ ràng, đầy đủ quyền của người bị buộc tội. Với nguyên tắc suy đoán vô tội thì người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người bị truy tố có quyền được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai; không bị kết án hai lần vì một tội phạm; người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa… Nguyên tắc suy đoán vô tội là sự thể hiện rất quan trọng, có ý nghĩa lớn trong tố tụng hình sự, đòi hỏi phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để cụ thể hóa trong pháp luật tố tụng hình sự và thực tiễn tố tụng.

  1. Cơ chế Hiến định bảo vệ, bảo đảm quyền con người

Cùng với việc quy định quyền con người, Hiến pháp cũng quy định những bảo đảm quan trọng cho việc bảo vệ quyền con người nói chung và trong tố tụng hình sự nói riêng. Hiến pháp quy định về trách nhiệm của Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền con người; Điều 3 đã khẳng định Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đi cùng với các quy định về quyền con người, bao giờ cũng có quy định về trách nhiệm của Nhà nước hoặc bảo hộ của pháp luật nhằm thực hiện các quyền đó trên thực tế.

Hiến pháp quy định nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người là trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân. Việc Hiến pháp quy định Tòa án nhân dân được tổ chức theo cấp xét xử, không quy định Tòa án đặc biệt; quy định Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, phán quyết một người có tội và áp dụng trách nhiệm hình sự, hình phạt đối với người phạm tội… có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người nói chung, quyền của người bị buộc tội nói riêng. Đồng thời, Hiến pháp quy định chức năng chính của Viện kiểm sát nhân dân là thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người; quy định các nguyên tắc độc lập tương đối trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cũng là cơ sở Hiến định quan trọng cho việc cụ thể hóa trong luật tố tụng hình sự nhằm bảo đảm để Viện kiểm sát truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm cũng bảo đảm, bảo vệ quyền con người.

Có thể thấy, Hiến pháp năm 2013 về quyền con người đã có bước phát triển vượt bậc trong tư duy cũng như thực tiễn về bảo đảm quyền con người ở nước ta, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

  1. Những bảo đảm về quyền con người trong tố tụng hình sự

Từ việc nghiên cứu các quy định của BLTTHS 2015, ta thấy Bộ luật đã cơ bản thể hiện được tinh thần của Hiến pháp 2013 trong bảo đảm quyền con người. Đó là:

Thứ nhất, Bộ luật đã quy định các nguyên tắc cơ bản liên quan đến bảo vệ quyền con người. Trong đó có các nguyên tắc quan trọng như nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân (Điều 8); Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật (Điều 9); Nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 10); Nguyên tắc bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân (Điều 11); …

Thứ hai, BLTTHS năm 2015 đã hoàn thiện các quy định về các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự, nhất là các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam; quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ và thời hạn áp dụng theo nguyên lý bảo đảm cho hoạt động tố tụng hiệu quả với việc hạn chế quyền con người khi thật cần thiết và ở mức tối thiểu nhất.

Thứ ba, Quy định tương đối rõ ràng địa vị tố tụng của các chủ thể tố tụng hình sự; đặc biệt là địa vị tố tụng của người tham gia tố tụng nói chung, của người bị buộc tội nói riêng. BLTTHS năm 2015 quy định khá cụ thể các quyền tố tụng của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, nhất là quyền bào chữa; quyền tranh tụng (chứng minh, thẩm vấn chéo); quyền khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, người tiến hành tố tụng… Các thủ tục tố tụng đảm bảo cho hoạt động tố tụng khách quan, dân chủ, bảo đảm tăng cường yếu tố tranh tụng trong mô hình tố tụng xét hỏi; bảo đảm để các chủ thể tố tụng có thể thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình…

  1. Kiến nghị hoàn thiện các quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền con người

Hiến pháp năm 2013 ra đời cùng với việc ban hành BLTTHS 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến quyền con người là thành tựu rất quan trọng trong hoạt động lập hiến, lập pháp của nước ta nhằm đáp ứng yêu cầu của xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay. Để hoàn thiện hơn nữa các bảo đảm về quyền con người trong tố tụng hình sự cần xem xét:

Thứ nhất, Dưới góc độ pháp luật tố tụng hình sự:

Một là, Quy định rõ ràng, cụ thể căn cứ áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, trong đó việc tạm giữ, tạm giam chỉ có thể áp dụng đối với người có căn cứ rõ ràng cho rằng có thể tiếp tục phạm tội, trốn tránh hoặc cản trở điều tra, truy tố, xét xử; không lấy tính chất nghiêm trọng của tội phạm được khởi tố làm căn cứ duy nhất để tạm giữ, tạm giam; thu hẹp thẩm quyền bắt, tạm giữ, tạm giam.

Ba là, Nghiên cứu hủy bỏ các thẩm quyền tố tụng không phù hợp với chức năng tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng như bỏ thẩm quyền miễn trách nhiệm hình sự của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án của Tòa án; bỏ quyền điều tra của Tòa án trong giải quyết vụ án hình sự.

Thứ haiDưới góc độ bảo đảm tuân thủ pháp luật trong hoạt động tố tụng:

Một là, Hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện các biện pháp điều tra đặc biệt (Chương XVI - BLTTHS) để bảo quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân;

Hai là, Hướng dẫn trình tự, thủ tục ghi âm, ghi hình trong các hoạt động tố tụng và bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình đó;

Ba là, Hướng dẫn thực hiện Điều 298 BLTTHS về giới hạn của việc xét xử khi Tòa án xét xử về tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố…

Thứ ba, Dưới góc độ tổ chức và con người:

Một là, Hoàn thiện tổ chức cơ quan tư pháp và các cơ quan khác thực hiện các hoạt động tư pháp theo hướng tăng cường công tác cán bộ, cơ chế, chính sách; bảo đảm độc lập của hoạt động tư pháp nói chung, đặc biệt là độc lập xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm.

Hai là, Nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp của các chủ thể tố tụng, nhất là các chủ thể tiến hành buộc tội, kết án người bị buộc tội./.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Hiến pháp, NXB Chính trị quốc gia, 2013.
  2. Bộ luật tố tụng hình sự, NXB lao động, 2015.
  3. PGS. TS. Nguyễn Hòa Bình, Những nội dung mới trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, NXB Chính trị quốc gia, 2016.
  4. TS. Lê Hữu Thể, Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện hệ thống pháp luật về tố tụng hình sự bảo đảm quyền con người, quyền công dân phù hợp với Hiến pháp, Đề tài khoa học cấp bộ, Viện nghiên cứu lập pháp, Hà Nội, 2017.
  5. 5. PGS. TS. Trần Văn Độ, Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự - Khái quát các tiêu chuẩn quốc tế và quy định pháp luật Việt Nam, Hội thảo về Quyền con người trong tố tụng hình sự, Khoa Luật Đại học Vinh, 2017.

Tác giả: ThS. Bùi Đặng Thu Thủy - Giảng viên Khoa Luật và Quản lý nhà nước.
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 SINH CON BẰNG KỸ THUẬT HỖ TRỢ SINH SẢN VÀ XÁC ĐỊNH CHA, MẸ CHO CON TRONG TRƯỜNG HỢP NÀY (17/04/20)
 GIỚI THIỆU VỀ LUẬT AN NINH MẠNG ĐƯỢC QUỐC HỘI THÔNG QUA BAN HÀNH NĂM 2018 (16/02/20)
 GIỜI THIỆU SÁCH “BÀN VỀ QUỐC HỘI VÀ NHỮNG THÁCH THỨC CỦA KHÁI NIỆM” (16/02/20)
 PHÁT TRIỂN DU LỊCH THANH HÓA TRƯỚC THÁCH THỨC  CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 (16/02/20)
 VAI TRÒ CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP TÁC ĐỘNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG DU LỊCH (16/02/20)
 SỰ CẦN THIẾT ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC TUYỂN DỤNG NHÂN SỰ TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC        (10/01/20)
 QUY ĐỊNH MỚI CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH Ở VIỆT NAM (10/01/20)
 GIẢNG VIÊN TRẺ KHOA LUẬT &QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỚI CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC (10/01/20)
 Nghiệm thu Đề tài cơ sở năm 2019: chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Lan Anh (18/12/19)
 DANH SÁCH 28 DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN LĨNH VỰC BẢO HIỂM (14/12/19)
    Hôm nay 11082
    Hôm qua 16498
    Tuần này 107018
    Tháng này 390769
    Tất cả 6741089
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường