Hiển thị tin tức
NCKH
Những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp phát triển thể dục thể thao của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn hiện nay

Những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp phát triển thể dục thể thao

của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn hiện nay

Phan Hồng Thái- Trung tâm Đào tạo các môn NKTT

Tóm tắt: Thanh Hóa là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển sự nghiệp TDTT trong cả nước. Là một tỉnh đất rộng, người đông, đời sống KT-CT-VH-XH đang ngày càng phát triển. TDTT chính là thước đo thể hiện trình độ phát triển KT-XH của một địa phương. Do vậy, đẩy mạnh phát triển sự nghiệp TDTT của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay không những là nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng nhân dân mà còn trở thành đòi hỏi về công tác tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương và ngành TDTT của tỉnh.

Từ khóa: phát triển, sự nghiệp, thể dục thể thao, tỉnh Thanh Hóa

  1. Đặt vấn đề:

Khi xã hội ngày càng phát triển, thể dục thể thao (TDTT) lại ngày càng được coi trọng. Có thể nói, TDTT chính là thước đo thể hiện trình độ phát triển KT-XH của một địa phương và thiết thực phục vụ trở lại các hoạt động KT-XH, sức khỏe cho người dân. Thể thao Thanh Hóa có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây với những thành tích và sự lớn mạnh đã được khẳng định tại các kỳ đại hội thể dục thể thao (TDTT) đó là những tấm huy chương ở các giải đấu khu vực, châu lục và thế giới. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu của sự phát triển xã hội, đòi hỏi ngành TDTT Thanh Hóa phải phát triển hơn nữa nhằm khai thác tối đa tiềm năng con người xứ Thanh với một tỉnh có dân số đông lại có nhiều tố chất riêng để phát triển thể thao thành tích cao cũng như thể thao phong trào. Quan trọng hơn là làm thế nào để TDTT thấm sâu vào các hoạt động của đời sống xã hội, trở thành động lực rèn luyện thể chất, tham gia sản xuất phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh quốc phòng và nâng cao chất lượng thụ hưởng cuộc sống cho người dân. Hiện nay tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đề án phát triển TDTT của tỉnh trở thành trung tâm mạnh hàng đầu của cả nước vào năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo QĐ số: 5118/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa với mục tiêu phát triển toàn diện, rộng rãi TDTT cho mọi người, nhằm nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, tuổi thọ cho nhân dân, lành mạnh hóa lối sống của thanh, thiếu niên và tạo nguồn tuyển chọn cho thể thao thành tích cao, sớm đưa TDTT Thanh Hóa trở thành trung tâm mạnh hàng đầu của cả nước vào năm 2020, định hướng đến năm 2025 [3]. Để hiện thực hóa nhiệm vụ này, thiết nghĩ chỉ riêng ngành TDTT của tỉnh là chưa đủ mà phải có sự chung tay, giúp sức của nhân dân, tư nhân và các cấp, các ngành có liên quan thông qua những chiến lược, kế hoạch và biện pháp đồng bộ thì mới có thể triển khai đạt kết quả.

  1. Những kết quả đã đạt được trong sự nghiệp phát triển thể dục thể thao tỉnh Thanh Hóa trong những năm vừa qua

Bám sát các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác TDTT, trong những năm vừa qua, ngành TDTT tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng tốt các chương tình công tác trọng tâm, tổ chức hội nghị giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Đồng thời tăng cương công tác phối hợp lồng ghép trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ trọng tâm gắn với các phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng Nông thôn mới” và các phong trào xã hội khác. Song song với đó, công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động TDTT đã được thực hiện khá nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định, tập trung vào các giải thi đấu thể thao, các hoạt động dịch vụ TDTT, công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu xót trong quá trình triển khai thực hiện. Với sự chỉ đạo sát sao trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, công tác phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần cải thiện, nâng cao hơn nữa sức khỏe cho nhân dân cũng như phục vụ tốt sự nghiệp bảo vệ an ninh tổ quốc. Nhiều đề án, kế hoạch, văn bản về lĩnh vực TDTT của tỉnh đã được ban hành như: Kế hoạch tổ chức Lễ kỷ niệm 73 năm Ngày Thể thao Việt Nam 27/3; Kế hoạch tổ chức phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân. Kế hoạch đi cơ sở chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giải Việt dã. Hoạt động TDTT đã chú trọng gắn kết nhiệm vụ chính trị với đời sống nhân dân như các chương trình “Mừng Đảng, Mừng Xuân”, chú trọng quan tâm đến đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Những năm qua, “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân” và các giải Marathon ở Bá Thước, các lớp tập huấn nghiệp vụ cho hướng dẫn viên cơ sở về Chương trình Bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em tại Thanh Hóa được thực hiện thường xuyên, đem lại nhiều kết quả hết sức tích cực.

Trong lĩnh vực phát triển thể thao thành tích cao, chất lượng chuyên môn về công tác huấn luyện và thi đấu đã được nâng lên rõ rệt, biến Thanh Hóa trở thành một trong những tỉnh thành dẫn đầu cả nước trong các giải đấu khu vực và quốc tế với nhiều môn thế mạnh như: Điền kinh, Taekwondo, Karatedo...Trước đó, vị trí của Thanh Hóa tại kỳ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V nằm ngoài top 10 trên bảng xếp hạng. Tới Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI, Thanh Hóa đã vươn lên xếp vị trí thứ 6 toàn đoàn và tới kỳ Đại hội lần thứ VII đã vươn lên vị trí thứ 4, cao nhất từ trước tới nay. Nhiều gương mặt như: Lưu Văn Hùng, Nguyễn Văn Sỹ, Lê Thị Phương (Điền kinh), Nguyễn Văn Hùng (Taekwondo), Bùi Thị Ngân (Karatedo), Nguyễn Văn Hùng (Pencak silat)... đã trở thành những người huấn luyện, tìm kiếm các VĐV trẻ tài năng mới cho thể thao xứ Thanh nhiều năm trở lại đây. Theo báo cáo của ngành TDTT tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2019 tỉnh ta đã đăng cai tổ chức các giải thể thao toàn quốc nổi bật như: Giải Súng hơi thanh thiếu niên Toàn quốc; giải Vô địch Cầu mây Toàn quốc tại thành phố Sầm Sơn; Giải Vô địch Muay Toàn quốc; Giải Vô địch Pencaksilat miền Bắc, Bắc Trung Bộ; Tổ chức Giải Bơi – Lặn vô địch các Câu lạc bộ quốc gia khu vực I; Giải Bóng đá Hội khỏe Phù Đổng học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở toàn quốc Cúp Milo lần thứ XVI, khu vực II tại Tp. Thanh Hóa; Giải Xe đạp quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen (tính giờ) tại thành phố Sầm Sơn [1, tr 6-7]. Tính đến hết năm 2019, thể thao Thanh Hóa đã tham gia thi đấu 105 giải đạt 501 huy chương các loại (trong đó: 142 HCV, 156 HCB, 203 HCĐ) [2, tr 5]. Đã có trên 35 gương mặt VĐV xuất sắc tham gia thi đấu đạt thành tích. Nổi bật VĐV Quách Thị Lan tại Giải vô địch Điền kinh Châu Á tổ chức tại Doha, Qatar, giành HCV ở phần thi chung kết 400m rào nữ với thành tích 56”10. Đây là giải đấu tính chuẩn cho các VĐV tham dự Giải Vô địch thế giới 2019 cũng như cho Olympic Tokyo 2020; Tiếp nối thành công tại Qatar, VĐV Quách Thị Lan thêm một lần nữa khẳng định vị trí và đẳng cấp số 1 châu lục khi giành tiếp tấm HCV với thành tích 52”63 tại Giải vô địch điền kinh Grand Prix châu Á được tổ chức tại Trung Quốc. Đặc biệt, thành tích HCB của Quách Thị Lan tại ASIAD năm 2018 được công nhận là HCV (do VĐV giành HCV bị xử phạt vì sử dụng Doping). Công tác đào tạo VĐV bóng đá các đội tuyển từ U13 đến đội tuyển đã đạt được con số 150 VĐV; giành HCB giải U15 quốc gia, HCV giải U17 quốc gia; đội tuyển bóng đá Thanh Hóa trụ hạng thi đấu giải chuyên nghiệp năm 2020. Đây là những tín hiệu hết sức lạc quan trong công tác đào tạo, thi đấu và giành thành tích cao trong TDTT, đưa Thanh Hóa là một trong số ít địa phương trong cả nước có ngành TDTT chuyên nghiệp.

Công tác phát triển sự nghiệp TDTT toàn dân cũng có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Phong trào xây dựng gia đình Thể thao và CLB TDTT cơ sở được phát triển và có nhiều chất lượng. Công tác xã hội hoá bước đầu đã thu được kết quả tốt. Nhân dân tự nguyện đóng góp công sức, kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT ngày càng nhiều. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đề ra đạt và vượt chỉ tiêu: Số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 42% dân số; Gia đình thể thao đạt: 29,2 % số hộ; CLB TDTT tăng 30 CLB đạt 3410 CLB toàn tỉnh [2, tr 4]. Hoạt động thể dục thể thao trong nhà trường đã được đẩy mạnh, chất lượng các môn học thể dục thể thao nội khóa và ngoại khóa trong các nhà trường đã được nâng lên trên cơ sở chung tay phối hợp thường xuyên giữa các Sở VH,TT&DL, Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH. Kết quả là giáo dục thể thao trong các nhà trường đã đi vào nền nếp với các chỉ tiêu giáo dục thể chất nội khóa, ngoại khóa đạt được là 98%. Công tác phát triển hoạt động thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang đã hình thành các phong trào và tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong thi đua, khen thưởng hàng năm, góp phần nâng cao sức khỏe, phục vụ lao động và sẵn sàng chiến đấu cho chiến sỹ, cán bộ lực lượng vũ trang trong tỉnh. Thông qua việc khuyến khích, đẩy mạnh thể dục thể thao với các hội bảo trợ và Sở chuyên ngành như Sở VH,TT&DL, Sở LĐ-TB&XH, Hội bảo trợ NTT và TEMC đã phát triển tốt phong trào TDTT đối với người khuyết tật. Qua đó làm tốt việc tuyển lựa và lựa chọn VĐV là người khuyết tật tiêu biểu của tỉnh tham gia Hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc với nhiều bộ huy chương thuộc các môn thể thao khác nhau.

Song song với đó, việc xây dựng và ký kết các chương trình phối hợp phát triển TDTT với các ngành, đoàn thể luôn được tỉnh hỗ trợ tạo điều kiện, giúp cho phong trào TDTT của tỉnh ngày phát triển. Trong năm qua, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa cùng với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh, Báo Thanh Hóa, UBND các huyện, thị, thành phố, các tổ chức xã hội về thể dục thể thao … tổ chức thành công các giải thể thao cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, người cao tuổi, thanh thiếu niên trong các đơn vị và quần chúng nhân dân trong tỉnh. Các chương trình tiêu biểu như: chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2016-2020 đến các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh; chương trình dạy bơi cho trẻ em thuộc dự án Phòng chống đuối nước trẻ em lứa tuổi học sinh (từ 6- 15 tuổi) thuộc các huyện: Nga Sơn, Cẩm Thủy, Nông Cống, Như Thanh, Triệu Sơn và Hà Trung biết bơi thành thạo ít nhất 1 kiểu bơi theo quy định...

Công tác xây dựng cơ sở vật chất TDTT đã đạt được những chuyển biến to lớn. Các cấp, các ngành đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, TDTT của nhân dân từ tỉnh đến cơ sở, với 555 Sân vận động kích thước 60m x 90m và 1.500 sân chưa đủ kích thước; 149 nhà tập luyện và nhà thi đấu cơ sở; 4.289 Sân Bóng chuyền; 4.644 Sân Cầu lông; 2.381 Bàn Bóng bàn; 132 Sân Quần vợt; 213 Bể bơi đơn giản; 125 Sân Bóng rổ; 4.046 Sân chơi bãi tập [1, tr 3-6]. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, dụng cụ tập luyện được tỉnh, ngành quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, trang bị kịp thời phục vụ có hiệu quả cho công tác tập luyện, huấn luyện và tổ chức thi đấu các môn thể thao. Việc chỉnh trang các công trình TDTT hiện có cũng được quan tâm, tạo điều kiện, đặc biệt là sân vận động tỉnh, đảm bảo yêu cầu phát triển sự nghiệp TDTT nói chung, Thể thao thành tích cao và Thể thao chuyên nghiệp nói riêng, cũng như phục vụ các hoạt động, sự kiện văn hóa, du lịch và gia đình.

Ngành TDTT của tỉnh đã tham mưu và làm tốt công tác xã hội hóa hoạt động TDTT, nâng cao nhận thức của xã hội và người dân đối với các hoạt động nâng cao sức khỏe, chung tay đầu tư và khai thác các dịch vụ TDTT với việc hợp tác giữa tư nhân và tổ chức trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng tập, sân tập, bể bơi tổ chức kinh doanh các hoạt động TDTT. Hoạt động của các liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ TDTT đã huy động các nguồn lực xã hội hóa TDTT, đáp ứng yêu cầu xã hội như: Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Quần vợt, Liên đoàn Cầu lông, Liên đoàn Vovinam, Hội Golf, Liên đoàn Võ thuật, Liên đoàn Cờ, Hội Tâm năng dưỡng sinh... Hàng năm các Liên đoàn, Hội, CLB đã tổ chức nhiều hoạt động TDTT và hàng chục giải thi đấu thể thao phong trào với quy mô cấp tỉnh bằng nguồn kinh phí xã hội hóa với số tiền hàng tỷ đồng. Việc phát triển các mô hình kinh doanh hoạt động TDTT có điều kiện như: Bóng đá, Bơi, Môtô nước, Thể dục thẩm mỹ, Thể dục thể hình, Billiards&Snooker, Yoga và các môn võ... phần lớn các mô hình kinh doanh hoạt động thể thao trên địa bàn đều do các hộ gia đình đầu tư và làm chủ cơ sở. Đến nay đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao cho 132 cơ sở; xem xét đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư cho một số dự án xây dựng cơ sở vật chất, sản xuất kinh doanh dụng cụ, trang thiết bị TDTT.

Hợp tác quốc tế TDTT cũng được đẩy mạnh như thỏa thuận hợp tác giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn (Lào) ký ngày 24/6/2018 trong đó có hoạt động TDTT.  Phối hợp với các đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp tổ chức tốt các hoạt động thể thao có tính quốc tế, đảm bảo an ninh, an toàn góp phần tuyên truyền, quảng bá về đất và người Xứ Thanh và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự xã hội.

Công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực về TDTT được ngành TDTT của tỉnh tổ chức thường xuyên thông qua các lớp tập huấn chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ TDTT cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có tổ chức hoạt động TDTT tại Thanh Hóa. Đồng thời, tích cực cử lực lượng cán bộ, công chức, VC, HLV, trọng tài tham gia các lớp tập huấn, tham gia các hội nghị, hội thảo về phát triển TDTT do trung ương tổ chức.

  1. Một số giải pháp để nâng cao chất lượng đối với việc phát triển sự nghiệp TDTT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay

Theo kế hoạch đề ra, Thể thao Thanh Hóa phấn đấu đạt mục tiêu trở thành trung tâm mạnh hàng đầu cả nước vào năm 2020, định hướng năm 2025 [4]. Để đạt được nhiệm vụ này, cần phải tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đã đạt được trong những năm qua cũng như đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nhằm khắc phục những tồn tại để sớm đưa thể thao Thanh Hóa vào tốp 3 địa phương có ngành TDTT mạnh nhất trong cả nước. Phải kết hợp việc thực hiện đồng bộ các giải pháp từ cơ chế chính sách, công tác quản lý, công tác đào tạo cho đến thông tin tuyên truyền và xã hội hóa mạnh mẽ hơn về lĩnh vực TDTT của tỉnh.

Trước tiên cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về thể dục, thể thao, quán triệt quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và phát triển phong trào TDTT vì mục tiêu “Thể dục thể thao vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân”; tăng cường công tác thông tin - truyền thông trong cộng đồng xã hội về TDTT, về tác dụng và lợi ích của luyện tập TDTT. Nâng cao nhận thức về quan điểm, mục tiêu phát triển TDTT của Đảng và Nhà nước, bảo đảm công tác TDTT là hoạt động liên ngành, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân, trong đó ngành TDTT giữ vai trò nòng cốt; phát triển TDTT phải là nội dung bắt buộc trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm và dài hạn.

Kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ tỉnh đến cơ sở cho thể thao quần chúng, thể thao học đường, lực lượng vũ trang và các khu công nghiệp giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững về tư tưởng chính trị. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức công đoàn bồi dưỡng cán bộ chuyên trách, cán bộ công đoàn về các kỹ năng hoạt động TDTT để tuyên truyền, vận động, tổ chức phong trào tập luyện và các giải thể thao trong CNVCLĐ hàng năm. Bố trí đủ lực lượng HLV, trọng tài, HDV các cấp, đồng thời tích cực cử cán bộ, HLV, trọng tài, HDV tham dự các khóa học, tập huấn chuyên môn trong nước và quốc tế; nâng cao liên tục trình độ HLV, trọng tài lên trình độ cấp cao quốc gia và quốc tế. Có cơ chế, chế độ khuyến khích các cán bộ, HLV, trọng tài chủ động tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện và tổ chức thi đấu các giải thể thao quốc gia và quốc tế.

Bên cạnh đó, tập trung hoàn thành quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT Thanh Hóa đến năm 2020 và những năm tiếp theo; rà soát, đánh giá xác định danh mục các công trình TDTT còn thiếu, đang trong tình trạng xuống cấp, sử dụng không hiệu quả, không đảm bảo điều kiện tập luyện, để xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp, quản lý phục vụ sự nghiệp TDTT, Thực hiện chính sách mở cửa các công trình TDTT để phục vụ việc tập luyện thường xuyên của quần chúng nhân dân; ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng các công trình thể thao ở cấp tỉnh, huyện, thị trấn, xã, phường và các khu công nghiệp để tổ chức tập luyện, thi đấu và các hoạt động văn hóa xã hội khác.

Tăng cường đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng các công trình thể thao trong quần thể trung tâm TDTT, TTVHTDTT cấp huyện (gồm 3 công trình chính theo tiêu chuẩn: Sân vận động, nhà tập luyện và thi đấu, bể bơi và một số sân thể thao ngoài trời). Chú trọng đầu tư trọng điểm công trình TDTT tại các đô thị lớn của tỉnh như: Thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn, Ngọc Lặc; Bỉm Sơn, Hoằng Hoá, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Tĩnh Gia.

Đẩy mạnh và thực hiện thường xuyên cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, tuyên truyền, khuyến khích mọi người dân tham gia tập luyện TDTT với khẩu hiệu “Khỏe để xây dựng và bảo vệ tổ quốc”. Xây dựng, bồi dưỡng mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên TDTT tại cơ sở, nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động TDTT của cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các khu công nghiệp; tạo cơ hội cho mọi người, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, người khuyết tật- được thực hiện quyền hoạt động TDTT để rèn luyện sức khỏe, vui chơi giải trí và nâng cao đời sống tinh thần. Tăng cường giao lưu, biểu diễn thi đấu các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian trong các lễ hội; lựa chọn 1 số đơn vị có phong trào TDTT tốt để đầu tư thí điểm phát triển phong trào tập luyện và thi đấu TDTT tại cơ sở. Mở rộng, đa dạng hóa hoạt động thi đấu thể thao quần chúng ở các cấp độ, quy mô, loại hình khác nhau kết hợp với các hoạt động văn hóa, du lịch, lễ hội truyền thống, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia khác.

Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và thể thao trường học gắn với nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, TDTT, các cấp, các ngành, nhà trường, gia đình và xã hội. Tăng cường lồng ghép, nâng cao hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển TDTT trường học của Trung ương và của tỉnh. Phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam cho học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học; xây dựng các loại hình câu lạc bộ từng môn, hoặc nhóm các môn thể thao tại các trường học để học sinh tham gia ngoại khóa; xây dựng hệ thống thi đấu TDTT trong nhà trường, đổi mới nội dung và hình thức tổ chức Hội khỏe Phù Đổng các cấp, hội thi thể thao, giao lưu thể thao văn hóa phù hợp với các điều kiện cụ thể của từng trường, từng địa phương. Xây dựng các câu lạc bộ thể thao tại các trường học, từng bước đầu tư xây dựng các trường, lớp năng khiếu thể thao trong hệ thống giáo dục phổ thông nhằm phát hiện, đào tạo các tài năng thể thao tuyến III, IV. Thực hiện quy hoạch sử dụng đất cho hoạt động TDTT trong nhà trường các cấp theo quy định, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất TDTT cho các trường vùng sâu, miền núi khó khăn. Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và xã hội đầu tư xây dựng cơ sở vật chất TDTT trường học để tổ chức thi đấu TDTT và tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh, sinh viên.

Đảm bảo năng lực tổ chức và điều hành công tác huấn luyện thể lực, hoạt động TDTT theo các tiêu chuẩn quy định; củng cố hệ thống tổ chức, biên chế, nâng cao kiến thức nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ TDTT chuyên trách cấp trung đoàn, sư đoàn và tương đương. Nâng cao chất lượng rèn luyện thể lực của bộ đội theo tiêu chuẩn RLTT. Tập trung nghiên cứu các nội dung TDTT mang tính đặc thù của các binh chủng, quân chủng, phát triển các môn thể thao, nội dung thể thao quân sự: Chạy 3000m vũ trang, chiến sĩ khỏe, vượt vật cản; 4 môn thể thao quân sự phối hợp của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, binh sĩ; bơi mang súng, balo bao gói trang bị, võ thuật chiến đấu; tổ chức các cuộc hội thao quốc phòng và thi đấu TDTT quần chúng; phát triển các môn thể thao quần chúng: Điền kinh, bơi lội, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, quần vợt, bóng rổ và võ thuật...

Xây dựng cơ chế tổ chức, nội dung tuyển chọn và đào tạo tài năng thể thao theo hướng chuyên nghiệp; tăng cường nhân lực có trình độ chuyên môn cao cho công tác đào tạo tài năng thể thao. Hoàn thiện hệ thống đào tạo và huấn luyện VĐV thể thao thành tích cao theo 4 tuyến của tỉnh, gồm: Xây dựng các CLB thể thao cho trẻ em, học sinh tập luyện sơ bộ ban đầu ở xã, phường, thị trấn, trường phổ thông.

Tập trung đầu tư, phát triển các môn thể thao trọng điểm có khả năng đạt thành tích huy chương tại các giải quốc gia, đại hội TDTT toàn quốc và trong chương trình Olympic Games và ASIAD, phấn đấu vươn lên đấu trường châu lục và thế giới; ưu tiên những môn thể thao chủ lực, mũi nhọn, thế mạnh, chiếm ưu thế về thành tích trong thi đấu tại đại hội TDTT toàn quốc. Ngoài ra, lựa chọn, đầu tư cho một số VĐV có trình độ cao của các môn: Võ cổ truyền, Sport aerobic, Cờ vua, Kick boxing, Đấu kiếm, Bi sắt... nhằm mục tiêu gia tăng số lượng huy chương trong thi đấu đại hội TDTT toàn quốc. Đẩy mạnh tuyển chọn, đào tạo huấn luyện các VĐV có thành tích cao, xuất sắc chuẩn bị tham gia các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội thể thao Châu Á (ASIAD) và có vận động viên tham dự Olympic Games, trong đó tập trung đầu tư cho VĐV các môn thể thao trọng điểm, đặc biệt là các VĐV ưu tú có khả năng giành huy chương vàng đại hội thể thao toàn quốc, đại hội thể thao Đông Nam Á, đại hội thể thao châu Á và tham dự Olympic. Các VĐV được đầu tư với chế độ chính sách đặc thù chuyên biệt (đãi ngộ, dinh dưỡng, tập huấn, thi đấu quốc tế, mời chuyên gia huấn luyện, chăm sóc y học và chữa trị chấn thương).

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, huấn luyện và quản lý dữ liệu của VĐV trình độ cao và VĐV trẻ. Ưu tiên ứng dụng nghiên cứu khoa học, y học thể thao phục vụ nâng cao hiệu quả huấn luyện các môn thể thao trọng điểm, mũi nhọn, các VĐV trọng điểm. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác mạnh mẽ với các Viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành TDTT, các tổ chức liên quan đến hoạt động TDTT như Viện Khoa học TDTT, các trường đại học TDTT, các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, các bệnh viện trong và ngoài tỉnh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2019), Báo cáo tổng kết công tác TDTT năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020.
  2. Phòng Quản lý TDTT thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2019), Báo cáo tổng kết công tác TDTT năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020.
  3. QĐ số: 5118/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt đề án phát triển TDTT của tỉnh trở thành trung tâm mạnh hàng đầu của cả nước vào năm 2020, định hướng đến năm 2025.
  4. https://tdtt.gov.vn/en-us/article/the-thao-thanh-hoa-dat-muc-tieu-tro-thanh-trung-tam-manh-hang-dau-ca-nuoc-vao-nam-2020-dinh-huong-nam-2025

5.http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/huy-dong-cac-nguon-luc-phat-trien-su-nghiep-the-duc-the-thao

  1. http://svhttdl.thanhhoa.gov.vn/the-thao/dau-tu-co-so-vat-chat-cho-the-thao-thanh-tich-cao-con-nhieu-bat-cap

Nguồn tin: TT ĐTNK TDTT,   Tác giả: Admin
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 Phát triển phong trào Thể dục thể thao (TDTT) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay. (06/05/20)
 Họp thẩm định thuyết minh đề tài cơ sở năm 2019  (24/05/19)
Hôm nay 23
Hôm qua 756
Tuần này 1041
Tháng này 8075
Tất cả 1375167
Browser   (Today) Chi tiết >>

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO NĂNG KHIẾU CÁC MÔN THỂ THAO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

 

 @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (0237) 3953 388 - (0237) 3857 421

Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường

Email: dhvhttdlth@gmail.com - Website: http://wwww.dvtdt.edu.vn